Thứ năm, ngày 19 tháng 09 năm 2024
21:10 (GMT +7)
Bàn tròn văn chương

Đề tài dân tộc và miền núi, thế mạnh của các cây bút Thái Nguyên

LTS: Cùng với vùng đất Việt Bắc (cũ), Thái Nguyên là một tỉnh có truyền thống sáng tác về đề tài dân tộc và miền núi. Trong kháng chiến chín năm, khởi nguồn là các nhà thơ, nhà văn Nông Quốc Chấn, Bàn Tài Đoàn, Nông Minh Châu… sau hòa bình lập lại và thời kì hiện đại là Nông Viết Toại, Vi Hồng, Lạc Dương, Ma Trường Nguyên… Cho đến nay, truyền thống đó luôn được phát huy một cách tích cực. Nhiều tác phẩm truyện ngắn, tiểu thuyết viết về đề tài này đã từng đoạt những giải thưởng quan trọng ở trung ương.

Để bạn đọc hiểu rõ hơn về tiến trình, công việc cũng như những cá tính sáng tạo của mỗi nhà văn, trong số này, VNTN mời bạn đọc cùng tham gia “Bàn tròn Văn chương”, thông qua cuộc trao đổi giữa nhà văn Hồ Thuỷ Giang với một số tác giả Thái Nguyên chuyên viết về đề tài dân tộc thiểu số.

 

Xin chào các nhà thơ, nhà văn Ma Trường Nguyên, Bùi Thị Như Lan và Lã Thị Thông! Trước hết, xin cảm ơn các anh chị đã nhận lời tham gia “bàn tròn” cùng tôi. Xin phép được trao đổi lần lượt với các anh chị từng vấn đề.

Thưa nhà thơ Ma Trường Nguyên! Anh là một nhà văn có nhiều thành tựu trong sáng tác về đề tài dân tộc và miền núi. Anh có thể cho bạn đọc biết, điều gì (có thể coi như bí quyết cũng được) trở thành động cơ để anh chú tâm viết về đề tài này? Thêm nữa, theo anh, viết về dân tộc và miền núi, nhà văn cần phải có những điều kiện gì. Tôi muốn anh nói những suy nghĩ của riêng mình chứ không phải những gì đã xuất hiện quá nhiều trên sách báo.

 

Nhà văn Ma Trường Nguyên: Điều anh hỏi, đối với người viết như tôi quả thật rất thiết yếu nhưng cũng khó lý giải một cách thuyết phục với từng trường hợp cụ thể. Mỗi người viết có một “tạng”, “một gu”, cá tính sáng tạo khác nhau và cách viết cũng khác nhau. Tôi sinh ra và lớn lên trên vùng cư trú và văn hoá của dân tộc Tày - vùng đèo De, Khuôn Tát, núi Hồng. Cũng là vùng An toàn khu cách mạng, kháng chiến chống thực dân Pháp. Từ nhỏ khi biết nhận thức đã được nghe những bài hát lượn của ông nội tôi hát, những đêm làm lễ hát then Kỳ Yên giải hạn, những cuộc lượn hát đối đáp của nam nữ thanh niên hát trên nhà sàn, những ngày lễ lồng tồng. Rồi những sự kiện, câu chuyện bố tôi tham gia cách mạng theo Việt Minh tại địa phương...

Đề tài dân tộc và miền núi, thế mạnh của các cây bút Thái Nguyên
Nhà văn Ma Trường Nguyên

Tất cả như dòng suối dân ca và con người miền núi đã tràn thấm đượm vào tâm trí tôi với cả một vùng thiên nhiên tươi đẹp, hoang sơ, có lúc dữ dội sấm sét, lũ lụt tàn phá kinh hoàng, lại vô cùng hùng vĩ và bí ẩn của núi non đại ngàn, đã nuôi dưỡng tôi trưởng thành. Tôi đã từng nói: “Không phải viết như thế nào mà sống thế nào để viết. Học viết thì đã khó mà học sống càng khó hơn”. Theo tôi cũng có thể nói bí quyết ấy là biết sống thực sự, sống tích cực cuộc sống vốn có của mình để cảm nhận được cuộc sống ấy đã nuôi dưỡng cả thể chất và tâm hồn mình lớn lên như thế nào để mình trở thành một con người đích thực, chân chính và cái động cơ chú tâm cho mình viết, đó là “con tằm trả nghĩa dâu tươi” sáng tác ra thơ và tiểu thuyết để tri ân đồng bào mình, cùng quê hương, đất nước.

