NGƯT. Đỗ Quang Đại: “Tôi thấy mình đủ đầy với âm nhạc”
Đón chúng tôi bằng một chầu guitar. Tiếp chúng tôi bằng những câu chuyện hào sảng, thân tình. Chào chúng tôi khi ra về bằng nụ cười lành. Không khó để cảm nhận sự hồn hậu của một nhà giáo, sự hào hoa của một nghệ sĩ trong ông - nhà giáo ưu tú, nhạc sĩ Đỗ Quang Đại.
Nhà giáo ưu tú - Nhạc sĩ Đỗ Quang Đại
Sinh năm 1963
Quê quán: Hải Hậu - Nam Định
Hội viên Hội Nhạc sĩ Việt Nam
Phó Chủ tịch Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Thái Nguyên
Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Văn hóa Nghệ thuật Việt Bắc
Trước khi đến gặp ông, tôi đã nghĩ đến khá nhiều điều để hỏi cũng như muốn được nghe ông trao đổi. Tuy nhiên, khi nhìn ông thong dong cầm cây đàn, nghe ông chăm chút thả lên bản nhạc, bất giác tôi thấy mình dường như chẳng cần nói gì nhiều nữa.
NGƯT. Đỗ Quang Đại: Âm nhạc kì lạ như vậy đó bạn ạ. Khi một bản nhạc cất lên, nó đã là một ngôn ngữ đủ đầy, trọn vẹn rồi.
Được biết, nhờ cụ thân sinh là nhạc sĩ, nên ông đã làm quen và đến với âm nhạc ngay từ khi còn bé. Đó là điều may mắn không nhiều người có được. Kí ức về tuổi thơ tuyệt vời ấy chắc hẳn vẫn luôn ngân nga sống động trong tâm trí của ông...?
NGƯT. Đỗ Quang Đại: Ngay từ bé, tôi đã được may mắn sống trong không khí âm nhạc ngay trong ngôi nhà của mình. Ông cụ thân sinh của tôi - nhạc sĩ Đỗ Minh, chẳng biết vô tình hay hữu ý, đã cho tôi làm quen với âm nhạc từ rất sớm.
Hồi mới khoảng 7 - 8 tuổi, tôi đã được tận mắt nhìn bố viết từng khuông nhạc, nghe ông tình tang với cây đàn guitar và hát những ca khúc vừa sáng tác. Tôi nhớ là mình cũng cầm cây guitar dây sắt để tập, dù chơi khá đau tay nhưng khi mò mẫm được một đoạn thì thích lắm, quên hết. Một cái gì đó hết sức tự nhiên nó thấm vào tuổi thơ mình, con người mình, rồi dần dà nó cuốn mình đi theo.
Ngoài ngôi nhà âm nhạc của mình, có lẽ ông còn có những cánh cửa âm nhạc khác nữa chứ?
NGƯT. Đỗ Quang Đại: Hồi đó trong nhà có chiếc máy quay đĩa than, nên tôi cũng may mắn được nghe ké nhiều lắm. Không chỉ nghe các ca khúc nhạc Việt, mà còn được thưởng thức cả giao hưởng của những bậc tài danh của âm nhạc thế giới như Beethoven, Mozart, Chopin…
Lúc đó làm sao đã hiểu về những tuyệt phẩm của dòng âm nhạc bác học đầy sang trọng đó, nhưng cái “không khí” ấy cứ ngấm vào mình một cách nhẹ nhàng, tự nhiên, từng chút từng chút một, và thấy thích nó từ lúc nào không biết.
Có lẽ cánh cửa đầu tiên từ tuổi thơ sẽ mở ra con đường để mỗi chúng ta bước đi, hướng đến những con đường dài rộng về sau.
Thật tuyệt. Chắc nhiều người sẽ ghen tị bởi ông đã được bắt đầu ở một xuất phát điểm rất cao. Vậy những bước đi đầu tiên trên con đường về sau của ông, nó như thế nào?
NGƯT. Đỗ Quang Đại: Khoảng năm 1972, ông cụ thân sinh tôi là trưởng phòng Văn nghệ của Đài Phát thanh Khu Tự trị Việt Bắc, mở lớp học nhạc lí, xướng âm, dạy những gì là căn bản ban đầu, dành cho những diễn viên, ca sĩ, cán bộ làm văn hóa, văn nghệ. Đó chính là lớp âm nhạc đầu tiên mà tôi được lẽo đẽo theo học cùng các anh chị, cô chú.
Tôi được bố hướng dẫn giai điệu, dạy cho cách đọc nhạc, rồi còn được “tín nhiệm” giao cho hát những ca khúc mà ông mới viết. Từ chỗ là người đầu tiên được nghe các ca khúc mới của ông, tôi trở thành người đầu tiên thể hiện những tác phẩm mà ông vừa hoàn thành. Bố đệm đàn guitar, tôi hát, mẹ làm khán giả, mọi thứ đều đủ cả, chỉ thiếu thứ duy nhất đó là một cây piano - niềm mơ ước bất thành thời đó.
Cho đến khi học lên lớp 8, khoảng độ 15 tuổi gì đó, thì tôi bắt đầu biết là mình sẽ theo con đường âm nhạc, và quyết định thi vào trường Trung cấp Văn hóa Nghệ thuật Việt Bắc. Sau buổi thi, tôi xé lịch chờ kết quả từng ngày, háo hức được đi học. May mắn toại nguyện thi đỗ, tôi trở thành học viên của nhà trường, và đặc biệt sau này còn được ở lại công tác, gắn bó trọn vẹn cả đời với Nhà trường đến tận bây giờ.
Lựa chọn hành trình ấy, ông thấy là do phần tác động của cụ thân sinh nhiều hơn hay phần tự quyết định của bản thân nhiều hơn?
NGƯT. Đỗ Quang Đại: Đầu tiên chắc chắn là do tác động, khích lệ, chỉ dẫn của cụ thân sinh rồi. Thế giới tinh thần tuổi thơ chính là nền tảng để bản thân tôi có đủ sự kiên trì, nỗ lực bước đi trên con đường sau này của mình. Không khí gia đình, sự chia sẻ và khích lệ, đồng hành lẫn nhau là quan trọng vô cùng.
Đến đây, tôi cũng nghĩ nhiều đến câu chuyện về vai trò của gia đình trong việc định hướng của con cái. Dường như đây vẫn là một nan đề, nhất là với những người lựa chọn theo con đường nghệ thuật?
NGƯT. Đỗ Quang Đại: Với sự lựa chọn ngành nghề nào cũng vậy thôi, cha mẹ là người rất quan trọng để khích lệ, chỉ dẫn con cái. Đặc biệt với việc lựa chọn con đường nghệ thuật, thì cha mẹ lại càng cần sự thấu hiểu, đồng hành với con.
Thời chúng tôi, thực sự là rất ít lựa chọn. Nói đơn giản thế này, muốn có bản nhạc, phải xin thầy cho chép tay. Có lẽ phần nào vì thế nên cũng dễ “say” hơn chăng?
Thời nay, như một sự tất yếu, chúng ta có quá nhiều lựa chọn. Mà hình như nhiều bạn trẻ có xu thế lựa chọn cái nào “dễ” hơn. Học theo nghệ thuật thì gian nan lắm, phải tự thân khổ luyện lắm.
Về phía gia đình, nhiều lựa chọn thì các bậc cha mẹ cũng sẽ hướng các con theo nhiều tính toán hơn. Có phụ huynh học sinh của nhà trường đã tâm sự với tôi đầy phân vân, trăn trở rằng: “Học theo nghệ thuật thực sự rất đáng quý, nhưng mà lại cũng rất lo. Rồi sau sẽ làm việc, sẽ theo nghề như thế nào?”.
Tôi hiểu rằng, việc quyết định theo học các khối ngành nghệ thuật là điều rất khó khăn đối với các bạn trẻ, cũng như rất khó khăn đối với mỗi bậc cha mẹ khi đứng trước lựa chọn tương lai của con cái. Tôi muốn nói lời cảm ơn tất cả những bạn trẻ cũng như các bậc cha mẹ khi đã đồng hành cùng con để lựa chọn theo học trường Cao đẳng Văn hóa Nghệ thuật Việt Bắc. Theo đuổi nghệ thuật là một hành trình nhiều hạnh phúc, nhưng cũng là con đường không hề dễ dàng.
Quyết định lựa chọn con đường nghệ thuật đã là khó, nhưng để theo đuổi và sống với nghệ thuật thì hẳn là còn khó hơn nhiều. Vừa là người sáng tạo, vừa là người đào tạo, ông muốn chia sẻ điều gì nhất đến các bạn trẻ học trò của mình?
NGƯT. Đỗ Quang Đại: Từ những trải nghiệm của chính mình cũng như quan sát trong nghề, tôi nghĩ rằng, trước khi lựa chọn, điều quan trọng nhất là các bạn nên tự xem bản thân mình có ít nhiều năng khiếu và có thực sự đam mê hay không. Kể cả có những điều đó rồi, cũng chưa có nghĩa là đã đủ. Khi đã theo học rồi, ý thức về sự khổ luyện và vượt lên chính mình để phát triển là cái quyết định bạn có thành nghề được hay không. Sự nỗ lực này nó vô hình nhưng nhọc nhằn lắm đấy.
Người học nhọc nhằn là thế, vậy còn với người dạy, theo ông cái gì là niềm vui và đâu là thử thách khi các thày cô neo lại với nghề?
NGƯT. Đỗ Quang Đại: Đối với trường Cao đẳng Văn hóa Nghệ thuật Việt Bắc, phần lớn người học đều là con em đồng bào dân tộc ít người, sinh sống ở vùng cao, miền núi, với những thiệt thòi về điều kiện. Đa số các em không có môi trường ngay từ sớm - một điều đặc biệt quan trọng trong đào tạo nghệ thuật. Lẽ ra các em phải được phát hiện, rèn giũa, chuẩn bị từ 5 - 7 tuổi, nhưng với chúng tôi thì hầu như tuyển vào khi các em đã ở độ tuổi học phổ thông. Chính vì vậy, các thày cô ở đây phải rất thấu hiểu để có tâm thế “bắt đầu lại” với học trò của mình.
Điều mừng nhất là rất nhiều học trò sau khi học hành rèn giũa ở đây lại tiếp tục quyết tâm phát triển hơn nữa khi học ở các trường đại học, học viện, nhạc viện. Để có thể bước lên những trình độ chuyên nghiệp cao hơn, các em không thể thiếu quá trình đào tạo mang tính nền tảng, bước đệm như ở trường Cao đẳng Văn hóa Nghệ thuật Việt Bắc. Nhìn những học trò phát triển được bản thân theo con đường chuyên nghiệp ở tầm mức cao hơn, là thày cô đã chỉ dạy và đồng hành cùng các em, chúng tôi vô cùng hạnh phúc.
Tất nhiên, có niềm vui thì cũng có thử thách. Chúng tôi luôn nhận thức được rằng đòi hỏi của thực tiễn và yêu cầu của nghề nghiệp là không bao giờ dừng lại. Nếu người dạy không tự vận động để vượt lên, không dám bứt phá, không dám sáng tạo, thì sẽ không thể theo được nghề. Trong đào tạo nghệ thuật, nếu chỉ làm xong việc và tròn vai thì chắc chắn sẽ không thể thành công.
Nhạc sĩ Đỗ Quang Đại (thứ 6 từ trái sang) cùng các đồng chí Lãnh đạo Hội trong chuyến công tác về xóm Chòi, xã Mỹ Yên, Đại Từ, tháng 5/2022
Tôi thấy ông đang cùng lúc phải cáng đáng khá nhiều “vai”, vừa là một nhà giáo, một nghệ sĩ, đồng thời là một nhà quản lí. Ông có gặp khó khăn hoặc cảm thấy trong bản thân mình có những khác biệt hay không?
NGƯT. Đỗ Quang Đại: Dù là giảng viên, là nhạc sĩ, là Hiệu trưởng Nhà trường, tôi đều cố gắng làm mọi việc bằng niềm yêu thích của cả đời mình - đó là âm nhạc. Nó như là một mẫu số chung, giúp tôi hài hòa mọi khác biệt nếu có.
Bố tôi là nhạc sĩ, truyền cảm hứng và chỉ dẫn cho tôi đi theo âm nhạc, tôi biết ơn vì điều đó. Hạnh phúc hơn nữa cho tôi và gia đình khi cậu con trai tôi cũng rất yêu thích âm nhạc, sau khi hoàn thành chương trình tại trường Cao đẳng Văn hóa Nghệ thuật Việt Bắc, cháu đang tiếp tục theo học tại Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam. Dường như đó là một sự kết nối của âm nhạc.
Tôi may mắn được quá nhiều từ âm nhạc, và tôi thấy mình đủ đầy với âm nhạc.
Xin chia sẻ với ông cùng gia đình niềm hạnh phúc đủ đầy và tuyệt vời ấy. Đó như là bài hát mà ông và gia đình đã viết cho chính mình.
5/11/2022
Phạm Văn Vũ (thực hiện)
0 đã tặng
Hãy liên hệ với chúng tôi qua số điện thoại: 0988827920 (Ngô Ngọc Luận), nếu bạn có nhu cầu thưởng thức những ấn phẩm của Văn nghệ Thái Nguyên.
Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...