Thứ tư, ngày 27 tháng 11 năm 2024
23:58 (GMT +7)

Nghĩ về gia đình Việt

Nhân Ngày Gia đình Việt Nam 28/6

VNTN - Lâu nay chúng ta vẫn thường ví: “Gia đình là tế bào của xã hội” hay “gia đình là một xã hội thu nhỏ” và người ta cũng ví xã hội như một cơ thể sống mà mỗi gia đình là một tế bào, vì thế tế bào có khỏe mạnh, phát triển bình thường thì xã hội mới khỏe mạnh và phát triển tốt được. Chúng ta cũng dễ dàng nhận thấy mối quan hệ giữa gia đình và xã hội luôn mang tính chất hữu cơ, luôn gắn bó, tác động qua lại và chi phối lẫn nhau, nó làm nền tảng lẫn cho nhau, trên cơ sở đó mà hình thành nên những chuẩn mực cơ bản về đạo đức, văn hóa của xã hội. Tương ứng như vậy, mỗi xã hội lại có những mô hình gia đình riêng, nó mang những tiêu chuẩn đặc thù riêng về đạo đức, về phong tục tập quán, về hệ tư tưởng của xã hội ấy. Ví như trong xã hội tư bản thì gia đình được hình thành và xây dựng trên những tiểu chuẩn của xã hội tư bản. Trong xã hội của chúng ta hiện nay cũng vậy, gia đình được xây dựng trên nền tảng đạo đức xã hội chủ nghĩa với tinh thần tôn trọng sự bình đẳng và đề cao mọi giá trị của con người, lấy hiếu nghĩa và nhân ái làm cơ sở và nền tảng để thiết lập nên những mối quan hệ trong gia đình như quan hệ vợ chồng, cha con, anh em, bạn bè…vv.

Tuy nhiên, trong thời đại hiện nay cùng với sự phát triển như vũ bão của khoa học và công nghệ đã làm thay đổi mạnh mẽ diện mạo xã hội theo nhiều khuynh hướng, nhiều chiều khác nhau, chính những yếu tố này đã tác động rất lớn tới gia đình của chúng ta. Gia đình trong xã hội hiện nay có thể ví như một ngôi nhà nhỏ đang phải hứng chịu những cơn phong ba, bão táp từ nhiều phía. Trong đó có cả những tác động tích cực và tiêu cực. Ví như khoa học và công nghệ phát triển giúp cho con người trong xã hội hiện nay trở nên năng động và tích cực hơn, công nghệ giúp cho con người tiếp cận với sự văn minh và hiện đại, đem lại một cuộc sống tiện nghi và đầy đủ hơn cả về tinh thần lẫn vật chất, tuy nhiên, nó cũng làm cho những mối quan hệ truyền thống của mỗi thành viên trong mỗi gia đình trở nên lỏng lẻo và kém bền vững hơn. Điều này ta có thể cùng nhau phân tích và tìm hiểu trong những mô hình gia đình hiện nay.

Xã hội phát triển, sự tự do cá nhân được đề cao, do đó mà gia đình Việt chúng ta hiện nay chủ yếu chỉ gồm hai thế hệ đó là bố mẹ và con cái, số gia đình gồm 3 - 4 thế hệ (còn gọi là Tam đại đồng đường, Tứ đại đồng đường) cùng chung sống hiện rất ít! Đó cũng là một đặc điểm mới của gia đình Việt hiện nay. Kiểu mô hình gia đình thứ nhất tôi muốn đề cập tới là mô hình gia đình công chức, viên chức. Cho đến nay các gia đình công chức, viên chức chiếm một tỷ lệ lớn trong xã hội, họ là lực lượng lao động có thu nhập từ lương tháng, điều kiện sinh hoạt và đời sống khá cao so với mặt bằng chung của xã hội, về nhận thức và hiểu biết xã hội cũng cao vì thế mối quan hệ giữa các thành viên trong gia đình cũng có sự cởi mở và tiến bộ. Vì gia đình đa phần chỉ gồm hai thế hệ mà bố mẹ là những người làm công, ăn lương, thời gian gò bó và bị chi phối bởi cơ quan, nên sinh hoạt của các thành viên gia đình cũng có sự khác biệt. Nếu như trước kia bữa ăn trong mỗi gia đình luôn là điều các thành viên trong gia đình đều rất quan tâm thì giờ đây nó trở nên bình thường, bố mẹ đi làm, buổi trưa có thể ăn cơm hàng, “cơm bụi”, trong khi đó các con tự lo bữa trưa tại nhà, như vậy gia đình chỉ gặp mặt đông đủ sau giờ tan tầm mỗi ngày vào chiều tối. Bữa chính để cả gia đình đoàn tụ có ý nghĩa vô cùng quan trọng, nó giúp tạo nên sự gắn kết giữa các thành viên trong gia đình. Bên mâm cơm bố mẹ có thể hỏi các con về việc học hành, giải đáp các thắc mắc cho các con, vợ chồng cũng có thể trao đổi với nhau về công việc cũng như những kế hoạch của gia đình, con cái cũng có thể hỏi han bố mẹ những gì mà chúng quan tâm. Thay vì cả ngày sống bên nhau, giờ đây thời gian bố mẹ và con cái gần nhau cũng bị hạn chế nhiều. Sự quan tâm đến nhau về mọi mặt vì thế cũng giảm đi, ví như con đến kỳ nộp tiền học, hoặc thiếu bút mực, hàng ngày chúng chơi với ai, làm những gì bố mẹ cũng không biết! Công việc của vợ, chồng ở cơ quan bận rộn nên sự quan tâm đến những sở thích riêng tư của nhau cũng mất dần… Mối quan hệ của các thành viên trong gia đình vì thế ngày thêm lỏng lẻo, và mờ nhạt, trong khi đó “cái tôi” cá nhân ngày càng được đề cao, mọi người luôn tự coi trọng công việc của bản thân, lối sống ích kỷ vì thế cũng dần hình thành trong mỗi thành viên gia đình. Đó là những nguy cơ tiềm ẩn đáng lo ngại có thể dẫn đến sự đổ vỡ của mỗi gia đình.

Mô hình gia đình thứ hai là gia đình nông thôn. Với bản tính chân thật của người nông dân, hiểu biết về xã hội có phần còn hạn chế, đời sống vật chất hầu như chậm được cải thiện so với mặt bằng chung của xã hội. Tuy nhiên, mối quan hệ xã hội ở nông thôn ít phức tạp hơn do nông thôn còn lưu giữ được nhiều những phong tục tập quán của địa phương, của dòng họ, của tình làng nghĩa xóm, chính vì thế mà có người cho rằng: “Nông thôn là hồn cốt, phố phường chỉ là da thịt”. Bởi lẽ đó, nông thôn cũng là nơi có số lượng gia đình sống chung 3 - 4 thế hệ đông nhất hiện nay. Do gắn bó với công việc ruộng vườn, các thành viên trong gia đình không phải sống xa nhau, họ cùng ăn, cùng làm việc… giờ giấc sinh hoạt của người nông dân giờ đây do họ hoàn toàn chủ động. Vậy nên sự gắn kết giữa bố mẹ, con cái và ông bà khá bền chặt. Đây cũng chính là nền tảng tạo dựng nên những chuẩn mực về đạo đức, về văn hóa cũng như những thuần phong mỹ tục của dòng họ, của làng xã rất đáng trân trọng và cần phát huy, gìn giữ. Có thể thấy mối gắn kết giữa các thành viên trong gia đình ở nông thôn khá chặt chẽ và bền vững, ít bị tác động của xã hội hơn cả, đây là nơi thanh bình hơn cả.

Mô hình gia đình thứ ba là thương nhân, họ thường làm ăn sinh sống nơi phố, chợ đông đúc, đây chính là môi trường năng động nhất của toàn xã hội, cũng chính vì thế mà điều kiện môi trường này đã tác động rất lớn tới đời sống vật chất và tinh thần của những gia đình này, nó tạo nên tính cách cũng như cách sống của mỗi gia đình. Do làm ăn buôn bán, bố mẹ thường xuyên lo lắng đến việc kinh doanh, việc chăm lo con cái cũng bị hạn chế, bữa ăn của họ cũng giống như của gia đình công chức, viên chức, bố mẹ do đặc trưng công việc nên gặp đâu ăn đấy, bữa tối mới là bữa cả nhà sum họp, vì thế mối quan hệ giữa các thành viên trong gia đình cũng có phần lơi lỏng. Đời sống vật chất của những gia đình này thường cao, đó cũng là cơ sở để hình thành nên tính tư hữu của mỗi thành viên, trẻ em của các gia đình này thường được bố mẹ yêu chiều, mua sắm cho các phương tiện cá nhân đắt tiền như điện thoại, máy tính, xe máy… do sớm được tiếp xúc và làm chủ những phương tiện hiện đại, đắt tiền nên các em dễ trở nên ham chơi, đua đòi, lười học và sớm hình thành lối sống ích kỷ, chỉ biết đòi hỏi cho cá nhân. Đây cũng chính là những thành phần dễ bị kẻ xấu lợi dụng lôi kéo vào các tệ nạn xã hội. Trong những gia đình này sự gắn bó giữa các thành viên cũng bị hạn chế nhiều. Đa phần bố mẹ do làm ăn buôn bán, có tiền chỉ nghĩ và chăm chút, tìm cách thỏa mãn các nhu cầu vật chất cho con cái mà ít chăm lo giáo dục nhân cách đạo đức cũng như lối sống lành mạnh cho con cái nên không hiếm trường hợp con em những người buôn bán thành danh lại xa đà vào vòng lao lý cũng như các tệ nạn của xã hội để rồi gia đình tan nát.

Từ ba mô hình gia đình tiêu biểu kể trên chúng ta đều thấy rõ sự tác động của đời sống xã hội lên các gia đình hiện nay rất lớn, làm thay đổi cả những thuần phong, mỹ tục của dân tộc. Sự gắn kết của các thành viên trong mỗi gia đình cũng ngày thêm lỏng lẻo, đó chính là những dấu hiệu báo động tình trạng xuống cấp về đạo đức trong mỗi gia đình và trong xã hội hiện đại của chúng ta hiện nay. Thông qua bài viết này, cũng mong được chia sẻ cùng các bạn xa gần, chúng ta phải có những hành động thiết thực để duy trì tốt mối quan hệ giữa các thành viên trong mỗi gia đình, mỗi dòng họ, mỗi địa phương và coi đó là nhiệm vụ số một. Bởi sự gắn kết giữa các thành viên, các thế hệ trong mỗi gia đình chính là cơ sở nền tảng tạo lập lên sức mạnh đoàn kết của cả cộng đồng cả xã hội của cả dân tộc Việt Nam ta trước những nguy cơ thách thức về biên giới, hải đảo, về chủ quyền và độc lập của đất nước ta trong bối cảnh lịch sử đang có nhiều biến động khôn lường như hiện nay. Mặt khác, củng cố sự gắn kết trong gia đình cũng chính là làm cho xã hội phát triển bền vững, văn minh và chúng ta mới đạt được mục tiêu mà Đảng đã đặt ra đó là: Dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng văn minh, gia đình hạnh phúc!

Bùi Nhật Lai

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy