Một thời đã từng yêu
VNTN - Cầm trên tay cuốn Tạp chí Văn nghệ Bắc Thái số 1, tôi vẩn vơ nghĩ: ra tạp chí, rồi chuyển sang báo, rồi lại trở về với tờ tạp chí vào năm 2021. Biết đâu, một ngày nào đó chúng ta lại ra báo?
Cảm giác của tôi lạ lắm khi cầm trên tay cuốn “Tạp chí Văn nghệ” số 1 do Hội Liên hiệp Văn học Nghệ thuật Bắc Thái (gọi tắt là Hội) xuất bản tháng 3 năm 1988. Xin nói thêm một chút về bối cảnh của Hội lúc đó để bạn đọc dễ hình dung. Sau nhiều năm chuẩn bị, ngày 25 tháng 7 năm 1987, Đại hội Hội Liên hiệp Văn học Nghệ thuật tỉnh Bắc Thái lần thứ nhất được tổ chức, bắt đầu hành trình văn học nghệ thuật Bắc Thái và Thái Nguyên sau này. Ngay sau khi ra đời, Hội đã bắt tay vào làm cuốn Tạp chí Văn nghệ. Số đầu tiên in xong ngày 20 tháng 3 năm 1988, khuôn khổ 19cm x 27cm, 70 trang, in 500 cuốn tại Xí nghiệp In Bắc Thái. Có thể gọi đây là ấn phẩm lịch sử, bởi lưu lại nhiều thông tin quan trọng của Hội. Đó là danh sách Ban Chấp hành khóa I gồm 13 người; Ban Thường vụ Hội gồm 5 người, do nhà văn Hà Đức Toàn làm Chủ tịch. Những gương mặt thân quen trở về trong óc tôi, họ thường xuyên đến Hội, trò chuyện, bàn chuyện văn chương, hỗ trợ biên tập bài vở. Có gương mặt đã rời xa anh em văn nghệ lâu rồi như nhà văn Vi Hồng, họa sĩ Dương Thị Nội, nhạc sĩ Đỗ Minh, nhà lý luận phê bình Lâm Tiến. Nhiều gương mặt vẫn bền bỉ gắn bó đến hôm nay như nhà văn Hồ Thủy Giang, nhà nghiên cứu văn học dân gian Nông Phúc Tước. Trong số tạp chí đầu tiên này, chỉ có hai tác phẩm mang màu sắc “thời sự - chính trị”. Đó là bài tham luận của nhà văn Hà Đức Toàn: “Quyết tâm đổi mới tư duy, đổi mới phong cách làm việc để có tác phẩm hay, và xây dựng Hội vững mạnh”. Đây là tham luận nhà văn đọc tại buổi gặp mặt của văn nghệ sĩ với đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Nông Đức Mạnh do tỉnh tổ chức. Theo yêu cầu của đồng chí Bí thư: “Các đồng chí hãy nói rõ, nói thẳng, nói thật”, các văn nghệ sĩ gạo cội của tỉnh như nhà văn Vi Hồng, Nông Viết Toại, Hồ Thủy Giang, nghệ sĩ nhiếp ảnh Trần Thông, nhà viết kịch Giang Khuê Tấn… đã thẳng thắn nói ra những giải pháp tâm huyết nhất để các văn nghệ sĩ có thể tạo ra tác phẩm văn chương đích thực. Cũng trên tinh thần đó, ông Hà Đức Toàn đã “điểm” chặng đường phát triển từ Chi hội Văn nghệ Việt Bắc trở thành Hội Văn nghệ Việt Bắc. Tuy nhiên Hội đã “biến mất” khi giải tán Khu Tự trị Việt Bắc. Bởi thế, với 64 hội viên gồm 4 chuyên ngành (Văn học, Nhạc, Tạo hình, Sân khấu), Hội VHNT Bắc Thái ra đời gánh trên vai sứ mạng lịch sử của thời kỳ VHNT mới…
Những tác phẩm còn lại trong số này thuần chất văn học - nghệ thuật. Mạnh nhất là phần thơ, có đến 21 bài; văn xuôi có 4 truyện và ký. Các thể loại khác như lý luận phê bình, tranh, ảnh đan xen hài hòa. Một số bài chạy “tít” chuyên mục như: Giới thiệu tác phẩm mới, Sổ tay người yêu thơ, Sưu tầm vốn cổ, Vui, Châm biếm. Là số Tạp chí ra vào dịp tết nên nội dung các bài đậm sắc xuân. Ngay từ bìa sách, không khí tết đã tràn ngập bởi bức tranh ba thiếu nữ (các dân tộc) ngồi trên chiếc thuyền rồng bơi trong sắc hoa đào đỏ thắm. Ngắm lại tác phẩm của họa sĩ Đặng Cử, tôi hiểu ý tưởng ông gửi gắm trong đó thật sâu sắc: Con thuyền văn nghệ dẫu gặp nhiều sóng gió nhưng sẽ cập bến xuân tươi đẹp.
Giở cuốn sách cũ ra đọc, tôi gặp lại những cái tên nổi danh một thời: Võ Nhu, Hoàng Minh Tường, Ma Trường Nguyên, Vũ Anh Tuấn, Trần Thị Vân Trung, Thế Truyền, Mai Thắng, Đặng Vương Hưng, Nguyễn Bình Phương… Mỗi tác phẩm lưu một nét tài hoa, một kỷ niệm cuộc đời của tác giả.
Sẽ là thiếu sót nếu như nói đến cuốn Tạp chí của Hội mà không nói đôi lời về cuốn Tạp chí của Sở Văn hóa Thông tin Bắc Thái (gọi tắt là Sở). Bởi lẽ, hai cuốn tạp chí như anh em một nhà. Sở dĩ tôi thấy như vậy vì năm 1986 tôi chuyển từ nghề giáo viên về làm tại Phòng Xuất bản của Sở (ông Ma Trường Nguyên làm Trưởng phòng). Phòng có nhiệm vụ giúp cơ sở xuất bản sách và ra 4 cuốn tạp chí/năm. Tôi “chân ướt chân ráo” về Phòng, ăn gạo tiêu chuẩn Biên tập viên, công việc được giao là tiếp nhận bản thảo, đưa vào nhà in, đọc bông, sửa morat, theo dõi quá trình in và nhận sách về. Tôi lúc đó tuổi ít, chưa có sáng tác nào ra hồn nên chẳng dám “thò bút” vào biên tập bài của ai cả. Cũng chính công việc vào nhà in sửa bài, nhận sách mà tôi nên duyên với anh chàng khắc gỗ “râu rậm, tóc dài, đi guốc mộc” Khắc Thiện. Cũng từ đó tên chúng tôi luôn xuất hiện cùng nhau ở trang cuối nhiều cuốn sách (phần Sửa bản in và Khắc bìa). Mặc dù cuốn tạp chí của Sở có tên “Văn hóa Văn nghệ” nhưng “dày đặc” văn, thơ, chỉ thêm vài bài nói về văn nghệ quần chúng và hai, ba tin xuất bản. Mảnh đất dụng võ của văn nghệ sĩ Bắc Thái trước khi có Hội chính là ở cuốn tạp chí này.
Sau Đại hội, toàn bộ nhân viên Phòng Xuất bản của Sở trở thành cán bộ Văn phòng Hội và cũng là người làm ra cuốn tạp chí của Hội. Nên hai cuốn tạp chí có tiếp thu và kế thừa nhau cũng là điều dễ hiểu.
Với kết cấu đơn giản, thuần chất văn nghệ nên chúng tôi làm cuốn tạp chí của Hội khá nhàn. Lực lượng sáng tác hùng hậu, bài vở gửi đến tha hồ chọn, lại thêm đội ngũ cộng tác biên tập ngoài văn phòng Hội là các nhà văn: Vi Hồng, Trần Văn Loa, Ba Luận. Mô típ trình bày bìa không có lựa chọn nào khác ngoài tranh cổ động mảng màu vẽ rõ ràng. ảnh rất hạn chế đăng bởi chi phí làm ảnh cao. Tuy thế, đọc lại cuốn tạp chí đầu tiên ấy có đôi chỗ khiến tôi “giật mình”. Ấy là Hội đã dành trang chuyên cho văn học thiếu nhi. Tác giả Lâm Quỳnh Anh (8 tuổi) “mở hàng” bằng bài thơ “Ô cửa sổ và chiếc gương tròn” với những câu thơ ngộ nghĩnh: Nhìn vào chiếc gương/ Thấy mình còn nhỏ/ Chân tay bị nhọ/ Em đi rửa ngay/ Nhìn qua ô cửa/ Bầu trời biếc xanh/ Ánh nắng mới lên/ Chiếu vào ô cửa… Điều này cho thấy Hội đã xác định xây dựng đội ngũ sáng tác kế cận là nhiệm vụ quan trọng. Thật khập khiễng nếu so sánh việc ra báo/tạp chí của Hội ngày đầu tiên với hôm nay. Nhưng có nhìn vào ấn phẩm của 32 năm trước mới thấy công nghệ đã mang lại nhiều tuyệt vời cho cuộc sống này. Đơn giản nhất là tờ giấy in không còn đen nhẻm màu giang nứa, đọc đến toét mắt nhức đầu. Máy móc và đường truyền thay tay người sắp chữ chì, thay chân người đi hàng trăm cây số chực ở các cơ sở làm phim ra ảnh. Người ngồi ở Tòa soạn chỉ việc bấm lệnh Enter là nhận báo về đúng những gì anh vẽ ra, không cần biết mặt nhà in thế nào. Những khái niệm như bát chữ (in typo), bản kẽm (in offset), chồng màu, pha mực… đã thành xa lạ với người làm in ấn hôm nay.
Cầm trên tay cuốn Tạp chí Văn nghệ Bắc Thái số 1, tôi vẩn vơ nghĩ: ra tạp chí, rồi chuyển sang báo, rồi lại trở về với tờ tạp chí vào năm 2021. Biết đâu, một ngày nào đó chúng ta lại ra báo? Dù ở diện mạo nào thì nơi ấy cũng là nơi quy tụ tài hoa và tình người. Để có lúc ai đó ngồi xem lại kỷ niệm như tôi hôm nay, cũng xốn xang nhớ thương một thời đã từng yêu
Minh Hằng
0 đã tặng
Hãy liên hệ với chúng tôi qua số điện thoại: 0988827920 (Ngô Ngọc Luận), nếu bạn có nhu cầu thưởng thức những ấn phẩm của Văn nghệ Thái Nguyên.
Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...