Thưa nhà văn Bùi Thị Như Lan, ở tỉnh ta, nhà văn Vi Hồng, nhà văn Ma Trường Nguyên là những người có nhiều thành tựu về đề tài dân tộc và miền núi. Là người viết thế hệ sau, chị có sự tiếp nhận, học hỏi hai nhà văn đàn anh này không?

Nhà văn Bùi Thị Như Lan: Trong những năm tháng ngồi trên ghế nhà trường phổ thông, tôi tiếp cận dòng văn học Xô-Viết với nhiều tác phẩm nổi tiếng như: “Đất vỡ hoang”; “Thép đã tôi thế đấy; “Sông đông êm đềm”… đặc biệt, tôi mê đắm thưởng thức những tác phẩm “Người thầy đầu tiên” “Giamilia”, “Truyện núi đồi và thảo nguyên”, “Cây phong non trùm khăn đỏ”… của Nhà văn Tchinguiz Aitmatov thuộc nước cộng hòa vùng Trung Á Kirghizia (thuộc Liên Xô cũ). Chính những tác phẩm về vùng thảo nguyên rộng lớn, đậm đà bản sắc dân tộc, phong cách sáng tác hiện đại, những thủ pháp nghệ thuật phong phú của nhà văn Tchinguiz Aitmatov đã cho tôi được tiếp cận, mở mang và mở ra hướng sáng tác của riêng mình, mang một phong cách riêng không trộn lẫn, tâm huyết về mảng đề tài “Chiến tranh cách mạng - Lực lượng vũ trang gắn với dân tộc thiểu số, miền núi” trong dòng văn học Thái Nguyên nói riêng và dòng văn học Dân tộc thiểu số toàn quốc nói chung.

Đề tài dân tộc và miền núi, thế mạnh của các cây bút Thái Nguyên
Nhà văn Bùi Thị Như Lan

Công tác trong môi trường quân đội, nên tôi biết và tiếp cận với Hội VHNT tỉnh Thái Nguyên khá muộn. Năm 2003, sau khi đoạt giải Nhì truyện ngắn của Bộ Quốc phòng (năm 1998); giải Ba truyện ngắn ( không có giải nhất) của Tạp chí Văn nghệ quân đội (năm 2002), tôi được kết nạp vào Hội VHNT tỉnh Thái Nguyên. Thật sự, lúc này tôi mới biết đến tiếng tăm nhà văn Vi Hồng, tuy nhiên, ông đã đi về cõi khác từ năm 1997, vì thế, tôi không được đọc các tác phẩm của ông. Riêng nhà văn Ma Trường Nguyên, khi đó là Chủ tịch Hội VHNT tỉnh, tôi đã đọc tác phẩm: “Mũi tên ám khói”, “Mùa Hoa Hải đường”; “Rễ người dài”… tôi đã tiếp cận tác phẩm, để tránh sáng tác trùng lặp những chi tiết, bối cảnh, sự vật, hiện tượng… mà nhà văn Ma Trường Nguyên đã khai thác và công bố trong tác phẩm. Điều tối kỵ của người sáng tác văn chương lớp sau là không được (dù vô tình) dùng chi tiết của thế hệ người sáng tác trước đây.

Thưa nhà thơ Lã Thị Thông, tôi được biết, chị tốt nghiệp sư phạm, nhưng khi ra trường lại trải qua nhiều vị trí công tác khác nhau và đến với văn chương khá muộn, so với nhiều bạn viết, chị vẫn là cây bút rất mới. Tuy vậy, chỉ khoảng đôi ba năm cầm bút, chị đã đạt được một thành quả đáng kể: xuất bản 2 tập thơ riêng, khoảng gần hai mươi tản văn, truyện ngắn đăng tải trên các báo, tạp chí, đoạt đôi ba giải thưởng văn học ở địa phương… Điều đáng nói là chị đã toàn tâm toàn ý viết về đề tài dân tộc và miền núi, một đề khó và hiếm. Xin chị cho biết vì sao chị lại chọn đề tài này và đã có những thuận lợi, khó khăn gì?

Nhà thơ Lã Thị Thông: Tôi là người đến với văn chương muộn, nhưng tình yêu văn chương nhất là về đề tài dân tộc miền núi dường như đã có trong tôi rất sớm. Sinh ra trong một gia đình mẹ người Tày Cao Bằng cha là người Kinh, nên tôi được thừa hưởng hai dòng văn hóa của hai dân tộc. Lúc nhỏ tôi đã phải giúp bố mẹ lên rừng lấy củi, hái măng, nhặt trám, làm rẫy, bắt cá suối.... Cuộc sống nhọc nhằn của những đứa trẻ vùng cao in đậm trong ký ức của tôi. Với tôi, lựa chọn đề tài dân tộc miền núi không chỉ đơn thuần là sáng tác, mà còn là gửi gắm cảm xúc cuộc sống tuổi thơ của mình, là tấm lòng của mình hướng về quê hương xứ sở, mảnh đất đã sinh thành, nuôi dưỡng tôi.

Đề tài dân tộc và miền núi, thế mạnh của các cây bút Thái Nguyên
Nhà thơ Lã Thị Thông.

Viết về đề tài dân tộc và miền núi, tôi khá thuận lợi nhưng cũng không phải không gặp những khó khăn. Là người dân tộc thiểu số, sinh ra lớn lên ở vùng núi nên tôi sẽ lựa chọn những thứ mình biết, mình thích và từng xảy ra với mình. Viết về dân tộc miền núi đòi hỏi người viết phải có vốn văn hóa vùng cao sâu sắc. Hơn nữa đề tài dân tộc miền núi đã có rất nhiều nhà văn, nhà thơ trong nước và ở tỉnh Thái Nguyên khai thác và thành công nên cái khó của tôi chính là phải tìm cách khai thác, làm mới nhân vật của mình ở những góc độ khác, tạo dấu ấn riêng. Đó là mơ ước chung của các cây bút mới như tôi.

Trở lại với nhà văn Ma Trường Nguyên. Về mảng thơ của anh, tôi có một nhận xét chủ quan như thế này: Trong toàn bộ sáng tác thơ của anh có thể chia làm hai mảng khá rõ rệt, một, đề tài dân tộc và miền núi (đặc biệt là cuộc sống, tâm hồn người Tày), mảng này là chủ yếu. Hai, ngoài ra anh còn viết loại thơ chung như các nhà thơ người Kinh. Tuy nhiên tôi và rất nhiều độc giả khác cho rằng mảng về dân tộc và miền núi của anh nổi trội hơn hẳn cả về số lượng và chất lượng. Nó làm nên tên tuổi của anh.

Nhà văn Ma Trường Nguyên: Tôi là một công dân, từng cầm súng trực tiếp đánh Mỹ xâm lược để giải phóng miền Nam thống nhất đất nước. Những bài thơ với “cái tôi trữ tình”, có độ chín, gắn bó với dân tộc của mình, thường tôi sáng tác khá nhanh và được bạn đọc tán thưởng. Còn những bài thơ với “cái tôi công dân” tôi phải viết rất lâu mới hoàn thành, nhưng xem ra lại không được bạn đọc hào hứng đón nhận nhiều. Điều đó cũng dễ hiểu, bản thân tôi đọc lại, cũng đã nhận ra. Nhưng theo tôi đó là những bài thơ có ích, cũng cần có và tôi luôn trân trọng chúng.

 Tôi còn nhớ, có lần nhà thơ Hữu Thỉnh, trong khi đăng đàn với các văn nghệ sĩ Thái Nguyên đã khen bài thơ: “Lòng đi yêu về thôi” của anh là một bài thơ toàn bích. Tôi rất đồng tình với nhận xét ấy. Anh có thể tiết lộ với bạn đọc và bạn viết Thái Nguyên về xuất xứ, cảm hứng của anh khi viết bài thơ này.

Nhà văn Ma Trường Nguyên: Nếu anh và bạn đọc muốn tôi tiết lộ thì tôi đã tiết lộ trong văn bản thơ rồi đấy: Này nhé, đã có người quyến rũ tôi, lấy mất “hồn vía” đi rồi nên tôi phải “Cả đêm hết nằm lại ngồi/ Đợi lòng đi yêu về ngủ/ Xoay ngửa nghiêng đủ chỗ/ Lăn lóc như vỏ đỗ queo”. Bài thơ này tôi đã kế thừa cách nói cách nghĩ của tục lệ dân tộc, khi trẻ con, hoặc người lớn ốm đau, khó ở, đồng bào cho là “hồn vía” đã đi chơi lang thang bị lạc hoặc bị ai đó bắt đi theo họ mất rồi. Muốn cho trẻ con, người lớn khỏi bệnh thì phải làm lễ mang mũ, áo của người ốm, khó ở đến nơi nào đó để gọi “hồn vía” về. Bài thơ “Lòng đi yêu về thôi” là tôi đã khai thác kế thừa cách gọi “hồn vía” đi yêu, làm cho thể xác quằn quại đến phát “ốm tương tư” không ngủ được. Tôi không biết bài thơ có toàn bích hay không nhưng được nhà thơ Hữu Thỉnh, được anh và bạn đọc đồng tình, thật sự tôi rất cảm kích, vì đã sinh ra được một đứa con tinh thần “mát lòng rười rượi”.

Thưa chị Như Lan, cho đến nay, thể loại chị thành công nhất là truyện ngắn. Về truyện ngắn của chị, hầu như các nhà phê bình cùng có chung một nhận định là đã phản ánh một cách sắc nét, mới lạ về không gian và con người miền núi. Nhưng không giống với một vài tác giả khác, trong con mắt của chị, dân tộc và miền núi không chỉ là rừng sâu núi thẳm, không chỉ là suối khe hiểm trở, không chỉ là những con người chân chất, bình dị… Tôi nghĩ, nhiều truyện ngắn của chị chiếm được tình cảm người đọc chính là ở chỗ tác giả đã biết biến những không gian thực tại, không gian địa lí thành những không gian nghệ thuật, ví như ở các truyện "Hoa mía", "Tiếng kèn pí lè", "Hoa sưa đỏ". Về con người, các nhân vật trong tác phẩm của nhà văn Vi Hồng, Ma Trường Nguyên hầu hết là của quá khứ, ít tiếp cận với đời sống hiện đại, còn các nhân vật của chị chủ yếu ở thì hiện tại, đôi khi được mở về phía tương lai. Đó có lẽ là một điểm khác nhau cơ bản giữa chị và các nhà văn lớp trước chăng?

Nhà văn Bùi Thị Như Lan: Trong sáng tác, điều cơ bản đối với riêng tôi, phải luôn đào sâu tư duy, suy nghĩ, tìm tòi, sáng tạo không ngừng đổi mới để bắt nhịp xu thế thời đại mới, nếu không bứt phá vươn lên thì các các phẩm sẽ đi theo lối mòn cũ sáo rỗng và nhàm chán.

Tôi nhẩn nha sáng tác chứ không sáng tác ồ ạt, lấy chất lượng là chính. Tôi luôn chỉnh sửa ngôn từ, câu chữ một cách cẩn trọng. Thường là, tôi tự mình sau khi viết xong, biên tập, chỉnh sửa kỹ càng rồi mới công bố tác phẩm. Trong sử dụng ngôn ngữ sáng tác tôi nghĩ phải chắt lọc, dễ hiểu nhưng tinh túy. Sáng tác văn chương, dường như với tôi, cực kỳ vất vả. Tôi vẫn nói vui với các bạn văn: “mỗi ngày múc một ít óc để… duy trì sự sống”, nhưng đã đam mê thì tận hiến. Điều tôi đúc kết, rút ra từ bản thân trong quá trình sáng tác là: Hãy tự tin, tự trọng trong sáng tạo văn chương. Độc lập trong suy tư, tìm tòi sáng tác, tự mình biên tập, không đưa tác phẩm của mình cho người khác đọc, góp ý và chỉnh sửa… có như vậy thì những “đứa con tinh thần” mới phản ánh thực chất tài năng của người cầm bút sáng tác.

Là nữ nhà văn hai mươi sáu năm cầm bút sáng tác, có một số thành tựu trong văn chương trên văn đàn, đến nay tôi có 15 đầu sách (tập truyện ngắn, tiểu thuyết, bút ký), đoạt được 12 giải thưởng trung ương, 3 lần đoạt giải thưởng 5 năm của tỉnh Thái Nguyên, thế nhưng tôi chưa một lần dám so sánh tác phẩm của mình với tác phẩm của các bậc nhà văn đàn anh, nhất là các nhà văn cao niên đáng kính ở tỉnh nhà là Vi Hồng và Ma Trường Nguyên. Chuyện đánh giá, so sánh tác phẩm là “đất diễn” của các nhà lý luận phê bình và bạn đọc. Thiết nghĩ, thế hệ chúng tôi đại đa số những người sáng tác văn chương nói chung, được tiếp cận với tri thức khoa học hiện đại, mở rộng tầm nhìn nền văn học thế giới, thụ cảm, tiếp thu tinh hoa sáng tạo, có độ lùi, chiêm nghiệm, quan sát, tiếp cận không gian, thời gian khá sâu sắc. Thế nên, văn chương có sự “biệt hóa” về mặt ngôn ngữ, mỹ học, tư tưởng, nghệ thuật… tạo nên sự “bứt tốc” phản ánh đa chiều trong sáng tác, mang đậm “hơi thở cuộc sống” thời đại mới – Thời đại hội nhập toàn cầu.

Xin được tiếp tục cuộc trò chuyện với chị Thông. Chị viết cả thơ và văn xuôi. Trường hợp này cũng đã từng xảy ra với nhiều người cầm bút, đặc biệt là ở những người đang "tìm đường", sau đó họ sẽ nghiêng về thể loại mà mình tỏ ra có năng lực và yêu thích hơn. Vậy chị đã xác định con đường sáng tác của mình ở phía trước chưa? Thời gian tới chị có dự định gì trong sáng tác, và đó có phải là những tác phẩm đậm đặc màu sắc miền núi và dân tộc không?

Nhà thơ Lã Thị Thông: Tôi luôn có cảm xúc đến nao lòng trước vẻ đẹp của cảnh sắc thiên nhiên vùng cao và những con người mộc mạc, nghĩa tình, chân thực... Phong tục tập quán, tín ngưỡng dân gian, đặc sản vùng miền luôn hấp dẫn lôi cuốn, tạo cảm hứng cho tôi viết các tác phẩm ở nhiều thể loại khác nhau. Với tôi viết cả thơ và văn xuôi sẽ giúp tôi chuyển tải bức tranh đời sống xã hội miền núi một cách đa chiều, đa diện và phong phú hơn. Trước thiên nhiên và văn hóa ẩm thực miền núi tôi thường viết tản văn. Lúc ấy, tôi thấy mình được sống bên cha mẹ và quê hương. Để kể về cuộc sống con người miền núi, đi sâu khám phá đời sống tâm lý của từng nhân vật tôi viết truyện ngắn. Để nói lên điều day dứt, yêu thương đồng cảm và diễn đạt ý nghĩa sâu xa hơn tôi đến với thơ. Tôi nghĩ các thể loại sáng tác linh hoạt trong tác phẩm sẽ góp phần giúp độc giả hiểu sâu hơn về cuộc sống, về con người, về bản sắc văn hóa của dân tộc miền núi.

Có lẽ còn rất sớm để tôi nói mình sẽ nghiêng về thể loại nào mà mình tỏ ra có năng lực và yêu thích hơn. Chỉ có thể nói trên con đường văn chương tôi sẽ luôn cố gắng thật nhiều để có được những tác phẩm góp phần giữ gìn những giá trị văn hóa của dân tộc miền núi và được độc giả đón nhận. Trong tương lai tôi mong muốn mình vẫn đam mê khát vọng để tiếp tục nguồn mạch đề tài miền núi, với cách khám phá, thể hiện mới, có chiều sâu hơn trong những tập thơ tiếp theo và tập truyện ngắn, tản văn…

Thưa anh Ma Trường Nguyên! Tôi thấy ở một số tiểu thuyết của anh vấn đề phong tục được đặt ra khá đậm nét. Anh có chủ trương đưa các vấn đề này vào tác phẩm của mình hay chỉ là sự trùng hợp, là sự phản ánh tự nhiên từ trong vốn sống của anh. Về chuyện này tôi từng nghĩ, tại sao nhà văn Ma Trường Nguyên, một người từ bé đến khi trưởng thành luôn đẫm mình trong đời sống văn hoá của người Tày mà không dồn sức để viết một cuốn tiểu thuyết phong tục (với ý nghĩa thể loại) về dân tộc mình. Đó có phải là một điều đáng tiếc không, thưa nhà văn?

Nhà văn Ma Trường Nguyên: Các sự kiện, nhân vật, thời gian phản ánh trong tiểu thuyết của tôi thường có ba thế hệ của một dòng họ. Tôi thường chú tâm vào nhân vật thế hệ thứ hai trong tiểu thuyết, còn thế hệ thứ nhất là điểm xuất phát những sự kiện chủ yếu thường trắc trở dồn đến thế hệ thứ hai giải quyết những vấn đề cơ bản trọn vẹn nhất, và thế hệ thứ ba là những vấn đề mới nảy sinh trong dòng chảy của dòng đời, cuộc sống cần khám phá tiếp trong tương lai. Cho nên muốn thể hiện tính cách nhân vật, các sự kiện đời sống được bộc lộ phải thông qua việc dựng lại các phong tục tập quán, các lễ hội một cách cô đọng và sinh động nhất. Mà phong tục tập quán chính là tâm hồn của dân tộc được tích luỹ và tồn tại qua thời gian có tích cực và cả tiêu cực. Vì vậy tôi chủ trương đưa phong tục thích hợp vào tiểu thuyết những chương, những đoạn phù hợp với nhân vật trong hoàn cảnh lịch sử - văn hoá thời kỳ ấy. Thực ra tôi không có chủ trương dồn sức để viết cuốn tiểu thuyết phong tục (với ý nghĩa thể loại). Và nếu có viết, liệu có đủ tâm lực, trữ lượng vốn văn hoá để hoàn thành tác phẩm ấy không? Có lẽ còn ở thì tương lai. Vì vậy những cuốn tiểu thuyết tôi đã xuất bản tôi chỉ đưa phong tục tập quán những mảng chủ yếu, tích cực đã trở thành thuần phong mỹ tục hòa vào đời sống văn hoá đương đại để được góp phần xây dựng nền văn hoá Việt Nam hiện đại.

Quay lại với nhà văn Bùi Thị Như Lan. Một điều nữa, cốt truyện, không gian, nhân vật, ngôn từ trong các tác phẩm của chị thường hướng về cái đẹp (với ý nghĩa mĩ học). Tất nhiên, chị cũng có những nhân vật, những cảnh ngộ eo le, thiệt thòi nhưng đều ánh lên một vẻ đẹp trong đau thương, mất mát. Tôi nghĩ, có được những điều đó, không chỉ nhờ vào vốn sống thông thường. Xin chị cho ý kiến về điều này để bạn đọc có thêm hiểu biết về một nhà văn chuyên viết về dân tộc và miền núi như chị?

Nhà văn Bùi Thị Như Lan: Mỗi tác phẩm văn chương ra đời là thành quả tâm huyết, đấy là những “đứa con tinh thần” chào đời từ cảm xúc chân thành, khát khao sáng tạo mãnh liệt của tôi. Trong tác phẩm, tôi gửi gắm tình cảm sâu lắng, chân thực, cảm xúc khát vọng chân thành, mãnh liệt nhất về thân phận con người với những ngả rẽ trong cuộc đời, giữa cuộc sống mưu sinh bộn bề ái, ố, hỷ, nộ. Sau mỗi câu từ, dòng chữ sáng tạo là biết bao tình yêu, sự xúc động, thăm thẳm nỗi đau… trong tâm hồn nhạy cảm của “phận” người cầm bút.

Ngày nay, khi mà đời sống của mỗi gia đình và con người, nhất là vùng núi, rẻo cao đối mặt với nhiều thách thức, bất trắc, âu lo… trong đó thiên nhiên, với sự biến đổi khí hậu khôn lường cùng nhiều vấn đề phức tạp của đời sống xã hội muôn hình vạn trạng, thì tôi nghĩ, bạn đọc mong chờ những tác phẩm đi sâu vào khai thác nội tâm nhân vật, thân phận - nơi mà tác phẩm chạm vào sâu thẳm tâm hồn, trái tim rung cảm sâu sắc.

Không riêng đối với tôi, mà bất kể nhà văn chân chính nào khi sáng tác, cũng cần tìm kiếm sự đổi mới trong bút pháp, ngôn ngữ, giọng điệu… để tiệm cận xã hội, phản ánh không gian đa chiều cuộc sống trong ý tưởng sáng tạo, tạo ra những tác phẩm giá trị cao về nội dung và hình thức. Tuy nhiên, theo tôi thì mảng đề tài dân tộc và miền núi, dù có sự sáng tạo, bứt phá về vẻ đẹp nghệ thuật hiện đại, thế nhưng yếu tố truyền thống về cơ bản vẫn mang giá trị cao, dễ được bạn đọc thụ cảm, tiếp cận hơn lối sáng tác “tây hóa”.

Tôi có thuận lợi là người được sinh ra, lớn lên trong lòng dân tộc Tày, từ thủa ấu thơ đã được tiếp xúc với dòng văn hóa đậm đà bản sắc của người Tày quê hương tôi. Tôi thường có điều kiện đi công tác liên tục các tỉnh biên giới phía Bắc, được đằm mình vào cuộc sống, văn hóa đa dạng, phong phú của người dân vùng cao, thế nên cốt truyện, không gian, nhân vật, ngôn từ… trong tác phẩm của tôi gắn liền với văn hóa, mang nét đẹp đặc trưng của văn hóa vùng miền. Có thể nói, tôi là người “từ trong lòng văn hóa dân tộc đi ra ngoài cuộc sống” quan sát, nhận diện diễn biến, thế giới quan theo xúc cảm nhân sinh quan người con của núi rừng vùng cao. Hướng ngòi bút vào sự hoàn thiện và mang vẻ đẹp bất biến bản sắc văn hóa của tộc người ở thì hiện tại, có sự tái cấu trúc đồng hành với con người và cuộc sống. Vậy nên tác phẩm của tôi thường phấn đấu vươn tới vẻ đẹp chân chất mà hoàn mỹ, của nền văn hóa đậm đà bản sắc dân tộc. Đây là yếu tố quan trọng, giúp tác phẩm của tôi “đứng” được trong lòng độc giả ngày càng yêu cầu cao trong thụ cảm văn chương.

Thưa chị Lã Thị Thông! Tôi đã đọc chị khá nhiều. Một điều dễ nhận thấy là rải rác trong các tác phẩm, của chị thường toát lên màu sắc văn hóa dân tộc Tày. Đây là một đặc điểm mà không ít các nhà thơ, nhà văn đi trước chị đã cố công tạo dựng. Nhưng sự thành công ở họ không đồng đều vì đây là một việc khó. Nhưng nếu không hiểu rõ văn hóa, đời sống vật chất và tâm hồn của đối tượng phản ánh thì chỉ có những trang viết hời hợt, nông cạn. Để thực hiện công việc này, đến lượt mình, chị đã chuẩn bị một vốn sống và các điều kiện cần thiết trong hành trang sáng tác của mình chưa?

Nhà thơ Lã Thị Thông: Vốn sống của tôi, trước hết, bắt nguồn từ nét văn hóa dân tộc trong chính gia đình mình. Bố tôi là người Kinh nhưng nói tiếng Tày như người bản địa. Các con sinh ra, ông đều cho theo dân tộc mẹ. Mẹ tôi là người phụ nữ Tày, nếp sống, phong tục tập quán của người Tày, thấm đượm trong con người bà và có ý thức sâu sắc về việc truyền dạy những giá trị văn hóa Tày cho con cháu… Tôi rất tự hào mình là người dân tộc Tày, tôi yêu ngôi nhà sàn ven núi, yêu sắc chàm, đàn tính, điệu then của người Tày. Mỗi tác phẩm của tôi luôn có bóng hình mẹ cha và những giá trị văn hóa của dân tộc mình. Hiện tại và trong tương lai, các tác phẩm của tôi sẽ tập trung ca ngợi nét đẹp của văn hóa truyền thống, giới thiệu phong tục tập quán, tín ngưỡng dân gian, đặc sản vùng miền núi thấm đượm tình yêu gia đình, bản làng... Tôi tìm lại quá khứ, gửi gắm trong đó cả thông điệp mang giá trị văn hóa, nhân văn… Đọc, nghiên cứu văn hóa dân tộc Tày, văn hóa Việt, tìm hiểu các phương pháp sáng tác của phương Tây cũng là điều hết sức cần thiết cho những người mới cầm bút như tôi.

Vâng. Một lần nữa xin cảm ơn các nhà văn, nhà thơ đã có những trao đổi rất lí thú. Chúc các anh chị luôn dồi dào sức khoẻ và tiếp tục cống hiến cho công chúng những tác phẩm có chất lượng về đề tài dân tộc và miền núi, để làm cho nó thực sự là thế mạnh của các tác giả Thái Nguyên.

Thực hiện: Nhà văn Hồ Thuỷ Giang

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy