Thứ tư, ngày 27 tháng 11 năm 2024
17:32 (GMT +7)

“Mọc” – Những suy tư triết lý nhân sinh

(“Mọc”- Nhà xuất bản Đại học Thái Nguyên, năm 2016.

Tập thơ đoạt giải Liên hiệp các Hội Văn học Nghệ thuật Việt Nam)

Tôi được gặp và thân thiết với Phạm Văn Vũ từ khi anh mới bước vào ngưỡng cửa đại học. Nhưng nói một cách cặn kẽ và đầy đủ hơn thì tôi đã “nghe danh” Vũ từ khi anh còn học phổ thông. Bởi vì ngày ấy, mỗi lần về Định Hóa (nơi Vũ sinh ra và lớn lên) công tác, tôi đều được các bạn viết ở Định Hóa đưa cái tên Phạm Văn Vũ ra để làm ví dụ cho những cây bút trẻ có nhiều triển vọng ở địa phương. Và sự kì vọng của họ đã chính xác. Bước vào đại học, rồi ra công tác, Vũ bắt đầu sáng tác đều đặn. Thơ xuất hiện khá thường xuyên trên các báo địa phương và trung ương. Được giải trong một cuộc thi thơ của Tạp chí Tài hoa trẻ, được đi dự Hội nghị những người viết văn trẻ toàn quốc lần thứ 7. Chưa đầy mười năm, Vũ đã hình thành được một cái tên cùng sự mến mộ cảm phục của bạn đọc, bạn văn. Nhưng cho đến hôm nay, về thơ, Vũ cũng chỉ cho xuất bản 2 tập với một số lượng bài không nhiều. Đó là “Trong nỗi nhớ màu chàm” (năm 2007) và gần đây là “Mọc” (năm 2016).

Nếu “Trong nỗi nhớ màu chàm” chỉ như một sự tìm đường, thì đến “Mọc”, có thể nói đã như một sự định hình. Định hình về bút pháp, về giọng điệu và những dấu hiệu của phong cách. Đối với không ít các cây bút thì đây là một con đường dài, thậm chí rất dài. Nhưng Vũ đã tìm ra cách rút ngắn nó… Có được điều ấy, tôi nghĩ, trong khoảng cách giữa hai tập thơ gần mười năm ấy, Vũ đã suy ngẫm, chiêm nghiệm và cả những khắc khoải, vật vã với chính mình để làm nên một bước nhảy ngoạn mục. Nói Vũ đã có sự định hình về bút pháp có nghĩa là Vũ đã tìm được cảm hứng chủ đạo cho con đường thơ của mình. Rồi từ bút pháp sẽ là đường dẫn để đi tới giọng điệu, thông thường là vậy. Ở Vũ, điều này cũng được thể hiện rất rõ. Trong “Trong nỗi nhớ màu chàm” ta thường thấy nhiều bài khá đậm chất trữ tình cùng sự khơi gợi bằng các biện pháp tu từ như: “Cơn mưa ấy/ Suốt một chiều tự ướt/ Khi nhìn em/ Ngồi len lén khóc thầm” (Sau một cơn mưa) hay “Ướt đầm một ngày gió thổi/ Vịn vào câu lục bát xưa” (Cho ngày gió nổi). Thơ như thế, hay thì có hay nhưng dễ lẫn vào nhiều người. Ở tập thơ thứ hai của Vũ những dấu vết ấy rất hiếm gặp. Giọng điệu “Mọc” là giọng điệu suy tư triết lí. Đó là nét chủ đạo, bao quát của tập thơ. Ở “Mọc” ít giãi bày. Tình không hiển lộ rõ trong câu chữ, nhạc điệu. Không thấy kiểu “kiến trúc đầy âm vang” như Thơ Mới (1932 - 1945), cũng là lối kiến trúc thơ của rất nhiều năm sau đó trong thơ Việt. Nói theo Lê Quý Đôn trong ba loại thưởng thức văn chương (bằng tai, bằng tâm, bằng thần) thì “Mọc” chủ yếu thuộc loại thưởng thức thứ ba. Những độc giả chỉ quen thưởng thức thơ vần điệu xuôi tai cùng sự liên tục, liền mạch trong cảm xúc sẽ khó đồng cảm với thơ Vũ. Vì thế, thơ Vũ rất kén độc giả.

Thực ra thơ triết lí ở Việt Nam không quá hiếm, ở nước ngoài càng nhiều. Thời nào cũng có, và cũng có không ít tác giả nổi danh như cồn về kiểu thơ này. Nhưng triết lí cũng có dăm bảy loài. Có thứ triết lí vặt. Có thứ triết lí biết rồi, khổ lắm, nói mãi. Có thứ triết lí tung hỏa mù…. Vũ đã tránh được tất cả các loại triết lí ấy.

Nếu đọc Vũ một cách có trách nhiệm sẽ dễ dàng nhận ra thơ Vũ hầu hết triết lí về đời, về người, nghĩa là triết lí nhân sinh. Triết lí nhân sinh tưởng dễ mà khó, tưởng gần gũi quen thuộc mà lại rất xa vời. Thực ra, chuyện về đời, về người thì xưa nay vẫn chỉ xoay quanh mấy việc: sinh lão bệnh tử; ái ố hỉ nộ, tham sân si, cao cả/thấp hèn, vị tha/ích kỉ, hạnh phúc/khổ đau… những điều mà người ta đã nói cả nghìn năm và bằng nghìn cách nói rồi. Còn nhớ nhà thơ Phùng Quán đã từng nói với tôi một câu rất chí lí: “Thơ Việt Nam tìm được một dấu phẩy mới cũng vô cùng khó”. Tuy nhiên, đã dâng hiến tâm hồn cho “nàng thơ” thì vẫn phải tìm ra cách nói một nghìn linh một cho mình.

Theo tôi, sự thành công bước đầu của Vũ (qua tập “Mọc”), như đã nhắc ở trên, chính là sự hình thành bút pháp và giọng điệu. Bao trùm cả tập “Mọc” là cảm hứng phân tích, lí giải, suy tư, đôi khi là sự phản biện đời sống xã hội. Nhưng tất cả những điều này vẫn là thứ của nhiều người. Cái thành công của riêng Vũ chính ở giọng điệu. Giọng điệu làm nên cái riêng của Vũ. Các nhà lí luận văn chương cho rằng: giọng điệu là giọng nói của mỗi cá nhân, để phân biệt giữa người với muôn người. Có một số nhà văn, nhà thơ lớn, thói quen của họ là chỉ khi nào tìm ra giọng điệu thì mới bắt tay vào việc viết tác phẩm. Giọng điệu ở “Mọc” đương nhiên là giọng suy tư triết lí nhưng song song Vũ còn chọn được một cách nói, đó là cách nói “như lời nói thường” (cụm từ của Nhà văn Nguyễn Đình Thi nêu rõ quan niệm của ông về thơ trong một hội nghị văn nghệ ở Việt Bắc năm 1949) và bằng một thái độ, một tâm thế tưởng như rất dửng dưng, xen chút lạnh lùng. Lẽ ra, với giọng điệu suy tư triết lí của kiểu thơ này tác giả rất cần sự róng riết một cách triệt để trong phân tích thì Vũ lại tỏ ra dửng dưng. Trước tiếng mõ vẳng ra từ cửa chùa, nếu là một nhà thơ quen luận giải, chắc sẽ khó tránh khỏi dài dòng, nhưng với Vũ thì chỉ dửng dưng như một thông báo về một sinh hoạt của đời sống: “Tiếng mõ trên kia gõ ra đều thế/ Đều như hơi thở/ Khẽ như nói cười/ Khẽ như giấc ngủ/ Đều như làn hơi” (Dưới cánh cửa chùa). Thậm chí, đối với Vũ, trước một hiện tượng tày trời, cũng vậy thôi, vẫn là cách nói lạnh lùng như thế: “Tay này rót rượu/ Tay kia pha thuốc độc/ Tay này cầm hoa hồng/ Tay kia nắm dao găm” (Vẽ). Vũ còn mang cái tâm thế dửng dưng ấy ngay trong độc thoại với chính mình: “Sáng tạo đến độ giả tạo/ Thận trọng đến độ nghi hoặc/ Khôn ngoan đến độ tính toán/ Nguyên tắc đến khô đến nhàm” (Nói chuyện với óc)… Nhưng suy cho cùng, những dửng dưng ấy chỉ là cái vỏ bề ngoài mà bên trong là sự dồn nén cảm xúc. Nhà thơ chỉ giả cách dửng dưng đó thôi. Biết vậy, nhưng độc giả vẫn cứ bị cuốn hút trước sự “giả cách” ấy của tác giả, vì đó là sự giả cách mang ý nghĩa thẩm mĩ. Nó hoàn toàn ngược với những người lúc nào cũng tỏ ra nghiêm cẩn, cao giọng nhưng chẳng có được mảy may sự đồng cảm.

Đáng chú ý là trong tập thơ có năm bài thơ làm nên một sery thơ trò chuyện với tim, với óc, với chân, với tay, với mắt. Thực ra cũng là những cuộc trò chuyện với chính mình. Tôi nghĩ, đây cũng là một kiểu viết khá lạ. Tách mình ra khỏi mình để nói chuyện với mình. Độc giả dễ nhận ra, mỗi cuộc trò chuyện là một bài học, một nhắc nhở, trước hết là cho mình và cũng là cho đời. Hãy nhìn lại những bài học ấy: “Chỉ xin mày, hãy nhớ/ không được thay máu mình” (Nói chuyện với tim), “Thế rồi thành trường đua cho mọi người thử ngựa” (Nói chuyện với óc), “Nhất là giữ ta không bay khỏi mặt đất” (Nói chuyện với chân), “Cần phải học cách vuốt ve và xoa tay” (Nói chuyện với tay), “Mình chán xét đoán rồi/ Nhắm mắt thôi” (Nói chuyện với mắt). Những bài học ấy được tác giả nói, trực diện hoặc bóng gió nhưng đều rất lí thú.

Đọc đi đọc lại tập “Mọc” tôi bỗng nhận ra một điều lạ, điều mà không thấy hoặc rất ít thấy ở nhiều tập thơ khác: “Mọc” không chỉ là sự tập hợp các bài thơ lẻ để tạo ra một tập thơ mà ở đó có nhiều bài thơ đều có sự nhất quán, ràng buộc, liên hệ bên trong để cùng toát lên một chủ đề chung của tác phẩm. Đó là cuộc truy tìm và nhận diện bản ngã. Hầu hết các bài trong tập như: “Nhắn”, “Vẽ”, “Đi bộ”, “Chìa khóa”, “Báo tin”, “Cho ta”, “Nói chuyện với óc”, “Nói chuyện với tim”, “Linh”, “Tam nhân hành”… đều nhắm đến một cái đích chung như vậy.

Có lẽ cũng nên bàn thêm chút ít về con đường thơ mà Vũ đang theo đuổi. Thông thường, mỗi nhà thơ chân chính và có trách nhiệm luôn vạch cho mình một con đường sáng tạo riêng. Càng có gương mặt riêng càng đáng quý. Nhìn về những nhà thơ cũng là người dân tộc như Vũ ở thế hệ trước như Y Phương, Lò Ngân Sủn, Vương Anh, Ma Trường Nguyên, Mai Liễu, Pờ Sào Mìn… là những người trưởng thành nhờ biết dựa vào nguồn văn hóa, văn nghệ dân gian của chính dân tộc mình. Nói một cách đầy đủ hơn, nếu không có nguồn văn hóa dân tộc thì có thể sẽ khó có những tên tuổi nổi danh đến như vậy. Đó là con đường thơ của những tác giả ấy, những nhà thơ rất thành công trên con đường mà họ đã chọn. Nhưng Vũ lại khác. Tôi nghĩ, Vũ đã không chọn lối của các nhà thơ đàn anh đã đi. Và điều này cũng không có gì lạ. Mỗi người có một con đường riêng của mình. Ngày hôm nay, trong sự phát triển của khoa học (cả tự nhiên và xã hội) cùng sự hòa nhập mạnh mẽ với thế giới, lớp trẻ có nhiều cánh cửa để mở ra cho sự lựa chọn của mình. Vũ không đi theo vết cũ, dù đó là con đường đúng đắn của những người đi trước. Có thể vì vậy chăng mà thơ Vũ mang nhiều dấu vết trực diện của văn chương hiện đại. Chưa dám so sánh sự thành công bước đầu của Vũ với sự thành công đã được khẳng định của những bậc đàn anh như đã nói ở trên. Nhưng điều đầu tiên, chắc chắn không thể phủ nhận là thơ Vũ có nhiều dấu hiệu hiện đại nhờ lối cấu trúc không liền mạch, có nhiều khoảng lặng thẩm mĩ, gợi ra tâm thế đồng tác giả, và đây đó là những hình ảnh khá thành công rất gần gũi với hình ảnh thơ siêu thực…

Trong “Mọc” có một bài thơ dài nhất (6 trang) là bài “Làng ơi”. Bài thơ nói về nỗi buồn vì vẻ đẹp văn hóa làng quê đang bị mờ phai trước sự lấn lướt của văn minh nút bấm, của chủ nghĩa tiêu dùng. Bài thơ này, nếu rơi vào một tác giả quá trung thành với lối thơ truyền thống phương Đông có lẽ phải mấy chục trang cũng chưa chắc đã diễn tả trọn vẹn. “Làng ơi” giống như một truyện ngắn, nói rõ hơn là một truyện ngắn có cấu trúc phân mảng (lối cấu trúc của truyện ngắn hậu hiện đại). Vũ đã biến không gian oi nồng của làng trở thành không gian nghệ thuật, chứ không còn là không gian thực tại, giống như thi pháp ta thường gặp trong văn xuôi.

Mặt khác, trong việc tìm đường đến với văn chương hiện đại, tôi cũng nhận thấy Vũ không hề cắt đứt với truyền thống. Thơ Vũ tuy có phần khó hiểu nhưng không hề mù tịt, bế tắc hoặc cần sự giải mã của thế hệ sau (như trường hợp bài thơ “Buồn xưa” của Nguyễn Xuân Sanh ở đầu thế kỷ XX). Tuy thơ Vũ nghiêng về thơ tự do, nhưng không từ bỏ nhịp điệu, có nhiều bài vẫn giữ vần. Thậm chí đôi khi còn mang hơi hướng, vần điệu của đồng dao trong dân gian Việt Nam:

Này là gió thổi

Này là mưa sa

Bao nhiêu mùa cũ

Rớt vào mái nhà.

(Mái nhà)

Một điều đáng nói nữa, tuy ít, nhưng trong tập thơ ta cũng thấy sự xuất hiện của hai bài thơ thể lục bát. Ở đây xin được mở rộng thêm, rằng đã có những tác giả “nồng nhiệt” với thơ hiện đại đến mức “cắt đứt” với thơ lục bát là thể thơ truyền thống quý giá của dân tộc, cho rằng lục bát rề rà, giãi bày, vần vè gò bó… Cả hai bài thơ lục bát của Vũ trong tập đều rất hay. Riêng bài “Ngày 15 tháng 10” chỉ có hai câu:

Một hôm ngồi lại biết là

Vung tay qua một phần ba chặng đường.

Hai câu mà tạo ra một không gian dài rộng. Cô đúc đến bất ngờ.

Phải là người yêu thể thơ lục bát mới có thể viết được như vậy.

Tất cả chỉ là bước đầu. Nhưng với cái nhìn của tôi thì qua “Mọc”, Vũ đã “trình làng” một cách chân thật những điều mình muốn nói và có thể là sẽ nói trong tương lai.

Dù thế nào đi nữa thì hãy chờ đợi và hy vọng.

Hồ Thủy Giang

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy