Thứ năm, ngày 28 tháng 11 năm 2024
00:30 (GMT +7)

Nghĩ về phong bì

VNTN - Lâu nay, hai chữ “phong bì” thường bị dư luận mang ra đàm tiếu. Gần đây, tiến thêm một bước, thành phố Hội An (Quảng Nam) đã cấm công chức nhận “phong bì” có liên quan đến công vụ. Tiếp đến, công chức ở một số quận thuộc thành phố Hồ Chí Minh và 12 quan chức ở Bộ Tài chính đã nộp lại cho công quĩ số tiền nhận từ “phong bì”… Xem vậy thì cuộc “tấn công” vào “phong bì” đã bắt đầu…

Vậy “phong bì” là gì và vì sao nó phải đối mặt với dư luận, công luận và cả biện pháp hành chính?

Theo Từ điển tiếng Việt, thì phong bì chỉ đơn giản là cái bao bằng giấy. Trải qua thời gian rất dài trong lịch sử, nó chỉ để đựng thư hoặc thiếp. Sau này công năng của phong bì được mở rộng hơn, trong đó có việc đựng tiền mừng, tiền biếu để thêm phần lịch sự. Ngày nay người ta dùng khái niệm “phong bì” để ẩn dụ về những đồng tiền đựng bên trong nó, chứ không phải là thư, là thiếp như thuở ban đầu. Thế là trong tiếng Việt, danh từ “phong bì” ngoài nghĩa đen là cái bao giấy, còn được dùng theo nghĩa bóng, chỉ cái đựng bên trong nó là tiền, để nói về những mối quan hệ xã hội đang bị ô nhiễm bởi đồng tiền.

Dĩ nhiên, không phải phong bì nào có tiền, cũng chịu cái nhìn như vậy. Một phong bì thăm người đau ốm, thăm thầy giáo cô giáo cũ, chúc thọ người cao tuổi hay để tỏ lòng biết ơn người đã giúp mình v.v... mà không phải là cách “đánh vòng” vào người khác vì lợi ích của mình, thì chẳng những không bị chê trách, trái lại còn được khuyến khích. Như vậy, chỉ còn những “phong bì” mang tính vụ lợi là đáng bàn. Tuy nhiên, một vụ “phong bì” đã hoàn thành, thì phải có bên đưa và bên nhận. Vậy cái sự vụ lợi ở đây thuộc bên nào? Thông thường thì:

- Người đưa “phong bì” vốn thuộc loại yếu thế. Tuy nhiên, họ cũng cần đến các dịch vụ hành chính công, dịch vụ xã hội hay chính đáng như tìm một chỗ làm việc v.v... Gặp khi người cấp những dịch vụ này mà nhũng nhiễu, thì người ta liền nghĩ tới cái phép mầu là dùng tiền để “bôi trơn”. Có một câu nói, không rõ xuất xứ, mà ai cũng thuộc. Đó là, “Việc gì không giải quyết được bằng lời, thì phải giải quyết bằng tiền. Việc gì không giải quyết được bằng tiền, thì phải bằng rất nhiều tiền”. Chuyện đưa phong bì là từ lý do như vậy. Có thể nói, không ai muốn phải đưa “phong bì”, nhưng nếu phải dùng đến nó mới được việc, thì người ta đành chấp nhận. Như vậy, người đưa phong bì, chính là nạn nhân của sự nhũng nhiễu. Họ đáng cảm thông hơn là đáng trách.

Cũng có một số người còn muốn có được cái mà họ không có, hoặc tránh một trách nhiệm nào đó mà họ phải chịu. Họ liền chủ động dùng “phong bì”. Với những người này, thì không phải nạn nhân, mà là thủ phạm, là người vụ lợi.

- Người nhận “phong bì” đương nhiên là người có thế mạnh. Họ mạnh là vì có trong tay quyền hành Nhà nước. Họ gật, là việc xong, họ lắc là việc không thành. Ai không muốn việc của mình không thành, thì phải cầu cạnh họ. Họ là ai? Đó là người có chức, có quyền. Cũng có người tuy không có chức, mà vẫn có quyền. Trường hợp này, thường do người phụ trách yếu kém về chuyên môn hoặc vì muốn để “cửa” cho thuộc hạ. Họ dùng quyền hành để kiếm tiền như một kiểu làm ăn.

Thật ra, có một số người, thoạt đầu thấy “phong bì” cũng ngại. Nhưng rồi nhìn ngang, nhìn dọc, thấy người ta nhận, thì cũng nhận. Nhận mãi thành quen. Cũng có người nhận của người này, lại đưa cho người khác. Cứ như thế, chiếc “phong bì” đã có mặt trong nhiều mối quan hệ xã hội ngày nay.

Tóm lại, trừ những người là nạn nhân của tệ nhũng nhiễu, còn lại thì cả người đưa và người nhận “phong bì”, đều vì lợi ích của mình. “Phong bì” qua họ, đã vô hiệu hoá luật pháp, làm vẩn đục nhiều mối quan hệ xã hội.

Từ câu chuyện cấm nhận và trả lại “phong bì” nói ở trên, cho thấy tinh thần Nghi quyết IV và các nghị quyết khác của Trung ương đã vào cuộc sống. Có lẽ đã đến lúc cần có biện pháp mạnh mẽ, đồng bộ và triệt để hơn, trên phạm vi cả nước, nhằm tấn công vào tệ “phong bì”, giải tỏa sự nhức nhối cho người dân. Vẫn biết, đây là chuyện không đơn giản. Nhưng Quảng Nam, thành phố Hồ Chí Minh, Bộ Tài chính  v.v… đã làm và đạt kết quả bước đầu. Chẳng lẽ đó không phải là một gợi ý mới cho các địa phương và các ngành hay sao?

Thái Văn

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy