Thứ năm, ngày 28 tháng 11 năm 2024
00:42 (GMT +7)

Môn văn và Y đức

VNTN - Nhiều người cho rằng, một trong những nguyên nhân cần phải đưa môn văn vào xét tuyển ngành y vì đó là môn học dạy nhân cách và đạo đức, để con người biết yêu thương, đùm bọc…, nhưng những phẩm chất ấy đâu chỉ riêng bác sĩ mới cần. Bác sĩ nếu kê đơn sai chỉ giết chết một người, nhưng nếu là thầy giáo giảng dạy sai phương pháp và tư cách đạo đức kém, thì sẽ giết chết cả một (nhiều) thế hệ. Vậy thì cái “ác” nào đáng sợ hơn?


Trong Hội nghị Hội đồng hiệu trưởng các trường Đại học Y Dược tại Hà Nội ngày 10/10 vừa qua, lãnh đạo một số trường Đại học Y đề xuất sử dụng môn văn để xét tuyển vào trường Y. Dù đây chỉ là đề xuất đơn lẻ, nhưng ngay lập tức đã thu hút sự chú ý của dư luận. Đã có nhiều ý kiến trái chiều, nên hay không nên lấy môn văn để xét tuyển ngành Y. Theo kết quả thăm dò ý kiến về đề xuất này trên Tuổi trẻ online (sau 5 ngày, từ 12  đến 17/10/2014) đã có 4.655 lượt bạn đọc cùng tham gia thể hiện quan điểm. Trong đó có 3.277 lượt bạn đọc trả lời “Không nên”, chiếm tỉ lệ 70,5%; kế đến là 1.296 lượt ý kiến chọn câu trả lời “Nên” (27,3%) và cuối cùng là 105 lượt bạn đọc có “Ý kiến khác”.

Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cho rằng, môn văn rất cần cho cán bộ ngành y, giúp việc nói năng lưu loát, diễn đạt văn bản rõ ràng, đúng ngữ pháp, nhiều người là chuyên viên ở Bộ làm công văn còn sai ngữ pháp… GS.Nguyễn Minh Thuyết, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên nhi đồng của Quốc hội cũng ủng hộ đề xuất này, đại ý là: Học văn tốt giúp phát triển tư duy logic, diễn đạt rành rẽ, thuyết phục. Bác sĩ là người làm khoa học, cần tư duy tốt để phát huy khả năng của mình trong nghiên cứu; giao tiếp tốt có ý nghĩa lớn trong ứng xử hằng ngày với bệnh nhân; bồi dưỡng tâm hồn, giáo dục tình cảm nhân văn, sẽ có những rung động sâu sắc về những cảnh ngộ, hoàn cảnh đáng thương đời thường mà tận tụy hết lòng tìm cách cứu chữa cho bệnh nhân, thậm chí có thể giúp đỡ người bệnh có thêm nghị lực để tự chữa bệnh cho mình…

Những điều Bộ trưởng Kim Tiến và G.S Thuyết nói rất chí lý, song tỉ lệ 70,5% ý kiến phản hồi “không nên” dùng môn văn trong xét tuyển vào ngành y mà Tuổi trẻ online thăm dò được nói lên điều gì? Đã có những nghi vấn, băn khoăn được đặt ra: chẳng lẽ bác sĩ cần nói năng lưu loát, còn thầy giáo dạy toán thì không? Hay bác sĩ cần nhân văn, còn nghề khác được “dã man”?

Nhiều người cho rằng, một trong những nguyên nhân cần phải đưa môn văn vào xét tuyển ngành y vì đó là môn học dạy nhân cách và đạo đức, để con người biết yêu thương, đùm bọc…, nhưng những phẩm chất ấy đâu chỉ riêng bác sĩ mới cần. Bác sĩ nếu kê đơn sai chỉ giết chết một người, nhưng nếu là thầy giáo giảng dạy sai phương pháp và tư cách đạo đức kém, thì sẽ giết chết cả một (nhiều) thế hệ. Vậy thì cái “ác” nào đáng sợ hơn? Hay như câu chuyện của nhân viên maketing, họ cần biết cách thuyết trình dự án mới, thuyết phục khách hàng tin tưởng sản phẩm của công ty. Đầu vào đại học của họ là các môn thi Toán - Lý - Hoá, hoặc Toán - Lý - Anh… chứ đâu phải môn văn! Vậy nếu chỉ đưa môn văn vào xét tuyển ngành y để bồi dưỡng cho các bác sĩ khả năng ăn nói, viết lách, nhân cách và y đức thì e là chưa đủ, mà phải đưa vào tất cả các ngành, nghề khác.

Xét đến chuyện đạo đức, phẩm chất y bác sĩ bị lên án “xuống cấp” không phanh hiện nay là điều có thật. Song khách quan mà nói, “cơ sự” ấy không chỉ do chủ thể (y - bác sĩ), mà còn do khách thể (hệ thống cơ sở bệnh viện). Nào là sự cũ kỹ, thiếu thốn, quá tải…; nào là lương cho bác sĩ mới ra trường chỉ đủ tiền đổ xăng và thuê nhà trọ; hay đâu đó lại “ồn ào” chuyện để có một suất vào làm y tá, bác sĩ trong bệnh viện phải chạy trọt từ 300 đến 700 triệu đồng… Nói như vậy để thấy rằng, chúng ta cứ đi bàn có nên xét tuyển văn cho ngành y mà không quan tâm đến việc sau khi tốt nghiệp, vào một môi trường y khoa, bệnh viện tiêu cực, đi đâu cũng thiếu thốn vì quá tải như ở Việt Nam, các bác sĩ rất khó có cơ hội để thể hiện tài - đức. Nhân đây xin chia sẻ câu chuyện của một bác sĩ có thâm niên ở một bệnh viện Trung ương rằng, mỗi sáng anh có chưa đầy 3 phút để khám, kê đơn cho mỗi bệnh nhân. Nhìn họ thôi đã chóng mặt, lấy đâu thời gian để… niềm nở, dù trong lòng anh chưa bao giờ muốn bị gọi là bác sĩ vô tâm, lạnh lùng…

Suy cho cùng thì môn văn cần được giáo dục nghiêm chỉnh với bất cứ công dân nào ngay từ trong môi trường gia đình, rồi sau này mới đến trường học, trường đời chứ không phải chuyện ngày một ngày hai mà nên.

Thái Văn

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy