Phố Mây đọng lại trong tôi...
Chúng tôi trở về từ Trại sáng tác năm 2023 do Trung tâm hỗ trợ sáng tác Văn học Nghệ thuật (Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch) phối hợp với Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Thái Nguyên tổ chức tại Nhà sáng tác Tam Đảo.
Trong thời gian 10 ngày (từ 1 đến 10/8) chúng tôi đã có nhiều kỷ niệm và sẽ giữ mãi trong lòng những tình cảm đẹp về nơi Phố Mây dịu dàng ấy. 15 thành viên của Trại sang tác thuộc 7 Chi hội: Văn xuôi, Múa, Âm nhạc, Thơ, Nhiếp ảnh, Văn nghệ dân gian, Mỹ thuật thuộc Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Thái Nguyên đều cảm thấy quý trọng những ngày này.
Những ngày ở Nhà sáng tác Tam Đảo
Lần đầu đến với một Trại sáng tác quy mô lớn và đa dạng về các chuyên ngành như năm nay, tôi khá háo hức. Ban đầu, tôi thực sự chưa hình dung ra, với những đặc thù riêng của từng chuyên ngành thì chúng tôi sẽ làm việc với nhau như thế nào? Hay là chuyên ngành nào thảo luận riêng với chuyên ngành đó?…Vậy thì, chúng tôi sẽ liên kết với nhau như thế nào? Trao đổi với nhau ra sao? Có khá nhiều câu hỏi đặt ra trong đầu tôi trên đường đi, và câu trả lời cứ mở dần ra, cho đến khi tôi bước chân đến Nhà sáng tác.
Sớm đầu tiên khai mạc Trại, Tam Đảo đón chúng tôi bằng một cơn mưa rào. Rồi đến trưa, nắng bắt đầu buông xuống. Chỉ một lát, trời lại kéo sương mù, rồi lại đổ mưa, hơi se lạnh, đến chiều tối khi mưa tan, nắng lại nhẹ nhàng nhảy nhót trên mọi nẻo đường,… Một ngày mà có đến bốn mùa luân phiên nhau. Thật là thú vị! Sự thi vị của đất trời đã khiến tất cả các trại viên bắt đầu có những cảm xúc, bắt đầu hình thành những ý tưởng đầu tiên cho tác phẩm của mình.
Tuy nhiên, sang ngày thứ hai, tôi cũng chỉ mới có sự kết nối với Hội viên của Chi hội Thơ do có sự quen biết từ lâu và có cùng sở thích. Rồi đến ngày thứ ba thì tôi bắt đầu thấy được sự gắn kết và mối liên hệ giữa các chuyên ngành. Không khí trong Nhà đã bắt đầu ấm áp và thân thiện dần lên. Chúng tôi đã có những cuộc trao đổi để hiểu về nhau hơn và sự thú vị là với cùng một chủ đề, cùng một nội dung thì chúng tôi đều có thể cùng nhau sáng tác và mỗi chuyên ngành sẽ cho ra đời các tác phẩm ở các loại hình khác nhau. Đó là mắt xích vô hình từ các chuyên ngành văn học, nghệ thuật kết nối nhau lại. Lúc chúng tôi cùng nhau đứng bên cửa sổ ngắm người phụ nữ hái ngọn su su dưới màn mưa, thì ngay lập tức các nghệ sĩ Nhiếp ảnh đã có tác phẩm lưu lại khoảnh khắc đội mưa hái rau của họ. Bài thơ về người hái su su trong mưa ra đời. Bài hát, điệu múa về ngày mưa Tam Đảo cũng từ đó mà hình thành…
Nếu như trước đây, chúng tôi chỉ đi cùng một chuyên ngành với nhau, chúng tôi đã không thể hiểu được những yếu tố mang tính chuyên môn của mỗi ngành, nhưng lần này nhờ được giao lưu học hỏi, tôi có thêm kiến thức về nhiếp ảnh, âm nhạc, hội hoạ… mà trước đây không bao giờ hình dung được. Điều đó thật đáng quý với tôi.
Tôi để ý thấy các nghệ sĩ nhiếp ảnh luôn phải tranh thủ thời tiết, chớp đúng thời cơ khi nắng đẹp, nắng chiếu đúng tầm, tỉ mỉ đến từng chi tiết, để có thể ghi lại được những khoảnh khắc đẹp. Tôi để ý thấy các họa sĩ ngồi hàng buổi bên giá vẽ, đăm chiêu trau chuốt cho từng nét cọ… Và tôi vỡ ra, nghệ thuật là không thể vội vã, dù là tác phẩm văn học, hay nhiếp ảnh, hội họa, hoặc bất cứ ngành nào cũng cần sự trau chuốt, công phu nhằm thể hiện sâu sắc cho nội dung của tác phẩm…
Các thành viên trong Trại ở nhiều độ tuổi khác nhau nên có những thói quen, sở thích khác nhau, nhưng tôi thấy họ đều giống nhau ở tinh thần lao động nghiêm túc, say sưa sáng tạo. Tôi luôn bắt gặp sự hăm hở trong những ánh mắt của các bác cao tuổi: Âu Ngọc Ninh, Minh Lập, Thanh Lên, Phan Bảo mỗi khi xách máy lên…Và với một địa điểm lí tưởng như Tam Đảo, đã tạo cho các văn nghệ sĩ những cảm xúc mới, đủ để sáng tạo nên những tác phẩm.
Một truyện ngắn về Tam Đảo của nhà văn Phạm Quý (Chi hội Văn xuôi) đã ra đời tại đây. Tác giả chia sẻ: “Không như nhiếp ảnh là cứ đi là có tác phẩm ngay. Hay thơ thì chớp lấy những khoảnh khắc rung động là có thể sớm hoàn thành một tác phẩm. Viết văn cần thời gian dài hơn. Ban đầu, tôi đã mang hai truyện ngắn đang viết dở ở nhà đi để tiếp tục hoàn thiện. Nhưng, với cái tứ mới bật ra từ Tam Đảo, tôi để hai tác phẩm kia lại, viết một mạch xong truyện ngắn mới này. Có lẽ đây là tác phẩm ra đời nhanh nhất trong quá trình sáng tác của tôi”.
Thành tích của Trại sáng tác thu được khiến chúng tôi khá hài lòng. 15 bài thơ, 1 truyện ngắn, 25 tác phẩm nhiếp ảnh, 6 tác phẩm mỹ thuật, 11 tác phẩm âm nhạc được ra đời; 1 truyện ngắn, 2 tản văn được sửa chữa, nâng cao. Trong số đó, nổi bật là tác giả Doãn Long (Chi hội Thơ) với 7 bài thơ được sáng tác mới về Tam Đảo.
Không khí lao động nghiêm túc, sự đoàn kết, hòa nhã của tất cả các Trại viên tạo nên sức mạnh để chúng tôi có thể làm việc và hoàn thiện các tác phẩm một cách hiệu quả nhất.
Chúng tôi biết ơn Hội VHNT, biết ơn Nhà sáng tác Tam Đảo, đơn vị trực thuộc Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã trực tiếp tổ chức Trại sáng tác và tiếp đón, chăm sóc chúng tôi rất thân tình, chu đáo.
Mát lành quả Nóng Tam Đảo
Trong chuyến đi này của tôi, không chỉ có hương vị tình thân của các Trại viên trong ngôi nhà sáng tác chung khiến tôi lưu luyến. Mà có một thứ hương vị đặc biệt của thị trấn Tam Đảo khiến tôi không thể nào quên. Đó là vị một loài quả ngọt. Sáng ngày mùng 04/8/2023, Tam Đảo không đón mưa vào buổi sớm. Thay vào đó là tiết trời an lành và trong trẻo, êm đềm như một giấc mơ mây. Giữa trưa thì nắng bừng lên, rạng rỡ. Những trại viên ngồi quây quần bên bàn uống nước, cùng nhau nếm thứ quả ngon ngọt mà nghệ sĩ Mai Loan (Chi hội Múa) trong chuyến đi khám phá thiên nhiên thị trấn Tam Đảo cùng nhà văn Ngọc Thị Kẹo và nhà nghiên cứu văn hoá dân gian Trần Bình Dưỡng đã tìm thấy. Nghệ sĩ Mai Loan cho biết: “Ở Định Hoá quê cô, cây này thường gọi là bỏng rừng. Đây là loài cây ưa bóng mát, ưa độ ẩm, hay mọc theo ven bờ suối, dưới những tán cây cổ thụ, rừng nguyên sinh. Và vào mùa hè, khi đi rừng, nó như vị cứu tinh cho lũ trẻ chăn trâu, những người hay vào rừng tìm măng, kiếm củi. Nó làm dịu cơn khát, thậm chí cả cơn đói. Nó rất lành tính. Khi mình đang nóng, nắng khát, mà được thưởng thức những quả bỏng này như được dùng thứ đồ ăn mát lạnh, tỉnh cả người!”.
Và chỉ khi bác Âu Ngọc Ninh trở về từ chuyến đi chụp ảnh của mình thì loài cây này mới được gọi đúng tên khoa học của nó: Quả cây Nóng và trong tiếng Tày gọi là cây Mác mjầu. “Nghe gọi quả Nóng thì có cảm giác bỏng, nhưng nhâm nhi thứ cây ăn quả này lại mang lại sự ngọt ngào, mát lành cho người thưởng thức” - nghệ sĩ Âu Ngọc Ninh vui vẻ chia sẻ sự thú vị tên của loài cây này.
Men theo con đường lên Đền bà Chúa Thượng Ngàn, chúng tôi bắt gặp cây Mác mjầu khá sai quả, dày đặc như những chùm sung; thi thoảng còn điểm vài bông hoa cuối mùa nở muộn trên cành, màu phớt hồng, dịu dàng nhỏ xinh. Mọi người chia sẻ rằng cây này mọc hoang trong rừng ẩm, thường gặp ở ven các suối dưới tán rừng. Cây cao khoảng từ 3 đến 5 mét; cành hình tròn; lá hình bầu dục, mọc so le, thường tụ họp ở đầu cành, hai mặt có lông nháp, nhiều hơn ở mặt trên; cụm hoa mọc ở kẽ những lá, hoa nhỏ xíu màu hồng nhạt… Mùa hoa sẽ bắt đầu từ tháng 5 đến tháng 7, mùa quả thì bắt đầu từ tháng 8 đến tháng 10. Bác Trần Bình Dưỡng - Chi hội Văn nghệ dân gian cũng dành sự quan tâm đặc biệt với loại quả này: “Cây Mác mjầu cho ra những chùm quả mọng, cứ phần nào có thân là có quả. Quả chín trắng muốt, ăn vị ngọt, hơi nhầy, trong nhiều hạt bé li ti. Trước ngày về một hôm, phải lên nếm lại để nhớ hương vị này nhé.”
Người Tày Na Hang – Tuyên Quang còn truyền tai nhau một sự tích về cây Mác mjầu: “Thuở xưa, nhà nọ có 4 anh em trai tuổi ăn tuổi lớn nhưng lại lười lao động, không chịu làm ăn. Ngày ngày, 4 anh em chơi quay, đánh đáo, đánh yến cùng lũ trẻ con nơi đầu bản. Để răn dạy mấy người con, bố mẹ lấy các con quay đồ vào chõ xôi rồi gọi các con về ăn. Các con thấy vậy, dỗi bỏ nhà vào rừng, không chịu về nữa. Tháng ngày trôi qua, bố mẹ day dứt về chuyện năm xưa, mới mang bánh cóoc mò, gói đùi gà đem vào rừng cho các con và gọi chúng về. Bốn anh em nhận ra lỗi lầm của mình, nhưng không thể về nữa, bởi vì “chắp mạy to chá, chắp phịa to mằn” (bám cây cũng vững, bám đá cũng chắc), đã quen với cuộc sống trong rừng rồi. Bố mẹ không còn cách nào khác, đành cắm đùi gà xuống đất, là nguồn gốc của cây nấm mối. Mũi dãi bố mẹ cùng các con khóc lúc chia xa quệt vào gốc cây bên rừng mà thành cây “Mác miầu” - có quả ngọt, nhơn nhớt” (Theo: Nấm mối rừng mùa hạ - Mộc Miên). Quả Mác mjầu gắn bó với những năm tháng tuổi thơ của trẻ em miền núi. Không chỉ ở Tuyên Quang mà ở những vùng đất đồi ẩm Đông Bắc, chúng đều mọc nhiều. Trẻ em chia nhau ăn mỗi khi đi thả trâu trên đồi mỗi chiều.
Tôi chợt nhớ đến bạn tôi - Hoàng Thị Hương, Giáo viên trường THPT ở huyện miền núi Bình Gia, tỉnh Lạng Sơn - đã có lần hào hứng kể lại với chúng tôi món quà tuổi thơ của mình: “Quả Mác mjầu, quả vả, quả sim hồi bé bọn tớ ăn nhiều lắm. Trên tớ vào vùng có đất đồi hoặc khe ẩm là nó mọc đầy. Tớ được đi hái, nó sai như bông lúa. Hái buổi trưa nhất là trời nắng nó mới ngọt. Các ông bà già đi thả trâu lên đồi, mỗi chiều về thể nào cũng túm ít quả trong lá, mang về cho các cháu. Ngày xưa chưa nhiều hoa quả như bây giờ, các cô bác người Nùng trong núi sâu họ đem ra chợ bán. Rẻ lắm, đong bằng bát ăn cơm, có 500 đồng một bát thôi”.
Qua tìm hiểu được biết, không chỉ có tác dụng giải khát với vị ngọt thanh đặc trưng mà cây Mác mjầu còn là một loại cây dược liệu, làm thuốc. Cây có vị đắng, tính mát, tác dụng thanh nhiệt giải độc, sinh cơ chỉ thống, sơ phong chỉ khái. Dân gian thường dùng quả để ăn sống, vỏ giữa của thân thái mỏng, giã ra lấy nước uống, bã đắp trị rắn cắn, cũng dùng đắp các vết sưng tấy, sai khớp…
Khi biết nó là một cây dược liệu có khả năng dùng thuốc, ý tưởng nhân giống cây đã nhen lên trong đầu nhà thơ trẻ Doãn Long, hiện sinh sống ở Định Hoá. Hiện nay, những cây thuốc nam đang có nguy cơ tuyệt chủng nhiều, nên việc trồng cây Nóng (Mác mjầu) để giữ giống và duy trì sự đa dạng sinh học của tự nhiên cũng là một ý tưởng đáng quan tâm.
Mười ngày ở Tam Đảo trôi qua thật nhanh. Khi trở về, tôi còn vương vấn những ngày được sống và làm việc cùng các bác, các cô, các chú, anh, chị và em. Riêng tôi, còn nhớ mãi những buổi được cùng cả nhà vừa chia sẻ tác phẩm vừa nhấm nháp quả Nóng. Tam Đảo cứ xinh đẹp, dịu dàng thả mây và hương vị quả Mác mjầu cứ ngọt lành trong lòng tôi như vậy đến tận bây giờ.
Tôi muốn được nói lời cảm ơn thật nhiều đến những cơ quan, đơn vị đã cho chúng tôi cơ hội có được chuyến đi này. Tôi muốn cảm ơn cuộc đời vì nó luôn mang đến cho chúng ta vô vàn điều thú vị, bất ngờ. Vì thế, tôi viết lại những dòng chữ này để gửi đến độc giả. Tôi thành thật cảm ơn!
Yến Nhung
0 đã tặng
Hãy liên hệ với chúng tôi qua số điện thoại: 0988827920 (Ngô Ngọc Luận), nếu bạn có nhu cầu thưởng thức những ấn phẩm của Văn nghệ Thái Nguyên.
Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...