Thứ tư, ngày 23 tháng 10 năm 2024
23:20 (GMT +7)

Nghề gác cổng

VNTN - Trong xã hội có rất nhiều công việc, nghề nghiệp khác nhau. Đứng trên ý nghĩa trách nhiệm và phục vụ mà xét thì không có nghề nào cao quí hơn nghề nào. Điều cần nhất là phải làm tốt, có hiệu quả nghề nghiệp được xã hội giao phó. Riêng với những nghề phải tiếp xúc với nhiều người thì cách ứng xử văn hoá càng phải được chú trọng hơn. Một trong những nghề được luận bàn đến ở bài viết này là nghề gác cổng (xin được gọi bằng cái tên nôm na và đúng nghĩa đen như vậy) các cơ quan, xí nghiệp, trường học…Vâng! Đó cũng chính là một nghề! Tất nhiên cũng là một nghề cao quí.Nhưng phải thừa nhận đây là một nghề khá phức tạp. Ra vào cơ quan phần lớn là những người vì công việc chung, nhưng cũng không phải tuyệt nhiên không có những phần tử tiêu cực, trộm cắp, gây rối… Vì vậy, người làm công tác bảo vệ phải tinh tường, có ý thức cảnh giác và có kĩ năng nghiệp vụ. Hiện nay, nhiều tỉnh, thành đã có những công ty bảo vệ được thành lập. Công ty này đã làm khá tốt việc hợp đồng cung cấp người cho các cơ quan, xí nghiệp, trường học… Nhìn toàn cảnh, đã thấy nhiều tiến bộ trong công tác này. Tuy nhiên, đây đó cũng vẫn còn bộc lộ những bất cập.Tuy không phải là những nhân vật có trọng trách của cơ quan, nhưng khách đến làm việc hình ảnh đầu tiên đập vào mắt họ chưa phải ai khác mà  chính là người gác cổng. Gặp một người bảo vệ có gương mặt vui vẻ, thân thiện, lời nói nhã nhặn thì ngay ban đầu khách đã ít nhiều có thiện cảm với cơ quan đó.Người có việc đến các cơ quan phải đi qua cổng bảo vệ đã quá quen với cảnh bị những người gác cổng hỏi giật giọng và trống không như cách lấy cung của công an: “Việc gì?”, “Gặp ai?”, “Vào phòng nào?”. Lúc ra về không tránh khỏi những mặc cảm với nơi mình đến.Có một nhà thơ khá nổi tiếng tâm sự: một lần anh đến một toà soạn báo nộp bản thảo. Lúc vào không thấy người gác cổng đâu, chờ một lúc vẫn không thấy ai, nghĩ mình là chỗ đã nhẵn mặt với toà soạn, hơn nữa cũng đang lúc có việc bận nên nhà thơ bước vào phòng biên tập. Nào ngờ, vừa đặt chân vào bậc cầu thang lên xuống, liền nghe thấy một tiếng quát - một thứ lời lẽ và ngữ điệu chỉ dành cho…tội phạm: “Anh kia! Đi đâu?”. Lúng túng, nhà thơ quay lại: “Xin lỗi anh! Tôi vào nộp bài. Lúc nãy không thấy anh nên…”. “Chả lẽ suốt ngày tôi chỉ ngồi một chỗ để đón các anh hay sao?”. Nhà thơ lại cố phân trần: “Vâng! Vì vậy tôi đã phải xin lỗi”. “Lần sau mà thế là tôi đuổi ra ngoài đấy!”.Rất buồn là ở những nơi có vẻ dư thừa chữ nghĩa như một toà soạn báo mà lại để lòi ra cái việc thiếu văn hoá như thế.Và cũng từng có không ít người than phiền là ở nơi này nơi nọ, khi ra về, họ luôn có lời chào những người gác cổng nhưng hầu như không bao giờ nhận được những lời đáp lại, có chăng chỉ là một cái gật đầu nhạt thếch. Vì sao lại như vậy? Những nhân viên bảo vệ ấy là những người thích làm oai hay họ chưa được các cơ quan, công ty huấn luyện cái điều đơn giản trong giao tiếp ấy? Hay là vì nghề nghiệp buộc họ phải lập nghiêm như vậy?Dù có lí giải thế nào đi nữa thì vẫn khó chối cãi đó là một lối ứng xử không đẹp, cần phải sửa đổi.Ở đời, nghề nào cũng cần phải có nghiệp vụ. Đừng tưởng gác cổng không phải là một nghề. Thiển nghĩ, ngoài những việc mang ý nghĩa chuyên môn như trông coi, theo dõi kẻ ra người vào, phân biệt người ngay kẻ gian… là những điều không thể thiếu đối với người làm công tác bảo vệ thì những hành vi như ứng xử trong giao tiếp, những phép lịch sự tối thiểu, những lời hay, ý đẹp trong ngôn ngữ dành cho khách đến làm việc tại cơ quan cũng là những “nghiệp vụ” không thể thiếu đối với nghề gác cổng.Sẽ hết sức sai lầm khi cho đó là những chuyện vặt vãnh không đáng phải quan tâm. Trái lại, nó chính là một trong những mảng màu để có thể làm nên một bức tranh văn minh trong thời hiện đại.

                                                                         Thái Văn 

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy