PSG.TS Cao Thị Hồng: “Viết phê bình cũng cần tưởng tượng, bay bổng”
Rành mạch và quyết liệt trong những vấn đề chuyên môn nghiên cứu khoa học, nhưng cũng sẵn sàng phiêu đắm với những cuộc rong chơi của chữ nghĩa, dù trong danh vị nào thì PGS.TS Cao Thị Hồng cũng luôn là một con người đầy cá tính.
Rượt theo những khám phá
Chị dạy học từ bậc phổ thông, sau đó trở thành giảng viên đại học, rồi đi sâu vào con đường nghiên cứu. Nó là một kế hoạch đã được lên phương hướng, lộ trình, hay là một cuộc đi không sắp đặt?
Đây là một lộ trình thuộc về sự “đặt để” của số phận. Trên hành trình cuộc sống, ở mỗi giai đoạn khác nhau, sự nhận thức và khám phá xã hội khiến tôi nghĩ mình phải nỗ lực tự học để hiểu biết và làm những gì mà bản thân mình thấy hứng thú, đam mê. Tôi rất sợ sự “mòn gỉ”, đóng băng trong tâm hồn, rất sợ bản thân thấy chán ghét chính mình vì sự cũ kỹ, đơn điệu. Theo đuổi con đường nghiên cứu tựa như một cuộc rượt theo những khám phá đầy bí ẩn của “trò chơi” chữ nghĩa, nó là nơi để tôi tự “thách đấu” với “tôi”, khám phá chính bản thân. Do đó, chừng nào còn cơ hội thì chừng đó tôi vẫn dấn thân cho nghiên cứu, phê bình văn học.
Trong cuộc rượt theo những khám phá ấy, vừa làm nghiên cứu lại vừa sáng tác, chị đã bao giờ tự minh định rằng mình là nhà nghiên cứu viết thơ hay là nhà thơ làm nghiên cứu chưa?
Làm nghiên cứu thì cần đến kiến thức hàn lâm, được tích lũy qua quá trình học hành, trải nghiệm sống và viết; còn làm thơ thì chủ yếu phát triển tư duy theo “năng khiếu”, nương theo dòng cảm xúc cá nhân, sự thức dậy, giục giã của tiềm thức. Hai lĩnh vực này tưởng như không có gì liên quan nhau vì mọi người thường nghĩ nghiên cứu thì bài bản, khô khan, còn thơ thì bay bổng, lãng mạn… nhưng thực tế “hai nhà” này có những điểm giao thoa, tương trợ cho quá trình viết sáng tạo. Sự tương trợ này nhiều khi bật lên từ vô thức và chính ý thức của chúng ta cũng không thể phân định rõ ràng. Hình như đó thuộc về những giá trị mà cần phải có thời gian để nó thấm sâu ở “con người bên trong con người”, cất giấu tận đáy tiềm thức để rồi trong những tình huống cụ thể nào đó nó tự cựa quậy, hồi sinh trên câu chữ.
Kiến thức về văn hóa, lịch sử, chính trị, triết học… theo tôi là rất quan trọng đối với người sáng tác thi ca, nó chính là nền tảng, là điểm tựa để từ đó chúng ta phát huy trí tưởng tượng, tư duy sâu, rộng về mọi vấn đề của con người…, trên tinh thần đó kiếm tìm, theo đuổi cách kiến tạo những thi phẩm mà ở đó hy vọng có thể mang lại chút gì xúc động, chạm được đến trái tim bạn đọc.
Các cụ ta thường nói “nghề chơi cũng lắm công phu”. Viết sáng tạo tác phẩm văn thơ và viết phê bình văn học nghệ thuật trên thực tế đều là một “cuộc chơi” vô cùng công phu với con chữ, ai dám dấn thân vào con đường này đều phải chấp nhận làm “phu chữ” (nói như Lê Đạt).
Cuộc chơi này nó gian nan ở chỗ nếu ta không tỉnh táo thì dễ bị ngộ nhận, hiểu nhầm năng lực chính mình, và bằng lòng, tự mãn với một vài tác phẩm nho nhỏ nào đó, trong khi yêu cầu của việc sáng tạo nghệ thuật là vô cùng khắt khe, nó không bao giờ chấp nhận sự hời hợt, qua loa, thiếu một sự tìm tòi để thấy được cái “mới”, cái “đẹp” và sự độc đáo.
Vì vậy, tôi không bao giờ minh định mình là nhà nghiên cứu làm thơ hay ngược lại. Phải chăng nếu minh định vậy là tự đưa mình vào cái vòng “kim cô” và hạn chế chính mình?! Cho nên, đơn giản, tôi chỉ xin tự nhận mình là người viết những gì thích viết, bởi chỉ khi nào trái tim tôi thực sự xúc động vì điều gì đó thì khi đó tôi mới viết được mà thôi…!
Ai đó đã lo ngại rằng năng lực nghiên cứu và cá tính sáng tạo trong cùng một con người có nguy cơ ảnh hưởng không tốt lẫn nhau. Nhưng có người lại cho rằng sự song hành đó là một cơ duyên tốt lành. Bản thân chị với những tự nghiệm của mình thì thấy thế nào?
Tôi cho rằng năng lực nghiên cứu mà đi song hành được cùng cá tính sáng tạo thì rất tốt bởi nó bổ trợ cho nhau trong quá trình viết để kiến tạo những tác phẩm có chất lượng. Suy cho cùng, làm nghiên cứu phê bình hay sáng tác đều cần đến “cá tính sáng tạo”, tức là phải tạo ra cái riêng, cái độc đáo.
Nếu làm nghiên cứu, phê bình thì cá tính sáng tạo mang lại cái “duyên”, sự hấp dẫn cho ngòi bút; nó khiến những bài/ công trình nghiên cứu, phê bình “mềm dẻo”, có “hồn” và thuyết phục lòng người hơn. Ngược lại, nếu có năng lực nghiên cứu (tức là năng lực tư duy khoa học, khả năng vận dụng kiến thức tổng hợp để luận giải, làm sáng tỏ các vấn đề văn học) thì cũng đồng thời người viết có một “Cultural font” (cơ sở/nền tảng văn hóa) để từ đó có “vốn” vững vàng, an nhiên, tự tin kiến tạo tác phẩm theo ý tưởng của mình; và tôi nghĩ nếu người cầm bút nào có được “thiên năng” như vậy thì quả là may mắn và hạnh phúc vì sự nghiệp cầm bút sẽ có “sức bền” và luôn gọi về thế giới tinh thần của mình nhiều năng lượng sáng tạo. Tôi luôn mơ ước mình có những phẩm tính này của một người cầm bút...
Tìm thấy, đọc ra những giá trị để chia sẻ cùng bạn đọc
Các nhà văn nhà thơ khi sáng tạo thường có xu hướng vượt thoát mọi lí lẽ, bất tuân mọi quy luật. Trong khi đó, các nhà nghiên cứu, phê bình luôn sử dụng những công cụ, thao tác nhất quán trong hệ thống mang tính nguyên lí. Nếu ai đó khuyên rằng trong mỗi nhà nghiên cứu, phê bình cần có thêm một người nghệ sĩ, thì chị nghĩ sao?
Nghiên cứu, lý luận - phê bình văn học là công việc vẫn thường bị coi là “khô, khó, khổ” bởi phải tuân thủ những nguyên tắc của nghiên cứu khoa học.
Tuy nhiên, lý luận hiện đại ngày nay xác định rõ đây là công việc “sáng tạo trên nền một sáng tạo”, đặc biệt đối với phê bình văn học. Mỗi tác phẩm phê bình không đơn thuần chỉ là “phê” cái hay, dở, đúng, sai… của tác phẩm mà bản thân bài viết/ công trình phê bình đó phải mang đậm dấu ấn cảm xúc chủ quan, chính kiến của người viết. Viết phê bình cũng cần đến sự tưởng tượng, bay bổng, cũng cần đến sự “hóa thân”, hòa mình vào dòng chảy của con chữ… để đọc ra những thông điệp ẩn sau lớp lớp ngôn từ. Nếu không có “chất nghệ sĩ”, thiếu sự nhạy cảm, tinh tế thì sẽ không thể làm phê bình, bởi phê bình văn chương nói riêng và phê bình văn học nghệ thuật nói chung là công việc “vừa là khoa học vừa là nghệ thuật”!
Trong quá trình nghiên cứu, phê bình, chị đặt sự chú tâm cao nhất đến yếu tố nào trong mối quan hệ cốt yếu gồm tác giả (tiền văn bản) - tác phẩm (văn bản) - người đọc (hậu văn bản)?
Tôi quan tâm đến văn bản (tức bản thân tác phẩm) nhiều hơn. Bởi lẽ chỉ có văn bản mới là nơi giúp tôi “đọc” ra tất cả thông điệp chính xác mà nhà văn muốn gửi gắm với người cùng thời (và cả những thông điệp “vượt tầm” thời đại, vượt tầm tư tưởng của nhà văn do đặc thù của nghệ thuật ngôn từ mang lại) - đằng sau câu chữ của văn bản nghệ thuật bao giờ cũng là những “mật ngữ” hàm chứa nhiều mỹ cảm văn chương, và nhiệm vụ của nhà phê bình là phải làm sao tìm thấy, “đọc” ra những giá trị nhân văn mang giá trị văn hóa đó để chia sẻ cùng bạn đọc.
Tuy nhiên, ở một số trường hợp cũng không thể bỏ qua những yếu tố ngoài văn bản, bởi nhiều khi muốn giải quyết thấu đáo vấn đề lại phải bắt đầu từ những yếu tố liên quan đến tác giả và bạn đọc. Tuy nhiên, những yếu tố này chỉ là những yếu tố phụ để giúp suy nghĩ về những vấn đề mà bản thân văn bản đã gợi ý.
Tôi nghĩ đó là một cách tiếp cận nghiêm túc, sòng phẳng. Nhân đây, tôi cũng muốn nói về một thực tế hiện nay. Vì sự tiếp cận không nghiêm túc, không sòng phẳng, thậm chí vì những sự chi phối ngoài học thuật và ngoài văn chương, đã có những cách làm mà chúng ta có thể tạm gọi là phê bình giao đãi, phê bình công điểm, phê bình trả ơn, phê bình thân hữu… Theo chị, căn nguyên của câu chuyện này là từ đâu?
Thực ra những kiểu viết mà chúng ta tạm gọi là “phê bình” này không phải là phê bình văn học đích thực, đó chỉ là những văn bản “bình tán” ai đó viết cho “vui” và để làm hài lòng một số người không/ chưa thật thấu hiểu “văn chương là gì?” nhưng lại muốn khẳng định “tên tuổi”. Tham vọng nổi “danh” mâu thuẫn với năng lực thực sự, nên có hiện tượng một số người thường “nhờ” hoặc thậm chí “thuê” viết bài tụng ca về một “tác phẩm” thiếu chất lượng. Có lẽ đó là khởi nguồn của loại viết “phê bình” này.
Tôi quan niệm khi phê bình không có giá trị học thuật thì nó sẽ không có cơ sở để lưu lại cùng dòng chảy thời gian và chắc chắn nó cũng không thuyết phục bạn đọc. Theo quy luật tồn tại của nghệ thuật, cho dù người viết có “tung hứng” cao đến mấy mà tác phẩm đó không đáp ứng được nhu cầu thẩm mỹ của bạn đọc thì cả tác phẩm và cả những bài “tụng ca” sáo rỗng cũng sẽ nhanh chóng bị lãng quên.
Để có những nhà phê bình chuyên nghiệp, chuyên tâm
Trong bối cảnh đổi mới và hội nhập, đội ngũ làm phê bình cũng như đời sống phê bình văn học tất yếu sẽ có những chuyển động quan trọng. Câu chuyện này ở ta diễn ra thế nào, theo nhìn nhận của chị?
Với nhiều cơ hội thuận lợi do thời đại mang đến, sự phát triển của phê bình văn học Việt Nam vài chục năm qua (tính từ thời kỳ đổi mới sau 1986 đến nay) được đặt trên cơ sở tư duy lý luận xác lập rõ vai trò, vị thế, chức năng của nhà phê bình và phê bình. Giai đoạn này dân trí được nâng cao, giao lưu với thế giới được mở rộng, cùng với sự bùng nổ của công nghệ thông tin nên đội ngũ viết phê bình có điều kiện tiếp cận với những kiến thức mới và thời sự nhất. Dù còn chưa nhiều nhưng đã bước đầu hình thành một đội ngũ phê bình văn học có vốn kiến thức phong phú, nhạy cảm với cái mới, nhất là những lý thuyết lý luận phê bình hiện đại của thế giới và có thể tham gia giải quyết những vấn đề gay cấn đặt ra cho đời sống văn học đương đại để từ đó làm nhịp cầu kết nối giữa nhà văn và bạn đọc. Đội ngũ phê bình mới hình thành đã và đang từng bước tìm tòi, sáng tạo, đẩy lùi “căn bệnh” phê bình cảm tính, non kém về cơ sở lý thuyết ra khỏi đời sống phê bình, gia tăng thêm tính học thuật, từ đó nâng cao tính khoa học trong nghiên cứu phê bình.
Đối tượng chủ yếu của phê bình văn học là tác phẩm văn học nhưng hoạt động của nhà phê bình không đơn thuần chỉ thụ động dừng lại ở chỗ chỉ ra cái hay, cái đẹp của tác phẩm mà còn là một hoạt động “sáng tạo trên nền của sáng tạo”. Nhà phê bình phải nhận ra được sự vận động nội tại của đời sống văn học, đưa ra những luận giải thuyết phục về những hiện tượng văn học đang diễn ra, sự phán đoán và khẳng định các giá trị theo quan điểm thẩm mỹ độc đáo của bản thân. Nhà phê bình là một bạn đọc đặc biệt luôn “đồng sáng tạo” cùng nhà văn, tính sáng tạo trở thành nguyên tắc cơ bản trong quá trình tiếp nhận tác phẩm của người viết phê bình văn học. Phê bình văn học thực sự đã trở thành một món ăn tinh thần không thể thiếu của nhiều bạn đọc, có hiệu ứng tốt trong việc giúp bạn đọc tìm hiểu những giá trị của tác phẩm, đặc biệt những tác phẩm được sáng tạo bởi những nghệ sĩ giàu cá tính, định hướng thẩm mỹ và hướng xã hội đến sự thay đổi dần những quan niệm còn nhiều giới hạn về văn chương nghệ thuật.
Cùng với sự phát triển của lịch sử thời đại, đời sống sáng tác văn học ngày càng trở nên phong phú, phức tạp. Hơn lúc nào hết, để phát huy vai trò của phê bình đối với xã hội đòi hỏi nền phê bình văn học của Việt Nam phải có cơ chế mở để xác lập được những tiêu chí định giá văn học cập nhật được giá trị nhân văn chung của nhân loại. Đó là một nền phê bình phải được phát triển theo nguyên tắc tôn trọng tư tưởng dân chủ, chấp nhận ý kiến khoa học đa chiều và cá tính sáng tạo độc đáo của mỗi nhà phê bình - Và đây, có lẽ cũng chính là chìa khóa để phê bình văn học Việt Nam có thể vượt qua cánh cửa trì trệ, bảo thủ, cực đoan, thực sự trở thành nhân tố tổ chức của tiến trình văn học, tác động một cách tích cực nhất vào sự vận động, phát triển của nền văn học dân tộc trong thời kỳ hội nhập và phát triển của xu hướng toàn cầu hóa (trong đó có toàn cầu hóa văn hóa mà văn học là một bộ phận trọng yếu của văn hóa, không thể không quan tâm và đứng ngoài khí quyển văn hóa toàn cầu đó).
Trong “khí quyển” văn hóa toàn cầu như vừa nói, ở thời điểm này, theo chị, phê bình văn học xét từ phương diện đội ngũ còn những giới hạn như thế nào?
Chúng ta thấy còn thiếu một lực lượng chuyên tâm làm phê bình. Mặc dù, như đã đề cập, nền phê bình văn học thời kỳ đổi mới đã hình thành một đội ngũ làm nghiên cứu, phê bình văn học khá đông đảo. Tuy nhiên dù có hàng trăm người cầm bút viết phê bình văn học nhưng những người tâm huyết, say mê theo đuổi nghiệp viết phê bình không nhiều. Khi “nghề” viết phê bình bị coi nhẹ, chưa được quan tâm, đánh giá đúng mức, thậm chí là một nghề bạc bẽo và “nguy hiểm” thì chuyện không chuyên tâm với nghề cũng là điều tất yếu. Và vì không chuyên tâm nên một số họ đã chuyển sang làm phê bình “nghiệp dư”, viết để “góp vui”, có hứng thú thì viết, không hứng thú thì thôi, khen chê theo cảm tính...
Tình trạng này đã khiến nền phê bình rơi vào trạng thái thiếu tính chuyên nghiệp trong cảm thụ, phân tích, đánh giá với tư cách là một bộ môn vừa là nghệ thuật vừa là khoa học. Vì thế trong đời sống lý luận phê bình đã xuất hiện nhiều bài phê bình nhạt nhẽo, vô bổ, thiếu tính độc đáo trong phát hiện, không hướng đến việc tiếp cận chân lý nghệ thuật và chân lý đời sống, phê bình theo xu hướng nói “nước đôi” và ai cũng có thể viết “phê bình” và trở thành “nhà phê bình” văn học.
Nền phê bình thiếu một đội ngũ tâm huyết còn bởi một nguyên nhân quan trọng đó là người làm phê bình ở nước ta không ai có thể sống được bằng nghề viết phê bình, bởi người đọc phê bình không nhiều và các cơ quan truyền thông như các tòa soạn báo, tạp chí, các đài phát thanh truyền hình... cũng không mặn mà với các bài viết lý luận phê bình nên việc trả nhuận bút cho những bài phê bình văn học nghệ thuật còn rất “khiêm tốn” so với chất xám được đầu tư cho các bài viết. Đây cũng là vấn đề đặt ra cho các nhà quản lý văn học nghệ thuật cần suy ngẫm để có những giải pháp đầu tư thích đáng cho lý luận phê bình, nếu muốn lý luận phê bình văn học nước nhà khởi sắc, phát triển một cách bền vững.
Một giới hạn khác cũng cần được nói đến, đó là việc đào tạo và bồi dưỡng đội ngũ những người làm lý luận phê bình vẫn chưa có hệ thống bài bản; vì thế, chưa đáp ứng nhu cầu xây dựng và phát triển một nền lý luận phê bình văn học chuyên nghiệp trong thời kỳ hội nhập của xu hướng toàn cầu hóa ở các phương diện như: trình độ học vấn, tri thức, văn hóa, năng lực cảm thụ và kỹ năng phê bình văn học, trình độ ngoại ngữ để tiếp nhận những lý thuyết mới từ nguyên bản, cũng như một bản lĩnh, dũng khí, từ đó hình thành một nhân cách văn hóa của nhà phê bình để phát hiện, luận giải và khẳng định chân giá trị của các vấn đề văn học và đời sống. Bởi lẽ vấn đề đào tạo chính quy được xem là nền tảng để hình thành tư cách nhà nghiên cứu, phê bình.
Tuy nhiên, một thực tế tồn tại là suốt nhiều năm qua, nước ta chưa có chiến lược đào tạo nguồn nhân lực cho lĩnh vực phê bình văn học. Các cơ sở giáo dục đại học có chuyên ngành Văn học hầu như chưa chú trọng xây dựng chương trình đào tạo đội ngũ làm phê bình văn học. Ngay cả việc đào tạo nguồn nhân lực giảng dạy, nghiên cứu văn học cũng còn rất nhiều giới hạn bởi chương trình lạc hậu, xơ cứng, chưa phù hợp với xu thế hội nhập và phát triển của đất nước, nhất là khi chúng ta đang bước vào thời đại cách mạng công nghệ mới, vì thế cũng chưa mở ra cho người học nhiều cơ hội được sáng tạo, học hỏi vươn lên để chinh phục những lý thuyết mới của nhân loại - “công cụ” để nâng cao chất lượng phê bình văn học .
Tri thức phong phú, vốn sống, vốn văn hóa, sự nghiệm sinh cá nhân… cần phải được xem là cơ sở quan trọng để “hành nghề” phê bình. Cái thiếu hụt nhất của phê bình thời kỳ này là nhiều người làm phê bình nhưng chưa quan tâm đến vai trò then chốt của các cơ sở lý thuyết khoa học về phê bình văn học trong việc đánh giá thẩm định các hiện tượng văn học. Nếu thiếu đi chiều sâu học thuật trong các bài phê bình, các luận giải của nhà phê bình sẽ rơi vào tình trạng chủ quan, chông chênh, khó thuyết phục người đọc.
Sự giới hạn về nhận thức, thiếu hụt tri thức văn hóa và các lý thuyết phê bình văn học nói trên đã dẫn đến vấn đề tranh luận trong phê bình văn học còn mang tính áp đặt, thiếu văn hóa tranh luận, thiếu và yếu tính học thuật. Lối phê bình xã hội học dung tục, mang tính “qui chụp chính trị” một cách phi lý và thô thiển, tưởng chừng chỉ có ở thời kỳ trước đổi mới và đã đi vào “dĩ vãng xa xôi” nhưng đến nay vẫn còn tồn tại dai dẳng đó đây…
Biết hướng về cái mới và bảo vệ cái mới tiến bộ là một phẩm chất của nhà phê bình chân chính, nhưng giai đoạn này cũng còn nhiều nhà phê bình chọn cho mình vùng “an toàn”, nói kiểu nước đôi để tránh bị chụp mũ, bắt bẻ. Thiếu dũng khí, bản lĩnh, thiếu tinh thần dấn thân và thiếu phát hiện độc đáo mang tính đột phá của cá nhân nhà phê bình khi luận giải các hiện tượng văn học - đây là một giới hạn cản trở lớn đến sự phát triển của nền phê bình văn học Việt Nam.
Rõ ràng chúng ta đang gặp phải rất nhiều cản trở. Giả định có đủ điều kiện, chị muốn bắt đầu giải quyết vấn đề này từ đâu?
Nghiên cứu lý luận và viết phê bình văn học nghệ thuật có một đặc thù riêng, khác với sáng tác văn học, người làm lý luận - phê bình văn học bên cạnh thiên năng còn phải được học hành và đào tạo toàn diện, nghiêm túc, bài bản. Do đó muốn tăng cường số lượng và nâng cao chất lượng đội ngũ làm lý luận, phê bình cần phải bắt đầu từ việc chú trọng đào tạo và sử dụng con người. Theo tôi, có mấy việc cơ bản cần phải làm sau đây:
Thứ nhất, cần có chính sách để trọng dụng, tập hợp đội ngũ những nhà nghiên cứu lý luận, phê bình văn học đã được đào tạo chuyên sâu chuyên ngành Lý luận văn học hiện đang ở rải rác trong các trường đại học, viện nghiên cứu, các Hội Văn học Nghệ thuật, lấy đội ngũ này làm nòng cốt để lan tỏa tinh thần nâng cao chất lượng học thuật trong nghiên cứu, phê bình văn học nghệ thuật. Hiện tại ở nước ta, để đào tạo được một người làm nghiên cứu, phê bình văn học nghệ thuật không phải dễ dàng gì nhưng khi đào tạo xong lại để lãng phí vì các nhà quản lý văn học nghệ thuật chưa chú trọng việc sử dụng đúng con người.
Thứ hai, môn Lý luận văn học cần được bố trí dạy - học một cách khoa học, bài bản phù hợp với năng lực tiếp nhận của người học ở từng cấp học. (Cần tập hợp những nhà nghiên cứu, những thầy/cô có kinh nghiệm chuyên môn, được đào tạo chuyên sâu về lý luận phê bình văn học tham gia vào việc làm chương trình).
Thứ ba, ở bậc Đại học, những khoa đào tạo cử nhân liên quan đến các ngành thuộc Văn học nghệ thuật, môn Lý luận văn học phải được coi là môn học quan trọng, cung cấp kiến thức nền để luận giải các vấn đề về đời sống văn hóa nghệ thuật. Cần đổi mới triệt để về khung chương trình, phương pháp giảng dạy, thời lượng giảng dạy để làm sao người học được tiếp cận với những kiến thức nền tảng, cơ bản nhất. Ở các Khoa đào tạo Cử nhân văn học cần mở ngành Lý luận - phê bình văn học nghệ thuật. Tuyển chọn người học và có chính sách ưu tiên, khuyến khích với những người có thiên năng. Bên cạnh đó tăng cường thêm các lớp bồi dưỡng ngắn hạn (do những chuyên gia giỏi trong và ngoài nước, giảng dạy có chất lượng) cho đội ngũ hiện đang làm nghiên cứu, phê bình văn học nghệ thuật.
Thứ tư, các tổ chức có thẩm quyền quản lý văn hóa văn nghệ (Hội Nhà văn Việt Nam, Hội đồng Lý luận phê bình Văn học nghệ thuật TW, các Hội Văn học nghệ thuật ở các tỉnh, thành phố) cần đổi mới cách thức tổ chức các hoạt động chuyên môn để thực sự nâng cao chất lượng, thúc đẩy sự phát triển lý luận phê bình văn học. Ví dụ: Việc tổ chức các hoạt động như hội thảo, hội nghị, mở các lớp bồi dưỡng kiến thức… cần được tiến hành một cách chuyên nghiệp, bài bản để có hiệu quả thực sự và có tác động sâu, rộng đến đời sống văn học.
Tôi tin rằng nếu làm được như vậy chắc chắn chúng ta sẽ có một nền phê bình đáp ứng được kỳ vọng của công chúng tiếp nhận trong thời đại lịch sử mới của đất nước - thời kỳ hội nhập và phát triển trong xu hướng toàn cầu hóa. Song hành với quá trình đổi mới của đất nước, nền phê bình văn học Việt Nam đứng trước những vận hội mới, những thuận lợi chưa từng có, nhưng cũng có nhiều thử thách, khó khăn cần phải vượt qua trong quá trình vươn lên tầm cao mới…
Trân trọng cảm ơn chị đã chia sẻ với cả những trăn trở, những tin tưởng và hy vọng.
PSG.TS Cao Thị Hồng
Năm sinh: 1968
Quê quán: Sầm Sơn, Thanh Hóa
Trú quán: TP Thái Nguyên
Hội viên Hội VHNT tỉnh Thái Nguyên
Hội viên Hội Nhà văn Việt Nam
Một số công trình, tác phẩm:
. Một chặng đường đổi mới lý luận văn học Việt Nam (1986 - 2011), (Chuyên luận), NXB Hội Nhà văn, 2011.
. Lý luận - phê bình văn học: Đổi mới & sáng tạo (Tiểu luận nghiên cứu & phê bình), NXB Hội Nhà văn, 2013.
. Lý luận - phê bình văn học: Một góc nhìn mới (Tiểu luận phê bình), NXB Hội Nhà văn, 2017.
. Những vẻ đẹp văn chương (Tiểu luận phê bình), NXB Hội Nhà văn, 2020
. Mùa bánh kiến (tập thơ), NXB Thanh niên, 2006
. Người đàn bà qua hai mùa tóc (tập thơ), NXB Hội Nhà văn, 2014
0 đã tặng
Hãy liên hệ với chúng tôi qua số điện thoại: 0988827920 (Ngô Ngọc Luận), nếu bạn có nhu cầu thưởng thức những ấn phẩm của Văn nghệ Thái Nguyên.
Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...