Một chuyện nhỏ mà khó quên
Chè búp Thái Nguyên được rất nhiều người thích, thậm chí nghiện. Với tôi không chỉ là yêu thích mà còn gắn bó với chè/trà, có duyên với thứ cây đặc sản này, xuất phát từ nhiều ký ức, đặc biệt là những ký ức văn chương.
Tôi vốn sinh sống lâu đời ở một vùng chè khá nổi tiếng của tỉnh Thái Nguyên. Hồi còn ở quê, gia đình cũng có một đồi chè nhỏ. Ngày đó ngoài công việc dạy học, tôi còn tập tọng viết văn. Cũng đã có ngót chục cái truyện ngắn được đăng ở các báo trung ương. Ngày ấy, mỗi lần mang bản thảo đi Hà Nội để trao đổi với các tòa soạn báo hoặc nhà xuất bản, tôi đều dành dụm mang theo khoảng đôi, ba lạng chè do chính tay sao tẩm để biếu các biên tập viên. Thực ra, nếu mang nhiều hơn, sợ bị coi là đút lót, là điều mà tôi không muốn. Với lại, các biên tập viên hồi ấy nghiêm lắm. Dù có biếu họ cả yến chè nhưng bài không đạt thì cũng bị ném vào sọt rác ngay. Hơn nữa, ngày ấy Nhà nước có quy định khi đi tàu xe, ai mang quá nửa cân chè búp đã bị coi là con buôn, bị tịch thu và phạt nặng nên cũng không ai dám mang nhiều.
Nhưng có một lần tôi phá cái lệ thường ấy. Số là năm đó, tôi mang về nhà xuất bản một nửa tập truyện ngắn mà biên tập viên đã có hẹn để in chung với một tác giả khác ở Hà Nội (vào thập kỷ 70 của thế kỷ trước, tác giả trẻ nào được xuất bản tới nửa tập, thậm chí một phần tư tập đã là chuyện hiếm). Để biết ơn nhà xuất bản có phần ưu ái, nên ngoài ba lạng trà tặng biên tập viên, người trực tiếp xử lý tập truyện ngắn của tôi, thì nhà văn phó giám đốc kiêm tổng biên tập lại là một nhà văn mà tôi rất ngưỡng mộ. Vì thế, tôi quyết định mang theo tới… chín lạng trà, một khối lượng “khủng”, vượt quy định của Nhà nước. Chuyến đi ấy, suốt mấy giờ đồng hồ ngồi trên tàu, cứ nhìn thấy những cán bộ mặc sắc phục lướt qua, lướt lại, chẳng biết là ông phòng thuế hay ông quản lý thị trường nhưng tim tôi đập thình thịch và mồ hôi trán cứ rịn ra trong nỗi lo sợ. Khi tàu chạy đến ga Yên Viên thì tôi không thoát khỏi mắt một ông cán bộ kiểm tra. Đang ngồi ôm khư khư chiếc cặp rách chứa ngót cân trà, trong đó có tới non nửa là… phi pháp, thì một “sắc phục” bước tới. Giọng sẵng:
- Anh cho kiểm tra hàng.
Tôi run run mở cặp, lòng tê tái. Mất vài lạng chè không tiếc nhưng thế là không có gì tặng ông tổng biên tập mà tôi vô cũng kính trọng. Đáng sợ hơn là có thể sẽ bị quy là “con buôn”, cái tính danh mà lúc đó bị cả xã hội khinh rẻ.
Ông phòng thuế (hoặc quản lý thị trường mà tôi không phân biệt được) nâng nâng hai túi trà trên tay với vẻ cân đong đo đếm khá thành thạo, nghiêm sắc mặt:
- Phải tới ngót một cân anh bạn ạ. Quá quy định rồi.
Tôi phân trần:
- Tôi mang biếu thôi, chứ có buôn bán gì đâu. Anh thông cảm.
- Biếu cũng phải đúng quy định. Anh vui lòng để lại một túi.
Với sự trông đợi rất mong manh vào lòng hảo tâm của ông cán bộ kiểm tra, tôi dè dặt nói lại chuyện gói trà này là để biếu ông tổng biên tập nhà xuất bản. Để chứng minh cho sự thật thà của mình, tôi đưa tập bản thảo cho ông cán bộ nọ.
Liếc qua tập bản thảo bỗng ông phòng thuế khẽ hỏi:
- Đồng chí là Hồ Thủy Giang sao? Có phải là đồng chí viết truyện ngắn “Cô Bánh Xích” đăng trên tuần báo Văn nghệ hồi đầu năm không?
Như người chết đuối vớ được cọc, tôi mừng thầm, vội nói:
- Đúng đấy… đồng chí ạ. Đồng chí đã đọc truyện ngắn ấy ạ?
Ông phòng thuế vui vẻ:
- Tôi đọc truyện đó rồi. Dí dỏm lắm. Giọng văn rất tươi, rất mới. Hóa ra tác giả của nó còn trẻ thế này.
Tôi ngạc nhiên vì lời nhận xét của ông phòng thuế này y chang lời nhận xét của nhà văn Trần Hoài Dương là người trực tiếp biên tập truyện ngắn này khi viết thư riêng cho tôi.
Ông phòng thuế trả lại tôi hai gói trà và tập bản thảo:
- Riêng đồng chí là trường hợp đặc biệt. Thôi, đồng chí mang gói chè này về tặng ông tổng biên tập và cho tôi gửi lời hỏi thăm nhé. Cứ nói tôi là một độc giả thường xuyên của bác ấy.
Đúng là tôi ra cửa bước chân phải. Thoát hiểm trong chốc lát. Thế là có đủ trà tặng nhà xuất bản mà lòng còn thêm niềm tự hào nữa.
Hóa ra trà không chỉ giúp tôi thăng hoa trong những lúc cầm bút mà còn có duyên với những mối quan hệ trong đời viết văn của tôi. Và có phải vì thế không mà cho đến tận hôm nay, tuy đã có tuổi và nhờ email, tôi không còn phải vất vả vì chuyện tàu xe mang bản thảo về tận Hà Nội như những năm đó nữa, nhưng mỗi dịp tết đến, tôi vẫn thường gửi qua bưu điện vài lạng chè búp cho bạn văn cùng những người trong năm đã ít nhiều giúp đỡ, đồng hành, tạo điều kiện cho mình trên con đường văn nghiệp, với một mong muốn nhỏ là đem đến cho mọi người chút hương vị xứ Thái, cũng là một sự gợi nhắc chuyện xa xưa về mối quan hệ rất lí thú giữa trà và kẻ làm văn chương. Thêm nữa, cũng như một hình thức quảng bá trà quê hương ra rộng rãi toàn quốc. Hóa ra, việc tặng chè không chỉ là tặng vật chất mà còn là “tặng” văn hóa.
Có một điều đáng nhớ, đúng hơn là chạnh buồn vì hình như ngày hôm nay rất khó tìm ra một ông phòng thuế (hoặc quản lý thị trường) có sự mê say và am hiểu văn chương như anh cán bộ kiểm tra trên tàu năm xưa mà đã qua hơn năm mươi năm tôi vẫn chưa một lần gặp lại.
Hồ Thủy Giang
0 đã tặng
Hãy liên hệ với chúng tôi qua số điện thoại: 0988827920 (Ngô Ngọc Luận), nếu bạn có nhu cầu thưởng thức những ấn phẩm của Văn nghệ Thái Nguyên.
Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...