Thứ năm, ngày 19 tháng 09 năm 2024
08:29 (GMT +7)

Nét độc đáo trong lễ hội Dâng hoa măng của tộc người La Ha

Hàng năm cứ vào mùa măng đắng (nụn) nhú lên khỏi mặt đất thì cũng là lúc tộc người La Ha ở các tỉnh Tây Bắc tổ chức lễ hội Dâng hoa măng. Măng được các thầy lang coi là một vị thuốc gia truyền, nên khi tổ chức lễ hội không thể thiếu được loại măng này. Ngoài các yếu tố tự nhiên, người La Ha còn tính theo lịch tay để chọn ngày, giờ tốt làm lễ. Thường thì họ chọn vào ngày chẵn trước các ngày rằm trong mùa xuân để tổ chức lễ hội.

Lễ hội Dâng hoa măng Theo tiếng La Ha là “Pang a nụn ban”. Mục đích của lễ hội là sự cảm tạ của những người bệnh được các thầy lang chữa trị cho khỏi bệnh tật. Ban đầu những thầy lang chỉ là những người bình thường biết một vài thứ thuốc chữa bệnh thông thường cho gia đình, sau đó với kinh nghiệm dân gian được hun đúc và được truyền từ đời này sang đời khác, dần dần họ tự tìm ra các loại thuốc quý có thể chữa trị được một số bệnh hiểm nghèo và luôn sẵn lòng cứu chữa bệnh cho đồng bào. Từ đó vai trò của thầy lang trong cộng đồng người La Ha được đánh giá rất cao và được kính nể. Những người được các thầy lang chữa trị cho khỏi bệnh đã tự nguyện cùng nhau đứng ra tổ chức lễ hội Dâng hoa măng mà sau này trở thành lễ hội của bản mường.

 Thầy cúng La Ha đang làm lễ trong việc chữa trị cho người bệnh

Lễ cúng Dâng hoa măng được tổ chức vào buổi chiều hôm trước cho đến sáng hôm sau. Các đồ cúng tế gồm có bánh chưng, thịt lợn, thịt gà, thịt vịt , rượu cần, rượu trắng, gạo nếp… cùng các loại rau có trong thiên nhiên trong đó không thể thiếu được hai loại hoa cây “Mạ rệ” và hoa “Po mơ” và măng đắng để tế lễ, vì đây là những vị thuốc quý mà các thầy lang dùng để trị bệnh cứu người.

Các đồ cúng tế chuẩn bị xong, thầy lang cúng xin phép tổ tiên báo cáo công việc tổ chức nghi lễ. Ở gian chính giữa ngôi nhà của thầy lúc này các đạo cụ đã được chuẩn bị từ trước như cây móc, cây chuối được buộc vào khung tre đặt chính giữa ngôi nhà, con ngựa gỗ được buộc ở vị trí cao nhất với tư thế bay lên, bên dưới bày các đạo cụ đã được chuẩn bị từ trước như chim gáy, que tre cầu mưa, trống, khăn và các loại hoa rừng trang trí trên thân cây móc và cây chuối. Cày, bừa, gươm, khiên… được bày trên các chum rượu cần. Mâm lễ cúng gồm các loại thịt lợn, gà, vịt, xôi, rượu và các loại thức ăn khác được bày trên mâm cỗ đặt ở vị trí gốc cây móc và cây chuối.

Các chum rượu cần của các con nuôi được thầy lang chữa khỏi bệnh, mang đến tạ lễ được xếp xung quanh. Mâm thầy hành lễ đặt gần cửa sổ của gian bên cạnh của ngôi nhà, trên mâm có ba sải vải trắng, hai đầu sải vải treo vào vách nhà, phần còn lại rải lên mặt mâm, bên trên đặt một con dao nhọn. Hai bát gạo phía trên có quả trứng và vòng bạc đặt hai bên vành mâm, ở giữa mâm là đống gạo và một tượng đồng (thần mẹ). Bên trái mâm đặt một nải chuối chín, một chai rượu và hai chiếc gối đầu. Bên phải mâm gồm bốn chén con để rót rượu mời các ma rừng, ma suối và ma tổ tiên. Đồ hành lễ của thầy lang gồm một quả chuông nhỏ, một chiếc khăn, một chiếc sáo dọc. Trước mâm là ghế vải để thầy lang ngồi, bên phải cũng đặt một ghế vải để một người thổi pí lao (pơi a). Lúc này nghi lễ cúng tế được diễn bao gồm:

Lễ cúng mời các loại ma: Khi mọi công việc được hoàn tất thầy lang mặc bộ đồ hành lễ cùng với thầy phụ ngồi thổi sáo pí lao. Bước đầu họ thổi bài cúng mời các loại ma gồm: Tổ tiên, các thần núi, thần sồng, hồn mẹ, hồn thầy lang về chứng giám cho buổi lễ và thụ lộc do những người được thầy lang chữa khỏi bệnh mang đến dâng cúng.

Bộ dụng cụ múa phồn thực trong lễ hội Dâng hoa măng của tộc người La Ha

Lễ cúng cho những người được thầy lang chữa khỏi bệnh: Chuẩn bị ba mâm cúng gồm gà luộc, cua rừng luộc, bánh chưng, xôi, măng đắng, các loại rau rừng, rượu… Thứ tự những người bệnh đã được thầy lang chữa cho khỏi bệnh bê mâm cúng của mình vào để thầy lang và mo thổi pí lao cúng đuổi bệnh tiếp và công nhận đó là con nuôi của thầy lang. Khi bê mâm vào thì các người bệnh ngồi bên cạnh chờ cúng đến lượt mình. Khi cúng xong, thầy lang lấy sợi vải đã đặt sẵn ở mâm buộc vào cổ người được thầy chữa khỏi bệnh, từ đây người bệnh được thầy lang nhận con nuôi.

Địa vực cư trú của người La Ha thường ở những thung lũng nhỏ bên cạnh dòng suối, hai bên sườn núi

Lễ cúng mời năm vị thần và cảm tạ tổ tiên của người La Ha: Trong đời sống tâm linh người La Ha quan niệm họ có năm vị thần để che chở bảo vệ, họ ước nguyện trong đời sống hàng ngày họ có được sức mạnh như các vị thần đó để bảo vệ bản mường và được sống lâu sống khoẻ như các vị thần đó. Do đó khi làm lễ cho các con nuôi xong Thầy lang và mo thổi pí lao tổ chức cúng cho năm vị thần này gồm:

Cúng con Hổ (Cơ rrơị). Loài Hổ là được coi là chúa tể của muôn loài cho nên phải dâng cúng nhờ chúa rừng bảo vệ cuộc sống để dân bản yên tâm làm ăn; Cúng con Căng cói (Cái dại kang cói). Theo truyền thuyết kể lại con Căng cói khi đi gót chân đi trước, bàn chân đi sau, đây là loại vật gần giống con mèo có lông màu vàng, không có đuôi, hay bắt các loại vật nuôi cho nên phải thờ cúng để cho nó không về giết hại gia cầm; Cúng con dím (Hạy). Dím là loại vật hay phá hoại mùa màng cho nên phải nhờ thần đất thông qua mâm cúng cho nó ăn một bữa để trong năm đó mùa màng, nương rẫy không bị phá hoại; Cúng con khỉ (Tu roốc). Người La Ha coi con khỉ là thần đá, loài khỉ cũng hay về phá hoại mùa màng, cho nên cũng phải cúng cho nó ăn để khỏi phá hoại nương rẫy trong năm đó; Cúng con chim Cu gáy (Tun nột). Loài chim được coi là thần giữ nương, vì nó hay ăn lúa nương nên cũng phải thờ cúng mời nó về ăn để nó bảo vệ nương lúa.

Cuối cùng lễ cúng cảm tạ tổ tiên của phần nghi lễ, nội dung bài cúng là lời cảm tạ tổ tiên (Sâu panh đắm panh sơn) đã về tham dự lễ hội. Cúng để cầu mong tổ tiên luôn phù hộ cho con cháu được mạnh khỏe, không ốm đau, ăn nên làm ra, năm sau tổ chức lễ hội con cháu lại được mời tổ tiên về tham dự lễ hội. Đến đây phần lễ cúng kết thúc tất cả mọi người tham dự tổ chức ăn uống, trong niềm vui, phấn khởi.

Trong khi mọi người tham gia ăn uống chúc tụng nhau, trước khi diễn ra phần hội thầy cúng tiếp tục giả làm một số trò vui: Trò giả làm hồn Mẹ (Hồn ềm) thể hiện cảnh vất vả của mẹ trước đây phải hái lượm vất vả nuôi các con khôn lớn; Trò giả làm con đười ươi (Cáy gả nhận). Thầy giả làm con đười ươi bị bệnh đau mắt, sau đó được con người chữa cho khỏi mắt; Trò giả làm người bị bướu cổ, thầy giả làm người bị bướu cổ để được thầy lang cứu chữa cho khỏi bệnh; Trò giả làm người bị què chân, thầy vừa đi vừa kêu để có người chữa khỏi bệnh cho mình; Trò giả làm người bị ngớ ngẩn (Hôn pú) để chọc cười cho mọi người tham dự lễ hội trò này mang tính hài hước; Trò giả làm người trông mương (Sắp mộc) để đuổi chim muông, thú rừng, sâu bọ không đến phá hoại mùa màng; Trò giả làm con khỉ (Tu roốc), thầy giả làm con khỉ đang trèo cây hái quả bị thợ săn bắn dùng súng bắn chết… đến đây phần lễ kết thúc và tiếp tục chuyển sang phần hội.

Ở phần hội diễn ra các trò chơi dân gian truyền thống dành cho tất cả mọi người rất sinh động gồm: Múa tăng bu (Xe pu): Mọi người dự lễ hội dùng ống tre giỗ xuống tấm gỗ đặt gian bên cạnh gõ theo nhịp và say sưa đi theo vòng quanh tấm ván, họ thả hồn với nhịp gỗ tăng bu, cứ thế hết tốp này đến tốp khác thay nhau múa thâu đêm không biết mệt mỏi. Tiếp đến là múa cày, múa bừa, điệu múa này dành cho nam giới thi cày bừa, họ lấy khăn trắng buộc vào cây móc, cây chuối rồi người kéo cày, người kéo bừa giả làm trâu trắng trâu đen thi nhau cày nương, vừa đi vừa reo hò; Múa cầu mưa (Then rắn), tất cả nam, nữ, già trẻ, gái, trai mỗi người cầm hai que tre có buộc các sợi vải đủ màu làm thành dây hoa (sai môn), các đầu dây này chấm vào chum rượu cần vẩy lên trời, vừa đi xung quanh cây móc và cây chuối vừa hú, hét cầu cho trời nhanh mưa, để cho mùa màng, cây cối tươi tốt.

Điệu múa khăn (Xe khăn), lúc này tất cả nam, nữ, già trẻ, gái, trai mỗi người cầm một chiếc khăn trắng vừa đi xung quanh cây móc, cây chuối tung khăn, khi đi hết một vòng thì quay ngược lại. Cứ thế được ba vòng thì đổi kiểu múa, từng đôi nam, nữ hai tay kéo thẳng khăn cùng nghiêng bên trái, nghiêng bên phải rất mềm mại và say sưa, cứ thế họ múa suốt đêm với nền nhạc gõ tăng bu… Tiếp sau đó là đến điệu múa kiếm (To phá to oành), hai người con trai khỏe mạnh mỗi người cầm một thanh kiếm và một chiếc khiên (lá chắn) họ đấu kiếm, đây là những bài võ kiếm truyền thống của dân tộc La Ha tái hiện lại công cuộc bảo vệ bản mường khi có họa xâm lăng. Ở tiết mục múa trống, bốn thanh niên tay trái cầm trống bằng vải hình vuông, tay phải cầm dùi, vừa nhẩy, vừa gõ, mồn kêu phụ họa theo nhịp gõ của tốp múa tăng bu, lúc nghiêng, lúc ngả, lúc cúi… Cứ thế họ đi xung quanh cây móc, cây chuối.

Đặc biệt tiếp theo sẽ là điệu múa dương vật (A sừng lừng), là điệu múa truyền thống của người La Ha. Họ cho rằng âm ở trên trời có hai bà, một người là mẹ, một người là bà cô đã sinh ra tộc người La Ha, nên mỗi lần tổ chức lễ hội thì họ mới xuống trần gian, vì thế dưới trần phải có hai dương vật để phục vụ khi người mẹ và bà cô của tộc người La Ha. Trước đây phụ nữ La Ha khi thụ thai đến khi sinh con rất hay bị sẩy thai và hay chết trẻ, nên họ đã nghĩ ra phải thờ dương vật để tránh những điều đó xảy ra. Trong điệu múa dương vật cứ thế hai nam giới lần lượt đi vòng quanh cây móc và cây chuối dùng dương vật làm bằng gỗ đâm vào mông phụ nữ…

Phần thi ném còn (khon), được chia làm hai phe, một bên là nam, một bên là nữ, quả còn được nam tung thì nữ bắt và ngược lại nếu ai làm rơi quả còn xuống đất thì bị phạt “một trâu” rượu, cứ thế họ say sưa ném còn suốt cả đêm. Đây cũng là hình thức để nam nữ thanh niên giao duyên… Trò chơi té nước cầu may mắn. Khi chuẩn bị gần tan hội, khu vực dưới chân cây móc và cây chuối đặt ba chậu nước to, mọi người vẫn múa say sưa, bất chợt có ba thanh niên té nước từ chậu vào mọi người. Họ quan niệm khi bị nước té vào mình đó là điều may mắn trong ngày hội, nếu ai không bị nước té vào người tức là trong ngày hội này chưa gặp được may mắn…

Làng bản, nhà cửa dân tộc La Ha, ở xã Nậm Păm, huyện Mường La, tỉnh Sơn La

Cuối phần hội là nghi lễ đưa hồn tổ tiên về trời. Thầy lang mặc đồ lễ ngồi khấn cho hồn tổ tiên, sông núi về trời để kết thúc lễ hội dâng hoa măng và hẹn với tổ tiên năm sau cũng vào dịp này xin lại được mời tổ tiên về dự lễ hội và phù hộ cho các con, cháu tộc người La Ha được khỏe mạnh, con cháu sinh sôi đầy đàn mùa màng được bội thu, gia đình hạnh phúc. Khi thầy khấn, hai đôi nam, nữ dùng khăn nâng lên hạ xuống nhiều lần theo điệu khấn của thầy tượng trưng cho các linh hồn đã về trời. Đến đây lễ hội dâng hoa măng kết thúc, các con bệnh đã được thầy lang nhận làm con nuôi và gia đình, họ hàng của con nuôi cũng như mọi người tham gia lễ hội cùng ra về trong niềm vui phấn chấn khi được tham dự lễ hội, họ nhắn nhủ nhau cố gắng gìn giữ sức khỏe, chăm lo lao động sản xuất, hẹn lễ hội năm sau sẽ gặp lại.

Lễ hội Dâng hoa măng (Pang a nụn ban) do tộc người La Ha sáng tạo ra để phục vụ cuộc sống lao động, sinh hoạt cộng đồng và phục vụ tín ngưỡng. Lễ hội phản ánh cuộc sống, phản ánh tâm tư tình cảm khát vọng cuộc sống tốt đẹp của con người. Ở nội dung phần Lễ là sự cảm tạ đất trời, tổ tiên, sông núi đã phù hộ cho cho dân tộc La Ha có được một cuộc sống mạnh khỏe, ít ốm đau, và mách bảo cho các thầy lang dân tộc La Ha các loại lá thuốc chữa bệnh để các thầy lang trị bệnh cứu người. Phần hội là các trò vui, các điệu múa dân gian gắn với tín ngưỡng sôi động, vui vẻ. Các điệu múa xuất phát từ cuộc sống lao động, chinh phục thiên nhiên và chinh phục vũ trụ, kế thừa và khẳng định tính sáng tạo. Thông qua đó họ cầu cho mưa thuận, gió hòa, mùa màng tươi tốt, cuộc sống sinh sôi phát triển.

Lương Việt Anh

1 đã tặng

1

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy