
Góc biếm họa số 5 (2025)

Hàng năm vào những ngày tháng Ba - tháng của mùa xuân - mùa của tuổi trẻ, Câu lạc bộ Cựu cán bộ cơ quan Tỉnh Đoàn Thái Nguyên đều tổ chức gặp mặt truyền thống. Tôi lại được trở về cơ quan cũ - trở về thanh xuân với tâm hồn rạo rực. Tuy trụ sở cơ quan Tỉnh Đoàn đã di chuyển đến địa điểm mới, khang trang hơn, nhưng dù có ở đâu, những năm tháng nhiệt huyết của tuổi thanh xuân vẫn ùa về, mãi mãi là những ký ức đẹp đẽ nhất chẳng bao giờ có thể xóa nhòa trong tôi.
Nhớ ngày còn nhỏ, đêm đêm bám theo các anh chị đoàn viên ở tổ dân phố xem họ tổ chức sinh hoạt hè cho các cháu thiếu niên nhi đồng, tôi ao ước và thầm nghĩ nhất định sau này mình sẽ là một cán bộ Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, làm một cô Tổng phụ trách Đội giỏi. Chẳng ngờ ước mơ ấy trở thành hiện thực đẹp trong đời.
Năm 1977, tôi về nhận công tác tại “Trường Thanh niên dân tộc nội trú vừa học vừa làm” nơi vùng núi cao khó khăn của huyện Bạch Thông, tỉnh Bắc Thái. Chặng đường đầu đời đầy gian nan, thắp sáng sự học nơi vùng cao với cô gái trẻ như tôi thực sự không hề dễ dàng. Đầu tuần đến trường, tôi phải đi bộ nhọc nhằn trên con đường rừng nhỏ bé quanh co heo hút, một bên đường là những dãy núi đá cao. Lội qua khúc sông sâu chảy khá xiết mới sang được trường. Ngôi trường được ví như một đảo xanh hẻo lánh, biệt lập cách xa dân bản, ngày đêm nghe tiếng nước chảy rì rào của con sông Pác Cáp bao quanh. Không điện thắp sáng, thông tin duy nhất là chiếc đài nhỏ chạy bằng pin. Học sinh là những chàng trai, cô gái dân tộc thiểu số vượt khó đến trường học chữ và được Nhà nước hỗ trợ sáu tháng lương thực, sáu tháng còn lại thầy trò tổ chức lao động tự túc tự cấp. Chính vì vậy mà tên của Trường có thêm cụm từ “Vừa học vừa làm”.
Nhưng chính mảnh đất và con người nơi đây là lý do duy nhất để tôi mãi biết ơn. Thật đúng: “Con người sẽ trở nên hạnh phúc và thành công nhất khi được cống hiến”. Những năm tháng: Sáng lên lớp, chiều làm nông, lên nương lên rẫy cùng các học sinh, tối đến trở về với vai cô Bí thư đoàn trường nhiệt huyết đã dạy cho tôi nhiều điều về sự cống hiến. Để tổ chức được những phong trào Đoàn thanh niên sôi nổi trong học sinh, tôi chăm chỉ học nói thêm nhiều thứ tiếng dân tộc thiểu số, học hát các làn điệu dân ca Tày, Nùng, Mông, Dao… Những hoạt động Đoàn sôi nổi ấy đã góp phần làm cho các thanh niên dân tộc thiểu số thêm yêu trường, thôi bỏ lớp, việc học chữ bớt gieo neo hơn. Tôi thấy mình vinh dự không chỉ dạy chữ mà còn là nhịp cầu văn hóa, là người tuyên truyền đường lối của Đảng, chủ trương của Nhà nước đến với các em, góp phần nhỏ bé đem lại tương lai tươi sáng hơn cho thanh niên học sinh vùng cao.
Mang theo kỷ niệm về những ngày đầu cô giáo trẻ vùng cao, tôi trở về công tác tại Trường Trung học cơ sở Chí Kiên, thị xã Bắc Cạn với vai trò “Người Thanh niên mang khăn quàng đỏ”. Tiếng trống chào cờ, bài hát Đội ca, màu khăn quàng đỏ trên vai, đêm lửa trại... vẫn đậm sâu trong tâm trí tôi. Nhân dịp 20/11 năm 2024, tôi được các em cựu học sinh Trường Trung học cơ sở Chí Kiên – thị xã Bắc Cạn mời về gặp mặt. Mấy chục năm trôi qua, vậy mà khi gặp lại những học trò xưa (nay tóc cũng đã bạc) tôi vẫn trào dâng hạnh phúc trong tâm thế của “Người Thanh niên mang khăng quàng đỏ”. Trong mắt các trò tôi mãi là cô Tổng phụ trách: giỏi nghiệp vụ, hát hay, múa dẻo, vui tươi...
Những năm tháng giữ trọng trách Tổng phụ trách Đội, Liên đội Trường THCS Chí Kiên luôn là liên đội xuất sắc trong mọi hoạt động. Tôi luôn đạt danh hiệu Tổng phụ trách Đội giỏi tỉnh Bắc Thái. Vinh dự và tự hào, năm 1981 tôi được Tỉnh Đoàn Bắc Thái bầu chọn là Tổng phụ trách giỏi dẫn đoàn đại biểu Thiếu nhi Bắc Thái về dự Đại hội Cháu ngoan Bác Hồ toàn quốc lần thứ nhất (trong 5 thiếu nhi tiêu biểu, Trường Chí Kiên vinh dự được chọn 1 em). Cũng tại Đại hội này tôi vinh dự được Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh tặng Bằng khen. “Gặp nhau dưới trời thu Hà Nội” cùng những kỷ niệm đẹp của kỳ đại hội lần đầu tiên do Hội đồng Đội Trung ương tổ chức là niềm động viên, khích lệ to lớn trong từng hành động, học tập và nguyện sống hết mình theo lý tưởng của Đoàn TNCS Hồ Chí Minh trong tôi.
Trở về thanh xuân của tôi không thể không kể đến ngôi nhà thân yêu: Cơ quan Huyện Đoàn Bạch Thông - Bắc Thái. Những giọt mồ hôi chen lẫn hạt mưa rừng trên những cung đường dài chông chênh, trắc trở trơn trượt, nhiều đoạn sạt lở... khi tôi về tận nhà các bí thư đoàn cơ sở triển khai phong trào Đoàn. Những bữa cơm tối đạm bạc rau rừng, ốc suối... cùng gia đình các bí thư Đoàn xã vùng cao để lại trong tôi nhiều ấn tượng đẹp về những cán bộ Đoàn thanh niên miền núi thật thà, chất phác. Vinh dự một lần nữa đến với tôi khi được Ban Thường vụ Tỉnh Đoàn Bắc Thái cử làm Trưởng đoàn đưa đoàn đại biểu thiếu nhi Bắc Thái tới dự cắt băng khánh thành Khu Di tích lịch sử Kim Đồng tại Nà Mạ - Pác Bó (Cao Bằng) ngày 15/5/1986 cùng các đoàn đại biểu Thanh thiếu nhi Toàn quốc.
Năm 1987 tôi được điều động về cơ quan Tỉnh Đoàn Bắc Thái (nay là Tỉnh Đoàn Thái Nguyên). Bước ngoặc trong công tác Đoàn đã cho tôi niềm hạnh phúc: Thái Nguyên đã trở thành quê hương thứ hai và có thời gian gắn bó lâu dài hơn nơi được sinh ra và lớn lên. Ngày ấy cơ quan Tỉnh Đoàn trụ sở còn đơn sơ nhưng trong ngôi nhà lắp ghép hai tầng ấy luôn tràn đầy niềm vui và kiêu hãnh của tuổi trẻ Bắc Thái. Nơi đây tôi có cơ hội được sống và làm việc cùng các tấm gương tiêu biểu, luôn xung kích, tâm huyết, sáng tạo trong công tác đoàn và phong trào thanh niên như các anh: Nguyễn Hữu Dung, Dương Văn Lương, Lê Quang Dực, Đỗ Mạnh Hùng... (nguyên Bí thư Tỉnh Đoàn Bắc Thái qua các thời kỳ). Quá trình làm công tác Đoàn không chỉ giúp tôi có nhiều vinh dự mà còn cho tôi nhiều bài học quý báu trong công tác thanh vận. Khi giữ chức Thường vụ Tỉnh Đoàn – Trưởng ban Công tác Thiếu nhi - Trường học, ngày 23/10/1989 đoàn đại biểu Tổng phụ trách Đội và các cháu ngoan Bác Hồ tỉnh Bắc Thái tổ chức Lễ báo công tại Nhà khách Chính phủ (Hà Nội), chúng tôi vinh dự được nghe những lời căn dặn ân tình của Đại tướng Võ Nguyên Giáp.
Ngồi bên cạnh bác Giáp là tôi và em Kim Anh (người đọc báo công). Nghe báo công Bác rất vui và khen ngợi:
- Báo công của các cháu nhiều thành tích, hay... nhưng do các anh chị phụ trách viết hộ đúng không?
Tôi lẽn bẽn xấu hổ đáp:
- Dạ thưa Bác đúng ạ.
Bác cười hiền hòa và ân cần dặn dò:
- Các cháu thiếu nhi cần chủ động, năng động hơn. Các anh chị phụ trách Đội cũng cần tin tưởng giao việc cho các em thiếu nhi và dạy cho các em thiếu nhi không được thụ động trông chờ...
Thì ra Bác đã nhìn thấy trong kịch bản báo công em Kim Anh đọc (do tôi chuẩn bị), có hai chữ “vỗ tay” để trong dấu ngoặc đơn. Lời căn dặn của Bác mãi là bài học sâu sắc cho tôi.
Những năm tháng cống hiến với Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh tôi vinh dự được trao tặng Huy chương “Vì thế hệ trẻ” (ngày nay là Kỷ niệm chương).
Tháng Ba Thái Nguyên với tôi luôn là tháng Ba trong veo. Tháng Ba không chỉ lay động cảm xúc với miền quê, miền đồi, miền chè ngàn thẳm mà còn cho chúng tôi - những cựu cán bộ cơ quan Tỉnh Đoàn được trở về thanh xuân. Ở nơi đó họ cùng nhấp ngụm trà - Hương trời - Hương đất, gieo bình minh trong vắt, nụ cười trong veo. Họ nói với nhau về khoảng thời gian đẹp nhất trong đời: Thời Thanh niên sôi nổi.
Lã Thị Thông
2 đã tặng
1
1
Hãy liên hệ với chúng tôi qua số điện thoại: 0988827920 (Ngô Ngọc Luận), nếu bạn có nhu cầu thưởng thức những ấn phẩm của Văn nghệ Thái Nguyên.
Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...