Thứ năm, ngày 21 tháng 11 năm 2024
17:19 (GMT +7)

Tạo điều kiện cho hội viên có thêm chất liệu sáng tác

Vừa qua, Hội Văn học nghệ thuật tỉnh đã tổ chức nhiều chuyến đi thực tế cho các hội viên. Điểm đến là các huyện: Đại Từ, Đồng Hỷ và các Khu công nghiệp: Điềm Thuỵ, Yên Bình. Gần 50 hội viên thuộc các chi hội: Văn xuôi, Thơ, Nhiếp ảnh, Mỹ thuật và Âm nhạc đã được tham gia. Các chuyến đi đã thực sự hữu ích đối với các văn nghệ sĩ, tạo nguồn cảm hứng cho những người đam mê sáng tạo.

Tạo điều kiện cho hội viên có thêm chất liệu sáng tác
Tham quan xã nông thôn mới kiểu mẫu Minh Lập. Ảnh: A.T

Với sự ủng hộ, tạo điều kiện của lãnh đạo các địa phương Đại Từ, Đồng Hỷ và Ban Quản lý các Khu công nghiệp tỉnh, những nơi Đoàn đến đều là những điểm sáng trong sản xuất kinh doanh và xây dựng đời sống mới văn minh, hiện đại.

Đó là các mô hình trồng cây ăn quả theo hướng hữu cơ tại xã Tiên Hội (Đại Từ); Khu vực trồng và chế biến chè tại xã Hoàng Nông. Thăm mô hình du lịch cộng đồng mới được thành lập và phát triển tại xóm Tân Sơn, xã La Bằng; tham quan quy trình sản xuất tại nhà máy TNG Đại Từ… Đặc biệt là thăm Hợp tác xã Chè La Bằng – điểm sáng trong mô hình hợp tác xã (HTX) của huyện Đại Từ.

Đi vào hoạt động từ năm 2006 do bà Nguyễn Thị Hải cùng 13 thành viên sáng lập. Đến năm 2007, HTX Chè La Bằng đã chuyển từ chế biến sản phẩm chè bằng phương pháp sản xuất thủ công theo quy trình thông thường sang áp dụng sản xuất theo tiêu chuẩn VietGap, áp dụng đúng các quy trình kỹ thuật từ việc chăm sóc, chế biến, bảo quản chè. HTX lấy thương hiệu Thanh Hải trà với khao khát đưa chè La Bằng lên “bản đồ” các vùng chè có tiếng của tỉnh Thái Nguyên. Với những nỗ lực không ngừng, năm 2015 HTX chè La Bằng đã được Trung tâm kiểm định chất lượng giống và vật tư nông nghiệp cấp giấy chứng nhận sản phẩm sản xuất đạt tiêu chuẩn VietGap. Đến năm 2018 có 26 hộ gia đình trong xóm đã được cấp giấy chứng nhận sản phẩm đạt tiêu chuẩn VietGap. Năm 2019, HTX đã có phương án kinh doanh “xây dựng mô hình HTX hoạt động hiệu quả theo chuỗi giá trị sản phẩm chè hữu cơ”. Tổng số hộ ký hợp đồng liên kết sản xuất chè hữu cơ đã lên đến hơn 100 hộ. Nhờ đó mà chất lượng sản phẩm chè của HTX đã được nhiều người lựa chọn tin dùng, giá trị ngày càng được nâng lên.

Tạo điều kiện cho hội viên có thêm chất liệu sáng tác
Sản xuất sạc điện thoại tại KSD Vina. Ảnh: T.H

Tại Đồng Hỷ, các văn nghệ sĩ đã đến xã Hòa Bình thăm hồ Đồng Cẩu và làng nhà sàn người Nùng ở xóm Tân Đô, nơi vẫn lưu giữ được nhiều giá trị văn hoá truyền thống mà đặc biệt là những nếp nhà sàn. Hiện ở Tân Đô có khoảng 70 nếp nhà sàn truyền thống tạo nên một vẻ độc đáo hiếm có. Nhận thấy giá trị về ngôi làng đặc trưng này và mong muốn có thể bảo tồn và phát huy những giá trị văn hóa của cộng đồng người Nùng, từ nhiều năm nay, huyện Đồng Hỷ đã có đề án nhằm tăng cường công tác quản lý, bảo tồn làng nhà sàn đồng thời kết nối, phát triển để nơi đây trở thành một trong những điểm thu hút khách du lịch của địa phương.

Tạo điều kiện cho hội viên có thêm chất liệu sáng tác
Các thành viên trong Đoàn trải nghiệm bữa cơm ca cùng lãnh đạo và người lao động của Công ty TNHH phát triển năng lượng Trina Solar

Đoàn cũng đến thăm một số mô hình sản xuất chè tại xã Văn Hán và xã Minh Lập; Tìm hiểu quá trình xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu tại xã Minh Lập. Đây được coi là điểm sáng của huyện Đồng Hỷ trong phong trào xây dựng nông thôn mới. Từ một xã thuần nông có xuất phát điểm thấp, đời sống người dân còn nhiều khó khăn, lại không phải là địa phương được chọn làm điểm xây dựng nông thôn mới, song Minh Lập đã sớm về đích từ năm 2015. Đến năm 2020, Minh Lập trở thành xã thuộc tốp đầu của tỉnh khi sớm đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao. Và trong năm 2022, Minh Lập phấn đấu trở thành xã nông thôn mới kiểu mẫu đầu tiên của huyện Đồng Hỷ.

Cùng với đó, Đoàn cũng đến thăm và dâng hương tại Di tích Lịch sử Văn hóa cấp tỉnh Đền Long Giàn, xã Khe Mo - nơi vào tháng 10 năm 1947, trên đường đi công tác từ Định Hóa sang Võ Nhai, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đến thắp hương.

Tạo điều kiện cho hội viên có thêm chất liệu sáng tác
Tham quan và tác nghiệp tại khu vực sản xuất của nhà máy TNG Đại Từ

Chuyến thực tế thứ ba, Đoàn đã đến thăm, tìm hiểu tình hình sản xuất và đời sống của người lao động tại 2 doanh nghiệp FDI là: Công ty TNHH KSD Vina (Khu công nghiệp Điềm Thuỵ) và Công ty TNHH phát triển năng lượng Trina Solar (Khu công nghiệp Yên Bình).

KSD Vina là một trong những công ty phụ trợ đầu tiên cho Sam Sung. Sản phẩm Công ty sản xuất là sạc điện thoại. Đến nay, sau 10 năm đi vào hoạt động trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên, KSD Vina được đánh giá là Công ty có nhiều thành công trong việc giữ chân người lao động ở lại làm việc lâu dài. Thời điểm hiện tại, Công ty có 1.100 lao động. Độ tuổi bình quân của người lao động trong Công ty là trên 35 tuổi. 95% người lao động của Công ty là lao động nữ, bởi vậy, ngoài việc đảm bảo các chế độ như thanh toán tiền lương đúng hạn, đóng bảo hiểm cho người lao động đầy đủ, Công ty còn có các chính sách hỗ trợ mang tính động viên người lao động như trợ cấp cho người nuôi con nhỏ, trợ cấp cho lao động nữ, tăng lương sớm cho người lao động…

Còn đối với Công ty TNHH phát triển năng lượng Trina Solar, hiện đã có 2 nhà xưởng sản xuất trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên với hơn 3 nghìn người lao động. Tập đoàn Trina Solar chuyên nghiên cứu, sản xuất tấm pin năng lượng mặt trời và đầu tư giải pháp năng lượng tái tạo hàng đầu trên thế giới. Hiện nay, tập đoàn có trên 50 chi nhánh trên toàn cầu và sản phẩm đã có mặt tại hơn 150 quốc gia trên thế giới. Cả hai dự án đều sản xuất theo hướng công nghệ cao, thân thiện với môi trường, phù hợp với định hướng thu hút đầu tư của tỉnh Thái Nguyên. Sau khi đi thăm, tìm hiểu mô hình sản xuất tại 2 nhà máy, các văn nghệ sĩ đã có được một trải nghiệm thú vị: dùng bữa trưa cùng người lao động của Trina Solar.

Nhà thơ Nguyễn Thuý Quỳnh, Chủ tịch Hội đã bày tỏ sự cảm ơn lãnh đạo Ban Quản lý Các khu công nghiệp tỉnh, lãnh đạo các huyện: Đại Từ, Đồng Hỷ cùng các phòng ban chuyên môn đã hết sức tạo điều kiện và kết nối để Hội Văn học nghệ thuật tỉnh tổ chức thành công các chuyến đi thực tế một cách đúng nghĩa và có hiệu quả. Việc đi thực tế chỉ là những gợi mở về ý tưởng cho những sáng tác sau này, để làm nên một tác phẩm, các văn nghệ sĩ còn phải trở lại nhiều lần, dụng nhiều công sức nữa mới đủ chất liệu để cho ra đời những sản phẩm tinh thần. Song việc được đến cơ sở rõ ràng đã mang lại những hiệu quả thiết thực. Qua đó, các văn nghệ sĩ có dịp giao lưu, tìm hiểu tư liệu, tích lũy vốn sống, khơi nguồn cảm hứng sáng tạo ra các tác phẩm VHNT và báo chí chất lượng để tham dự một số cuộc thi đang diễn ra như: Cuộc vận động sáng tác, quảng bá tác phẩm VHNT về chủ đề “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”, Cuộc thi báo chí “Đưa Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Thái Nguyên lần thứ XX, nhiệm kỳ 2020 - 2025 vào cuộc sống”, Cuộc thi ảnh nghệ thuật “Thái Nguyên những nhịp sống mới”... và các cuộc thi khác.

Nghệ sĩ nhiếp ảnh Vũ Kim Khoa, sau khi tham gia một chuyến thực tế đã bày tỏ: Đó là một cách làm tiết kiệm nhưng rất hiệu quả mà Hội Văn học nghệ thuật đang áp dụng. Chuyến đi thực tế ở các Khu công nghiệp ở Sông Công là tiêu biểu. Những văn nghệ sĩ sinh vào các thập niên sáu mươi trở về trước sẽ rất bất ngờ khi tận mắt được chứng kiến những mô hình sản xuất hiện đại vốn chỉ được xem trên phim. Nay nhờ chuyến đi mà thấy được bề sâu của khoa học công nghệ, giải đáp được nghi vấn về những khái niệm mới mẻ như “thời đại số “, “công nghiệp 4.0”, thấy những mô hình có vốn đầu tư nước ngoài FDI nó hoạt động ra sao… Riêng với nhiếp ảnh, nó đặt ra cái nhìn và tư duy hoàn toàn mới mẻ: ví dụ quan niệm “lấy con người làm trung tâm sáng tạo”, vậy vào một dây chuyền công nghệ hoàn toàn tự động thì làm sao để chụp ảnh ca ngợi những vẻ đẹp của họ trong môi trường lao động đó? Đó buộc người cầm máy lại phải tư duy. Chúng tôi rất cần nhiều những chuyến đi thực tế như vậy cho sự sáng tạo của giới văn nghệ sĩ. Thú thật, qua chuyến đi này, tôi đã có được một số tác phẩm khá ưng ý để tham dự cuộc thi ảnh của Thái Nguyên năm nay.

Nhà thơ Lã Thị Thông cũng chia sẻ: Chuyến đi thực tế đã mang lại nhiều cảm xúc trong tôi. Có những nơi mình đã từng đến, nhưng với tâm thế đi chơi, đi du lịch thật sự khác với tâm thế đi thực tế theo đoàn. Nhiều thông tin quý mà chúng tôi giờ mới để tâm đến, nó giúp mỗi chúng tôi nảy ra những đề tài hay để mày mò tìm cách thể hiện. Chúng tôi đều ghi chép rất cẩn thận và chụp nhiều ảnh để làm tư liệu, đồng thời đó cũng chính là cách để giữ lại cảm xúc được lâu hơn… Với tôi chuyến đi thực tế là “cầu nối” hiệu quả với các địa chỉ cụ thể để sẽ có những thâm nhập lần sau sâu sát hơn.

Tạo điều kiện cho hội viên có thêm chất liệu sáng tác
Trải nghiệm hát giao duyên, đối đáp của người Nùng tại làng nhà sàn người Nùng xóm Tân Đô, xã Hòa Bình. Ảnh: A.T

Việc Hội Văn học nghệ thuật phối hợp với các địa phương và cơ quan chức năng tổ chức các chuyến thực tế như trên đã giúp các hội viên được tiếp cận trực tiếp, hòa mình vào cuộc sống của người lao động, để tìm hiểu, cảm nhận, suy nghĩ và sáng tác. Đây sẽ là những chất liệu có giá trị giúp các văn nghệ sĩ cho ra đời các tác phẩm văn học nghệ thuật và báo chí phản ánh trung thực, khách quan, đồng thời cổ vũ sự nghiệp phát triển kinh tế - văn hóa - xã hội của địa phương, nhất là trong lĩnh vực sản xuất công nghiệp.

Lê Minh – Kim Ngân

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy