Ly tán trong văn chương, văn hóa Việt Nam
VNTN - Không biết có dân tộc nào trên thế giới ra đời bằng sự chia ly như dân tộc Việt Nam. Truyền thuyết Lạc Long Quân và Âu Cơ với bọc trăm trứng sinh ra cộng đồng dân tộc ta, mở đầu cho sự ly tán, khi vua chia cho vợ đưa 50 con lên núi còn mình đưa 50 con xuống biển và nói: Ta là giống rồng, nàng là giống tiên, không ở được với nhau. Với hàng nghìn năm tồn tại và phát triển của đất nước ta có được mấy thời gian là hòa bình, thống nhất cả lãnh thổ và tinh thần. 1. Từ thời thượng cổ đến nay cho thấy chia cắt và chiến tranh chiếm phần lớn thời gian của lịch sử dân tộc. Những nguyên nhân gây nên ly tán đã in dấu và đậm đặc trong văn hóa. Hơn nghìn năm Bắc thuộc, nước ta là quận, huyện của quân xâm lược phương Bắc. Người Việt dù là người Kinh hay người dân tộc thiểu số đều nằm dưới ách thống trị của các triều đại phương Bắc. Không ít gia đình đã phải lìa tan vì phải đi phu phen, tạp dịch và có cả những người bị điều lên phương Bắc làm quan lại trong bộ máy thống trị ngoại tộc. Trong nghìn năm đó có bao nhiêu số phận, bao gia đình phải chịu cảnh chia ly. Ít có dân tộc nào để lại trong văn học dân gian những câu ca dao phản ánh tâm thế đó của con người. Những câu chuyện dân gian, đến nay ta vẫn còn nhức nhối, Sự tích con muỗi, Chuyện nàng Tô Thị, Nàng Vọng phu… Nàng về nuôi cái cùng con Để cho anh trẩy nước non Cao Bằng. Người phụ nữ chờ chồng, hóa đá thành những bức tượng trải dài từ Lạng Sơn "Lạng Sơn có phố Kỳ Lừa/ Có nàng Tô Thị, có chùa Tam Thanh" đến Ngũ Hành Sơn (Đà Nẵng), đến tận Đá vọng phu ở Bình Định. Những Sự tích chim Quốc, Sự tích chim Đa đa, Trương Chi, Chuyện người con gái Nam Xương (trong Truyền kỳ mạn lục của Nguyễn Dữ) đều nói đến sự ly tán. Sự tích trầu cau nói đến tình nghĩa, sự gắn bó, cố kết nhưng cũng phản ánh cả tâm thế ly tán của người Việt. Ngay cả cuộc sống hạnh phúc, no đủ, tươi đẹp ở cõi tiên người Việt cũng không tránh khỏi ly tán. Truyện Từ Thức lên tiên đã phản ánh điều đó. Đặc biệt, trong văn học thế kỷ XVIII, nhiều tác phẩm Nôm - khuyến danh còn lại hôm nay viết về sự ly tán, tình yêu đôi lứa và hạnh phúc gia đình bị sẻ chia. Phạm Tải - Ngọc Hoa, Tống Trân - Cúc Hoa đều nói về sự ly tán dương gian - âm phủ. Những kiệt tác của văn học bác học Việt Nam như Chinh phụ ngâm (Đặng Trần Côn, Đoàn Thị Điểm dịch), Cung oán ngâm khúc (Nguyễn Gia Thiều), Nhị Đô Mai, Hoa Tiên (Nguyễn Huy Tự) cũng viết về sự ly tán. Sự ly tán không chỉ xảy ra ở những người lao động chiếm đa phần trong xã hội nông nghiệp Việt Nam như người nông dân (Thánh Gióng), dân chài (Sự tích con muỗi), đứa trẻ chăn trâu (Thằng Cuội), vợ người học trò (Quan Âm Thị Kính), học trò (Từ Thức lên tiên), người vợ lính (Nàng Tô Thị), mà đã xảy ra ngay cả ở các tầng lớp cao trong xã hội, ở những gia đình quyền quý. Tiếng kêu than của người cung nữ trong Cung oán ngâm khúc sống trong cung vàng điện ngọc làm xót xa hàng triệu người từ thế kỷ XVIII đến nay. Lời than vãn bi thương của người vợ lính xa chồng trong Chinh phụ ngâm là nỗi lòng con người sống trong cảnh cô đơn, ly tán và là tiếng thét căm hờn chiến tranh. Đặc biệt, kiệt tác Truyện Kiều (Nguyễn Du) viết về sự ly tán của con người Việt Nam: “Bốn phương mây trắng một màu/ Trông vời cố quốc biết đâu là nhà”. Rồi hai trăm năm sau, người anh hùng dân tộc vĩ đại Hồ Chí Minh ưu tư khi ra khỏi nhà tù của Tưởng Giới Thạch bên Trung Quốc: “Bồi hồi dạo bước Tây Phong/ Trông về cố quốc chạnh lòng nhớ ai” (Mới ra tù, tập leo núi - Nhật ký trong tù) v.v… 2. Sự ly tán trong văn hóa Việt Nam một phần lớn xảy ra bởi lịch sử dân tộc ta là lịch sử chiến đấu để tồn tại và phát triển. Từ xa xưa là phải chiến đấu chống chọi với thiên nhiên, với bão lụt. Sau đó là liên tục chống giặc ngoại xâm. Số phận mỗi con người, mỗi gia đình, mỗi làng xã và Tổ quốc luôn phải đặt trong hoàn cảnh ấy. Chính nó được phản ánh đầy đủ trung thực đời sống văn hóa tinh thần của dân tộc. Ngay từ khi Lạc Long Quân và Âu Cơ sinh ra dân tộc này thì những đứa con đã phải đứa lên rừng, đứa xuống biển. Thời gian hòa bình cho cuộc sống đoàn tụ của dân tộc ta thật ngắn ngủi. Sau nghìn năm bị mất nước, bị giặc phương Bắc bắt làm nô lệ, mọi cộng đồng người Việt tan đàn xẻ nghé là thời kỳ độc lập nhưng Tổ quốc ta lại phải đương đầu với nhiều cuộc chiến tranh xâm lược của người Trung Quốc. Xen vào giữa những cuộc chiến tranh vệ quốc ấy là những cuộc nội chiến giữa các triều đại phong kiến với nhau, những cuộc nội chiến của nông dân chống lại các triều đại phong kiến. Trong đó chỉ riêng thế kỷ XVII đến hết thế kỷ XVIII là 100 năm Trịnh - Nguyễn phân tranh. Một trăm năm đất nước bị chia làm hai miền và liên tục đánh nhau. Chinh phụ ngâm, Truyện Kiều đã ra đời trong hoàn cảnh ấy. Văn học Việt Nam thế kỷ XIX, XX, những gì đọng lại, còn lại vẫn là thơ, văn viết về ly tán. Từ đầu thế kỷ, ngay trong thơ Nguyễn Bính, một nhà thơ có ảnh hưởng lớn đến văn học Việt Nam còn đó những Lỡ bước sang ngang, Xuân tha hương, Người hàng xóm... Những cuộc đời phiêu bạt, ly tán gia đình với nỗi buồn thảm thiết, đến phải kêu lên "Chén rượu tha hương, trời: đắng lắm". Những ai phải sống trong cảnh chia xa khi ngày Tết đến mới thấm thía nỗi đau đớn chua xót của kẻ không nhà cửa, một mình cô độc trong quán trọ thấy đời mình bất hạnh, toàn những đắng cay: "Thiên hạ đua nhau mà sắm tết. Một mình em vẫn cứ tay không". Những bài thơ ấy đến nay vẫn như là Nguyễn Bính viết cho đám người phải từ bỏ quê hương ly tán khắp nơi trong và ngoài nước, dù bất cứ lý do gì. Cũng thời gian đó có thêm Thiếu quê hương của Nguyễn Tuân, Tống biệt hành của Thâm Tâm làm bao người xúc động đến nay. Rồi Hai sắc hoa ti-gôn của T.T.K.H, không chỉ là tâm trạng của cô gái lỡ hẹn thề nguyền bên sông với người khách mà là tâm trạng của sự chia ly của mỗi số phận con người, dù không có khói lửa chiến tranh. Đến kháng chiến chống Pháp suốt 9 năm gian khổ, ly tán in sâu đậm trong Tây Tiến (Quang Dũng), Màu tím hoa sim (Hữu Loan), Bên kia sông Đuống (Hoàng Cầm), Núi đôi (Vũ Cao). Rồi 30 năm khói lửa tàn khốc và dữ dội (1954-1975) của cuộc kháng chiến chống Mỹ, chúng ta có nhiều tác phẩm nói về sự ly tán của dân tộc như Quê hương (Giang Nam), Nhớ con sông quê hương (Tế Hanh), Gửi vợ miền Nam (Nguyễn Bính), Cuộc chia ly màu đỏ (Nguyễn Mỹ), Hương thầm (Phan Thị Thanh Nhàn), Bài thơ hạnh phúc (Dương Hương Ly)... để rồi khi kết thúc chiến tranh ta có thêm Nỗi buồn chiến tranh (Bảo Ninh) bên cạnh vô số tiểu thuyết, truyện ngắn, thơ của các nhà văn nhà thơ chống Mỹ. Văn học thế giới viết về ly tán trong chiến tranh có nhiều tác phẩm nổi tiếng. Chiến tranh và hòa bình (Lev. Tônxtôi), Sông Đông êm đềm (Sholokhov), Khói lửa (H. Barbus), Cây thập tự thứ bảy (A. Segơc), Bên cầu Waterlô (Sherwood Anderson), Vĩnh biệt vũ khí, Chuông nguyện hồn ai (E. Hemingway)… Nhưng không có cuộc chiến tranh nào kéo dài đến 30 năm như dân tộc ta phải chịu đựng. Vợ xa chồng, mẹ xa con đến hơn chừng ấy năm trời. Simonov, nhà thơ Nga có bài thơ rất hay là "Đợi anh về": Đợi anh hoài em nghe Mưa có rơi dầm dề Ngày có dài lê thê Thì em ơi cứ đợi. Tin anh dù vắng vẻ Lòng em dù tái tê Chẳng mong chi ngày về Thì em ơi cứ đợi. Nghe thật ai oán, xót xa, nhưng anh lính của Simonov cũng chỉ phải đợi người yêu chỉ có 4 năm của chiến tranh vệ quốc (1941- 1945) là họ gặp lại nhau, họ đoàn tụ với gia đình. Lẽ thường tình là sau chiến tranh kết thúc là người đi xa trở về. Gia đình sum họp, vợ chồng, con cái gặp lại, đoàn tụ sống trong an bình hạnh phúc. Oái ăm thay điều đó lại không xảy ra với dân tộc ta. Sau 9 năm gian khổ kháng chiến chống quân xâm lược Pháp, với "Chiến thắng Điện Biên lừng lẫy địa cầu" thì Hiệp định đình chiến Giơnevơ (1954) lại chia cắt Tổ quốc thành hai miền Nam - Bắc, bắt đầu cho cuộc chia ly mới. Bắt đầu từ hơn 1 triệu người rời bỏ quê hương, làng xóm di cư vào Nam và đến tận bây giờ, sau 70 năm có người chưa có dịp trở về quê thắp nén hương cho ông bà, tổ tiên. Sau chiến thắng mùa xuân 1975 đất nước thống nhất nhưng cũng từ đây hơn một triệu người Việt Nam lại bỏ Tổ quốc ra đi. Thuật ngữ Thuyền nhân (Man Boat) trong từ điển loài người xuất hiện từ đây. Bao nhiêu gia đình tan tác, bao cặp vợ chồng con cái đã ly tán trong những cuộc vượt biên. 3. Cái sự ly tán trong đời sống xã hội và văn hóa Việt Nam còn có một nét đặc biệt. Ấy là trở nên xung khắc giữa các thành viên trong cộng đồng, trong mỗi gia đình, ở ngay trên quê hương, Tổ quốc mình. Từ quan hệ vợ chồng, gia đình đến các quan hệ xã hội. Lịch sử cho thấy, từ thế kỷ XVII, khi Nguyễn Hoàng thoát khỏi sử kiềm tỏa của chúa Trịnh đi về phương Nam lập nghiệp đã có hàng vạn gia đình miền Thanh - Nghệ đi theo. Trong đoàn người di cư ấy, cùng với quân lính đã để lại quê hương bản xứ những dòng họ, những làng xã. Nhưng khi vào định cư ở xứ Quảng họ có một triều đình mới, một quốc gia mới. Họ cùng chúa Nguyễn