Thứ năm, ngày 09 tháng 05 năm 2024
23:58 (GMT +7)

Hãy nhìn vấn đề bằng con mắt mới để thấy sự hấp dẫn của nó

LTS: Bắt đầu từ số này, Văn nghệ Thái Nguyên sẽ chuyển sang tạp chí theo Đề án quy hoạch và phát triển báo chí đến năm 2025 của Chính phủ. Kể từ tháng 6 năm 1991 cho đến 29 tháng 12 năm 2020, Báo Văn nghệ Thái Nguyên (tiề thân là Văn nghệ bắc Thái) đã xuất bản 1.046 số và để lại ấn tượng tốt đẹp trong lòng bạn đọc, khẳng định được vị trí trong làng báo chí văn nghệ.

Hành trình mới với bao sự đòi hỏi sự nỗ lực nhiều hơn của đội ngũ. Nhân dịp này, VNTN có cuộc trao đổi với nhà thơ Quang Thiều - Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam; Nhà văn Hồ Thủy Giang - nguyên Ủy viên ban thường vụ Hội VHNT Thái Nguyên và nhà báo Thu Huyền - Thư ký Tòa soạn Tạp chí VNTN.

Trân trọn giới thiệu cùng bạn đọc những góc nhìn đa chiều qua cuộc trao đổi này.



THỜI CƠ

Thưa nhà thơ Nguyễn Quang Thiều, với gần 30 năm xuất bản báo in, nay chuyển sang tạp chí, ông có thể chỉ ra những lợi thế của Văn nghệ Thái Nguyên trong cuộc chuyển đổi này?

Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều: Chúng ta đều biết, báo in đang bị dồn vào chân tường. Những lợi thế của báo in đang ngày một mất đi. Hầu như càng ngày càng ít những người theo dõi tình hình xã hội mà không dùng điện thoại thông minh. Nhưng tạp chí vẫn còn những lý do của nó để tồn tại đặc biệt với một lĩnh vực mà người đọc cần có được một tư thế, một không gian và một tâm lý để tiếp cận nó như văn chương chẳng hạn. Đấy là một lợi thế không chỉ đối với Văn Nghệ Thái Nguyên mà đối với mọi tờ báo văn chương, nghệ thuật và có tính chuyên sâu.

“Mỗi một số tạp chí phải đặt ra một vấn đề xã hội đang quan tâm bằng cách nhìn của văn chương. Có những vấn đề muôn thuở vẫn là một vấn đề hấp dẫn khi chúng ta nhìn nó bằng con mắt mới”.

(Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều)

 

Thật là thú vị! Cảm ơn nhà thơ Nguyễn Quang Thiều! Thưa nhà văn Hồ Thủy Giang, ông có nghĩ như vậy không ạ?

Nhà văn Hồ Thủy Giang: Nói “lợi thế” có lẽ chỉ là một cách nói. Tôi nghĩ, báo hay tạp chí hình như chỉ là sự khác nhau về hình thức chứ những hoạt động về nội dung không có gì thay đổi nhiều. Xưa nay, chủ yếu Báo Văn nghệ Thái Nguyên vẫn là tờ báo coi trọng chất văn nghệ trong các bài viết. Dĩ nhiên, nếu là báo thì có thể tiệm cận hơn, nóng sốt hơn trước các vấn đề xã hội (đó là mặt mạnh của hình thức báo), còn tạp chí cần coi trọng tính chuyên đề (chuyên đề ở đây là văn học nghệ thuật). Nói về “lợi thế” có nghĩa là từ nay các tác phẩm đăng trên tạp chí, dù chỉ là một bài viết nhỏ cũng cần phải lưu ý đến “chất văn học nghệ thuật”, chứ không thể giống như một bài phản ánh thuộc thể lại báo chí (là tôn chỉ mục đích của các tờ báo thời sự mang tính tân văn). Lợi thế này đồng thời cũng là một thử thách của Ban biên tập và cộng tác viên. Tôi thì luôn tin tưởng rằng, với một đội ngũ sáng tác ngày càng lớn mạnh như tỉnh ta, điều này sẽ được phát huy.

Độc giả muôn đời cũng chỉ chờ đón cái hay của mỗi tờ báo hoặc tạp chí. Nói trời nói biển, nhưng thiếu cái yếu tố hay thì là vô nghĩa.

(Nhà văn Hồ Thủy Giang)

 

Vâng, cũng là một cách nghĩ. Vậy còn nhà báo Thu Huyền, với tư cách “chủ nhà” chị nghĩ sao về câu hỏi trên?

Nhà báo Thu Huyền: Tôi nghĩ, “lợi thế” lớn nhất của chúng tôi khi chuyển sang tạp chí, là nhận được sự đồng thuận và ủng hộ nhiệt tình của các cấp, các ngành từ trung ương đến địa phương, của các đồng nghiệp và các cộng tác viên cũng như độc giả… đã luôn sát cánh cùng chúng tôi hơn một năm qua. Chính nhờ sự quan tâm, ủng hộ đó đã tạo nên tinh thần sẵn sàng của cả Tòa soạn. Điều đó quyết định chất lượng của những bước đi đầu tiên trên hành trình mới của chúng tôi có chắc chắn hay không, để rồi sau đó chúng tôi sẽ tiếp tục thế nào. Thật ra, không phải ngay từ đầu chúng tôi đã có được tâm thế này. Quả thật, khi nghe tin về quy hoạch, chúng tôi cũng hoang mang và buồn lắm, ai chả yêu “đứa con” bao năm mình nuôi nấng, chăm bẵm, nay phải xa nó sao chả buồn? Nhưng dần dà, chúng tôi hiểu rằng, đây là nhiệm vụ chính trị, không thể bàn lui được. Vậy là thay vì phàn nàn tiếc nuối thì chúng tôi tập trung trí lực để xây dựng Đề án chuyển đổi báo in thành tạp chí in và Đề án thiết lập tạp chí điện tử, đồng thời nghiêm túc tìm ra hướng đi đúng đắn nhất nhằm cho ra đời những sản phẩm chất lượng, để độc giả không thất vọng.

Một lợi thế vượt trội nữa của chúng tôi, đó là cùng với xuất bản tạp chí in thì Tạp chí Văn nghệ Thái Nguyên điện tử sẽ ra đời. Rõ ràng, ở thời đại 4.0 này, tạp chí điện tử sẽ là một môi trường thuận lợi, một mảnh đất màu mỡ, là nơi dụng võ cho các văn nghệ sĩ và nhà báo hoạt động trên lĩnh vực văn hóa văn nghệ.

Lợi thế lớn nhất của chúng tôi khi chuyển sang tạp chí, là nhận được sự đồng thuận và ủng hộ nhiệt tình của các cấp, các ngành từ trung ương đến địa phương; của các đồng nghiệp và các cộng tác viên cũng như độc giả…

(Nhà báo Thu Huyền)

 

NẮM BẮT

Vậy là đã rõ, sự chuyển đổi này đã đem đến những cơ hội cho Văn nghệ Thái Nguyên. Thưa nhà thơ Nguyễn Quang Thiều, với bề dày kinh nghiệm xuất bản các loại ấn phẩm, ông có gợi ý nào đối với Ban Biên tập trong lúc này không ạ?

Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều: Tôi muốn cho các bạn một thông tin mà tôi nghĩ nó khá quan trọng. Đó là lượng sách in ra những năm gần đấy có xu hướng tăng lên. Nghĩa là bạn đọc sách vẫn còn và đang đợi chờ những cuốn sách thực sự có ý nghĩa với họ. Tạp chí có thể nói là một dạng của sách nhưng có tính đa dạng hơn về nội dung và có lý do hơn trong việc tạo ra sự hưởng thụ mỹ thuật. Với một tạp chí, tính chất thông tin sự vụ, sự kiện sẽ không có tác dụng nhiều mà thay vào đó phải là những cách nhìn mới mẻ, sâu sắc và chứa thông điệp. Tại sao bạn đọc có thể mua một cuốn sách dày 500 - 600 trang mà lại bỏ qua một tạp chí chỉ trên dưới 100 trang? Đó chính là nội dung. Nếu một tạp chí sử dụng bài theo kiểu một tờ báo, kể cả một bài báo dài thì đó chính là một trong vài lý do dẫn đến tiêu diệt tạp chí đó. Hơn nữa, mỗi một số tạp chí phải đặt ra một vấn đề xã hội đang quan tâm bằng cách nhìn của văn chương. Có những vấn đề muôn thuở vẫn là một vấn đề hấp dẫn khi chúng ta nhìn nó bằng con mắt mới.

Thưa nhà văn Hồ Thủy Giang, lời khuyên của ông dành cho Ban Biên tập lúc này là gì?

Nhà văn Hồ Thủy Giang: Để tờ tạp chí hoạt động được đúng nghĩa, Ban Biên tập và cộng tác viên cần phải có sự đồng tâm hiệp lực rất lớn. Cái đồng tâm trước hết là phải có sự chân thành, thật sự trân trọng lẫn nhau. Với cộng tác viên, tôi nghĩ, cái cần nhất đối với họ là sự được tôn trọng, tôn trọng từ bên trong. Ngược lại, một sự đòi hỏi tối thượng của Ban Biên tập đối với các cộng tác viên là sự cố gắng, tận tâm với tờ tạp chí, để mong sao có những tác phẩm xứng tầm.

Tôi đã từng nhiều năm làm biên tập cho các loại báo, chí ở địa phương. Một việc không thể thiếu của biên tập viên là dìu dắt và đồng hành cùng cộng tác viên chứ không phải là xa lánh họ. Điều này có lẽ hơi khác với các cơ quan báo chí ở trung ương một chút. Tạp chí cũng nên góp phần cùng Hội xây dựng đội ngũ sáng tác. Mà nói cho cùng thì báo, tạp chí với Hội cũng chỉ là một.

Còn những công việc cụ thể thì nhân bài trả lời phỏng vấn này, tôi đưa ra một ý kiến là ta nên học cách làm của Tạp chí Ba Bể (thuộc Hội Văn học nghệ thuật tỉnh Bắc Kạn). Nói điều này tôi không hề cho rằng tờ Tạp chí Ba Bể có chất lượng cao hơn của ta mà chỉ nêu ví dụ về một cách làm. Đó là một lần tôi được Hội Bắc Kạn mời lên trao đổi về sáng tác với các hội viên của họ. Khi công việc xong xuôi, tôi thấy ông Chủ tịch Hội phổ biến một dự kiến về các bài ký sẽ đăng tải trên tạp chí trong năm, xin các hội viên bàn luận thêm và đăng ký các bài viết. Tất nhiên, vẫn phải có những bài viết phát sinh… Tôi nghĩ, tỉnh ta nên học tập ở họ điểm này. Thái Nguyên có một đội ngũ sung sức, nếu có một dự kiến kế hoạch của năm, một mặt ta không lo thiếu bài, mặt khác sẽ kéo được cộng tác viên “vào cuộc”, cùng lo toan với Ban Biên tập.

Nhà báo Thu Huyền, chị thấy sao về hai ý kiến trên?

Nhà báo Thu Huyền: Ý kiến nhà thơ Nguyễn Quang Thiều rất xác đáng và ý kiến của nhà văn Hồ Thủy Giang cũng không phải không có cơ sở. Thực ra, những người trực tiếp lãnh đạo tờ Văn nghệ Thái Nguyên cũng đã đưa ra những chiến lược cụ thể cho tạp chí và đều tập trung vào vấn đề nội dung và yếu tố con người. Như vậy là, đã có sự tương đồng trong quan điểm. Với tư cách là “bên” được góp ý, chúng tôi rất trân trọng cảm ơn nhà thơ Nguyễn Quang Thiều và nhà văn Hồ Thủy Giang về những gợi ý trên. Chúng tôi cũng rất mong sẽ luôn được hai tiền bối đồng hành cùng Tạp chí Văn nghệ Thái Nguyên trên chặng đường phía trước.

VÀ KIẾN TẠO

Xin được chuyển sang một vấn đề khác. Thưa nhà thơ Nguyễn Quang Thiều, nếu đứng ở góc độ độc giả, theo ông, độc giả sẽ chờ đón điều gì ở Tạp chí Văn nghệ Thái Nguyên? Và để độc giả không thất vọng, những người làm ra ấn phẩm này phải bắt đầu như thế nào?

Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều: Văn nghệ Thái Nguyên lâu nay có được uy tín của mình là bởi tính chuyên sâu và đặc sắc. Bạn đọc tìm thấy sự tương đồng với các nhà văn, nhìn thấy sự trung thực và một thái độ văn hóa của người viết ở Văn nghệ Thái Nguyên. Điều này tạo nên tư thế và tư cách của một tờ báo. Nay chuyển thành tạp chí thì điều đó cần được khai thác sâu hơn nữa. Cái mà Văn nghệ Thái Nguyên tạo được chỗ đứng của mình trước kia là đã thoát khỏi “chủ nghĩa địa phương” và thay vào đó là “đặc trưng địa phương”. Nó giống như tạo nên một vùng văn hóa. Nhưng bên cạnh đó, Văn nghệ Thái Nguyên đã “quốc gia hóa” một cách có chọn lọc. Điều đó làm nên tầm của một tờ báo. Tạp chí Văn nghệ Thái Nguyên phải tiếp tục được điều này và mở rộng hơn nữa. Và một điều vô cùng hệ trọng là, Ban Biên tập phải là người hoạch định chủ đề từng số tạp chí và tổ chức nó. Nếu các biên tập viên chỉ ngồi đợi bóc phong bì hay nhận thư điện tử để nhận bài vở của bạn viết gửi về thì số phận của tạp chí đã được báo trước một cách đáng buồn.

“Cái mà Văn nghệ Thái Nguyên tạo được chỗ đứng của mình trước kia là đã thoát khỏi “chủ nghĩa địa phương” và thay vào đó là “đặc trưng địa phương”.

(Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều)

 

Một câu trả lời rất hấp dẫn và ấn tượng, xin cảm ơn nhà thơ Nguyễn Quang Thiều! Vẫn là câu hỏi trên, nhà văn Hồ Thủy Giang có thể cho biết suy nghĩ của ông thế nào ạ?

Nhà văn Hồ Thủy Giang: Thực ra, ý của câu hỏi thứ ba này đã được trả lời ở câu hỏi thứ nhất và thứ hai rồi. Độc giả muôn đời cũng chỉ chờ đón cái hay của mỗi tờ báo hoặc tạp chí. Nói trời nói biển, nhưng thiếu cái yếu tố hay thì là vô nghĩa. Tôi tin rằng độc giả của ta sẽ chờ đón cái hay của tờ tạp chí sắp tới như từng chờ đón cái hay của tờ báo Văn nghệ Thái Nguyên trong gần 30 năm qua.

Có một thời gian có thể giữa Ban Biên tập và một số cộng tác viên có một vài vấn đề chưa được thuận, nhưng tôi nghĩ không một ai có ác cảm với tờ báo và vẫn luôn một lòng một dạ mong muốn tờ báo và tờ tạp chí sau này tốt hơn lên.

Cái ý sau cùng bạn hỏi rất khiêm tốn, cầu thị và lý thú: để độc giả không thất vọng, những người làm ra ấn phẩm này phải bắt đầu như thế nào? Và tôi cũng chỉ trả lời bằng hai câu ngắn gọn rằng: Phải bắt đầu từ việc hãy nắm tay nhau để đi cùng một hướng. Đó là cái hướng cùng làm nên những tác phẩm tốt để phục vụ độc giả.

Cảm ơn nhà văn Hồ Thủy Giang về sự thẳng thắn này! Thưa nhà báo Thu Huyền, chị có nghĩ như vậy không?

Nhà báo Thu Huyền: Vâng, tôi đồng ý. Chắc chắn độc giả đang chờ đợi từ chúng tôi một ấn phẩm chất lượng. Báo Văn nghệ Thái Nguyên đã có được một chỗ đứng trong lòng độc giả. Tạp chí Văn nghệ Thái Nguyên cũng sẽ kế thừa và phát triển cho phù hợp để làm nên một ấn phẩm bằng “sự hiểu biết sâu sắc và rung cảm chân thành với những gì chúng ta gửi đến công chúng. Đó là sự hiểu nghề. Hiểu để quản lý, để thay đổi tư duy tổ chức, điều hành bộ máy, để tác nghiệp thế nào cho hiệu quả, tạo ảnh hưởng xã hội... Nhưng như vậy chưa đủ. Còn phải đồng hành với các trạng thái tinh thần của người dân và theo kịp đời sống xã hội”, như nhà thơ Nguyễn Thúy Quỳnh - Chủ tịch Hội VHNT Thái Nguyên đã nói.

Tất nhiên, để làm được như vậy, chúng tôi phải nỗ lực rất nhiều. Tự trau dồi chuyên môn; rèn luyện bản lĩnh chính trị cũng như bản lĩnh nghề nghiệp; kết nối, cầu thị và lan tỏa… Với sự đồng tâm của Ban Biên tập và giới cầm bút, chúng tôi mong và tin rằng, Tạp chí Văn nghệ Thái Nguyên sẽ vẫn được độc giả yêu mến bởi tinh thần “Nhân văn - Trí tuệ - Phát triển”.

“Nhân văn - Trí tuệ - Phát triển” sẽ luôn là phương châm của Văn nghệ Thái Nguyên. Trân trọng cảm ơn nhà thơ Nguyễn Quang Thiều, nhà văn Hồ Thủy Giang và nhà báo Thu Huyền đã dành thời gian trò chuyện với Văn nghệ Thái Nguyên. Xin chúc các quý vị một năm mới 2021 tràn đầy thân ái và mãi dành những yêu mến cho Tạp chí Văn nghệ Thái Nguyên.

P.V

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy