Thứ tư, ngày 23 tháng 10 năm 2024
21:23 (GMT +7)

Mùa rượu

VNTN - Quãng thời gian từ cuối năm trước đến đầu năm sau, là mùa cưới, mùa kỷ niệm, mùa tổng kết v.v… Gọi là “mùa”, bởi chúng xuất hiện với tần suất cao. Vì trong những “mùa” này, có dùng rượu, nên có người đã gọi chung là “mùa…rượu”. Nhìn chung “mùa rượu” mang đến cho con người những cuộc gặp gỡ thân tình, lại thúc đẩy nghề sản xuất rượu tăng trưởng. Và, sau mỗi mùa rượu, lại có thêm nhiều người biết uống và thích uống rượu… Xem vậy thì rượu cũng là chuyện đáng bàn.

Không hiểu loài người phát minh ra rượu từ khi nào, nhưng từ xa xưa nó đã có mặt hầu như ở mọi quốc gia. Từ quốc tiệc cho đến mâm cỗ của dân, đều cần đến rượu. Trong các quán ăn, cũng không thể thiếu rượu. Hình ảnh “bầu rượu, túi thơ” gợi cho ta thấy, rượu từng mang lại thi hứng cho bao thi nhân. Có thể nói, khi vui, người ta cần rượu chia sẻ với mọi người và khi buồn, người ta cũng nhờ rượu để giải tỏa nỗi niềm. Cứ xem vậy thì khó mà thiếu được rượu trong đời sống con người.

Đấy là nói về mặt thân thiện của rượu. Nhưng rượu còn mặt nữa, giống như con quỉ độc ác. Nó đã gây ra không biết bao nhiêu hệ lụy cho con người. Có lẽ vì thế mà nhiều quốc gia hoặc vùng lãnh thổ đã từng phải cấm uống rượu. Sự thực thì cuộc đấu tranh giữa dùng và không dùng rượu đã diễn ra dai dẳng, khi quyết liệt, lúc lắng chùng. Một lệnh cấm ban ra, thường chỉ nghiêm được thời gian đầu. Lâu dần cuộc sống lại tự “báo yên”, để rồi sẽ có một lệnh cấm mới. Nếu nghe anh chàng nghiện xưa than thở: “Còn trời, còn nước, còn non/ Còn cô bán rượu, anh còn say sưa”, thì anh ta còn uống rượu là vì còn rượu bán. Nhưng cấm sản xuất rượu được chăng? Cách đây mấy chục năm đã có một quốc gia cấm sản xuất rượu. Sau lệnh này, thu nhập ngân sách nhà nước giảm đáng kể và, mặt hàng đường bán cho dân bỗng trở nên rất khan hiếm. Thì ra người dân đã dùng đường để tự cất rượu. Thế là lệnh cấm trên được xem xét lại. Thì ra việc cấm rượu không hề đơn giản. Không rõ rồi đây chuyện này sẽ có hồi kết thế nào?

Nói đến rượu không thể bỏ qua chuyện chất lượng của nó. Trên thị trường rượu ngày nay có rượu dân nấu, rượu công nghiệp đóng chai và cao hơn là rượu nhập với giá hàng triệu, thậm chí hàng chục triệu đồng một chai. Khổ nỗi, rượu nào cũng có thật, có giả. Sơ ý một chút, vớ phải rượu giả thì tiền mất tật mang. Những vụ ngộ độc rượu gây chết người ở nước ta lâu nay không hiếm. Điển hình như ở Quảng Ninh, chỉ trong 6 ngày đã xảy ra 5 vụ ngộ độc rượu, làm 15 người phải nhập viện, trong đó có 6 người chết. Theo cơ quan chức năng xác định, thì tất cả các nạn nhân đều sử dụng cùng một loại rượu đóng trong chai nhựa, ghi “Rượu nếp Hà Nội”. Qua kiểm định các mẫu rượu thu được từ các vụ ngộ độc trên cho thấy, hàm lượng methanol và ethanol trong rượu rất cao, gấp từ 1.600 đến 1.900 lần tiêu chuẩn cho phép. Làm thế nào để tránh được rởm? Dĩ nhiên người tiêu dùng phải cẩn trọng hơn, nhưng cơ quan chức năng có thể và sẽ làm gì ?

Bây giờ xin có đôi lời bàn về việc uống rượu. Có một lần trong lúc vui, giới thạo rượu đã “bình chọn” những người “uống được rượu”. Người ta đưa ra 3 tiêu chí cho “danh hiệu” trên là, tự thân uống được nhiều, uống phải có “văn” và không gây nhiễu. Thế rồi người ta đã chọn được một danh sách những người “uống được rượu”. Nếu việc bình chọn này là đúng và nếu có một cuộc thi về uống rượu, chắc rằng ngành X, ngành Y sẽ chiếm giải nhất, nhì đồng đội…

Việc uống rượu ngày nay cũng khác xưa. Trước, sau lời mời của chủ tiệc, người cùng mâm chỉ mời nhau bằng lời, thì nay bằng cụng ly; trước người ta chỉ mời nhau trong mâm, thì nay khắp tiệc đến cụng ly với nhau, đi lại như mắc cửi. Khách càng quí càng được nhiều người tới cụng ly. Có vị khách cả bữa chỉ lo việc cụng ly đáp lễ. Người xưa trong bữa chỉ nho nhỏ chuyện trò, thì nay người ta hô như vào trận. Thực khách càng trẻ, việc hô càng lớn. Cứ mỗi lần uống, có 1 người “lĩnh xướng”: Một… hai… thì tất cả cùng hô: uống. Sau 3 lần đồng thanh như thế, người ta cùng uống. Người lĩnh xướng có thể là nam hoặc nữ. Một bữa ăn có cả chục lần hô như vậy.

Người ta đã từng nói đến nhiều loại văn minh, nhưng loại “văn minh uống rượu” thì lại ít thấy bàn. Thật là tiếc!

Thái Văn

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy