Thứ năm, ngày 21 tháng 11 năm 2024
16:07 (GMT +7)

Những thanh âm và sắc màu gợi mở

Về với huyện Đồng Hỷ là chuyến đi thực tế thứ hai của Hội Văn học nghệ thuật tỉnh Thái Nguyên trong tháng Chín này. Tôi nghĩ đây là thời điểm đẹp cho một chuyến đi. Tiết trời mùa thu mát dịu, cảnh sắc vùng quê đang dậy hương với sắc thắm của những nương chè, sắc vàng lúa chín trên những cánh đồng làng. Sẽ có nhiều gợi mở cho những sáng tạo từ sự thẩm thấu ở một miền quê đang hiện hữu sự đổi thay, nhưng cũng mang đầy trăn trở, nhọc nhằn.

Những thanh âm và sắc màu gợi mở
Đồi chè "Hoa bàn tay" ở xóm Phả Lý, xã Văn Hán, Đồng Hỷ. Ảnh: Phan Bảo

Lý lịch của tôi đã một thời gắn với cái tên huyện Đồng Hỷ thân thương này. Những tên các xã Hóa Thượng, Hóa Trung, Minh Lập, Tân Long, Hòa Bình, Văn Lăng, Quang Sơn, Khe Mo, Văn Hán, Nam Hòa, Tân Lợi, Hợp Tiến và thị trấn Trại Cau, Sông Cầu chẳng cần phải nhìn trên bản đồ tôi vẫn nhớ từng vị trí và đặc điểm địa hình. Những con đường chính của các xã này có những dịp tôi đã đặt chân. Bởi thế mà được cùng đoàn trong chuyến đi này, tôi như một dịp trở về.

Cái tâm trạng ấy vừa háo hức, vừa có một sự trăn trở. Tôi hiểu những khó khăn của một huyện phần lớn thuần nông, ở địa thế toàn đồi núi, sự vươn lên còn bao thách thức phải vượt qua. Sản phẩm người nông dân làm ra luôn bấp bênh, nhiều khi là sự rẻ mạt so với công sức, tiền của đầu tư của họ. Một yếu tố nữa, đó là bản đồ hành chính của huyện luôn bị thay đổi do yêu cầu phát triển của tỉnh. Một số xã của huyện tách ra sáp nhập vào thành phố. Số còn lại phần lớn là xã miền núi, còn rất nhiều khó khăn. Một thời của những thập niên bảy mươi về trước, địa giới Đồng Hỷ còn ôm trọn thành phố, giáp với các huyện Phổ Yên, Phú Bình, Đại Từ. Nay dịch hẳn về phía đông bắc của tỉnh. Ngay trụ sở của huyện trong khoảng mấy chục năm qua đã di chuyển tới ba lần. Mỗi lần di chuyển là một sự tốn kém tiền bạc và không khỏi có chút ảnh hưởng đến tâm lý mỗi người. Tôi phải sơ qua cái đặc điểm ấy để bạn đọc khái quát được những đặc điểm riêng về Đồng Hỷ. Để chúng ta cảm nhận về mỗi thay đổi hôm nay đều có những thử thách riêng, đều thấm đẫm mồ hôi, công sức của biết bao người. Đều chứa đựng những thanh âm và nỗi niềm riêng của nó.

Chuyến đi này Hội Văn học nghệ thuật tỉnh có mười lăm người, kết hợp với Hội Văn học nghệ thuật huyện Đồng Hỷ - một Hội vừa được thành lập chưa đầy hai tháng và là đơn vị thiết kế chuyến đi. Nhìn mấy chiếc xe nối đuôi nhau về với miền quê, tôi thấy cảm xúc chợt dâng lên trong lòng. Nói một cách văn hoa thì đây là những người đang đi tìm cái đẹp. Cái đẹp miền quê còn khiêm nhường như những bông hoa rừng ẩn giấu trong cây lá. Có một thực tế là mỗi chuyên ngành sẽ theo đuổi, lắng nghe, chiêm nghiệm ở các góc độ khác nhau. Xin dành ít dòng về Hội Văn học nghệ thuật huyện Đồng Hỷ. Đây là hội trẻ nhất trong các Hội Văn học nghệ thuật của tỉnh, vừa thành lập tháng 8 năm 2023. Trẻ, nhưng cảm giác ban đầu khi tiếp xúc một số anh chị em cùng đi trong chuyến này, tôi lại thấy họ đang rất dồi dào vốn sống, họ đang đầy khát khao để đưa những giá trị cuộc sống vùng quê này vào trong tác phẩm của mình.

Bất ngờ gặp anh bạn Nguyễn Đức Thiện ở thị trấn nông trường Sông Cầu, cùng học cấp ba, cùng đi lính, một thời là sĩ quan ở phòng tác chiến Quân khu Một. Nghe đâu khi về hưu mở mang làm kinh tế mạnh lắm. Lúc thấy mở cơ sở khai thác đá, lúc lại nghe mở dịch vụ sân chơi thể thao. Vắng tin một thời gian, giờ gặp lại, tôi bị bất ngờ về những bài thơ đầy cảm xúc của anh. Không ngờ con người một thời tưởng khô cứng về những kiến thức quân sự, tưởng mê mải về cơm áo gạo tiền, vậy mà vẫn còn một tâm hồn thơ.

Một trường hợp nữa tôi cũng rất may mắn được gặp trong dịp này, đó là anh Triệu Văn Lũy, Chủ tịch Hội Văn học nghệ thuật huyện. Cách đây 22 năm, tôi đưa vợ tôi đi luân chuyển giáo viên miền núi tại Sa Lung, một trường tiểu học vùng sâu giáp Thần Sa, Võ Nhai và đã biết đến tên thày giáo Lũy. Khi đó anh là hiệu phó của trường. Tuy hôm đó tôi chưa có dịp gặp, nhưng trong chuyến đi này khi gặp và nghe giới thiệu tên anh, tôi có linh cảm về cái tên đã biết đến hơn hai mươi năm về trước. Và qua điện thoại anh bảo: “Đúng em rồi đấy!”. Giờ anh đang là Phó Trưởng ban Thường trực Ban Tuyên giáo Huyện uỷ Đồng Hỷ kiêm Chủ tịch Hội Văn học nghệ thuật huyện. Gặp thêm những bạn viết mới, tôi bỗng thấy cái duyên hội ngộ như tiếp thêm cho mình bao cảm hứng, thấy có thêm được những người đồng cảm với niềm đam mê mà có người còn quan niệm là việc rong chơi viển vông. Tình cảm của các anh lãnh đạo huyện Đồng Hỷ dành cho đoàn cũng hết sức chu đáo, đầm ấm. Dù rất bận công việc, các anh vẫn dành thời gian tiếp xúc, động viên anh em trong đoàn. Thái độ trân trọng ấy tiếp thêm sự háo hức cảm nhận và tìm kiếm của các anh chị em trong đoàn, làm nên một không khí rất hồ hởi cho một chuyến đi.

Những thanh âm và sắc màu gợi mở
Tham quan cánh đồng lúa ở xóm Tân Đô (xã Hòa Bình). Ảnh: Trần Thép

Về xã Hòa Bình, đây là xã miền núi thuần nông. Cánh đồng làng Tân Đô rộng mênh mông, lúa đang độ chín vàng. Các “phó nháy” thi nhau tìm các góc để bấm máy. Ai trong đoàn cũng có điện thoại thông minh, chẳng tội gì không làm vài kiểu. Riêng tôi, cứ gặp màu lúa chín trên cánh đồng là luôn thấy lòng xao động lạ thường. Nó quá bình dị và quen thuộc, nhưng đó là màu của ký ức, màu báo hiệu sự yên bình làng quê tôi. Những cây hoa lúa cứ ngắm kỹ mà ngẫm nó sẽ gợi cho ta bao điều về ý nghĩa cuộc sống này. Tôi thích thú để ý nhạc sỹ Vũ Văn Lực cứ cúi bò xuống quay cận cảnh mấy bông lúa vàng. Anh bảo anh cứ quay thế, để rồi nếu sáng tác được ca khúc nào phù hợp, anh sẽ ghép vào thành clip cho sinh động.

Tôi nhận ra Tân Đô đang ẩn chứa một nét văn hóa riêng. Đó là văn hóa người Nùng. Những nếp nhà sàn thấp thoáng ẩn hiện bên các khu vườn như một đường viền xung quanh đồng lúa vàng. Những sắc màu này luôn gợi một sự ấm áp, thanh bình. Vào làng, rất yên ắng vắng lặng. Trưởng xóm dẫn vào vài nhà đều phải chờ gọi chủ về. Một không khí đang mải mê mùa màng. Người lớn ngoài đồng ruộng, trẻ em các độ tuổi đến trường. Những nếp nhà sàn tuy đã có đôi nét cải tiến cho phù hợp đời sống mới, nhưng vẫn giữ dáng dấp nguyên sơ. Trong lúc chủ chưa về thì khách đã vào ra khắp ngõ ngách trong nhà tự do như ở nhà văn hóa xóm.

Chủ về, vẫn bộ quần áo lao động, cười tươi như gặp khách quý. “Ô! Đang làm trong nương mà. Nghe thấy điện là về ngay đấy!”. Ở bản là vậy. Cửa cứ mở toang. Mà may bây giờ ai cũng có điện thoại, xe máy, gọi một lúc đã thấy vè vè phóng về chứ như xưa muốn gặp ai có khi phải chờ cả buổi. Hai vị nữ cứng tuổi của bản còn biết hát giao duyên cũng vậy. Nhận được điện của trưởng xóm, hai bà phóng xe máy đến rồi ngồi hát làn điệu “Nhì hào” hồn nhiên như một thời thanh xuân, dù hai bà không biết một nốt nhạc. Họ hát bằng tất cả tâm hồn yêu dân tộc mình. Hát xong bảo còn phải về nhanh để hái chè và trông cháu. Các bà vẫn có nỗi băn khoăn cho việc truyền dạy các điệu hát cho con cháu mình. Một bà bảo: “vừa đi thi hát ở tỉnh về mà chỉ thấy người già thi thôi, chẳng thấy đứa trẻ nào. Ở làng bà cũng đang cố dạy cho mấy cháu các điệu hát mà chúng nó lười lắm, chẳng thích học đâu”. Tôi hiểu điều băn khoăn ấy không chỉ của riêng bà, cuộc sống nhiều thay đổi thì có cái được cũng sẽ có cái dần bị mai một đi. Và đến một lúc nào đó lại vội vã đi sưu tầm tìm kiếm. Rời làng, có cái vui và cũng có những điều tiếc nuối.

Về Minh Lập, một xã đạt nông thôn mới đầu tiên của huyện Đồng Hỷ. Cảm giác về sự thay đổi ấy từ con đường đi trong các xóm. Đường rộng lại sạch bong, hai bên bày bán hàng quán như phố xá. Những sắc hoa tươi thắm ven đường. Cách đây hơn chục năm, Hội Văn học nghệ thuật tỉnh kết hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh mở trại sáng tác về đề tài nông thôn mới, tôi cũng đã về Minh Lập tìm hiểu về đời sống bà con nơi này. Tôi còn nhớ câu chuyện của anh Phó Chủ tịch xã kể về vài hộ nghèo không muốn thoát nghèo. Nghe có vẻ nghịch lý, nhưng hóa ra họ không muốn rời những ưu đãi của hộ nghèo như bảo hiểm y tế, con cái học hành v.v.. Vậy là để có một xã chuẩn nông thôn mới, cái đích đầu tiên là nhận thức của cán bộ và nhân dân để có một sự đồng lòng. Lần này Bí thư Đảng ủy xã Nguyễn Minh Hoan cho biết lộ trình phấn đấu của một xã thuần nông của 17 xóm với ba dân tộc: Kinh, Nùng, Sán Dìu rất rõ ràng. Từ 2016 đến 2020 tiến đến nông thôn mới nâng cao. Từ 2020 đến 2022 đạt nông thôn mới kiểu mẫu. Như vậy Minh Lập là xã đã phấn đấu đạt 19 tiêu chí của Bộ tiêu chí quốc gia đề ra. Với thu nhập bình quân năm 2022 đã đạt 58 triệu trên đầu người là đã phấn đấu đạt chỉ tiêu mà tiêu chí đề ra đến năm 2025. Nguồn thu nhập chính của bà con trong xã ở hai nguồn chăn nuôi và sản phẩm chè. Được như vậy là một điều đáng mừng vì mấy năm vừa qua ảnh hưởng của dịch COVID-19 và giá cả chăn nuôi cũng rất thất thường. Dịch bệnh vẫn thường xảy ra, gây ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống toàn xã hội.

Rất có thể nhiều nương chè đẹp tuyệt vời của Minh Lập đã có trên các bức ảnh lan truyền trong nước và nước ngoài. Nhưng những nghệ sĩ nông dân ở đây đã “vẽ” cần cù ngày đêm hàng chục, thậm chí hàng hai chục năm để mới có thành quả ấy. Hương chè Trại Cài có một thương hiệu riêng, đậm sắc hương mà đã bay xa khắp các vùng miền. Nếu về đúng phiên chợ Trại Cài, ta bắt gặp một không khí rất riêng. Những bao tải chè chồng chất, những chiếc xe chờ đưa chè về muôn nơi. Mỗi bàn trong chợ đều đủ phích, chén. Người mua thoải mái pha trà thưởng thức. Bàn nào cũng ngồn ngộn một đống bã chè của khách thử trà. Rời Minh Lập mà con đường hoa, mà hương chè như níu kéo, như hẹn một ngày trở lại…

Khe Mo và Văn Hán là hai xã mà đoàn đến vào buổi chiều. Ở đây địa hình đồi xếp bên đồi. Bởi thế mà nhìn qua cũng biết thế mạnh của phát triển kinh tế ở đây là trồng cây và chăn nuôi. Những quả đồi xa xa xanh thắm dáng bạch đàn và keo. Những mảnh vườn gần nhà sum suê cây trái và màu xanh non của búp chè. Hồ nước Văn Hán rộng có con đường ô tô chạy quanh co bên dáng núi. Trước mắt, nó đáp ứng sự tưới tiêu và bảo đảm sự cân bằng sinh thái. Tôi tin, rồi sẽ có những nhà đầu tư du lịch vào đây bởi cảnh sắc thiên nhiên nơi này còn nhiều nét hoang sơ, cuốn hút. Vẫn còn trong trí nhớ tôi một thời con đường cấp phối, lồi lõm ổ gà đi vào Khe Mo, Văn Hán. Hai bên chủ yếu là đồi cây hoang sơ, nhà cửa còn thưa vắng. Giờ nhiều đoạn, bên đường dịch vụ mọc lên như phố. Nhiều nương chè nơi đây đã thành tác phẩm nghệ thuật lan tỏa khắp mọi miền. Có một đồi chè mà xe đoàn dừng lại, chờ đợi nhau mãi mới rời đi được. Tôi chẳng phải tay bấm chuyên nghiệp nhưng cũng thấy hình thế một bức tranh sống động và tuyệt đẹp. Nó gợi cho mọi người về sự bền bỉ của người “họa sĩ” nông dân khi làm nên bức tranh tuyệt mỹ này. 

Những thanh âm và sắc màu gợi mở
Một góc hồ Văn Hán. Ảnh: Phan Bảo

Sẽ còn nhiều người trong đoàn phải trở lại nơi này vì chuyến đi mới là sự gợi mở thôi. Những điều sâu lắng còn nằm sâu trong làng bản và những con người chân chất, cần cù kia. Rất có thể sẽ có những bản nhạc ngân lên mang giai điệu ấm áp mùa màng hay những làn điệu giao duyên đặc sắc của dân tộc Nùng hay Sán dìu. Bởi tôi biết nhạc sỹ Vũ Văn Lực và Nguyễn Đình Chiến rất dễ rung động từ những thanh âm đang chìm lắng trong các vùng miền. Và cũng rất có thể sẽ có những bức tranh đẹp về một miền quê yên bình, về một con đường hoa của nông thôn mới dưới bàn tay của hai họa sĩ Nguyễn Gia Bảy và Nguyễn Nhiếp tài hoa. Còn mấy nghệ sĩ nhiếp ảnh thì cứ dừng chân địa điểm nào lại có hình ảnh ngay tức khắc. Có khi xe đang chạy đã bị các nghệ sĩ nhiếp ảnh Phan Bảo hoặc Ngọc Hải vỗ bồm bộp yêu cầu dừng lại vì phát hiện cái “bất thường” ở bên đường. Các anh, các chị làm thơ, viết văn cũng vậy thôi. Chất liệu cuộc sống vẫn ngồn ngộn hiện hữu, nhưng đưa được nó vào tác phẩm một cách chân thực, sống động và rung động trái tim mọi người mới là điều trăn trở. Nhiều cái khó người lao động, người nông dân đã đang vượt lên từng ngày. Họ đã và đang tạo nên những thanh âm, những sắc màu thật diệu kỳ cho cuộc sống. Chúng ta – những người sáng tạo ra các tác phẩm sẽ làm được gì trước bao điều gợi mở ấy. Đó luôn là câu hỏi cho mỗi chuyến đi.

Phạm Quý

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy