Thứ năm, ngày 21 tháng 11 năm 2024
18:19 (GMT +7)

Nữ thủ lĩnh và câu chuyện làm thương hiệu

Được mệnh danh là một tứ đại danh trà của mảnh đất Thái Nguyên, song trước đây, cũng như phần lớn các vùng chè ngon khác, chè La Bằng chẳng được mấy ai biết tiếng, biết tên. Hơn 10 năm, là thời gian để chè La Bằng có một cú “lội ngược dòng”, trở thành thương hiệu được vinh danh trên nhiều diễn đàn lớn. Và, người đi tiên phong trong “dòng nước ngược” ấy chính là chị Nguyễn Thị Hải, Chủ tịch HĐQT, Giám đốc Hợp tác xã (HTX) chè La Bằng (Đại Từ).

Nhân ngày Phụ nữ Việt Nam 20/10, VNTN đã mời vị khách đặc biệt này cùng trò chuyện. Xin trân trọng giới thiệu cùng độc giả.


Chị Nguyễn Thị Hải, Chủ tịch HĐQT, Giám đốc Hợp tác xã Chè La Bằng (Đại Từ)

Nhọc nhằn con đường tìm thương hiệu

Xin chào chị Hải! Nếu đặt sự phát triển của chè La Bằng trên một đường đua có nhiều nấc thang, thì có thể thấy hiện nay nó đã ở về phía những nấc thang cao nhất. Là người dẫn dắt và tiên phong kiến tạo nên những nấc thang ấy, chị nghĩ gì khi nhìn về điểm xuất phát đầu tiên?

Chị Nguyễn Thị Hải: Như một giấc mơ vậy! Nhiều khi nghĩ lại, tôi vẫn không dám tin những thành quả hôm nay là sự thật.

Theo chị, điều gì đã tạo ra những thành quả ấy?

Chị Nguyễn Thị Hải: Thương hiệu! Chính sự thành công trong việc xây dựng thương hiệu đã giúp cho chè La Bằng có được những danh xưng như ngày hôm nay.

Xây dựng thương hiệu, đó chắc hẳn là một câu chuyện dài?

Chị Nguyễn Thị Hải: Rất dài và vô vàn những gian truân trong đó. Sinh ra và lớn lên ở đất chè, tôi theo mẹ đi bán chè khắp các chợ trong huyện từ lúc chưa đến 10 tuổi. Lớn hơn, tôi có thể thay mẹ chọn chè và giao hàng cho khách gần khu vực trường tôi học ở thị trấn Đại Từ. Ngày ấy bán hàng chỉ đơn thuần có hàng là mang đi bán. Khách mua cũng không mấy ai quan tâm hỏi xem chè này được trồng ở đâu. Đến khi học xong phổ thông, tôi theo bà bác đi bán chè tại chợ Rồng (Nam Định). Ai đến chợ thử chè của mình xong đều thích. Nhưng khi họ hỏi chè này được trồng ở đâu, tôi hồ hởi trả lời là chè La Bằng, Đại Từ thì ai cũng ngơ ngác. Không một ai biết ở Thái Nguyên có chè La Bằng cả. Nhiều người còn hỏi tôi La Bằng là ở tỉnh Cao Bằng à? Tôi có nói thế nào họ cũng không tin ở Thái Nguyên có vùng trồng chè tên là La Bằng.

Vì vậy mà chè của mình dù ngon nhưng bán vẫn không được giá. Điều này cứ canh cánh trong lòng tôi.

Tiếp sau đó, đầu những năm 2000 tôi có tham gia rất nhiều hội chợ giới thiệu sản phẩm. Đến đâu, khách uống thử cũng khen ngon, nhưng vẫn như những lần trước họ không hề biết đến La Bằng. Tôi lờ mờ nhận ra tầm quan trọng của việc phải chứng minh La Bằng là một vùng chè ngon ở Thái Nguyên. Nhưng tất cả cũng mới chỉ dừng lại ở suy nghĩ.

Tôi loay hoay không biết phải làm gì để chứng minh điều đó. Cho đến khi tôi được tham gia vào các lớp tập huấn, nghe giáo viên giảng thì mới biết chắc rằng giá trị của sản phẩm chính là thương hiệu. Đó cũng chính là chiếc chìa khóa để tôi mở ra những “mộng tưởng” cho mình.

Khu vực sản xuất với các trang thiết bị máy móc công nghệ cao của HTX chè La Bằng.

Sao lại là “mộng tưởng” khi mà hiện nay mọi thứ đều đang hiện hữu?

Chị Nguyễn Thị Hải: Là bởi bắt tay vào làm tôi mới biết không phải cứ muốn là được. Càng làm càng thấy đích đến nó như xa hơn. Xác định, đi đường dài đâu thể đi một mình. Nhưng để tìm được người cùng chí hướng đã khó, tìm được rồi để họ tin và đồng hành cùng mình lại càng khó. Chưa kể là những vấn đề phát sinh mà trước đó tôi không thể lường trước được.

Đầu tiên, tôi đến nói với ông Thùy là Chủ tịch UBND xã lúc bấy giờ về suy nghĩ của mình. Rất may ý tưởng của tôi được ông ủng hộ. Tôi bàn với ông cách thức triển khai thực hiện và nhận được sự đồng tình. Ngay sau đó tôi và ông Thùy đích thân đi vận động thêm những người khác. Việc vận động khi ấy không hề dễ dàng, thậm chí nhiều người còn cho tôi là gàn dở, nói chuyện trên mây, trên gió. Bao năm nay, chả vào HTX, chả có thương hiệu chè người ta vẫn bán được. Hy vọng vừa mới lóe lên của tôi dường như lại rơi vào ngõ cụt. Thế rồi “cái khó ló cái khôn”, thuyết phục bà con nông dân khó, ông Thùy với tôi nảy ra suy nghĩ mời cán bộ, lãnh đạo xã tham gia HTX (vì nhà ai cũng có chè). Cách làm ấy cuối cùng đã có hiệu quả, chúng tôi mời thêm được 11 người, đủ điều kiện để xin thành lập HTX. Trong đó có tôi, đồng chí Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã, Thường trực Đảng, Trưởng Công an xã và mấy hộ dân nữa.

Năm 2006, HTX chè La Bằng được thành lập với 13 thành viên. Năm 2007, chúng tôi nộp đơn xin bảo hộ nhãn hiệu chè La Bằng. Hơn 1 năm sau, HTX được Cục Sở hữu trí tuệ cấp chứng nhận cho thương hiệu. Chúng tôi vui mừng mang sản phẩm đi giới thiệu ở hội chợ khắp các tỉnh từ Bắc vào Nam. Mục đích lúc đó chỉ là mang chè của mình đi cho người ta biết, bán được thì tốt, không bán được cũng không sao.

Ròng rã đi như thế hơn 1 năm trời, đến năm 2009, chè của chúng tôi bắt đầu được người tiêu dùng biết đến. HTX đã có những đơn hàng đầu tiên. Ngoài những khách hàng đến mua trực tiếp, chúng tôi cũng đã nhận được các đơn hàng từ tỉnh ngoài. Một số khách hàng chúng tôi gặp và chào hàng trong những lần đi hội chợ, hội thảo đã chủ động liên hệ và đặt hàng. Mặc dù số lượng sản phẩm bán ra khi đó chưa được nhiều, nhưng cơ bản chè của các xã viên đã không còn phải lo nơi tiêu thụ, giá cả cũng ổn định hơn.

Thử thách từ “trên trời rơi xuống”

Vậy là thành công đã “mỉm cười” với chị rồi đấy chứ?

Đâu có dễ dàng như vậy. Đúng lúc tưởng như thuận lợi nhất ấy, thì khó khăn khác lại phát sinh.

Thời điểm đó, huyện Đại Từ có chủ trương giao cho xã xây dựng thương hiệu sản phẩm chè. Xã làm hồ sơ gửi đi nhưng vì HTX chúng tôi đã đăng ký thương hiệu trước nên xã La Bằng không thể đăng ký chứng nhận cùng tên. Vậy là địa phương vận động chúng tôi nhượng lại thương hiệu mình đã đăng ký một cách vô điều kiện. Đây là tình huống mà trước đó chúng tôi không hề lường trước được. Thử thách này không giống như khi tôi biếu khách hàng chè dùng thử và nuôi hy vọng một ngày nào đó họ quay trở lại với mình, mời người ta thử chè miễn phí để biết, để nhớ tới cái tên chè La Bằng.

Còn với việc nhượng thương hiệu này, tôi hiểu rằng thứ chúng tôi mất đi sẽ không thể quay trở lại. Trong tôi khi ấy như có 2 con người với lý lẽ khác nhau và luôn mâu thuẫn. Nếu chúng tôi không đồng ý thì thương hiệu La Bằng chỉ có thành viên HTX chúng tôi được sử dụng, còn nếu chúng tôi nhượng lại thì số người được hưởng lợi sẽ lớn hơn rất nhiều. Nhưng nếu nhượng lại thương hiệu, thiệt hại của chúng tôi quá lớn. Riêng tiền bao bì khi đó đã là 80 triệu đồng. Nhượng quyền đồng nghĩa với 80 triệu đồng đó trở thành giấy lộn, chưa kể nhiều mất mát khác kéo theo.

Mất nhiều ngày suy nghĩ đến quên ăn quên ngủ, tôi thấy hy sinh quyền lợi của số ít, vì lợi ích của số đông thì cũng là việc nên làm. Tôi cố gắng thuyết phục các thành viên khác đồng thuận, quyết định nhượng lại thương hiệu cho xã.

Nhưng, hoạt động của HTX chỉ vừa mới có tín hiệu lạc quan. Thời gian trước đó, chúng tôi xác định, giai đoạn đầu mục đích quảng bá là chính nên chưa có hoạt động sinh lời. Tiền của cá nhân tôi cũng như các thành viên tham gia HTX dần cạn. Trụ sở làm việc của HTX cũng chưa có… Những khó khăn đó khiến nhiều xã viên có tâm lý chán nản, mất kiên nhẫn và xin ra khỏi HTX. Xã viên chỉ còn lại 4 người.

Chắc hẳn khi ấy chị đã rất tiếc nuối?

Tiếc nuối xen lẫn cảm giác hẫng hụt và bất lực. Bao công sức của bản thân và những người đồng cam cộng khổ với mình ngay thủa ban đầu giờ thành công cốc. Nhìn 9 thành viên lần lượt rời bỏ HTX, cảm giác buồn một thì cảm giác bản thân có lỗi với họ trong tôi còn lớn hơn gấp nhiều lần. Họ đã vì tin mà ủng hộ tôi. Vậy mà đi cùng nhau mới được một đoạn đường, tôi đã để cho họ phải thất vọng.

Quả thực, lúc bấy giờ chính tôi cũng đã có ý định bỏ cuộc vì kinh tế gia đình tôi cũng đã kiệt quệ. Nhưng ban ngày, hết nghe chuyện người này hôm nay mang chè ra chợ không bán được, người kia kể bị tư thương ép giá phải bán tống bán tháo; đêm về lại ngồi nhìn đống bao bì đã in phải bỏ, tôi lại thấy không cam lòng. Bụng bảo dạ, cố nốt thêm một năm, nếu vẫn không bán được sản phẩm thì tôi sẽ không nghĩ đến việc gây dựng thương hiệu nữa. Tôi sẽ lại về đi bán chè ở chợ như người ta.

Tự sốc lại tinh thần, tôi họp với 3 thành viên còn lại, nhắc lại mục tiêu khi chúng tôi bắt đầu. Quyết tâm “cháy” thêm lần nữa, chúng tôi phân công nhau tiếp tục đi vận động thêm những thành viên mới vào HTX. Sau nhiều ngày, chúng tôi đã tìm được 5 người đồng ý tham gia. Vậy là số lượng đã vượt quá 2 thành viên so với con số tối thiểu để HTX được duy trì hoạt động.

Không gian trưng bày sản phẩm và thưởng trà của HTX chè La Bằng

Sóng gió bên ngoài áp lực như vậy, lúc này chị có nhận được sự ủng hộ từ phía gia đình?

