Thứ sáu, ngày 04 tháng 04 năm 2025
12:42 (GMT +7)
Nhân kỉ niệm 20 năm thành lập Hội VHNT Phổ Yên (2005 - 2025)

Tác phẩm của Hội VHNT Phổ Yên

Kí ức đường xanh

Phan Thức

(Nguyên Chủ tịch Hội Văn học nghệ thuật thành phố Phổ Yên)

 

Đầu những năm hai nghìn, sau hơn 30 năm phục vụ trong quân đôi, tôi được nghỉ hưu. Vốn là người thích đọc sách, nhất là sách văn học và cũng từng tập làm thơ, viết văn từ hồi trẻ, đã có một số tác phẩm được đăng tải trên một vài tạp chí văn hóa địa phương, nên tôi tìm đến thư viện để đọc sách. Khi đó thư viện huyện chỉ có một gian nhà cấp 4, nhưng khá nhiều sách.

p1
Từ ngày mới thành lập, Chi hội đã thường xuyên tổ chức nhiều hoạt động chuyên môn 
giúp hội viên có thêm kỹ năng sáng tác.

Tại đây, có cô thủ thư Ngọc Thị Thái rất nhiệt tình với các độc giả. Trước đó, chị cũng có thời gian hơn 3 năm trong quân ngũ, cũng là người yêu văn chương nên chúng tôi có nhiều điểm tương đồng. Qua một số lần chuyện trò với chị, tôi biết khi đó huyện Phổ Yên có 3 người là hội viên Hội Văn học - nghệ thuật tỉnh Thái Nguyên, đó là anh Thế Chính, chị Mai Thắng (Nguyễn Thị Tứ) và bác Nguyễn Hữu Khánh. Tôi còn biết đồng chí Nguyễn Quang Huy, Bí thư Huyện ủy lúc đó, là người rất yêu thơ, đã trực tiếp chỉ đạo xuất bản tập thơ “Nắng trung du” của huyện, gồm 40 bài thơ, của 27 tác giả. Tôi và chị Ngọc Thị Thái trao đổi và có cùng quan điểm: “Một địa phương có những nhân tố như vậy, nên thành lập một tổ chức phù hợp để họ sinh hoạt, giúp đỡ nhau phát huy khả năng sáng tác. Đồng thời mở rộng để động viên, tập hợp những người yêu thơ khác mà ta chưa biết”.

Mong muốn như vậy, nhưng chúng tôi cũng không biết làm thế nào để thành lập được một tổ chức như thế. Giữa lúc đang lúng túng, thì một hôm, tôi được hai người ở Hội Văn học nghệ thuât (VHNT) tỉnh đến gặp. Một người là nhà thơ Đàm Thế Du - Chủ tịch Hội và một người là nhà văn Hồ Thủy Giang - Ủy viên Thường vụ Hội. Hai người trao đổi với tôi về việc thành lập Chi hội Văn học nghệ thuật huyện Phổ Yên và muốn tôi đứng ra làm thủ tục để thành lập Chi hội Văn học nghệ thuật Phổ Yên theo Thông báo số 507/TB/TU ngày 20 tháng 12 năm 2004 của Tỉnh ủy Thái Nguyên. Hai anh còn cho biết: Trước khi đến gặp tôi, các anh đã làm việc với lãnh đạo và một số cơ quan chức năng của huyện và các đồng chí đều nhất trí cho thành lập Chi hội Văn học - nghệ thuật của huyện, đồng thời giới thiệu tôi làm chi hội trưởng.

Tôi bất ngờ, nhưng rất phấn khởi vì có chủ trương của cấp trên cho phép thành lập tổ chức mà lâu nay mình hằng mong muốn. Song cũng rất lo lắng vì chưa hiểu tổ chức này thế nào, hoạt động ra sao, mình có đảm đương được nhiệm vụ không. Hai anh động viên tôi cố gắng, Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh cùng lãnh đạo và các cơ quan của huyện sẽ tạo điều kiện giúp đỡ. Anh Đàm Thế Du và anh Hồ Thủy Giang còn hỏi tôi về những tác phẩm được đăng báo và in sách. Tôi trả lời, các anh bảo như vậy là được rồi và hướng dẫn tôi làm hồ sơ xin ra nhập Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Thái Nguyên. Sau đó, các bước để tôi được kết nạp vào Hội VHNT tỉnh được các anh và tổ chức Hội nhiệt tình giúp đỡ. Tôi vinh dự được kết nạp vào Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh ngày 15 tháng 4 năm 2004, Quyết định do Chủ tịch Hội Đàm Thế Du ký.

Tiếp đó là những ngày tôi và chị Ngọc Thị Thái thực hiện từng bước theo hướng dẫn xin được thành lập Chi hội Văn học Nghệ thuật huyện. Bước đầu tiên chúng tôi tìm hiểu toàn huyện có bao nhiêu người đủ điều kiện tham gia sinh hoạt Chi hội Văn học Nghệ thuật. Thời đấy không có điện thoại như bây giờ nên chúng tôi phải trực tiếp đi gặp từng người. Kết quả là chúng tôi đã tập hợp được 17 người, trong đó có 8 hội viên thuộc Hội VHNT tỉnh Thái Nguyên (5 người thuộc chuyên ngành Văn học và 3 người thuộc chuyên ngành Nhiếp ảnh). Chúng tôi mời tất cả anh chị em về họp, thống nhất, xin đề nghị lãnh đạo huyện cho phép thành lập Chi hội Văn học nghệ thuật huyện Phổ Yên, thông qua quy chế hoạt động gồm 6 chương với 17 điều. Mọi người cử tôi là Trưởng Ban, chị Ngọc Thị Thái là Phó Ban lâm thời khi thành lập Chi hội.

Nhờ sự nhiệt tình, trách nhiệm cao của lãnh đạo và các cơ quan chức năng, ngày 6 tháng 4 năm 2005, chúng tôi đã có Quyết định số 673/QĐ-UBND của UBND huyện Phổ Yên do đồng chí Nguyễn Văn Chính, Phó Chủ tịch UBND huyện ký cho phép thành lập Chi hội Văn học nghệ thuật huyện Phổ Yên và chỉ định Ban chấp hành lâm thời gồm 5 thành viên do tôi làm Chi hội trưởng, chị Ngọc Thị Thái làm Chi hội phó. Ngày 14 tháng 4 năm 2005, Lễ tổ chức thành lập Chi hội được thực hiện và đến ngày 28 tháng 9 năm 2005, chúng tôi tổ chức thành công Đại hội lần thứ Nhất. Lễ thành lập Chi hội và Đại hội Chi hội, chúng tôi rất vinh dự được lãnh đạo Hội Văn học nghệ thuật tỉnh Thái Nguyên, lãnh đạo và một số cơ quan chức năng của huyện đến dự và chỉ đạo, động viên.

Cùng với sự quan tâm thông qua các chủ trương, chính sách của Nhà nước. Căn cứ vào thực tế phát triển của tổ chức Văn học nghệ thuật ngày càng cao, ngày 11 tháng 9 năm 2012, tại công văn số 2025, UBND tỉnh Thái Nguyên cho phép thành lập Hội Văn học Nghệ thuật huyện Phổ Yên. Ngày 10 tháng 6 năm 2013 được UBND huyện Phổ Yên tại công văn số 5075/QĐ-UBND xác định Hội Văn học Nghệ thuật Phổ Yên có tính chất đặc thù hoạt động trong phạm vi huyện Phổ Yên.

p1
Nhà thơ Thế Chính phát biểu tại Lễ thành lập Chi hội VHNT huyện Phổ Yên. 
Trong ảnh từ trái qua phải: các ông bà Phan Thức, Thế Chính, Ngọc Thị Thái và Đàm Thế Du.

Qua từng giai đoạn, cùng với sự phát triển của địa phương, Hội VHNT huyện (nay là thành phố) Phổ Yên đã có những bước tiến đáng kể. Gần 70 hội viên qua các thời kỳ đã từng sinh hoạt, trưởng thành trong ngôi nhà chung - Hội Văn học Nghệ thuật Phổ Yên chắc chắn sẽ có nhiều kỉ niệm đẹp về “ngôi nhà” mà mỗi hội viên đã từng chung tay xây dựng. 20 năm hình thành và phát triển, Hội Văn học Nghệ thuật Phổ Yên đã tạo ra cho mình một con đường xanh - con đường tự hào, phấn khởi và đầy niềm tin vào tương lai trong hành trình sáng tạo văn chương nghệ thuật, để góp phần làm phong phú hơn về đời sống tinh thần của nhân dân các dân tộc thành phố Phổ Yên - một thành phố trẻ đang hướng tới văn minh - giàu mạnh.

Về cá nhân tôi, 20 năm gắn bó với Hội Văn học Nghệ thuật TP. Phổ Yên, trong đó tròn 18 năm từ khi đặt bút (ngày 20 tháng 12 năm 2004) cùng với Ban lâm thời xây dựng hồ sơ xin thành lập Chi hội và những năm tháng làm Chi hội trưởng rồi Chủ tịch Hội đến tháng 12 năm 2022, những gì mà tôi đạt được trong công tác và trong sáng tác suốt 20 năm qua, đều gắn bó với từng bước phát triển và trưởng thành của Hội. Nhân dịp kỉ niệm 20 năm thành lập Hội Văn học Nghệ thuật Phổ Yên, tôi muốn bày tỏ sự cảm ơn tới các thế hệ lãnh đạo Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Thái Nguyên, các thế hệ lãnh đạo và các cơ quan chức năng của thành phố Phổ Yên, cùng sự đồng hành giúp đỡ của các lớp cán bộ, hội viên Hội Văn học nghệ thuật TP. Phổ Yên đã giúp đỡ tôi hoàn thành nhiệm vụ và có những kết quả trong sáng tác trong 20 năm qua. Và tôi gọi những kỷ niệm đẹp về chặng đường 20 năm này là “ký ức đường xanh”.

 

Hai mươi năm xây dựng và vun đắp

Ngọc Thị Lan Thái

(Chủ tịch Hội VHNT Phổ Yên)

 

Hội Văn học Nghệ thuật (VHNT) thành phố Phổ Yên tiền thân là Chi hội Văn học Nghệ thuật huyện Phổ Yên ra đời và trưởng thành trên quê hương có bề dày truyền thống văn hoá và lịch sử. Những năm gần đây, Phổ Yên từ một huyện thuần nông đã phấn đấu trở thành thị xã rồi lên thành phố. Đó là bước phát triển mạnh mẽ của địa phương. Hai mươi năm qua (6/4/2005 – 6/4/2025) những hoạt động của Hội VHNT thành phố Phổ Yên đã góp phần làm phong phú thêm đời sống tinh thần của nhân dân các dân tộc Phổ Yên.

Từ xa xưa Phổ Yên đã được coi là “Phên dậu thứ hai về phương Bắc” chống giặc ngoại xâm. Phổ Yên là quê hương của Vua Lý Nam Đế - Vị Hoàng đế đầu tiên của nước ta, người có công lãnh đạo nhân dân đánh đuổi giặc Lương, lập ra nước Vạn Xuân cách đây trên 15 thế kỷ.

p1

Phổ Yên có ATK2 thời kỳ kháng chiến chống Pháp, nơi hoạt động bí mật của đồng chí Tổng Bí thư Trường Chinh và nhiều cán bộ cấp cao khác. ATK2 đã góp phần quan trọng vào thành công của Cách mạng Tháng Tám năm 1945.

Phổ Yên được ôm trọn bởi 2 dòng sông: Sông Công với truyền thuyết chàng Cốc, nàng Công, là chất liệu của nhiều áng văn chương, âm nhạc… Sông Cầu đầy chất thi ca mà ngày nay hàng ngàn câu hát ví còn đang được lưu truyền trong nhân dân hai bên bờ sông đầy thơ mộng. Phổ Yên - nơi giao thoa văn hoá giữa miền xuôi và miền ngược. Vùng đất này còn là nơi sinh sống của nhiều dân tộc anh em. Mỗi dân tộc có nét văn hoá riêng, tạo cho đời sống tinh thần của nhân dân Phổ Yên khá phong phú…

Những điều kiện trên là yếu tố thuận lợi, là chất liệu quý giá cho việc sáng tạo văn chương, nghệ thuật cho hội viên và cho sự phát triển của Hội VHNT 20 năm qua.

Hoạt động của Hội VHNT TP. Phổ Yên có nhiều khó khăn thử thách: Về cơ chế chính sách có lúc chưa được đáp ứng đầy đủ, kịp thời. Hội viên phần lớn tuổi cao, lại ở xa, phân tán… Tuy nhiên tuyệt đại đa số hội viên đam mê với văn chương nghệ thuật, nên nhìn chung Hội VHNT TP. Phổ Yên đã được nhiều người tìm đến.

Được đắm mình trong miền quê có bề dày truyền thống lịch sử và văn hoá lâu đời, lại đúng vào thời điểm Phổ Yên đang từng bước chuyển mình mạnh mẽ để thoát khỏi sự nghèo nàn, lạc hậu, Hội VHNT đã nhanh chóng hoà mình vào bầu không khí sôi động đó. Đấy là những yếu tố hết sức thuận lợi tạo cho hội viên những cảm xúc để sáng tạo. Để nâng cao chất lượng tác phẩm, Hội đã tổ chức các lớp tập huấn nghiệp vụ sáng tác, mời những nhà văn, nhà thơ, lý luận phê bình, nghệ sĩ nhiếp ảnh… trong tỉnh và trung ương về truyền đạt lý luận cũng như kinh nghiệm sáng tác cho hội viên. Đồng thời tổ chức các trại sáng tác, các chuyến đi thực tế trong và ngoài tỉnh; tổ chức triển lãm, trưng bày ảnh nghệ thuật. Do vậy chất lượng tác phẩm của hội viên ngày được cao hơn. Hàng năm hội viên có gần 100 tác phẩm được công bố trên đài báo trung ương và địa phương. Cho đến nay, nhiều hội viên đã xuất bản 3 đến 5 đầu sách, một số 10 đến 15 đầu sách, thể loại khá phong phú: thơ, truyện ngắn, tiểu thuyết… Một số hội viên được giải thưởng cao của trung ương và địa phương.

p1
Chi hội VHNT huyện Phổ Yên những ngày đầu thành lập

20 năm qua, các hội viên Hội VHNT huyện Phổ Yên đã xuất bản trên 20 đầu sách với các thể loại văn xuôi, thơ, nhiếp ảnh, âm nhạc, mỹ thuật… Nội dung các cuốn sách đều tập trung phản ánh sâu sắc các giai đoạn phát triển của địa phương. Các tác phẩm: “Phổ Yên trên đường đổi mới”, “Phổ Yên xanh”, “Phổ Yên mùa vàng”, “Phổ Yên ngày mới”… gắn với giai đoạn địa phương đang ra sức xây dựng nông thôn mới. Tác phẩm “Sức xuân Phổ Yên”, “Phổ Yên - thị xã công nghiệp tương lai”, “Những bông hoa đẹp” và “Văn nghệ Phổ Yên”… phản ánh quyết tâm cao độ của Đảng bộ và nhân dân xây dựng Phổ Yên trở thành thị xã công nghiệp và trở thành thành phố. Những tác phẩm: “Phổ Yên làm theo lời Bác”, “Những lần được gặp Bác”, “Những điển hình tiên tiến làm theo lời Bác”… phản ánh phong trào toàn Đảng toàn dân học tập và làm theo tấm gương đạo đức, phong cách của Chủ tịch Hồ Chí Minh… Những tác phẩm trên là minh chứng cho việc Hội luôn đồng hành gắn bó với địa phương, phục vụ nhiệm vụ chính trị của địa phương.

Từ những kết quả trên, Hội VHNT Phổ Yên đã 2 lần được Uỷ ban nhân dân tỉnh Thái Nguyên tặng Bằng khen và được nhận 27 Giấy khen của các cấp. Đó là những dấu ấn đánh dấu một chặng đường 20 năm trưởng thành, phát triển của Hội VHNT Thành phố.

Để xứng đáng với niềm tin của lãnh đạo và nhân dân, phát huy kết quả 20 năm qua, Hội sẽ tiếp tục có chương trình hoạt động cụ thể trước mắt và lâu dài, tập trung vào những nội dung cơ bản: Tăng cường đoàn kết nhất trí trong toàn Hội. Xây dựng chế độ sinh hoạt thường xuyên. Phát hiện, bồi dưỡng để kết nạp hội viên mới, đảm bảo chất lượng, trọng tâm là lớp người trẻ tuổi. Hàng năm tổ chức bồi dưỡng nghiệp vụ cho hội viên. Tổ chức đi thực tế với nội dung và địa điểm thích hợp. Có những hoạt động phù hợp để tập hợp, động viên hội viên tích cực sáng tạo có những tác phẩm có chất lượng ngày càng cao. Thường xuyên nắm chắc chủ trương, sự phát triển của địa phương, để kịp thời phản ảnh bằng các tác phẩm văn học, nghệ thuật. Tích cực khai thác vốn văn hoá truyền thống còn rất tiềm tàng, phong phú trong nhân dân như: Dân ca hát ví bên bờ sông Cầu, Sinh hoạt văn hoá của các dân tộc thiểu số phíatây thành phố… góp phần làm cho sinh hoạt văn hoá, tinh thần của nhân dân ngày thêm phong phú.

Chúng ta tin tưởng rằng: 20 năm qua Hội VHNT TP. Phổ Yên đã tạo ra một chặng đường đầy phấn khởi, tự hào, thì các thế hệ hội viên hôm nay và mai sau sẽ chung tay xây dựng tiếp nối con đường đó với những kết quả cao hơn, phấn khởi, tự hào hơn. Xứng đáng với niềm tin của lãnh đạo và nhân dân trên quê hương giàu truyền thống lịch sử văn hoá.

 

Nguyễn Minh Trọng
 
Nghiêng
 
Quá ngọ nghiêng trời đợi em
chỉ chang chang với lặng im thay lời!
 
Kịp về vườn cũ nắng phơi?...
tôi vừa gom những cháy trời hóa mây!
gom ươm những giấc mơ gầy
nghiêng về nhau ghép nên cây chung giàn
 
Cuối chiều hoà một cung đàn 
nghiêng chiều
cùng cả thế gian...
nghiêng chiều!
 
p1
Mô hình sơ chế. Ảnh: Vũ Đồng (Giải Nhì cuộc thi ảnh Nghệ thuật "Tiềm năng du lịch và Trà Thái Nguyên" năm 2011
 
 
Lê Hồng Du
 
Ta về
 
Ta về tìm lại tuổi thơ 
Thời tóc để chỏm i tờ với nhau 
Bạn bè chân đất áo nâu
Triền đê cắt cỏ, chăn trâu, thả diều
Chợ quê lán nhỏ liêu xiêu 
Gốc đa có quán bún riêu cua đồng 
Đò ngang bến đợi qua sông
Những ngày phiên chợ, đò đông chật người 
Tuổi thơ như nước sông trôi
Ngoảnh đi, ngoảnh lại bẩy mươi cả rồi 
Biết bao sóng gió đầy vơi 
Nay về tìm lại cái thời tuổi thơ 
Bạn xưa từ thuở i tờ
Người còn, người mất, người chờ ra đi 
Gặp mà chẳng nói được gì
Nhìn nhau tay nắm, hàng mi lệ tràn
 
Xa quê đi khắp thế gian
Không đâu hơn được xóm làng quê hương.
 
p1
Vấp ngã trên đường đua. Ảnh: Phan Bảo

 

Ngô Mạnh Tước

 

Thu về

 

Thu về gom gió heo may

Đong vào ký ức vơi đầy thời gian

Hè đi đón gió thu vàng

Phượng chưa tắt lửa đã tàn xác ve

 

Gió lùa xào xạc lá tre

Bay về Hồ Trúc để nghe sen tàn

Nghe trong lòng đất vô vàn

Mầm non sức sống đang tràn ước mơ

 

Bên hồ liễu rủ lơ thơ

Biếc xanh gợn sóng lững lờ thuyền câu

Người ơi đừng vội đi đâu

Hãy về bên Chã, sông Cầu ngắm trăng

 

Kẻo mai hối lại mà rằng

Ai mang giá lạnh mắc giăng đường về

Tình còn trĩu nặng niềm quê

Mà hồn đã vội ngả về đêm thu.

  

Mai Thắng

 

Nước mắt đàn ông

 

Lá, hoa bưởi cũng lặng im

Mắt tìm ánh mắt, nghe tim đập dồn.

“Ngày mai mình sẽ lên đường…”

Rưng rưng giọt lệ như sương ngắn, dài…

“Xa bạn, mình nói câu này:

Mẹ mình khổ lắm, đắng cay… chất chồng…

Lo mẹ có sống nổi không…

Mình đi… nhiệm vụ… chỉ mong bạn là…”

Nghẹn ngào nấc, rồi vỡ oà

Tay run siết chặt, lặng mà bão giông!

Những giọt nước mắt đàn ông

Nước sôi, nước muối dội trong dạ này.

 

Qua năm, qua tháng, qua ngày

Dường trong nắng gió, cõi mây bạn về !

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy