Thứ tư, ngày 23 tháng 10 năm 2024
19:25 (GMT +7)

Nghị trường, một tuần đặc biệt

VNTN - Chưa khi nào ba tiếng quyền con người lại vang lên dày đặc tại nghị trường như thế, và cũng chưa khi nào nhiều vị đại diện cho dân cùng quyết liệt thể hiện quan điểm bảo vệ quyền con người như vậy.

Đó là 3 ngày đầu tiên của tuần này, tuần làm việc áp chót của kỳ họp thứ 9, Quốc hội thảo luận liền ba bộ luật sửa đổi vô cùng quan trọng: Tố tụng dân sự, Hình sự và Tố tụng hình sự.

Bởi tính chất vô cùng quan trọng nên mỗi bộ luật được dành thời gian trọn một ngày, gấp đôi thời gian dành thảo luận hầu hết các luật khác, khi Quốc hội cho ý kiến lần đầu.

Điểm nổi bật của cả ba bộ luật là có rất nhiều quy định mới, tiến bộ, cụ thể hóa Hiến pháp năm 2013, bảo đảm quyền con người, quyền cơ bản của công dân.

Đại biểu Lê Thị Nga, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội, 

người luôn gây ấn tượng bởi các phát biểu sâu sắc tại Quốc hội.

Với Bộ luật Tố tụng dân sự, điểm mới nhất và đáng ghi nhận nhất được đại biểu nhấn mạnh chính là quy định tòa án không được từ chối yêu cầu giải quyết vụ việc dân sự, vì lý do chưa có điều luật để áp dụng.

Một trong nhiều đại biểu ủng hộ mạnh mẽ quy định này, trung tướng Trần Văn Độ nói giản dị: “Nhà nước ta do dân vì dân, tòa án nhân danh Nhà nước không bảo vệ dân thì ai bảo vệ? Đây là cơ hội vô cùng quý báu để thực hiện Hiến pháp 2013, thực hiện cải cách tư pháp. Nếu chúng ta không nắm bắt được những điểm đổi mới, những tư tưởng tiến bộ thì sẽ rất lâu nữa mới làm được”.

Mặc dù vẫn còn một số ý kiến viện dẫn quy định tại Hiến pháp để nói rằng đây là quy định không phù hợp, song hầu hết các vị tham gia thảo luận, cả Chánh án Tòa án nhân dân Tối cao Trương Hòa Bình cùng Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường đều cho rằng, nếu chưa có luật thì do lỗi của Nhà nước chứ không phải lỗi của dân, phải dành sự khó khăn về cho Nhà nước chứ không phải đổ hết sự khó khăn cho dân.

Đến Bộ luật Hình sự, những quy định mới về hạn chế hình phạt tử hình hay cách nhìn mới về nhóm tội phạm kinh tế cũng đã nhận được sự đồng tình rất cao của nhiều vị đại diện cho dân.

Và sang đến Bộ luật Tố tụng hình sự (sửa đổi) thì những tiếng nói bảo vệ quyền con người càng trở nên quyết liệt. Không phải nói chung chung nữa mà quyền con người ở đây thể hiện qua quyền im lặng - quyền không buộc phải đưa ra lời khai chống lại chính mình hoặc buộc phải nhận là mình có tội của bị can bị cáo -và quy định bắt buộc ghi âm ghi hình hoạt động hỏi cung.

Chỉ trong phiên thảo luận buổi sáng 17/6 đã có tới hai vị đại biểu đoàn Thái Nguyên nhấn nút đăng ký phát biểu.

Người đầu tiên đăng đàn là Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga, một vị đại biểu luôn thu hút sự chú ý của nghị trường và cả báo chí mỗi khi bày tỏ quan điểm.

Thể hiện rõ sự đồng tình với quy định của dự thảo luật về quyền không buộc phải đưa ra lời khai chống lại chính mình hoặc buộc phải nhận là mình có tội của bị can bị cáo, đại biểu Lê Thị Nga cho rằng việc dùng mọi biện pháp kể cả vũ lực buộc nghi can phải khai nhận tội mà mình không thực hiện, sau đó hợp thức hóa ngụy tạo chứng cứ khác cho phù hợp với diễn biến lời nhận tội rồi lấy đó làm chứng cứ để buộc tội trước tòa chính là nguyên nhân gốc rễ của những vụ án oan chấn động dư luận vừa qua.

Cũng nặng lòng với oan sai, Phó Tư lệnh Quân khu I Phan Văn Tường cho rằng lần sửa đổi này dự thảo luật đã thu hẹp trách nhiệm giải trình của các cơ quan tố tụng với đại biểu và cơ quan dân cử.

Ông Tường đề nghị bổ sung sửa đổi theo hướng coi giám sát Quốc hội với những án tử hình, kêu oan là giám sát bắt buộc và tăng hiệu lực, hiệu quả các kiến nghị yêu cầu giám sát này.

Bởi, với những vụ án, mức án cao nhất là tử hình bị cáo kêu oan, ai cũng hiểu rằng tất cả những nỗ lực cuối cùng của cá nhân, gia đình, thậm chí cả dòng họ để tìm sự sống cho bị cáo dường như là bất lực. Nhưng chắc chắn họ còn mong manh trông chờ, hi vọng, tin tưởng vào một số người, trong đó có người có thời họ đã tin tưởng cầm lá phiếu bầu ra để đại diện cho ý chí, nguyện vọng của họ.

“Tuy nhiên, qua giám sát cho thấy có những người oan thật mặc dù là số ít, tiếng gọi Quốc hội đâu rồi như là trách cứ”, đại biểu Phan Văn Tường cảm thán.

Vẫn theo phân tích của vị đại biểu đoàn Thái Nguyên này, chức năng giám sát Quốc hội trong tố tụng hình sự với những người bị kết án tử hình kêu oan là trách nhiệm của Quốc hội. Đây không phải là chiếu cố, ơn huệ mà là có đi, có lại với công dân.Ngoài Quốc hội ra, chắc không có cơ quan nào chỉ ra sự khác biệt mà các cơ quan tố tụng đã thống nhất để chống oan sai, ông Tường nhấn mạnh.

Cả phân tích của đại biểu Nga và đại biểu Tường đều nhận được sự đánh giá cao của nhiều đại biểu và cử tri, trong nỗ lực chung của cả Quốc hội bảo vệ quyền con người, ở những phiên thảo luận của một tuần đặc biệt.

Đặc biệt nữa là cũng tuần này, chiều 18/6 Quốc hội đã phải xem xét bãi nhiệm tư cách đại biểu Quốc hội với bà Châu Thị Thu Nga, một trong bốn doanh nhân tự ứng cử và đã trúng cử Quốc hội đương nhiệm.

Dù đây chỉ còn là công việc mang tính thủ tục, song cùng một nhiệm kỳ có tới hai lần phải tiến hành bãi nhiệm tư cách đại biểu của hai vị nữ doanh nhân, trong một khóa Quốc hội có số doanh nhân trúng cử nhiều nhất từ trước đến nay cũng khiến cho cả đại biểu và cử tri đều tâm tư.

Bởi nói như nhiều vị đại biểu thì xung quanh câu chuyện dẫn đến việc bà Châu Thị Thu Nga bị bãi nhiệm, vẫn còn đó những câu hỏi về lựa chọn người vào Quốc hội như thế nào để xứng đáng với vai trò đại diện cho nhân dân.

Vĩnh An

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy