
Góc biếm họa số 5 (2025)

Vào những năm 60, 70 của thế kỷ trước, lễ cưới hỏi, theo tiếng gọi tiết kiệm của Nhà nước, đã bắt đầu được tổ chức khá gọn nhẹ. Ngày ấy các tặng phẩm trong ngày cưới không có phong bì tiền như bây giờ mà chỉ là những hiện vật nhỏ như cái khay đựng ấm chén, cái ca nhôm, cái xoong nấu bột, chục bát… chỉ mang ý nghĩa tượng trưng và thiết thực với đôi vợ chồng trẻ.
Trong những năm tháng ấy, lễ cưới thường được tổ chức theo nghi lễ đời sống mới, tức là chỉ có bánh kẹo, trà, thuốc lá, trầu cau… cùng những chương trình văn nghệ vui vẻ. Những lễ cưới như thế là sự phủ quyết những lễ cưới linh đình, tốn kém do chế độ thực dân phong kiến để lại.
Vào khoảng đầu thập kỷ 90 (thế kỷ trước) thành phố Thái Nguyên có đưa ra một mẫu hình lễ cưới mới khá phù hợp, được phổ biến, tuyền truyền rộng rãi đến tận cơ sở và được đại đa số lớp trẻ ủng hộ. Thế nhưng không hiểu sao những điều tốt đẹp ấy chỉ tồn tại trong một thời gian không dài. Những năm tháng sau đó, trong cộng đồng, những lễ cưới linh đình, tốn kém lại dần dà quay trở lại. Ở thành phố có những lễ cưới được tổ chức tới hai, ba ngày hoặc được làm trong những khách sạn lớn kèm theo biết bao nghi thức mỗi ngày một rườm rà. Ở nông thôn cũng không chịu kém cạnh. Cũng mâm cao cỗ đầy, cũng tăng âm, nhạc sống, loa đài nhộn nhịp… Cái đáng quan ngại nhất là không biết từ khi nào, “nạn” phong bì mừng cưới xuất hiện, và nó hoành hành đến tận bây giờ!
Cũng đã có một thời gian nhìn thấy những bất cập của các lễ cưới đang có xu thế trở thành một hình thức kinh doanh, vụ lợi, tham nhũng trá hình, có nguy cơ trở thành tệ nạn xã hội, chính quyền các huyện, tỉnh đã ra một quy định rất mạnh mẽ là các lễ cưới con cái của cán bộ trong huyện, đặc biệt là cán bộ lãnh đạo, chỉ được quy định một số mâm vừa đủ. Ai vượt quá sẽ bị kỷ luật nặng. Thực tế đã có một vài cán bộ lãnh đạo ở một huyện miền núi vi phạm và nghe đâu là bị cách chức. Đến vậy thì phen này nghe có vẻ ổn, có thể dẹp yên được những hủ tục.
Vậy mà, không được bao lâu mọi chuyện cứ nhạt dần, lại đâu vào đấy, người ta cứ lặng lẽ quên đi những quy định kia. Thậm chí, trên mạng xã hội còn có sự tung hô những lễ cưới “khủng” tiền nhiều tỷ của các đại gia hoặc ca sĩ, diễn viên, người mẫu… Có những người còn coi đó như là những hiện tượng quí hiếm, chỉ ở giới thượng lưu mới có, khiến thiên hạ phải ngước nhìn. Hình như từ đó, cái tâm lý "Cả đời mới có một ngày" hoặc "Ánh hào quang của lễ cưới đại gia" bắt đầu xuất hiện trong tâm lý của cả người già lẫn người trẻ. Bởi thế mà các lễ cưới, chẳng ai bảo ai, nhưng cứ mỗi ngày một hoành tráng thêm.
Cũng bắt đầu từ đấy, thành phố mở mang nhiều khách sạn xịn, trung tâm cưới hỏi khang trang lộng lẫy, chuyên nghiệp có thể chứa mấy trăm mâm, dành riêng cho việc đặt cưới cho các hôn lễ.… Tất nhiên, kéo theo cái phong bì mừng cứ mỗi ngày một tăng lên theo cấp số cộng để tương xứng với tiền gia chủ bỏ ra trong tiệc cưới. Người có thu nhập cao có thể chỉ coi là "chuyện vặt" nhưng những người có lương thấp, thì cái phong bì cưới là một gánh nặng. Vào mùa cưới, nhiều gia đình liêu xiêu, phải bóp mồm bóp miệng chỉ vì những cái phong bì mừng hạnh phúc. Giống như một khổ nạn nhỡn tiền mà không hiểu vì sao vẫn không bỏ được.
Gần đây trên mạng xã hội lại có một giai thoại vui (nói giai thoại vì không chắc nó đã là sự thật). Khi chủ nhà kiểm tra tiền mừng, thấy một phong bì rất dày, nhưng khi mở ra thì đó cũng lại là một tấm thếp mời kèm theo mấy dòng: "Đây là tấm thiệp tôi sẽ gửi tới gia đình bạn trong nay mai. Hãy coi nó có giá trị là 10 triệu. Khi nào đi dự lễ cưới của con trai tôi, bạn hãy cho nó vào phong bì để mừng lại tôi. Vô cùng cảm ơn bạn". Có thể đây chỉ là một câu chuyện có tính phản ứng việc mừng cưới rất bất cập của ngày hôm nay, nhưng cách làm hy hữu của người gửi mừng cưới bằng tấm thiệp mời kia cho thấy rằng, để gạt bỏ cái phong bì mừng cưới quả là khó khăn, dù ai cũng muốn!
Câu chuyện nêu trên có vẻ giống như một tia ánh sáng trong một con đường hầm. Cái phong bì cưới - một hủ tục dai dẳng, đã ăn sâu vào tiềm thức con người, nhưng nếu được nhiều người hưởng ứng, cùng chung tay, đồng tâm hiệp lực thì không phải là không có đường ra.
Thái Văn
0 đã tặng
Hãy liên hệ với chúng tôi qua số điện thoại: 0988827920 (Ngô Ngọc Luận), nếu bạn có nhu cầu thưởng thức những ấn phẩm của Văn nghệ Thái Nguyên.
Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...