Thứ tư, ngày 27 tháng 11 năm 2024
21:45 (GMT +7)

Lý tưởng sống cao đẹp của những người đồng chí

(Cảm nhận khi đọc tác phẩm Thép đã tôi thế đấy và Nhật ký Vũ Xuân)

VNTN - Cuối những năm 50 của thế kỷ trước, lớp giáo viên trẻ chúng tôi giảng dạy ở trường cấp 2-3 Lương Ngọc Quyến (Thái Nguyên) đã cùng với thế hệ học sinh của trường hồi đó làm việc và học tập trong bầu không khí vô cùng hồ hởi, giữa bối cảnh nhân dân ta đã giành được chiến thắng Điện Biên “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu” và đang sôi nổi bắt tay vào công cuộc kiến thiết, xây dựng xã hội chủ nghĩa trên Miền Bắc và cùng với nhân dân Miền Nam đấu tranh để thống nhất nước nhà.

 

Chính trong những tháng năm đáng nhớ đó, tác phẩm đặc sắc “Thép đã tôi thế đấy” từ Liên Xô đã đến với thày trò chúng tôi. Sách không có nhiều, mọi người vội chuyền tay nhau đọc. Nhà trường đã kịp thời tổ chức những buổi ngoại khóa văn học để giới thiệu về tác giả và tác phẩm. Chúng tôi cũng giảng dạy trên lớp một bài trích trong tác phẩm, đoạn “Trên công trường đường sắt Baiarơca”, đây là một trong những chương ấn tượng nhất.

Qua tác phẩm, thày và trò nhà trường hết sức xúc động và cảm phục cố nhà văn Nicôlai Ôxtơrôpxki. Ông sinh năm 1904 tại một làng quê Ukraina, Liên Xô, là một chiến sĩ tham gia Cách mạng tháng 10. Một tác giả huyền thoại bởi “ Thép đã tôi thế đấy” chính là một cuốn tự truyện. Ông đã sống một cách nồng cháy nhất như chính nhân vật Paven Coócsaghin của mình. Mười lăm tuổi ông đã tham gia chiến đấu trong Hồng quân. Bị thương không chịu rời hỏa tuyến. Bệnh nặng chưa chịu xa công trường. Ông bị bại liệt toàn thân và rồi mù cả đôi mắt! Vô cùng tuyệt vọng, có lúc ông đã định tự tử để kết liễu đời mình. Nhưng rồi ông nảy ra ý định: Nếu không kể lại cuộc đời mình tuy ngắn ngủi nhưng vô cùng vinh quang cho thế hệ sau thì chết cũng khó mà nhắm mắt. Đối với ông lúc này vũ khí là văn học. Thế là Ôxtơrôpxki đã tìm cách để viết tự truyện trên giường bệnh. Nhưng rồi khớp tay bị sưng tấy, không thể cầm bút được nữa, ông đành tiếp tục kể câu chuyện và nhờ Raixa vợ ông ghi lại. Đến năm 1932, bằng nghị lực phi thường, ông đã hoàn thành cuốn tiểu thuyết với nhan đề “Thép đã tôi thế đấy” và ông đã ghi:

“Thép đã tôi trong lò lửa và nước lạnh. Từ đó thép trở nên cứng rắn và không hề biết sợ, thế hệ chúng tôi đã được tôi luyện như vậy”...

Đối với thày trò chúng tôi, “Thép đã tôi thế đấy” và hình ảnh Paven Coócsaghin đầy ý chí và nghị lực đã trở thành biểu tượng về khí phách anh hùng, lòng dũng cảm, sự hy sinh vì Tổ quốc, luôn lấp lánh trong cuộc sống hàng ngày của mỗi người. Đứng trước những lựa chọn, hay lúc xao xuyến suy tư thì câu nói bất hủ từ trong tim của Paven lại nhắc nhủ chúng tôi :

“Cái quí nhất của con người ta là sự sống. Đời người chỉ sống có một lần. Phải sống sao cho khỏi ân hận vì những năm tháng đã sống hoài sống phí, cho khỏi hổ thẹn vì dĩ vãng ti tiện và hèn đớn của mình và để khi nhắm mắt xuôi tay, ta có thể nói rằng: Tất cả đời ta, tất cả sức ta, ta đã hiến dâng cho sự nghiệp cao đẹp nhất trên đời, sự nghiệp đấu tranh giải phóng loài người”

Chính trong thời kì “Thép đã tôi” sôi nổi ấy ở trường Lương Ngọc Quyến, Vũ Xuân đã nhập học.

Tôi vẫn nhớ và hình dung ra Vũ Xuân ngày ấy, một cậu học sinh nhỏ bé, hiền lành, điềm đạm và đầy nhiệt tình trong việc Đoàn việc lớp. Năm 1963, học xong lớp 10B, Vũ Xuân tình nguyện lên đường nhập ngũ khi vừa mới 17 tuổi và anh đã hy sinh anh dũng tại chiến trường Tây Nam Bộ ngày 13-5-1974, trong trận đánh đồn Kênh 2 ở Gò Quao, Kiên Giang khi sắp tròn 28 tuổi.

Ba mươi năm sau ngày anh hy sinh, đồng đội của anh, đại tá Đỗ Hà Thái, người đã giữ gìn cuốn nhật ký của anh, cũng là người đã đưa hài cốt của anh từ mảnh đất Gò Quao, trở về yên nghỉ nơi đất mẹ.

Chúng tôi như được gặp lại anh qua cuốn “Nhật ký Vũ Xuân” do nhà xuất bản Quân đội Nhân dân ấn hành. Đọc cuốn nhật ký, mọi người từ trong gia đình đến bạn bè đều hết sức xúc động. Ông Nguyễn Khánh - nguyên Phó Thủ tướng Chính phủ nói:

“Tôi không ngờ chú em mình lại có ý nghĩ sâu sắc và giầu tình cảm đến vậy, tôi tự hào vì có một người em như Vũ Xuân”.

Ông Phạm Văn Đông, một đồng đội cũ, đã viết những câu thơ đầy nhiệt huyết đăng trên báo Thái Nguyên :

“Không đọc nhật ký anh

Tôi sẽ là có lỗi

Không nhận được ra anh

Tôi là người có tội...”

Trong “Thép đã tôi thế đấy”“Nhật ký Vũ Xuân”, tôi thấy Paven (Ôxtơrốpski) và Vũ Xuân đều có điểm trùng hợp về tình yêu lý tưởng, yêu cuộc sống: Paven quan niệm “Đời người chỉ sống có một lần, phải sống sao cho khỏi xót xa ân hận vì những năm tháng đã sống hoài sống phí”.

Còn Vũ Xuân đã ghi trong trang nhật ký: “6 năm qua mình chẳng ân hận gì nhiều với mình”... “Mình tự hào với chuỗi ngày gian khổ đã qua, mình tự nghĩ phải sống sao trong tương lai cho xứng với cuộc sống hơn”.

Vũ Xuân luôn tâm niệm một câu nói như chân lý để nhắn nhủ lòng mình: “Đừng làm hoen ố máu của người đi trước”.

Paven (Ôxtơrốpxki) cũng như Vũ Xuân, họ đều trải qua một tuổi thơ đầy cơ cực vất vả. Paven sinh ra trong một gia đình lao động. Cảnh nhà túng bấn trong tình hình chung của nước Nga đang đói rét bởi cái họa chiến tranh thế giới lần thứ nhất. Paven phải bỏ học để đi rửa bát thuê cho cửa hàng ăn ở nhà ga, rồi chẻ củi thuê trong nhà kho của ga....

Chúng tôi biết, tuổi học trò của Vũ Xuân cũng thấm đẫm nỗi cơ cực của một gia đình đông con, nghèo khó. Sáng đi học, chiều đeo thùng kem vẹo cả bên sườn đi bán rong khắp xóm ngõ. Ngày nghỉ lên núi Voi kiếm củi về bán. Nhưng Vũ Xuân đã vượt lên, không những không chịu bỏ học mà còn trở thành một học sinh giỏi. Ở họ, Paven và Vũ Xuân “chất thép” đã được tôi luyện ngay từ thuở thiếu thời.

Tình yêu cũng đã đến với cả hai chàng trai ấy và họ cũng đều gặp những trắc trở và đau khổ. Nhưng cả hai đều biết xác định một cách đúng đắn, đó là biết đặt tình yêu lý tưởng lên trên. Mối tình đầu của Paven với Tonia một người con gái xinh đẹp, con một viên chức kiểm lâm giầu có và anh đã đón nhận một cách chân thành, trong sáng. Nhưng rồi mối tình đó không diễn ra như trên một hòn đảo thơ mộng mà ở ngay trên mảnh đất nóng bỏng đấu tranh giai cấp nên số phận tình yêu đã được định đoạt. Paven không thể rời bỏ cách mạng, còn Tonia không đủ can đảm đi cùng anh. Anh nói với cô:

“Em đã có gan yêu một công nhân, nhưng em không đủ can đảm để yêu lý tưởng của người ấy”.

Tình yêu đầu đời của Vũ Xuân đã dành cho Kim Oanh, cô gái có mái tóc bồng bềnh và đôi mắt đen, nhưng sau chuyến “đi B” lần thứ hai, vì một lí do nào đó họ đã chia tay nhau. Trong nhật ký của mình anh đã viết những bức thư ( không bao giờ gửi)!

“Em thân yêu! Từ ngày em (vì chưa hiểu hết về anh) mà dứt bỏ tình anh, mà phụ bạc tình anh...Con tim anh đã bị vò xé biết bao lần, trong bao nhiêu tháng năm...”

“Anh tái tê lòng khi phải vĩnh biệt người anh yêu thương nhất để thực hiện lý tưởng muôn ngàn lần cao đẹp hơn cả đời anh...”

Paven (Ôxtơrốpxki) và Vũ Xuân đều có chung một điều đáng quí đó là sẵn sàng hy sinh để thực hiện lý tưởng cao cả.

Paven đã tình nguyện gia nhập Hồng quân, tham gia chiến đấu từ năm 15 tuổi, anh đã chiến đấu dũng cảm trên trận tuyến và lao động quên mình trên công trường đường sắt. Với lòng say mê cống hiến, Paven đã nói:

“Xây dựng thành công chủ nghĩa xã hội, con người ta mới không phải làm việc quá sức”.

Đó chính là lời của một người đã được tôi luyện khắc nghiệt trong máu lửa của cuộc cách mạng và trong cuộc sống lao động của thời kì đầu Xôviết.

Đối với Vũ Xuân, anh luôn suy nghĩ khi Tổ quốc cần “sẽ thanh thản đón nhận sự hy sinh cho lý tưởng, cho nền độc lập tự do của Tổ quốc”.

Đồng chí Đinh Huy Tỵ, người tiểu đoàn trưởng đã cùng Vũ Xuân chỉ huy trận đánh, kể lại:

“Đồn kênh 2 ở vị trí rất trống trải sát bờ kênh. Quân ta rất khó tiếp cận. Cấp trên biết rõ khó khăn này, song vẫn hạ quyết tâm phải nhổ bằng được để mở thông con đường tiếp tế trên sông của ta tại ngã ba Di Hạng. Đêm đó, anh và tôi chỉ huy bộ đội vượt kênh, bí mật ém sát đồn, tang tảng sáng, ta nổ súng. Hai lô cốt địch bị tiêu diệt nhưng cửa vẫn chưa mở được vì lô cốt thứ ba ngoan cố chống cự. Căm thù dồn nén, căm thù vì bao chiến sĩ của đơn vị đã ngã xuống. Anh ôm B40 bắn thẳng vào lô cốt địch, rồi tiếp tục xông lên dùng AK bắn tiếp. Thế rồi một loạt đạn trong lô cốt bắn ra, anh ngã xuống không một lời gửi lại...”

Tác phẩm “Thép đã tôi thế đấy” đã như một bản anh hùng ca bất diệt trong Cách mạng tháng 10 Nga và thời kì đầu Xôviết và “Nhật ký Vũ Xuân” là bản hùng ca người chiến sĩ trong thời kì kháng chiến chống Mỹ cứu nước của nhân dân Việt Nam. Paven (Ôxtơrôxki) và Vũ Xuân đã là những tấm gương về lý tưởng sống, để lại những bài học tinh thần vô giá trong sự nghiệp giáo dục lý tưởng đạo đức và những tình cảm cao đẹp cho các thế hệ hôm nay và mai sau.

Trịnh Trúc Lâm

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy