Thứ ba, ngày 20 tháng 05 năm 2025
21:06 (GMT +7)

Vườn nhà có hàng chuối xanh non

Bố tôi mất sớm, từ khi tôi còn là cô bé bốn tuổi nên thời thơ ấu, tôi luôn thiếu thốn tình cảm, mong ước có được sự chăm sóc của người cha.

Ngày tôi về làm dâu, tôi cảm nhận được, bố chồng không coi mình là người ngoài mà như con gái trong nhà. Tôi hạnh phúc khi bố đón tôi bằng sự bao dung, dạy tôi cách vun vén gia đình bằng những điều giản dị. Một ánh nhìn thấu hiểu, một lời nhắc nhở ân cần của bố đều khiến tôi thấy thật ấm áp. Ông không bao giờ nặng lời nhưng cũng chẳng nuông chiều. Từng lời ông nói, từng việc ông làm, đều mang theo cái tình và cái tâm của một người cha đúng nghĩa.

Vườn nhà có hàng chuối xanh non
Vườn nhà có hàng chuối xanh non

Tôi vẫn nhớ buổi sáng ngày mới về làm dâu, tôi thư thả ngắm ánh nắng sớm vừa nhón chân lên đầu ngõ, chợt nghe tiếng lá chuối xào xạc theo gió nhẹ, âm thanh thân thuộc như một khúc nhạc bình yên. Khi ấy, tôi nhìn thấy bố chồng tôi bước chậm rãi giữa vườn, dáng cao gầy, lưng hơi còng theo năm tháng. Ông đưa tay chạm nhẹ vào những tán lá rộng, cảm nhận lớp lá mát lành như nhịp sống nối tiếp trên từng thân cây. Rồi ông thoăn thoắt tỉa lá chuối, cắt, bó thành từng tập. Thấy tôi, ông khẽ bảo: Con gái, mang bó chuối vào sân để ráo nước giúp bố. Nghe hai từ “con gái”, tôi xúc động nghẹn ngào, lặng đi trong giây lát, cố giấu ánh mắt ươn ướt.

Mẹ chồng tôi đang băm thân chuối nấu cám lợn, nhìn tôi giúp bố mang từng bó lá ngoài vườn vào sân, bà giải thích: Lá chuối này được thương lái đặt mua, chở về thành phố giao cho những cơ sở làm nem, giò. Có khi, nhà mình còn phơi khô lá chuối theo đơn đặt hàng của các bà chuyên gói bánh gai ngoài chợ. Mẹ quay sang bố, khen ông mát tay, bởi trong xóm cũng nhiều nhà trồng nhưng người mua lúc nào cũng trả giá cao vườn chuối của bố vì lá đẹp, tán rộng, có màu xanh tươi hơn cả. Rồi mẹ kể: Ngày xưa, bố trồng chuối không phải vì tính chuyện buôn bán. Bố nói, nhà có cây chuối là có bóng mát, có lá gói bánh, có quả cúng giỗ, lại thêm nhiều món ăn cho cả người già lẫn trẻ con. Mỗi phần của cây chuối cũng đều hữu ích với nhà nông.

Bố chồng tôi là một người lính từng trải qua chiến tranh. Cơ thể ông mang vết tích của những năm tháng cầm súng. Mỗi lần gió đổi mùa, trời trở lạnh, cơn đau nhức lại âm ỉ hành hạ. Nhưng chưa bao giờ chúng tôi thấy ông than phiền. Nhìn bố, tôi nhận ra rằng chiến tranh không chỉ để lại những vết sẹo trên cơ thể, mà còn khắc sâu vào trong tâm khảm, biến thành một sức mạnh âm thầm, bền bỉ của mỗi người lính.

Góc vườn nhà tôi quanh năm xanh tốt những cây chuối đủ loại: Chuối lá, chuối tây, chuối tiêu hồng. Từng gốc chuối mẹ rắn rỏi, cứng cáp, đỡ nâng, tán lá xòe rộng như vòng tay chở che những cây con đâm chồi, lớn lên, tiếp nối nhau vươn mình dưới nắng. Bố chồng tôi đã chăm chút vườn chuối ấy suốt mấy chục năm, như chăm chính những đứa con trong nhà, lặng lẽ, nhẫn nại, không vội vã, nhưng chưa bao giờ thiếu vắng tình thương.

Tôi chẳng thể quên hình dáng bố trong những ngày giông gió kéo đến. Mới ban sáng trời còn lặng gió, vườn chuối nhà tôi vẫn xanh mướt êm đềm như mọi ngày. Vậy mà đến trưa, bầu trời đột ngột phủ mây đen, rồi mưa như trút nước. Cơn giông ập đến nhanh đến mức chẳng ai kịp trở tay. Gió giật mạnh làm những tàu chuối cong oằn. Phút chốc, trong cơn giận dữ của ông trời, cả hàng chuối bố tôi dày công chăm sóc bị đổ rạp.

Tôi chạy ra thì thấy bố đã đứng đó từ bao giờ, người ông ướt sũng, bàn tay nhanh nhẹn buộc lại từng thân chuối đổ. Lưng ông còng hơn. Mắt ông hoe đỏ. Nhưng giọng ông vẫn vững: “Cây ngã phải dựng lại ngay, không để lâu nó sẽ bị úng rễ.” Tôi đứng lặng trong mưa. Lần đầu tiên, tôi thấy bố không chỉ là người trồng chuối, mà là người dựng lại tất cả, trong những trận giông của đời. Cơn giông qua đi, vườn vẫn ướt đẫm. Những thân chuối được chống đứng thẳng bằng thân tre, buộc dây chun xung quanh, run rẩy vươn lên trong gió nhẹ. Tôi khẽ đặt tay lên thân cây vừa được dựng, thấy nhựa ấm nóng, như tim bố vẫn đập giữa vườn.

Mười lăm năm về làm dâu, cũng là ngần ấy năm tôi chứng kiến mùa chuối ra buồng, kết trái. Những buồng chuối sai trĩu, quả ép sát vào nhau, biểu tượng của của tình thân, của sự gắn bó bền chặt. Khi chuối chín vàng, bố tôi dành nải đẹp nhất để thắp hương tổ tiên, như một lời biết ơn với những người đi trước. Sau khi thụ lộc, ông chia cho con cháu, gửi gắm những ngọt lành của đất trời vào từng món quà nhỏ bé.

Những quả chuối chín được đặt ngay ngắn trong mâm cơm gia đình tôi mỗi ngày, là món tráng miệng giản dị mẹ chồng tôi gọi là nhân sâm của người nghèo. Tụi trẻ con thích chuối chín bởi vị ngọt thanh, người già ăn chuối chín để giữ gìn sức khỏe. Mỗi lần có ai đi xa trở về, mẹ lại bày một nải chuối ra bàn, như một lời chào đón đằm thắm, như một nhịp kết nối của tình thân.

Nhất là mùa cốm non, khi có khách đến nhà, mẹ rót nước trà thơm, đặt thêm một nải chuối trên bàn cạnh đĩa cốm. “Có chuối ăn cho ngọt miệng,” bà mỉm cười quay sang bố, nói giản dị, nhưng trong đó có cả sự hiếu khách chân thành, có cả cái tình của gia đình quê mộc mạc.

Những buồng chuối không chỉ cho quả chín ăn mà còn đi vào những bữa cơm quê bình dị của gia đình tôi. Quả chuối xanh được mẹ cắt vào làm món cá kho. Những lát chuối mềm dần, thấm đẫm vị đậm đà, hòa quyện với chút riềng, chút nước mắm quê khiến cả nhà “đổ vạ nồi cơm”. Bát canh xương hầm chuối xanh cũng không thể thiếu trong bữa cơm gia đình tôi những ngày trời trở lạnh. Ăn thìa nước canh ngọt thanh, cắn miếng chuối mềm mà ngọt bùi dư vị quê nhà, mọi người nhìn nhau cười ấm áp. Món chuối xanh nấu chín, dầm nhuyễn cùng tóp mỡ béo ngậy, thêm hương lá lốt, tía tô cũng là thức quà quê mà gia đình tôi ưa thích. Bao năm tháng qua, vị ngọt từ tình thân trong những bữa ăn gia đình đầy ắp tiếng cười đó, chúng tôi không thể nào quên.

Cây chuối lớn lên từ đất, vươn tán lá che chở, rồi ra quả, rồi lại sinh thêm đời con nối tiếp. Mỗi lần nhìn hàng chuối, anh chị em chúng tôi lại nhớ lời bố dặn: "Mỗi cây con đều lớn từ gốc rễ vững chắc, nhờ cha mẹ che chở mà trưởng thành. Đến lúc đủ sức, nó lại nuôi dưỡng thế hệ sau. Cũng như gia đình vậy, thế hệ sau tiếp bước thế hệ trước. Bố mong các con luôn biết đùm bọc, yêu thương nhau, vậy mới thành mái nhà vững vàng”.

Tôi ngắm hàng chuối rung rinh lá trong sớm mai, mỗi ngày vẫn xanh tươi, tiếp nối nhau sinh sôi chẳng ngừng nghỉ. Và tôi nhận ra rằng, dẫu thời gian có trôi, người vun trồng có thể sẽ khuất bóng, nhưng tình thương ông để lại vẫn sâu như rễ, rộng như tán và xanh như những mầm chuối non đang vươn mình dưới nắng. Vườn chuối cứ thế, lặng lẽ nuôi dưỡng những mùa yêu thương tiếp nối, mãi mãi.

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy

Cùng chuyên mục

Mùa người

Văn xuôi 10 giờ trước

Đám cưới đêm giao thừa

Văn xuôi 6 ngày trước

Máy xay ngô

Văn xuôi 1 tuần trước

Những buổi ngày xưa nói vọng về (*)

Xem tin nổi bật 2 tuần trước

Một ngày không có hoàng hôn

Văn xuôi 3 tuần trước

Biển bỗng khóc òa

Văn xuôi 3 tuần trước

Thương nhớ đỗ quyên

Văn xuôi 3 tuần trước