Chị Nguyễn Thị Hải: Nhà tôi lúc ấy mỗi lứa làm cũng được mấy chục cân chè khô. Nhưng từ khi nung nấu ý tưởng làm thương hiệu, chè làm ra đến đâu, cơ bản tôi mang đi mời người ta uống thử đến đấy, gần như chẳng thu về được đồng nào. Hàng mấy năm trời ngược xuôi, ra Bắc vào Nam, có khi phải đi liền vài ngày. Suốt khoảng thời gian đó, đến bản thân tôi nhiều khi còn cảm thấy mông lung nên không sao giải thích cho chồng hiểu được. Điều đó đã khiến anh ấy vừa lo, vừa giận và đôi lúc không hài lòng. Tôi rất hiểu cảm giác của anh ấy. May mà 2 đứa con tôi lúc bấy giờ là sinh viên đại học, rất hiểu và ủng hộ mẹ. Không có tiền cho con, mỗi lần các cháu về nhà, tôi lại đưa cho hai anh em mỗi đứa vài cân chè khô mang xuống trường, để đi bán lấy tiền trang trải cho cuộc sống xa nhà.

Bên cạnh đó, tôi được sự hậu thuẫn từ phía anh em nhà chồng. Cứ mỗi khi tôi phải đi đâu xa, cô, dì, chú, bác lại phải đến nhà làm công tác tư tưởng cho ông xã tôi và giúp tôi phần nào việc nhà.

Dần dà mọi thứ cũng đi vào quỹ đạo, sản phẩm bán được ngày một nhiều hơn và được giá hơn nhiều so với trước. Các sản phẩm chè cao cấp cũng lần lượt được ra đời và nhanh chóng có chỗ đứng trên thị trường. Vì vậy gia đình ngày càng tin tưởng vào con đường tôi đang đi hơn.

Bước đầu thành công nhưng tôi chưa ngừng lại

Từng được chọn làm quà tặng tại Hội nghị cấp cao APEC, vinh dự là món quà quý gửi đến nhiều nguyên thủ quốc gia trên thế giới; được vinh danh là sản phẩm tiêu biểu trong nhiều diễn đàn trong và ngoài tỉnh; giá bán sản phẩm chè La Bằng đã tăng lên đáng kể so với trước khi xây dựng được thương hiệu. Những điều ấy hẳn đã khiến chị hài lòng?

Chị Nguyễn Thị Hải: Nếu nói về hiệu quả kinh tế thì có thể khẳng định, hiện nay người làm chè ở La Bằng đã có thể “sống khỏe” từ việc làm chè. Chè La Bằng ít nhiều cũng đã khẳng định được vị thế của mình trên thị trường nhưng tôi nghĩ như thế là chưa đủ. Nếu ta dễ bằng lòng với những gì ta đã có thì việc tụt hậu là điều sớm muộn cũng xảy ra, nên tôi nghĩ mình chưa thể dừng lại mà chỉ là điều chỉnh mục tiêu của mình cho phù hợp với từng giai đoạn mà thôi.

Mục tiêu đó trong giai đoạn hiện nay là gì, chị có thể chia sẻ được không?

Chị Nguyễn Thị Hải: Không có gì to tát cả, tôi chỉ mong muốn người làm chè ở La Bằng sẽ tuân thủ việc làm chè an toàn, từng bước hướng đến làm chè hữu cơ. Bởi chỉ khi làm được như vậy, sản phẩm chè La Bằng mới có thể vươn xa hơn nữa và người dân sẽ càng ấm no nhờ cây chè.

Không to tát, nhưng để thực hiện được mục tiêu này xem chừng cũng không ít khó khăn?

Chị Nguyễn Thị Hải: Đúng như vậy. Nhận thức của người làm chè là yếu tố quyết định mục tiêu đó thành hay bại. Mà bạn biết đấy, thay đổi nhận thức, suy nghĩ của người khác là điều chưa bao giờ dễ, chưa kể những điều đó đã trở thành căn cốt của họ bao đời nay. Nhưng phàm là thế, những thứ phải khó khăn mới có được thì luôn mang lại giá trị xứng đáng...

Vậy đâu sẽ là “chiếc gậy thần thông” để chị chinh phục những khó khăn này?

Chị Nguyễn Thị Hải: (cười) Tôi nghĩ rằng để người dân thay đổi thói quen, nhận thức không có bài tuyên truyền nào có tác dụng tốt bằng để người dân tự nhìn thấy, tự so sánh và tự cảm nhận. Cho nên tôi đã lựa chọn, những người vốn “bất đồng quan điểm” về sự cần thiết phải làm chè an toàn với mình nhất để đồng hành, giúp đỡ họ trong việc chăm sóc và chế biến chè.

Tôi thuyết phục họ chăm sóc chè theo cách tôi hướng dẫn, có cam kết và tất nhiên trong đó phần thiệt tôi phải nhận về mình. Khi thu hái chè về, tôi để họ mang đến xưởng nhà tôi, với đầy đủ máy móc hiện đại nhất cho họ chế biến miễn phí. Có lần tôi phát hiện chè của họ có hàm lượng phân hóa học và thuốc bảo vệ thực vật vượt quá tiêu chuẩn, nghĩa là họ đã không tuân thủ điều tôi hướng dẫn, nhưng tôi vẫn mua lại sản phẩm của họ như đã hứa. Mặc dù tôi đã phải bỏ mẻ chè đó đi. Sau đó, tôi mời họ đến mục sở thị sản phẩm chè an toàn của tôi và sản phẩm có thừa dư lượng thuốc bảo vệ thực vật của họ. Từ từ chỉ ra và phân tích cái được và cái hại cho chính bản thân họ khi họ lựa chọn làm chè an toàn hay làm theo thói quen cũ…

Có lẽ thấy tôi chân thành, nên từ đó chính họ lại là người “truyền cảm hứng” về sự thay đổi cho những người khác. Cùng với đó, để khích lệ những người làm chè đảm bảo chất lượng, tôi luôn sẵn sàng mua chè của họ với giá cao hơn giá thị trường.

Được biết, chị là đại biểu HĐND huyện và tỉnh nhiệm kỳ 2021 - 2026. Chị có nghĩ ở vai trò này, chị sẽ có điều kiện hơn để thúc đẩy lĩnh vực sản xuất chè ở địa phương phát triển?

Chị Nguyễn Thị Hải: Được bầu làm đại biểu HĐND nhiệm kỳ này với tôi vừa là vinh dự nhưng cũng là trách nhiệm.

Một trong những lời hứa trước các bậc cử tri khi tôi trình bày chương trình hành động của mình nếu trúng cử là điều tôi đau đáu nhất: Cây chè giờ đã là thế mạnh của địa phương, nhưng chè vẫn chưa thực sự mang lại những giá trị có thể có như chúng ta mong muốn. Tôi mong, tôi có thể tập hợp các hộ sản xuất kinh doanh giỏi, các HTX, các doanh nghiệp trong lĩnh vực chè trong toàn huyện lại. Khi sức mạnh đó được liên kết, thương hiệu chè của La Bằng nói riêng và cả Đại Từ nói chung sẽ phát triển lớn mạnh là điều không phải bàn cãi…

Thực hiện lời hứa ấy, theo định hướng của huyện, tôi đã tham mưu và trực tiếp tham gia vận động được 80 thành viên là các HTX, doanh nghiệp, hộ sản xuất kinh doanh chè để thành lập Hội Chè của huyện. Đến nay, công tác chuẩn bị đã cơ bản hoàn tất, chỉ còn các thủ tục về mặt pháp lý là Hội Chè của huyện Đại Từ sẽ được ra mắt. Chúng tôi hy vọng đó sẽ là nhịp cầu nối, là tiền đề để cây chè Đại Từ có được vị thế thực sự xứng đáng với tiềm năng vốn có.

Xin trân trọng cảm ơn những chia sẻ của chị! Chúc chị tiếp tục thành công với những dự định mới của mình, để cây chè Đại Từ nói chung và La Bằng nói riêng ngày một mở rộng thêm thị trường trong nước và cả nước ngoài.

Kim Ngân

Tháng 10/2021.

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy