
Góc biếm họa số 5 (2025)

Hát then cùng đàn tính từ lâu đời nay đã gắn bó với người dân tộc Tày, Nùng vùng Việt Bắc. Đó là loại hình dân ca đã tồn tại rất lâu đời trong cộng đồng người dân tộc ít người, chủ yếu là người Tày, Nùng, sau này đã lan truyền đến một số dân tộc khác ở Tây Nguyên…
Hát then và đàn tính bắt nguồn từ cuộc sống lao động và sinh hoạt văn hóa của người Tày. Theo một số nghệ nhân và các nhà nghiên cứu thì từ then có nghĩa là thiên (thiên là trời). Then thường được sử dụng trong các lễ hội như lễ cầu an, lễ cầu mùa, lễ gọi hồn, hội lồng tồng… được coi là tiếng nói tâm linh, những lời cầu khấn của con người gửi về trời, về cõi thần tiên.
Hát then, khi diễn xướng, ngoài một số nhạc cụ phối hợp thì đàn tính là nhạc cụ chủ yếu. Cùng với then, sự hòa quyện của đàn tính với những âm thanh hiền hòa, dìu dặt, tiếng hát then như được nâng cánh bay xa.
Người hát then, người nghe hát then thì nhiều nhưng có lẽ rất ít người tìm hiểu gốc gác của then và đàn tính.
Thực ra từ xa xưa đã lưu truyền những truyền thuyết về hát then và đàn tính, những câu chuyện nửa thực nửa hư nhưng mang ý nghĩa nhân văn sâu sắc. Và, đúng với tính chất phát triển văn hóa, văn nghệ dân gian, những truyền thuyết luôn được người đời sau trau chuốt, hoàn thiện hơn. Người viết bài này cũng xin góp một câu chuyện trong ý nghĩa ấy.
Ngày ấy đã lâu lắm rồi, không thể lấy mùa trăng, mùa nương rẫy mà đo được. Ở một bản Tày nằm trong một thung lũng mù sương, quanh năm chỉ thấy tiếng suối chảy và tiếng chim hót, có một chàng mồ côi sinh sống. Chàng tên là Xiên Cân. Nhà nghèo, quanh năm phải lên núi lấy củi đổi lấy gạo, muối sống qua ngày nên đã ba mươi tuổi mà chàng vẫn không có một cô gái nào đoái hoài tới.. Mỗi lần vào rừng, soi bóng mình dưới mặt suối, chàng lại thở dài vì thấy khuôn mặt mình ngày một già đi. Chàng buồn rầu cất lên tiếng hát ai oán. Tiếng hát héo hắt của chàng bay là là mặt suối làm cho cảnh vật càng thêm man mác buồn. Mọi chuyện cứ lặp đi lặp lại như thế. Một hôm đang ngẩn ngơ ngồi bên suối, Xiên Cân chợt nhận ra rằng tiếng hát của mình không bay bổng lên được là vì nó quá đơn độc. Hình như tiếng hát ấy phải được một âm thanh nâng đỡ và đẩy cao lên. Thứ âm thanh ấy phải là sự hòa quyện của tiếng gió rừng xào xạc, tiếng suối reo róc rách, tiếng chim hót lảnh lót trên triền núi cao… Từ đó, trong tâm trí Xiên Cân không lúc nào không nghĩ tới cái âm thanh kì diệu trong mơ tưởng ấy.
Bỗng một đêm, Xiên Cân nằm mơ thấy một ông bụt đầu tóc bạc phơ nói với chàng:
- Con hãy lên mường Trời gặp nàng Dâu xin hạt giống cây dâu và hạt bàu về trồng. Rồi con sẽ thấy phép màu kì diệu của những thứ đó.
Tỉnh giấc, nghe theo lời bụt dạy, Xiên Cân lên mường trời xin nàng Dâu hai hạt giống về gieo ở vườn nhà. Sau đó ít lâu, trên những cành dâu bỗng xuất hiện một loài sâu ăn lá. Chúng ăn nhiều và lớn nhanh như thổi. Cuối cùng, loài sâu kia cuộn thành những tổ kén vàng óng. Xiên Cân rút kén se thành những sợi tơ mịn và chắc. Chàng hái một quả bầu già phơi khô rồi vào rừng kiếm gỗ cây hương, cây lí gắn vào trái bầu một cái cần dài gần bằng sải tay. Xiên Cân căng sợi dây tơ lên mặt trái bầu. Bàn tay Xiên Cân khéo léo như có trời xui, đất khiến. Chẳng mấy chốc một chiếc đàn mười hai dây đã nằm trong tay chàng. Xiên Cân lướt ngón tay trên những dây tơ. Một âm thanh vừa thảng thốt vừa trầm buồn vang lên. Lòng Xiên Cân rộn ràng như có chim hót, như có hoa nở. Từ đấy, không lúc nào chàng rời cây đàn. Vào một đêm trăng sáng, khi những ngón tay đã khá điêu luyện trên từng dây tơ, Xiên Cân cầm đàn ra bờ suối gảy chơi. Tiếng đàn lúc mau, lúc chậm, bồn chồn, thổn thức như những lời thở than về nỗi cô đơn của kiếp người. Nước mắt của Xiên Cân rơi lã chã xuống mặt đàn. Các con vật trong rừng nghe thấy tiếng đàn của Xiên Cân đều dừng bước, dỏng tai nghe. Nhưng không ngờ chỉ trong phút chốc tiếng đàn ai oán của chàng đã lảm cho muôn loài ôm mặt khóc nức nở và lăn ra chết. Chúng chết vì trái tim muông thú của chúng không chịu đựng nổi nỗi đau của kiếp người. Xiên Cân sợ hãi vội ngừng gảy đàn.
Bụt hiện lên. Xiên Cân phân bua:
- Bẩm, con không cố ý giết chúng. Chỉ vì ba mươi tuổi không lấy được vợ nên con làm ra cây đàn này để giải buồn. Thưa Bụt, hình như loài vật không chịu đựng nỗi nỗi cô đơn của con người nên nghe tiếng đàn chúng mới lăn ra chết.
Bụt cầm cây đàn lên xem, thấy đàn có mười hai dây. Ngẫm nghĩ hồi lâu, bụt dứt đứt đi chín dây rồi trả lại Xiên Cân:
- Ta chỉ để lại ba dây thôi, để nỗi buồn có thể vơi đi. Từ nay, nghe tiếng đàn của con loài vật sẽ ngẩn ngơ, đắm say, quyến rũ chứ không chết nữa. Ta đặt tên cây đàn của con là tính tẩu, tức là đàn tính. con có bằng lòng không?
Xiên Cân cúi đầu lạy tạ.
Từ đấy, đàn tính có mặt ở trần gian.
Từ đấy, nhà nhà, người người đua nhau trồng dâu, gieo bầu, nuôi tằm, kéo kén, xe tơ để làm đàn tính.
Từ đấy, khắp hang cùng ngõ hẻm, khắp thung sâu, núi cao, ở đâu có người Tày, người Nùng là ở đó vang vọng tiếng đàn tính. Tiếng đàn tính nói hộ những nỗi niềm khổ đau cùng niềm vui hạnh phúc của con người.
Đời này qua đời khác, đàn tính xuất hiện mỗi lúc một nhiều. Bên bếp lửa nhà sàn, bên bờ suối vắng, trên bãi lúa, nương ngô… già trẻ, trai gái xúm quanh cây đàn tính như những người bạn tâm tình.
Năm ấy, tháng ấy, vào một đêm trăng khuyết, khi nghe tiếng đàn tính vọng lên, có một người nương theo tiếng hát mà bỗng cất lên lời hát trong veo:
Chết thì chết em không buông anh về
Buông anh như buông muối xuống nước
Buông muối còn được lắng lẫn cát
Buông anh như thể buông trăng rằm
Buông trăng còn mỗi tháng thấy một lần
Buông anh đi đường xa cách chốn
Thành chim én em bay lượn đến nhà anh
Lời hát như tan hòa vào tiếng đàn tính, nương vào nhau mà bay khắp làng xa, bản gần. Rồi những bài ca ăm ắp tiếng lòng như thế cứ đua nhau sinh sôi như mỗi mùa hoa nở. Mỗi mùa hoa lại thêm nhiều sắc hương, những câu hát mỗi đời lại thêm phong phú với hàng chục, hàng trăm làn điệu, giai điệu khác nhau.
Đời sau truyền lại rằng, cái người hát những câu ca đầu tiên đó là ông Bế Phùng quê Trùng Khánh, Cao Bằng, người được dân gian gọi là Trạng Tư Thiên, đã được vua Mạc phong làm chức Quản nhạc. Vì thế gọi là Quản Nhạc Tư Thiên. Tiếng hát then của người Tày đã ra đời như thế. Và cũng từ đấy, cây đàn tính luôn so dây hòa quyện cùng tiếng hát then.
Cây đàn tính và tiếng hát then chính là tiếng nói linh thiêng, mang màu sắc nghi lễ để dâng lên trời đất, dâng lên cung đình. Tiếng then từng bay qua long cung thủy giới, tới thiên đình… và dần dần tiếng then lại quay về với đời sống nhân quần trên mỗi nhà sàn, mỗi đồng lúa, nương ngô…
Qua bao biến động, thăng trầm nhưng tiếng hát then và tiếng đàn tính không bao giờ mất.
Cách mạng tháng Tám thành công. Trong niềm vui chung của cả nước, tiếng đàn tính và tiếng hát then càng thêm bay bổng. Rồi qua hai cuộc kháng chiến chống ngoại xâm, tiếng then, tiếng tính lại theo anh bộ đội Cụ Hồ hành quân khắp các nẻo đường Việt Bắc, Tây Bắc; đã cùng anh Giải phóng quân xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước:
Cây tính theo em đi giữa Trường Sơn
Qua những tháng ngày ùn ùn khói lửa
Giữa những tiếng đạn bay, bom nổ
Cây tính cùng em lướt tới xung phong
(theo Tùng Lâm)
Ngày thống nhất đất nước, đặc biệt là thời kì Đổi mới, trước nhiều biến động của lịch sử nhưng tiếng tính, tiếng then vẫn bền bỉ sống và mãi mãi reo ca trong mỗi trái tim người. Trên nhiều sân khấu liên hoan ca nhạc ở trung ương và các địa phương, đàn tính cùng những làn điệu then vẫn luôn giữ một vai trò quan trọng, vẫn tìm được tri âm, tri kỉ trong mỗi tâm hồn Việt. Các nghị quyết của Đảng về văn hóa văn nghệ luôn hướng tới tinh thần xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam đậm đà bản sắc dân tộc, một lần nữa, lại xác định một cách vững chắc và dài lâu nghệ thuật hát then và đàn tính.
Trong thời đại hội nhập toàn cầu, tiếng hát then và đàn tính đã vượt khỏi biên giới quốc gia để hòa cùng với dân ca, ca nhạc muôn màu sắc của thế giới. Thật vinh quang khi hát then đã được UNESCO ghi danh vào danh mục Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.
Hồ Thủy Giang
0 đã tặng
Hãy liên hệ với chúng tôi qua số điện thoại: 0988827920 (Ngô Ngọc Luận), nếu bạn có nhu cầu thưởng thức những ấn phẩm của Văn nghệ Thái Nguyên.
Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...