Thứ ba, ngày 20 tháng 05 năm 2025
12:28 (GMT +7)
VĂN NGHỆ TUỔI HOA

Lời nói dối

Trang Văn nghệ Tuổi hoa số này trân trọng giới thiệu với bạn đọc truyện ngắn "Lời nói dối" của bạn Hoàng Hương Giang. Đây là câu chuyện vô cùng cảm động về hành trình học tập vươn lên của một cô bé nhà nghèo tên Thu ở một vùng quê yên tĩnh. Nhà đã nghèo, cuộc sống của cô bé chỉ biết đến bà nội và bố. Mẹ đã bỏ lại gia đình khi Thu còn bé tí. Bố đã rất mực yêu thương, chăm chút và kỳ vọng ở Thu bằng tình yêu của cả cha và mẹ. Để cô bé có được những điều tốt đẹp nhất. Bố Thu là công nhân gang thép biền biệt xa nhà, bà nội Thu là người quanh năm làm thuê làm mướn. Chính hoàn cảnh ấy đã hun đúc, tạo thành một cô gái mạnh mẽ, đầy niềm tin ở tương lai. Vào năm học thứ ba, khi cô gái đã có thể làm thêm, kiếm tiền để trang trải việc học hành, giảm đỡ áp lực cho bố và bà nội thì người bố đột quỵ, qua đời. Ước mơ đưa bà và bố đi dạo khắp phố phường Thủ đô của cô gái còn chưa thể thực hiện cứ thế bật ra đầy thương tâm. Câu chuyện về Thu giống như một cơn nức nở buồn bã và tiếc nuối. Đọc để mỗi người biết sẻ chia nhiều hơn, cảm thông sâu sắc hơn.

 Tuổi Hoa số này còn ghi dấu sự xuất hiện vô cùng ấn tượng của bạn Dương Nhật Vân với tản văn "Chàng hiệp sỹ bố và nàng công chúa nhỏ". Cũng giống như Hoàng Hương Giang, Nhật Vân viết về bố. Nhưng ông bố trong câu chuyện của Nhật Vân là một người hùng, là một hiệp sỹ. Chàng hiệp sỹ bố không quản nắng mưa sương giá, để đồng hành, bảo vệ, che chở và yêu thương con gái mình, nàng công chúa nhỏ Minh Anh. Bố đã cùng con đi hết mười năm học, đến tận khi chuẩn bị bước vào giảng đường đại học và tự con nhận thấy, mình phải tự lớn lên rồi. Giọng văn của người được yêu thương luôn toát đầy sự tự tin, niềm hạnh phúc và giàu sức lan tỏa.

Cũng trong số này, Văn nghệ Tuổi hoa trân trọng gửi tới bạn đọc chùm thơ ba bài của bạn Lưu Hà Linh. "Người luôn mong được trông thấy ánh sáng/ Vốn đã từng bị bóng tối bao vây/ Đâu đó trong ta/ Vẫn là những khoảng trống/ Không thể lấp đầy/ Bởi đồng tiền không mang hơi ấm/ Nhưng vá được chiếc áo rách trong đêm" - Tin được không, khi đó là những câu thơ được một bạn gái mới mười sáu tuổi. Và đó cũng là một trong số rất nhiều những câu thơ rất đẹp của bạn Hà Linh. Thơ là khúc ru của tâm hồn, là thuốc xoa dịu của vết thương. Nhưng thơ cũng là người bạn đồng hành luôn đánh thức ta bằng những chất vấn và đòi ta phải có một câu trả lời thỏa đáng. Thật thú vị khi nhận thấy ngôn từ của bạn Hà Linh đều ẩn chứa thêm những tầng nghĩa. Bạn ấy sáng tác một cách nghiêm túc và chững chạc nhưng câu từ không vì thế mà bớt đi sự mềm mại tự nhiên.

Mời bạn đọc cùng hòa vào những cảm xúc của các tác giả trẻ.

Nhà văn Tống Ngọc Hân (giới thiệu)

 

Lời nói dối

Ôi nước ở đây đắt thế con! Bằng yến ngô bố mua cho gà rồi đấy. Bố khều khều vào tay tôi nói khẽ. Nhìn bố ngạc nhiên trước bảng giá nước ở quán cafe mà tôi ngậm ngùi nhận ra. Hình như chưa bao giờ bố dành cho mình lấy vài phút để tận hưởng cả. Khi nào bố cũng xuất hiện trong tầm mắt tôi với trạng thái đang làm việc. Từ ngày mẹ bỏ hai bố con tôi đi vì cái nghèo, bố lăn lộn đủ nghề để nuôi một đứa bé mới chập chững biết đi, bi bô gọi bố. Mới chỉ học hết cấp một, chữ viết chẳng đúng chính tả, bố chỉ còn cách bán sức lao động lấy một bữa no bụng cho hai bố con và bà nội ở nhà. Gia tài của gia đình tôi khi ấy chỉ vẻn vẹn căn nhà cấp bốn lụp xụp của bà nội và hai sào ruộng. Mẹ bỏ đi khi tôi còn bé tí. Có những đêm nhớ mẹ quá tôi cứ hỏi bố:

- Bao giờ mẹ mới về hả bố?

Lúc ấy bố chỉ biết xoa đầu tôi rồi cười an ủi:

- Sắp rồi, mẹ sắp về với bố con mình rồi!

Suốt những ngày bé bố vẫn hay nói dối tôi thế, khi bảo mẹ đi làm xa, khi lại nói mẹ đi tìm quà cho Thu. Có những đêm chờ tôi ngủ, bố lạch cạch nắn nót từng chữ một để viết thư nhét vào con búp bê mãi bố mới mua được rồi đóng vào hộp gửi cho tôi. Tôi vui lắm, cứ ngắm nghía đọc mãi rồi ôm ấp búp bê vào lòng. Từng ấy năm sinh nhật tôi là từng ấy bức thư bố gửi, bố không muốn để tôi thiệt thòi so với chúng bạn khi là đứa bé không có mẹ...

Bitmap in 30-31.cdr
 Minh họa: Vũ Thị Thảo Uyên (13 tuổi)

Bố kể hồi ấy, sữa cho trẻ con đắt lắm, bố đi làm không đủ tiền mua. Tôi đói quá khóc khàn cả cổ, bố đành nấu lấy nước cơm đút cho tôi ăn từng thìa một. Kí ức của tôi là những đêm hè oi ả, bố bê cái võng đã xỉn màu ra đầu hè quạt cho tôi ngủ trong câu hát ru khàn khàn của người đàn ông đang diễn vai làm mẹ. Lớn hơn một chút, tôi đi học mẫu giáo. Trong khi các bạn được tết tóc gọn gàng với nơ hồng, nơ đỏ và những chiếc váy xinh xinh thì ở giữa lúc nào cũng có một cô bé tóc một bên cao một bên thấp, áo đút trong quần trông ngố đến lạ. Là những chiều cùng bà nội mò cua bắt ốc, lên rừng quét lá khô nhấn chặt vào cái bao nhỏ để có chỗ chồng thêm được mấy bó củi đem về thổi cơm. Bóng tôi bé nhỏ đi bên cạnh bóng bà nghiêng dài trên con đường đất xuống đồi. Về sau bố tôi xin được làm công nhân tại khu công nghiệp luyện gang nên bố tôi đi miết. Có những tối, tôi và bà chờ dài ở hiên mãi chẳng thấy bố về, đôi mắt bé xíu cứ díu lại rồi lại mở căng ra trông chờ bóng dáng quen ở đầu ngõ. Bà nội kêu tôi lại nằm gối lên đùi mà ngủ. Tôi cố hé mắt ra dặn bà.

- Tí bố về bà nội nhớ gọi Thu dậy nhá!

- Ừ con ngủ đi tí bố về bà sẽ gọi!

Bà quạt phe phẩy, vuốt tóc tôi với ánh mắt âu yếm và yêu thương.

***

Bà nội thường nói, bố tôi vụng trong việc chăm con nhưng dù vụng đến mấy, tình yêu của bố dành cho tôi vẫn rất rõ ràng. Người ta có thể gọi bố là anh nông dân cục mịch, một người công nhân Gang Thép khô khan nhưng với tôi, bố là tuyệt nhất, là chỗ dựa vững chãi và ấm áp nhất của tôi. Suốt chừng ấy năm tôi lớn, chưa bao giờ bố tôi quá chén mà về quát mắng tôi. Tôi từng tò mò hỏi bố. Bố không thích uống rượu à? Bố cốc nhẹ vào trán tôi. Rượu bia chi hại người!

Ở cái làng cơm còn chẳng đủ no như quê tôi, thấy một người như bố là rất hiếm. Lúc nào bố cũng động viên tôi học tập. Cố học đi con gái. Nay mai con lớn khôn, kiếm nhiều tiền đón bà với bố lên thành phố sống cho biết Thủ đô. Tôi gật gù. Nhất định rồi, bà và bố hãy đợi con.

Tuổi thơ tôi cứ quẩn quanh trong cái xóm nhỏ bình yên ấy. Mãi đến khi tôi mười sáu, cái tuổi ẩm ương chưa lớn cũng chẳng còn bé nhỏ. Tôi dần muốn khám phá thế giới bên ngoài với chúng bạn. Cùng con xe đạp cà tàng của bà nội, tôi rong ruổi khắp các con phố, mấy thứ ánh sáng lấp lánh lờ mờ của đèn đường thu hút tôi đến khó cưỡng. Nào tiếng rao của mấy cô bán bánh, tiếng đùa cười đùa, quần áo thời trang của mấy cô cậu cấp ba hút mắt tôi lắm. Càng ngày, tôi lại càng bị cuốn theo nhịp sống của thành phố. Tôi ít khi về ăn cơm với bố và bà nội. Những câu nói cũng ngắn dần rồi đến một ngày chợt im bặt. Chẳng còn những tiếng cười khúc khích của đứa nhỏ hay liến thoắng kể về ngày hôm nay của nó như nào, cũng chẳng còn thấy cái đuôi nhỏ tí, bám lấy bà nội lên đồi chè bát ngát nữa.

Bố thấy nó thế cũng đâm ra buồn mà nghĩ vẩn vơ. Vì cứ hễ muốn nói chuyện là tôi lảng đi nên bố cũng chẳng nói gì được. Hôm ấy, bố được về sớm, mua nào là thịt, nào cá vào thổi cơm từ sớm: Chà! Nay cái Thu chắc thú lắm đây, toàn món nó thích mà.

Bố vui lắm, vừa nấu vừa hát nghêu ngao. Nấu xong xuôi, bố lấy cái áo mới cất kỹ trong tủ ra diện. Nhưng vì ngượng ngùng nên lại đổi sang chiếc áo bộ đội đã phai hết màu. Ngồi bên hiên, cơm canh đã nguội cả. Bố chờ tôi về ăn cơm, chốc chốc lại đi ra cổng ngóng ra ngõ. Nghe tiếng xe lạch cạch bố hớn hở chạy ù ra.

- Anh Minh đấy à! Nay em làm nốt cái ruộng, chứ nhiều cỏ quá!

Hóa ra là cô Lan hàng xóm. Cô chắc từ ngoài đồng về. Mặt bố thoáng buồn hẫng hụt những vẫn tươi cười chào lại. Quay vào sân, bố lẩm bẩm một mình. Sao giờ này cái bé chưa về nhỉ? Sáu rưỡi rồi. Một lúc sau, có tiếng cười đùa của bọn trẻ con đi học về vọng đến, bố vội đi dép, đứng ở sân trông ra đường. Một đứa, hai đứa rồi ba đứa đi qua nhưng vẫn chẳng có tôi trong đó. Bố đứng đó trầm ngâm hồi lâu rồi quay lại chờ bên mâm cơm.

Nay bà nội tôi lên chợ tỉnh bán mấy cân chè khô chưa về, căn nhà trống vắng đến lạ, chỉ còn ánh đèn ở sân hất ra tán lá cây vú sữa đong đưa. Bố vào nhà lôi mấy cái ảnh của mẹ ra nhìn, bức ảnh đen trắng đã cũ mèm. Mẹ tôi đẹp lắm, gia đình lại có điều kiện, khó khăn lắm bố tôi mới lấy được mẹ. Bố được thuê làm công bên ấy. Độ thanh niên mà, tình yêu ấy là khoảng thời gian đẹp nhất đời của một chàng trai mới lớn. Họ cứ bên nhau, mặc kệ lời ngăn cấm, mẹ vẫn quyết cưới người mình yêu. Nhà bố thì nghèo, cả căn nhà vẻn vẹn có cái sập gỗ đa cũ và chỉ đủ làm một cái lễ cưới nho nhỏ rồi sinh ra tôi nhưng cái nghèo mãi chưa dứt ra được.

Tình yêu của thời thanh thiếu chẳng đủ để chống chọi lại cái nghèo cái đói. Đêm đó trời tối đen như mực. Mẹ xách cái túi xếp sẵn đồ lên xe và rời đi. Những bức ảnh cũ càng, loang lổ vì hơi tay người chợt nhòe trong mắt bố. Có lẽ bố đã đắm chìm trong quá khứ ngọt ngào khi còn bên mẹ, nên bố chẳng thể thấy tôi về. Tôi đứng sững ở sân, lần đầu tiên tôi thấy bố khóc, lòng tôi thắt lại.

- Con ra đây tí nghe bố.

Bố giật mình lau nước mắt.

- Ở nhà ăn cơm rồi hẵng đi con, bố hâm vù cái là xong!

Tôi vụt chạy đi. Chạy mãi rồi cũng đến đường lớn. Tôi ngồi trên bãi cỏ cạnh đó, nhìn từng chiếc xe đỗ lại đón người ở làng rồi đi xa dần. Tôi giận vì mẹ bỏ bố con tôi đi nhưng cũng thương vì cái làng này quá nghèo khiến mẹ không trụ được. Tôi không hận mẹ, vì trong kí ức của tôi chẳng hề có bóng dáng mẹ. Mẹ chỉ xuất hiện trong giấc mơ nhà nhòa và qua lời kể của bà nội thôi. Làn gió hiu hiu thổi vào mái tóc mềm của tôi, xoa dịu tâm trạng của đứa nhóc mới lớn, nó nhắc tôi phải làm một cái gì đó cho những người tôi yêu.

Suốt những ngày sau đó, thú vui của mấy bạn là đi uống trà sữa, lên phố chơi thì lúc này thú vui của tôi là đạp xe thật nhanh về nhà, phụ bà chăn đàn gà, nấu bữa cơm thật ngon đem lên đồi cho bà nội. Bà bảo trưa bà không về để hái cho kịp, chè quá lứa lại nhỡ người ta. Giữa cái nóng như thiêu như đốt, bà vẫn cặm cụi hái từng búp chè, bàn tay bà sạm đen đi vì nhựa, mồ hôi nhễ nhại nhưng lúc nào cũng hớn hở khoe với mọi người. Cháu gái tôi đấy, lớn lên xinh đáo để mấy cô nhỉ?

Tôi thương bà lắm, nhà tôi không có đồi chè như người ta, đã ngoài bảy mươi nhưng ngày nào cũng thế, bà đi từ mờ sáng cho đến tận tối muộn mới về. Cứ nhà nào thuê là bà lại đi làm. Dù công xá thời ấy được ít lắm. Thế nhưng thi thoảng bà vẫn dành dụm cho tôi mấy đồng ăn sáng, hay có dịp lên chợ tỉnh lại mua cho tôi cái kẹp tóc mới.

Đưa cơm cho bà xong, tôi chờ bố về. Bố tôi làm công nhân luyện gang ở trên thành phố. Nghề mà lúc nào cũng tiếp xúc với cái nóng hừng hực của thép nung, tiếng ồn nhức óc của máy cắt. Hễ về đến nhà là người bố cũng lem luốc, da bố sạm đi vì nhiệt nhưng lúc nào cũng tươi cười hỏi han xem ngày hôm nay của tôi như nào, thi thoảng lại mua cho tôi cái bánh, cái kẹo để tôi ăn khuya mà lấy sức học bài. Bố là vậy đấy, cả đời bố chỉ có nội và tôi.

***

Rồi cũng đến ngày bố chờ được giấy báo trúng tuyển đại học của tôi. Bố chạy lên đồi khoe với bà nội rồi đi hết làng trên xóm dưới, gặp ai ba cũng hớn hở. Cái Thu nhà tôi ấy, nó đỗ đại học rồi các bác ạ! Chẳng cần biết người ta nghe kịp không bố liền vụt chạy đi. Vui là thế nhưng bên cạnh còn hàng trăm nỗi lo về học phí của tôi ở Hà Nội. Tối đó, bố lôi ra cái hòm sắt con ở trong tủ, bên trong là mấy cọc tiền mệnh giá vài chục nghìn mà bố dành dụm bấy lâu nay. Chừng này tiền chắc không đủ rồi, mấy nữa con xem để thêm cho nó lên thành phố. Chắc phải bán thửa ruộng đi u ạ. Ánh mắt bố buồn buồn vừa nhìn bà nội tôi vừa nói. Bà tôi gật gù không nói gì. Tôi nép sau cánh cửa cũng trầm ngâm. Bao nỗi lo đổ dồn lên người bố mà tôi thấy nhọc quá. Tôi rụt rè lên tiếng. Hay con làm đơn xin đóng học phí muộn nhé bố, ở trên con làm thuê cho người ta lấy tiền đóng sau cũng được. Bố ngắt lời tôi. Không được, cái đuôi nhỏ của bố mới chập chững vào đời làm sao kiếm được khoản tiền lớn như vậy. Ở trên con cứ chăm chỉ học là được, bố vẫn lo được cho con. Nghe đến đấy lòng tôi thắt lại, quyết tâm thoát khỏi cái nghèo càng lớn hơn.

Tối trước ngày tôi lên thành phố, bà nội dúi cho tôi mấy trăm tiền lẻ, căn dặn tôi kĩ lắm. Bố chẳng giỏi thể hiện tình cảm nên cứ ngồi mãi trong phòng, đến tận sáng hôm sau lúc tôi sắp lên xe, bố đạp thật nhanh, mồ hôi đầm đìa, ra bến đưa cho tôi chục trứng rồi ôm tôi vào lòng. Lên trên đó nhớ ăn uống đầy đủ, được nghỉ thì về với bố, với bà nghe con.

Chiếc xe vút đi xa dần để lại bố và bà nội ở lại dõi theo mãi sau lũy tre. Ở Hà Nội, sau giờ học tôi đi bưng bê ở quán ăn, người ta thuê bốc vác ở kho tôi cũng làm. Tôi không dám than mệt bởi ở quê bố còn phải đi chăn bò thuê sau giờ làm, nội còn phải đi hái chè cho người ta dưới cái nắng gần bốn mươi độ. Lên năm ba, tôi xin đi làm thực tập sinh với mức lương ổn hơn trước đây rất nhiều.

Lần đó, tôi về thăm nhà, tiện thuê xe đón nội và bố lên chơi vài hôm. Tôi dẫn bố với nội đi cafe, bố cứ khen quán ở đó sạch sẽ, rộng quá, đẹp như trên phim ý. Đi ngắm phố phường, bà ngạc nhiên xen lẫn thích thú: Chưa bao giờ bà được đặt chân ra đến ngoài này cả, Hà Nội đẹp quá. Ba người chụp chung một tấm ảnh kỉ niệm ở Hồ Gươm. Tôi hứa sau này khi ra trường sẽ dẫn bố và nội đi nhiều nơi hơn nữa.

Nhưng còn chưa kịp thực hiện thì đã không thể nhìn thấy nụ cười hằn dấu chân chim của bố, không còn cơ hội để ăn những bữa cơm tươm tất bố nấu mỗi khi tôi về nhà nữa. Giây phút nghe tin báo bố mất vì đột quỵ, cả thế giới quanh tôi bỗng im lặng đến lạ thường, những kỉ niệm của hai bố con như cuộn phim từ từ hiện lên khiến tôi sụp đổ. Mất bố, tôi đã mất đi một chỗ dựa tinh thần vững chắc nhất trong đời. Hôm lễ tốt nghiệp, tôi đón nội lên thành phố. Nội chẳng còn thích thú nhìn ngắm phố phường nữa, chỉ lẳng lặng ngồi trong xe. Ai ai cũng cười vui vẻ bên gia đình, còn tôi chụp ảnh với nội, với các bạn được một lúc liền trốn vào một xó ngồi xuống, lấy ảnh bố ra ngắm nhìn. Nội ngồi cạnh tôi, hai bà cháu cùng khóc.

Bố ơi! Giờ con có thể lo cho bố, cho bà rồi mà, sao bố bỏ con đi sớm thế? Tôi nghẹn ngào lẩm bẩm. Giá như mình có cơ hội gặp lại bố, để nói lời cảm ơn và đưa bố đi chơi một lần khắp cả Thủ đô này, thực hiện lời hứa đón cả nhà mình lên Hà Nội ở nữa chứ. Nhưng cuộc sống thì làm gì có hai chữ giá như..

Truyện ngắn. Hoàng Hương Giang

 

Chàng hiệp sỹ bố và nàng công chúa nhỏ

15 giờ 30 phút, ngày 28 tháng 6 năm 2024. Tiếng trống vang lên kết thúc chặng đường mười hai năm đèn sách của các sĩ tử: “Phần thi kết thúc. Đề nghị tất cả thí sinh dừng bút và chuẩn bị nộp bài”.

xxxxxxxxxxxx
Minh họa: Vũ Thùy Dương (12 tuổi)

Từ những bước chân chập chững lao vào vòng tay bố, giờ đây đã thành những sải bước dài lao ra khỏi cổng trường hướng về phía người thân của mình. Từng chặng đường mà Minh Anh bước qua luôn có bố đồng hành, từ đường đến trường hay đường đến lớp học thêm, dù ngày nắng hay ngày mưa, nơi đâu có bước chân nhỏ bé của Minh Anh người ta sẽ thấy bóng dáng to lớn của người bố.

Còn nhớ vài tháng trước kì thi tốt nghiệp cấp ba, những ngày nắng oi ả làm chùn bước các cô cậu học sinh cuối cấp. Ngoài những lời than vãn về trường lớp, về bài tập, về thời tiết gắt gỏng thì Minh Anh và những người bạn của mình cũng chỉ biết làm bài tập, củng cố kiến thức và luyện đề. Một ngày của Minh Anh lặp đi lặp lại theo trật tự: học, ăn, đến trường, về nhà ăn, lên trường học, học lớp bồi dưỡng rồi về nhà học. Những chuỗi ngày ấy làm Minh Anh mệt mỏi, chán nản lắm. Mỗi lúc như vậy, bố lại động viên Minh Anh, làm một đĩa đồ ăn ngon, pha cốc nước mát và bật bài nhạc Minh Anh thích. Những buổi tối đèn sách luôn có sự hiện diện của cốc sữa, đĩa hoa quả mà mẹ làm, có những lời dặn dò, khích lệ của bố. Quá trình chạy nước rút ấy không chỉ có mồ hôi nước mắt của sĩ tử mà còn có sự kiên trì của các bậc phụ huynh, có ánh mắt mờ dõi theo của người làm cha làm mẹ. Và cũng chính những người thân sinh ấy dắt tay Minh Anh đến trường và gửi tặng những lời chúc tốt đẹp nhất.

Hai ngày thi ngắn ngủi bào mòn công sức của các sĩ tử nhưng cũng là thời gian gửi cho thời thanh xuân của mình một câu trả lời xứng đáng nhất. Minh Anh đã trân trọng từng giây phút trong phòng thi, cẩn thận từng nét chữ để viết đáp án với hy vọng nhận được một kết quả khiến bản thân mình hài lòng. Tiếng trống trường vang lên – tiếng trống cuối cùng mà Minh Anh được nghe với tư cách là học sinh, Minh Anh khẽ trầm ngầm nhìn ra mái ngói ngôi trường đã đồng hành cùng mình trong ba năm vừa qua và nhớ lại từng khoảnh khắc đẹp. Có chút bồi hồi, xúc động nhưng hơn hết, ngoài cánh cổng kia là hình ảnh người bố đang đợi Minh Anh dưới cái nắng gay gắt. Còn nhớ ngày đầu tiên đưa Minh Anh đến ngôi trường thân thương này, bố dừng lại ở chỗ đó kèm theo câu nói: “Thi tốt về ăn cơm bố nấu nhé!”. Và hôm nay, kết thúc quãng đời học sinh, bố vẫn đứng đó đợi Minh Anh. Minh Anh nhanh chân chạy ra khỏi cổng trường đến bên bố mình và nghe bố nói: “Chà, cô nhóc này có muốn uống cốc cà phê này hay không nhỉ?”. Lúc ấy Minh Anh vẫn còn nghe thấy tiếng tràng pháo tay giòn giã từ những em làm tình nguyện. Minh Anh thầm nghĩ: Thật giống khán giả vỗ tay khi cô công chúa nhỏ hoàn thành sứ mệnh và trở về bên chàng hiệp sĩ của mình hay sao? Từ nhỏ bố đã là hiệp sĩ của Minh Anh, còn Minh Anh là công chúa của bố. Minh Anh từng hỏi tại sao lại thế thì bố nói rằng: Chàng hiệp sĩ này chỉ có một nhiệm vụ là bảo vệ cô công chúa nhỏ, còn Minh Anh sẽ là cô công chúa nhỏ của chàng hiệp sĩ Bố. Nếu bố là nhà vua thì bố sẽ không chỉ có nhiệm vụ là bảo vệ công chúa mà bố còn phải bảo vệ mọi người nữa. Vậy nên nếu sau này con muốn làm Nữ hoàng thì con cứ làm, bố sẽ ở sau bảo vệ con. Cũng từ đó trở đi mà cô công chúa nhỏ ấy luôn sẵn sàng tiến bước bởi cô biết đằng sau luôn có chàng hiệp sĩ bảo vệ mình.

Hành trình mười hai năm khép lại, Minh Anh lại bắt đầu cho hành trình mới, Minh Anh tham gia trại hè, đi làm tình nguyện, học thêm kĩ năng mới và bắt đầu công việc đầu tiên của mình. Những ngày đầu sau khi thi tốt nghiệp trung học phổ thông quốc gia, Minh Anh có chút hụt hẫng, thói quen luyện thi dần được xóa bỏ, những buổi sáng sớm giật mình tỉnh giấc rồi lại ngủ tiếp hay những đêm ngủ muộn vì chưa quen ngủ sớm. Nhưng rồi thời gian dần trôi, Minh Anh cũng nguôi ngoai những cảm xúc luyến tiếc ấy, bố cũng không còn có thể đi theo Minh Anh được nữa. Nếu ngày xưa bố là tài xế đèo Minh Anh đi học, đi chơi, thì giờ đây bố trở thành đầu bếp đợi Minh Anh về ăn, đợi Minh Anh về kể cho bố nghe hôm nay Minh Anh đã trải qua những gì, có gì thú vị xảy ra. Bố không thể làm tài xế, bố trở thành đầu bếp nhưng bố vẫn luôn là hiệp sĩ của cô công chúa nhỏ. Mỗi khi Minh Anh gặp chuyện gì, dù là trời nắng chói chang hay trời mưa tầm tã bố luôn xuất hiện, giải quyết rắc rối giúp Minh Anh rồi lại nghe Minh Anh mè nheo, nịnh mình. Quả thật dù Minh Anh lớn đến đâu, trải qua những gì thì bố luôn là chỗ dựa, là nơi mà Minh Anh luôn có thể thể hiện những cảm xúc trẻ con nhất.

Trầm ngâm nghĩ về một tháng tới, khi Minh Anh sẽ xa nhà đi học đại học, lúc đấy ai sẽ “cứu” Minh Anh lúc Minh Anh gặp rắc rối, ai sẽ chỉ đường cho Minh Anh, ai sẽ nghe Minh Anh luyên thuyên về những câu chuyện trên trời dưới biển? Minh Anh nghĩ mình cần phải lớn rồi, phải tự mình giải quyết khó khăn, phải tự mình dò đường, phải học thêm nhiều điều mới thật nhanh,… Và khi nào mệt mỏi quá Minh Anh sẽ về ăn cơm bố nấu, uống cà phê cùng bố và kể chuyện trên lớp, chuyện bạn bè, chuyện bài học. Chợt Minh Anh cảm thấy háo hức, mong chờ tương lai hơn, mong ngóng những câu chuyện mới để kể với bố. Phía trước dẫu có khó khăn thì cũng là hành trình mình đã chọn trước khi đến với thế giới này, Minh Anh tin hành trình đó sẽ khiến bố mẹ tự hào, khiến mình có thể trở thành người lớn uống cà phê bên cạnh người bố nghiện trà của mình.

Tương lai thế nào Minh Anh cũng đã sẵn sàng. Bàn trà của bố hãy chuẩn bị tinh thần có thêm cốc cà phê của Minh Anh. Chàng hiệp sĩ ấy hãy đợi cô công chúa nhỏ đến ngồi cùng đàm đạo chuyện nhân gian. Những câu chuyện trong cuốn sách “Cuộc đời của Minh Anh” sẽ dần xuất hiện và trải dài theo lời trò chuyện của hai bố con.

Tản văn. Dương Nhật Vân

 

Kể về ba

 

Là dòng chảy tách thành con

Là điểm tựa của tình yêu và sức sống

Ba - là lòng sông khô cạn

Con - là cơn mưa đáp xuống nơi ba

 

Đặt con vào trong lòng

Ba kể con nghe về cuộc đời

Là những khối đa diện

Khi người đời chỉ muốn

                 nhìn vào mặt u sầu sắt đá

Hãy để họ thấy niềm tin

                         vẫn tồn tại trong con

Là bài học về niềm tin

Vốn chỉ như ngọn đèn trước gió

Nhưng không ai sống chỉ để hoài nghi

 

Nước mắt vốn không yếu đuối

                                            như con nghĩ

Chỉ đơn giản là nỗi buồn đã vừa tan ra

Nhưng một ngày khi thấy ba bật khóc

Con nhận thấy đôi tay mình vụng về

Sao để khéo lau đi giọt nước mắt

Khi chính con là nỗi buồn của ba…

Con nhận ra mình không còn nhỏ bé

Là khi ba đã để con tự bước đi

Tấm bản đồ con đã tự vẽ

Và cảm nhận trên chính đôi chân con

Những bước đi

                     hướng về chân trời xa lạ

Nhưng mũi tên luôn quay trở về nhà.

 

Nụ cười

 

Người luôn gắn trên môi nụ cười

Nhưng tim vẫn ghim vài mảnh vỡ

Người luôn mong được trông thấy

                                                    ánh sáng

Vốn đã từng bị bóng tối bao vây

Đâu đó trong ta

Vẫn là những khoảng trống 

                                        không thể lấp đầy

Bởi đồng tiền không mang hơi ấm

Nhưng vá được

                       chiếc áo rách trong đêm

Chờ khi bóng tối đã buông

Đoàn người ồn ào trôi mất

Ta mới tháo bỏ những nụ cười buồn nhất

Ôm suy tư đã chất đầy từ lâu

Quả đất tròn

Và điểm G cho chúng ta gặp mặt

Là sự đồng cảm của kiếp người bất hạnh

Ta nhìn nhau và chào nhau

 vẫn bằng những nụ cười…

 

Ký ức

 

Tôi thấy mình trở về miền kí ức

Của những tháng năm xa

 

Là trò chơi đuổi bắt

Đan bàn tay rong ruổi mọi nẻo đường

Ngọn cỏ mềm còn ướt đẫm sương đêm

 

Là những ngôi nhà lụp xụp giữa cánh đồng

Tàu chuối xanh đón mưa hứng nắng

 

Là những tiếng cười giòn

Tan trong cơn mưa đầu hạ

Vui đùa như là bất tận

Nắng gió mưa sương đốt cháy màu da

 

Là cả một bầu trời hy vọng

chẳng có chút ưu tư

Những trái tim nguyên lành

Mặc thái thế thái nhân tình

 

Là bóng tôi trên mặt nước hồ xanh

Hễ chạm vào là tan ra

giật mình, bừng tỉnh...

Kí ức là quá khứ đã xa.

Chùm thơ của  Lưu Hà Linh (Nguyệt)

 

 

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy

Cùng chuyên mục

VĂN NGHỆ TUỔI HOA SỐ 7 (2025)

Văn nghệ Tuổi hoa 1 tháng trước

VĂN NGHỆ TUỔI HOA SỐ 5 (2025)

Văn nghệ Tuổi hoa 2 tháng trước

VĂN NGHỆ TUỔI HOA SỐ 21

Văn nghệ Tuổi hoa 5 tháng trước

VĂN NGHỆ TUỔI HOA SỐ 20

Văn nghệ Tuổi hoa 6 tháng trước

VĂN NGHỆ TUỔI HOA SỐ 18

Văn nghệ Tuổi hoa 7 tháng trước