
Góc biếm họa số 5 (2025)

Chuyên mục Văn nghệ tuổi hoa kỳ này xin trân trọng giới thiệu với bạn đọc truyện ngắn của hai tác giả Nguyễn Ngọc Hoàng Ly và Nguyễn Thị Kim Ngân.
"Mùa xuân trở về" của bạn Hoàng Ly là một câu chuyện sinh động về những cậu bé ở vùng núi Sà Phu, nơi người dân có thói quen bẫy chim, săn bắt chim làm thức ăn và bán lấy tiền. Khi chim rừng bị săn bắt hết, sâu bệnh thừa cơ bùng phát phá hoại mùa màng, hệ sinh thái mất cân bằng. Để từ bỏ một thói quen, một nếp sống có từ bao đời là chuyện không dễ. Nhưng hai cậu bé Trường và Sang trong truyện ngắn này đã quyết liệt thực hiện bằng được kế hoạch của mình là giải cứu chim, vận động bạn bè và cả người lớn không bẫy chim, không ăn thịt chim để gọi đàn chim trở về.
"Lối nhỏ vào đời" của bạn Kim Ngân là một truyện ngắn giản dị, ngắn gọn, thông điệp rõ ràng "không học đại học chưa chắc đã là điều gì ghê gớm". Câu chuyện kể về một bạn gái không thi đỗ cấp ba công lập bị bố mẹ la mắng và cô theo học bổ túc. Nhưng nhờ những nỗ lực không ngừng nghỉ, cô ấy hiện giờ đã là chủ của một tiệm spa nhỏ. Học gì thì học, làm gì thì làm, miễn có ích cho đời và bản thân ta sống hạnh phúc là đủ.
Chùm thơ ba bài của Ngô Thế Toàn (Vân Lạc) đem đến cho người đọc một góc nhìn thú vị về một môi trường mà con người thường chỉ đến đó để trị bệnh và thăm người bệnh. Đó là bệnh viện. Tác giả còn trẻ tuổi nhưng những câu thơ tự sự nặng trĩu nỗi niềm, khiến người ta nhói lòng. Sự sắc sảo và tinh tế của bạn ấy thể hiện ở năng lực khái quát những vấn đề liên quan đến sức khỏe, sinh mệnh con người. Còn gì quý hơn sinh mệnh con người. Triết lý mà như không triết lý. Vì thế mà khiến người ta xúc động.
Chuyên mục do nhà văn Tống Ngọc Hân giới thiệu.
Mùa xuân trở về
Truyện ngắn. Nguyễn Ngọc Hoàng Ly
Sương mờ nhẹ phủ kín hai đỉnh núi Ông và núi Bà, cơn gió lạnh buốt xen qua khe núi tràn vào thị trấn Sà Phu, len lỏi qua từng ngóc ngách của những căn nhà trong bản làng Mây. Cái rét chợt dừng trước cửa nhà khi thấy bếp lửa hồng bừng bừng hơi thở ấm áp phả quanh căn bếp. Khi bếp lửa tắt, những hòn than ngủ vùi trong đống tro tàn, gió lạnh lại ùa vào khắp gian bếp. Thằng Trường nhanh chóng lao vút vào giường khi bếp tắt, cuộn mình trong chăn bông ấm áp. Cái rét thấu xương làm con người ta thật lười biếng. Chả còn ai muốn ra ngoài khi đã ở trong chăn ấm.
Các cụ trong làng kể rằng, núi Ông và núi Bà đã tồn tại mấy nghìn năm, cao lớn hùng vĩ, đứng sừng sững như đang che chở, bảo vệ cho người dân thị trấn Sà Phu. Núi Ông cao vời vợi, lấp ló sau làn mây trắng cùng màn sương mờ ảo, muốn thấy được đỉnh núi, phải canh hôm nào nắng to mới trông thấy. Núi Bà hiền từ, đỉnh tròn như vòng tay mẹ ấm áp che chở cho các con. Nhà Trường tựa lưng vào núi Ông, nhà Sang nằm dựa vào núi Bà. Dù nhà hai đứa ở chân hai ngọn núi nhưng vì núi Ông ở cạnh núi Bà nên nhà nhà hai thằng cũng không xa nhau là mấy. Hai thằng là bạn thân, chơi với nhau từ thời còn cởi truồng tắm mưa, đến bây giờ đang học chung lớp 6 ở ngôi trường trên thị trấn.
Thứ Bảy trường cho nghỉ học, Sang rủ Trường đi xem bố với các chú đi bẫy chim én. Đang là cuối đông sắp sang xuân nên đàn chim én rủ nhau bay về trên khắp cánh đồng lúa. Thời điểm này tiết trời vẫn còn rét buốt, ngoài những đàn chim thì cánh đồng vẫn lặng im chờ ngày được cày cuốc, lâu lâu có mấy đứa trẻ trong làng mang khoai, mang ngô ra nướng, khói bay lên cao như màn sương mờ ảo, thường thì cuối tuần ở đây hay diễn ra các cuộc săn bắt chim, người săn chim để đem bán lấy tiền mua quần áo mới, sắm sửa chuẩn bị năm mới, người thì mang về để làm bữa nhậu no nê.
Chú Sáu với chú Tư cùng nhau làm chòi bẫy chim, còn mấy bác thì làm dụng cụ bắn chim, hạ được con nào thì lấy con đấy làm mồi nhử gắn lên chòi để dụ mấy con trong đàn bay xuống. Chim én mồi kêu nghe thật đau lòng. Đàn chim én đang bay nghe bạn gọi tưởng rằng có mồi ngon nhưng lại không may sà vào tấm bẫy chim dính chặt từ nhựa thông. Lúc Trường và Sang vừa đến thì còn thấy mấy con chim đang vùng vẫy loạn xạ, đập cánh liên hồi trong sự tuyệt vọng, mấy con én thân hình nhỏ bé phải vật lộn để thoát khỏi chòi bẫy trông thật đáng thương. Chúng càng sợ hãi hơn khi âm thanh xung quanh toàn là tiếng cười hả hê của người khi đã bẫy được nhiều chim. Thằng Sang cũng hùa vào đám đông ấy. Nó là một thằng nhóc tinh nghịch và rất thích làm theo mấy trò của các bác, các chú, vì vậy mà nó cũng là người rất khoái chí với việc săn chim. Chỉ có Trường, cậu bé tính tình hiền lành, không hứng thú mấy với việc săn bắt, bẫy chim mà còn thấy điều đó hơi tàn ác. Dẫu vậy, Trường cũng không thể làm gì để ngăn thú vui của những người đàn ông trong làng lại. Chỉ là thỉnh thoảng lúc đi theo bố hoặc Sang xem bẫy chim, thấy con nào có khả năng thoát chết thì Trường đều lén lút giải cứu, thả nó về trời.
Vào một buổi chiều khi bố đang vặt lông mấy con chim én ở ngoài sân sau, Trường nghe bố kể, ở bản làng bên cạnh, có mấy tay thợ săn chuyên nghiệp luôn ẩn mình dưới bụi lau, chờ khi đàn én bay qua, chúng giương cung bắn một phát ba mũi tên bay vút lên trời cao nơi đàn chim đang bay qua. Trường rùng mình tưởng tượng cảnh những con chim én xấu số bị trúng mũi tên rơi từ độ cao gần trăm mét xuống mảnh đất lạnh cóng và thô cứng. Lông chúng rụng lả tả, vết máu loang trên thân. Trường còn tưởng tượng ra những con én bị bắn trượt đang cố gắng vùng vẫy để bay lên cao nhưng rồi cũng chẳng được bao xa, yếu quá, sợ quá mà lại rơi bộp xuống đất.
Trường không bao giờ ăn thịt chim cũng như chưa từng làm tổn thương một con chim nhỏ nào cả. Thậm chí, cậu bé đã giấu bố, lén nuôi một con én khi vô tình thấy nó mắc bẫy trên cánh đồng nhưng nó vẫn còn sống, bị thương ở chân và cánh. Trường đã lặng lẽ mang con chim về, giấu sau vườn nhà. Ban đầu, Trường không định kể cho ai nhưng sợ một mình thì không thể bảo vệ được cho con chim nên một lần sang nhà Sang chơi nó đã kể với bạn của mình. Sang nghe xong thì ngạc nhiên hỏi:
- Hả! Sao mày phải cứu nó? Nó là tiền mà các chú ấy nhọc nhằn bẫy được đấy!
Trường phản ứng yếu ớt:
- Tao biết thế rồi. Nhưng mà tao thấy tội nó lắm. Mày không thấy là người lớn vô lý sao. Con chim có ích thế, lại bắt làm thức ăn.
Thằng Sang có vẻ xao động. Nó biết, Trường sẽ không dừng lại ở việc giải cứu một con chim đâu. Nếu nó đồng ý với việc làm của thằng Trường, là nó sẽ đối đầu với bố nó và các chú trong bản. Nó nghĩ ngợi một lúc rồi đồng ý:
- Được rồi. Tao sẽ giúp mày đi bắt châu chấu cho chim ăn. Chứ chả nhẽ lại xúc cơm nguội cho chim ăn.
Thuyết phục được thằng bạn thân, Trường vui vẻ nhảy cẫng lên. Tuy nhiên, niềm vui này phải bí mật. Hai thằng cứ thế hí hửng buổi chiều ra mấy cánh đồng vắng người dưới chân núi để bắt châu chấu, cào cào cho én ăn. Ban đầu thấy người, con chim én còn sợ hãi, co rúm vào một góc lồng, về sau chắc do đói bụng mà nó bắt đầu mạnh dạn hơn, thò cái đầu ra dùng cái mỏ nhọn mà bắt đầu rỉa mồi. Cái mỏ bé xíu nhưng coi bộ ăn nhanh gớm! Độ khoảng ba ngày thì con chim én cũng đã khoẻ, vết thương ở cánh và chân cũng đã lành hẳn, đến cuối ngày thứ ba thì nó đập cánh như muốn đòi ra. Trường và Sang bàn bạc rồi quyết định thả nó về trời, hai thẳng mang con chim đến một cánh rừng xa bản làng Mây rồi mới thả để con én tự do bay đi tìm đàn. Con chim én được thả tung cánh bay lên những ngọn cây, lượn vài vòng quanh hai cậu nhóc như một lời cảm ơn rồi mới bay vút vào khoảng trời xanh vô tận.
Mấy hôm sau, khi chợ Búng mở phiên chợ tấp nập người ra vào, Trường và Sang rủ nhau xuống chợ xem có gì vui. Hai thằng đã có một kế hoạch táo bạo. Trong mấy ngày sau khi thả chim về rừng, Trường như được thời cơ làm công tác tư tưởng cho Sang, nó khuyên thằng Sang không nên ăn thịt chim nữa, cũng như đừng hùa theo người lớn đi săn chim. Ban đầu Sang không nghe vì nghĩ chim cũng chỉ là động vật nhỏ bé, có gì mà không được ăn, với cả săn chim cũng là một thú vui mà. Trường cứng giọng bảo rằng: “mày từng đi bắt châu chấu cho chim ăn để dưỡng thương, sau đó thả nó ra, giờ mày lại bẫy nó, ăn thịt nó, chẳng hóa mày đang lừa nó". Sang ngẫm, thằng Trường thế mà sâu sắc ra phết, nó nói đúng đấy. Không ăn thì không ăn. Béo bổ gì một miếng thịt chim bé như ngón tay. Không bẫy thì không bẫy. Thiếu gì trò vui. Thằng Sang này lại phải cần đến mấy con chim bé tí để tiêu khiển hay sao? Nhưng thằng Trường không dừng ở đó, nó còn lấn tới. Bảo Sang đừng ủng hộ các chú và bố đi bẫy chim nữa. Ừ thì không ủng hộ. Đi mỏi chân chứ được gì. Sau cùng, Trường đột nhiên đề nghị. Tao với mày đi giải cứu chim. Sang đồng ý luôn. Thế là suốt mấy hôm hai thằng đi tìm bẫy chim. Con chết thì gỡ ra chôn xuống và đánh sập bẫy. Con sống thì thả ra, con bị thương thì đem về chăm sóc. Cái bẫy nào chưa có gì thì cũng giấu đi.
Vào ngày chợ phiên, kế hoạch của hai thằng quả thật là "động trời". Dưới chợ có quán bà Hằng, chuyên mua bán chim. Các tay thợ săn đi săn chim về xong thường hay bán cho bà, lấy tiền rồi tiện làm một bát cháo chim nóng hổi. Hôm ấy xuống chợ, Trường và Sang cùng hai thằng Lâm, Thành làng kế bên rủ nhau đến quán bà Hằng bán chim. Bà Hằng đang chặt thịt nghe tiếng líu ríu của bọn trẻ con ngoài cửa ngước mặt lên nói vài câu cụt ngủn rồi lại cúi xuống lúi húi chặt tiếp:
- Con to tám nghìn, con nhỏ bốn nghìn, con chết rồi giá hai nghìn!
Cái xâu chim bốn thằng mang đến có hai con to, ba con nhỏ, thằng Lâm nhanh nhảu nói:
- Xâu này hai mươi tám nghìn bà ạ!
Nó tính nhanh như lái buôn trong khi ba thằng còn lại vẫn còn đang cộng trừ. Trong lúc bà Hằng còn đang lúi húi đếm tiền thì thằng Sang đã nhanh chóng tháo xâu chim én to còn Trường đã tháo xâu én nhỏ từ lúc bọn nó vẫn đang tính tiền. Trường nháy mắt với Sang một cái rồi hai thằng cùng tung chim én lên cao. Những con chim én tuột dây vỗ cánh bay lên nóc cửa hàng nghỉ ngơi một lát trước khi bay thẳng ra đồng. Thằng Thành giãy nảy lên, môi trề ra khóc ăn vạ bắt đền Trường và Sang làm sổng mất chim. Thằng Lâm cay cú gào toáng lên vì đáng lẽ có tiền ăn kem thì lại bị hai cậu bạn phá mất. Bà Hằng thì vội cất lại mấy tờ tiền vào tạp dề. Chỉ có hai thằng Sang, Trường khoái chí bỏ chạy trong sự truy lùng của Thành, Lâm.
Sự thật là trước khi đến quán bà Hằng, Trường với Sang gặp hai cậu bạn kia vừa bắt được chim chuẩn bị đem bán, thì đề nghị xách chim giúp vì tiện đường ra chợ. Giờ thì chúng tiện tay thả chim rồi. Tiếc công nắng nôi, tiếc tiền đã sắp tới tay lại bay mất, Lâm đuổi theo ráo riết và túm được cổ áo Trường. Vừa giơ nắm đấm lên thì thằng Sang can ngăn:
- Mày mà đánh nó, tao mách cô giáo đấy! Mày có biết đi săn chim như thế là phá hoại môi trường không hả?
Thằng Lâm phớt lờ lời đe dọa, vẻ mặt không có gì là sợ, vẫn giơ nắm đấm trước mặt Trường trong lời reo hò “đánh đi, đánh đi” của bọn nhóc bên đường.
Thấy tình hình không ổn, Sang chơi chiêu bài cuối, hét lên:
- Mấy chú công an ơi, ở đây có bạo lực, cứu chúng cháu với!
Nghe đến công an, thằng Lâm sợ tái mặt, vì bố nó là công an trong thị trấn, chuyện này mà lộ ra thì chắc chắn nó no đòn. Nó đành phải thả thằng Trường ra trong sự cay cú. Còn Trường và Sang thì hả hê tung tăng về nhà, Trường mạnh miệng “tưởng thế nào mà doạ có tí là sợ rồi”.
***
Thế rồi, không hiểu vì sao, chuyện Trường và Sang giải cứu chim cũng đến tai nhà trường. Đôi bạn được cô giáo chủ nhiệm khen ngợi và các bạn tỏ ra rất ngưỡng mộ vì làm được việc tốt. Dần dà, những đứa trẻ trai làng bên vốn rất thích đi săn chim trong đó có thằng Lâm và Thành cũng nhụt chí vì sợ bạn bè cười nhạo, sợ bị cô lập. Chúng cũng quyết định từ bỏ việc săn chim.
Tuy vậy, trong bản, vẫn có nhiều người lớn thường xuyên đi bẫy chim. Từ ngày có nhiều thợ săn như vậy, những đàn chim kéo về càng ngày càng thưa thớt dần. Chim không về, những cánh đồng lúa trong thị trấn thường bị sâu phá hoại vì thiếu đi những cận vệ bảo hộ mùa màng. Mấy mảnh vườn trồng rau của bà với mẹ sau nhà cũng bị các loại sâu, bọ xít tung hoành không thương tiếc. Vườn su hào nhà bác hàng xóm cũng vì thế mà lả đi, mọi người thay hết từ thuốc trừ sâu này đến thuốc nọ mà cũng không ăn thua, không khí ấm dần lên nên sâu bọ xuất hiện càng nhiều.
Từ ngày không có nhiều chim bay qua, núi Ông với núi Bà trông buồn hẳn, cảm giác không còn sức sống như trước. Khi không có tiếng chim hót, thiên nhiên trở nên quạnh vắng. Mùa xuân dường như chẳng muốn về. Không có chim én, mùa xuân đi lạc rồi hay sao?
Bỗng một ngày trong làng có tin đồn chú Tư với chú Sáu cùng mấy người bạn rủ nhau làm bữa nhậu thịt chim, đến sáng hôm sau thì đau bụng quằn quại. Tại bệnh viện, bác sĩ kết luận, trong thịt các loại chim hoang dã luôn chứa những vi khuẩn có hại cho cơ thể người nhất là trong tình trạng chế biến sơ sài. Đến bác sĩ cũng khuyên không nên ăn thịt chim rừng, thì còn ăn làm gì.
Mọi người bảo nhau không đi săn bắt chim, cũng không ăn thịt chim nữa. Hại đủ mọi đường.
Không khí ấm áp tràn về trên bản làng Mây và khắp thị trấn Sà Phu, ánh nắng ngọt ngào xen qua từng kẽ lá, hương mai, hương đào dịu dàng lan tỏa trong làn sương. Trường phấn khởi khi được mẹ dắt xuống phố dạo chơi. Bà ngoại ở nhà đang gói mấy nồi bánh chưng chuẩn bị cho ngày hội Xuân. Bố đang lên trại bắt vài con gà về làm mâm cỗ, không khí rộn ràng toả đầy trên khắp con phố. Đèn lồng, câu đối vẫn còn đỏ rực một chân trời, con đường vắng vẻ xưa giờ bỗng chốc đông đúc hẳn. Mấy tấm lụa mềm phấp phới trong gió như dáng người con gái yểu điệu, mảnh mai. Các phiên chợ Xuân ở thị trấn Sà Phu luôn tấp nập như thế. Dẫu vậy Trường vẫn cảm thấy còn thiếu điều gì đó. Đứng giữa thanh âm của sự tấp nập, bộn bề, của niềm hạnh phúc, Trường ngơ ngác nhìn lên bầu trời xanh thẳm cảm nhận một niềm trống vắng khó nói nên lời. Thì ra, đã không còn cánh chim én bay lượn, bầu trời mới thênh thang đến thế. Mặc dù người dân trong bản làng đã ngừng săn bắn chim, nhưng có vẻ chim én vẫn còn sợ nên chưa dám bay qua đây. Mùa xuân lặng lẽ như thế đó.
Đang ngẩn ngơ trong nỗi buồn thầm lặng thì cơn mưa xuân bất chợt sà đến, làm dịu bầu không khí. Mưa một lúc rồi đi ngay, đỏng đảnh như con gái. Những hạt mưa đọng lại trên cành lá trong veo như những hạt sương. Đang mải nhìn vào tán lá, Trường bỗng nghe thấy những âm thanh tuy bé nhỏ nhưng lại rất thân thương “chiếp chiếp”. Thì ra, trong tán lá đó, có mấy con chim én vừa trú mưa trong đó, thấy mưa đi rồi thì gọi nhau chui ra. Chúng líu lo hót như chứng minh sự bình yên đã trở lại nơi này. Trường bất ngờ đến sửng sốt khi ngước nhìn lên bầu trời xanh, cả một đàn chim én tới mấy chục con đang chao liệng. Chúng hồn nhiên, khoẻ khoắn, đầy năng lượng.
Bầu trời thị trấn Sà Phu hôm ấy như được tái sinh, tràn đầy sức sống, bầy chim én hót vang mang theo hơi thở ấm áp của mùa xuân đã thật sự trở về. Trường vội vàng chạy đi báo tin cho Sang. Vừa chạy, Trường vừa nghĩ. Liệu Sang đã biết tin vui này hay chưa?
Lối nhỏ vào đời
Truyện ngắn. Nguyễn Thị Kim Ngân
Tao đầu tư cho mày học hành tốn bao nhiêu tiền của, để giờ đây kết quả của mày như thế này hả?
Mẹ tôi quát lên khi nhìn thấy điểm của tôi trên web tra cứu điểm tuyển sinh. Trả lời cho cơn giận của mẹ chỉ là sự là sự im lặng. Tôi ngồi đối diện nhưng không dám nhìn thẳng cũng như đáp lại, cứ cúi gằm mặt xuống bàn ăn.
- Bây giờ cho mày chọn, trường dân lập hay trường nghề vừa học vừa làm?
Bố ngồi im nãy giờ mới lên tiếng.
- Ngữ này thì học hành cái gì? Chỉ tổ phí tiền, nuôi báo cô!
- Mẹ mày cứ để yên cho nó nói xem nào, chọn đi!
Bố giận dữ hằm hằm, mọi ánh mắt của cả nhà đều đổ dồn vào tôi.
Tôi ngồi im như tạc tượng, giữ đúng tư thế ấy suốt mấy phút, thời gian tưởng chừng như kéo dài đằng đẵng. Bao ấm ức, tủi hổ vỡ òa làm tôi nghẹn ứ. Nhưng một đứa con gái lì lợm như tôi không thể khóc. Tôi ngẩng mặt lên dứt khoát:
- Con học dân lập ạ!
Mặc dù hỏi là vậy nhưng sau khi tôi dứt lời, mẹ lại xối xả:
- Trường đấy xa, tao tìm hiểu rồi, mày vào bổ túc cho tao, vừa học vừa làm, học phí thấp hơn nhiều!
Bố muốn tôi vào trường dân lập, mẹ thì muốn tôi vào bổ túc. Cuộc cãi vã của hai người kéo dài như không có hồi kết. Kể từ khi nhận kết quả trượt cấp ba, suốt hai tháng hè tôi sống trong tiếng càm ràm không ngớt của mẹ. Tôi theo mẹ ra spa phụ gội đầu và dọn dẹp, lúc cần chạy việc vặt cho mẹ. Tiếng chì chiết cũng vậy mà tuôn ra mỗi khi vắng khách và lúc mẹ bực dọc không hài lòng chuyện gì đó. Tối vốn ít nói nên ngày càng lầm lì hơn. Cuộc sống tẻ nhạt trôi qua theo quỹ đạo, sáng tối quanh quẩn từ nhà ra spa của mẹ. Xấu hổ, tự ti, khiến tôi từ chối tất cả các cuộc hẹn hò tụ tập của bạn bè, tránh gặp mặt bạn cũ.
Chuyện gì đến cũng sẽ đến. Đỉnh điểm của chuỗi ngày bi đát ấy, tôi trốn đến quán net quen thuộc. Đầu trống rỗng đối diện chiếc màn hình quá khổ, tôi bắn phá như điên trong thế giới game.
Và cũng như bao nhiêu trận cãi nhau trong nhà, mẹ tôi lại giành phần thắng. Thế là tôi vào bổ túc học. Tôi luôn nghĩ chắc bố mẹ sẽ chán ghét, thất vọng về mình nhiều lắm. Nhưng một bất ngờ xảy ra. Tối đó mẹ gọi tôi lại bảo:
- Đi Sapa với mẹ không? Công ty cho đi du lịch 3 ngày 2 đêm. Cũng phải lấy lại năng lượng để phấn đấu tiếp chứ, trông cái bản mặt xì xì của mày, mệt quá. Cố gắng nhé con gái.
Hóa ra mẹ vẫn luôn yêu thương tôi chứ không quá nghiêm khắc như vẻ bề ngoài luôn ăn nói bỗ bã, cay nghiệt.
Trải qua thất bại cửa ải đầu tiên, mất đến vài tháng để bản thân vực dậy tinh thần, tôi bắt đầu cố gắng lại lần nữa trong môi trường mới mang tên bổ túc.
Ở lớp học bổ túc có thêm học nghề, tôi chọn học tạo mẫu tóc, đơn giản vì tôi có mẹ mở Spa làm đẹp. Vì lúc rảnh tôi cũng hay phụ mẹ những công đoạn đơn giản. Nếu có thể thì khi học mẹ cũng sẽ hướng dẫn chút ít nên tôi càng tự tin.
Cho tới buổi thực hành hôm ấy, cô bảo các bạn tự làm cho nhau. Tôi là đứa đầu tiên dám xung phong, sau đó cô ghép tôi với một bạn nữ khác. Tự tin vào tay nghề của mình, trong một tiếng đồng hồ tôi miệt mài cắt mái tóc của bạn ấy với suy nghĩ “con nhà tông không giống lông thì cũng giống cánh”, có mẹ làm Spa ít nhất cũng phải giỏi trong khoản này.
Trớ trêu thay, kết quả tôi làm mái tóc lởm chởm hỏng lên hỏng xuống của bạn cặp, cô bạn ấy giận lắm, mắng:
- Cậu thật sự biết cắt không? Cô hướng dẫn kĩ thế mà cậu không biết nhìn à? Hỏng hết tóc của tớ rồi!
Nói xong cô bạn òa khóc.
Tôi lúng túng, chỉ biết đứng như trời trồng mà xin lỗi. Cứ vậy, các buổi thực hành tiếp theo cũng chẳng có ai dám thực hành cùng tôi.
Cô dạy nghề biết chuyện, sau buổi học hẹn tôi ở lại. Cô động viên:
- Cô để ý em từ lúc mới vào, học nghề em hơi đuối so với các bạn, nếu muốn cô có thể kèm em thêm sau giờ học nghề.
- Vâng, em muốn học cũng như sửa sai không muốn tiếp tục cắt hỏng mái tóc của các bạn, cô kèm em với!
Cân nhắc kĩ, sau khi nói xong, tôi biết lựa chọn của mình khi vào ngôi trường này là gì. Suốt thời gian dài sau đó, tôi luôn là người có điểm cao nhất lớp. Trong kì thi kỹ năng nghề của các trường, cô chủ nhiệm đã tin tưởng cử tôi tham gia. Không phụ công chỉ dạy bao ngày tôi đã đem về giải Cây Kéo Vàng cho trường.
Kết thúc ba năm học, ra trường tôi học tiếp cao đẳng tạo mẫu chuyên sâu thêm hai năm, tự mở tiệm cho riêng bản thân. Bố mẹ ủng hộ tôi lựa chọn con đường này nên tôi cũng chẳng áp lực phải học đại học như bao bạn cùng trang lứa khác.
Hóa ra không được học đại học cũng chưa chắc là điều gì ghê gớm. Mỗi người có khả năng và thế mạnh riêng. Cú sốc đầu tiên về chuyện học năm đó lại là động lực để tôi trở thành bà chủ của tiệm salon nhỏ. Cánh cửa này đóng lại thì cánh cửa khác lại mở ra thôi. Dù đứng giữa lựa chọn nào, khó khăn bao nhiêu, nếu bạn còn ước mơ và dũng cảm thực hiện, thành công sẽ luôn chờ bạn ở phía trước.
Ngô Thế Toàn (Vân Lạc)
Ngoại khoa
Ngây ngô như đứa trẻ
Học lại từ đầu
Cách rửa tay, mặc áo, trải săng
Lại tập làm người lớn
Học cách thủ thỉ, trấn an
Tiếp tục từ kíp phụ
Cầm panh gạc khâu vá
Ròng rã hàng năm trời
Mới đủ sức cứu mạng người.
Chậm thì từ từ
Học quan sát trăm lần như một
Không một bước sai sót
Nhanh hơn một chút
Ngắm nghía đường cắt gọt
Dáng bác sĩ trước mặt
Như người nghệ sĩ biểu diễn
Trước tử thần…
Trực 1
Có những lúc
Căng thẳng không dám ngủ
Mắt vừa chợp
Ba người đã chẳng còn
Đêm hôm đó
Lần đầu tôi vỡ lẽ
Có gì hơn đâu
Một sức khỏe, bình an
Khi còn cảm nhận
Hơi thở trong lồng ngực
Còn biết đau,
còn ý thức đang ở đâu
Đã là điều may mắn nhất trần thế
Vì ngủ rồi
Biết khi nào tỉnh dậy
được đâu…
Trực 2
Đi tiêm thuốc, rồi đo huyết áp
Xong xuôi cũng ngáp ngắn ngáp dài
Ngồi đọc sách đến hai giờ sáng
Làm một giấc đến chạng vạng
thì chuông reo
Sao hôm nay nhẹ nhõm đến lạ
Sáng ra, chỉ có tiếng bác lao công
Đủng đỉnh khoác chiếc blouse trắng
Ra ban công đón chút nắng mai hồng
Người ta tìm hạnh phúc khi giàu có
Hoặc hì hục với sở thích, đam mê
Ở nơi này đơn giản là giấc ngủ
Không có ai gõ cửa lúc nửa đêm.
0 đã tặng
Hãy liên hệ với chúng tôi qua số điện thoại: 0988827920 (Ngô Ngọc Luận), nếu bạn có nhu cầu thưởng thức những ấn phẩm của Văn nghệ Thái Nguyên.
Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...