chống lại vua Lê và chúa Trịnh trong suốt 100 năm. Bắc Trung Bộ là bãi chiến trường cho lực lượng hai bên đánh giết nhau. Người dân, chủ yếu là người Thanh - Nghệ, là anh em, bà con chém giết nhau. Rồi đến cuộc khởi nghĩa của Tây Sơn đánh tan chúa Nguyễn ở miền Nam, vua Lê chúa Trịnh ở miền Bắc. Người dân hai miền đánh nhau mà chết. Bao nhiêu gia đình và số phận ly tán trong tang tóc đau thương. Đến cả những danh gia vọng tộc như dòng họ Ngô Thì (Ngô Thì Nhậm, Ngô Thì Chí, Ngô Thì Du, Ngô Thì Sĩ), dòng họ Phan Huy (Phan Huy Bích, Phan Huy Chú, Phan Huy Vịnh), dòng họ Nguyễn Du (Nguyễn Nễ, Nguyễn Quýnh)… cũng mỗi người mỗi chí hướng đối nghịch nhau. Đến bạn bè đồng hương, đồng khoa, đồng môn cũng trở lại tàn sát nhau (trường hợp Đặng Trần Thường và Ngô Thì Nhậm). Khi người Pháp đặt ách thống trị lên đất nước ta thì bi kịch ấy lại càng phổ biến. Người nông dân phải lìa bỏ gia đình, quê hương đi đến các đồn điền, hầm mỏ kiếm sống: “Cha phải ra Hòn Gai cuốc mỏ/ Anh chạy vào đất đỏ làm phu/ Bán thân đổi mấy đồng xu/ Thịt xương vùi gốc cao su mấy tầng”. Tàn ác hơn nữa là phải đi lính sang tận bên Mẫu quốc làm bia đỡ đạn, bảo vệ nước Pháp trong Chiến tranh thế giớ lần thứ Nhất: “Ngang lưng thì thắt bao vàng/ Đầu đội nón dấu vai mang súng dài/ Một tay cắp súng hỏa mai/ Một tay cắp giáo quan sai xuống thuyền./Thùng thùng trống đánh ngũ liên/ Bước chân xuống thuyền nước mắt như mưa”. Thực dân Pháp chia nước ta làm 3 kỳ (Bắc kỳ, Trung kỳ, Nam kỳ) với chế độ chính trị khác nhau càng khiến cho mâu thuẫn xã hội xảy ra, làm cho sự ly tán càng phổ biến. Và đặc biệt là trong cuộc chiến tranh chống Mỹ giành độc lập, thống nhất Tổ quốc, trong suốt hơn 20 năm đất nước bị chia đôi bởi con sông Bến Hải, sự ly tán càng thấm đẫm đau thương.… Vì chiến tranh mà ly tán thì đã đành nhưng khi đất nước có hòa bình cũng vẫn xảy ra ly tán. Vì mưu sinh, nghèo đói nhiều người phải ra đi. Trước khi phe xã hội chủ nghĩa và Liên Xô sụp đổ (1989-1991) hàng vạn gia đình Việt Nam đã phải chia ly cho vợ hoặc chồng, con cái đi sang các nước Đông Âu để lao động và kiếm sống. Dù khác biệt lối sống và văn hóa, dù phải lao động cực nhọc thậm chí cả buôn bán phi pháp ở các nước đó thì người Việt Nam cũng chấp nhận. Bao nhiêu bi kịch đã xảy ra cho những người ra đi "hợp tác lao động" ở xứ người. Sau mấy năm xa nhà, bán sức lao động, nhiều người trở lại quê hương, trở lại gia đình thì hạnh phúc không còn nữa. Trong số hàng vạn người đi xa "hợp tác lao động" còn có cả một số lớn là lưu học sinh, nghiên cứu sinh sang các nước bạn học tập và nghiên cứu. Nhiều người trong số họ đi để "cứu nhà", với hy vọng có điều kiện để cải thiện kinh tế gia đình, cứu đói gia đình; học tập nghiên cứu được xếp sau. Và cũng thực tế cho thấy nhiều người khi trở về nước có thể có tấm bằng nhưng gia đình tan nát, đổ vỡ. Vợ chồng con cái ly tán. Bi kịch ly tán gia đình đến nay vẫn chưa dừng lại. Người Việt chúng ta, cho đến nay vẫn mang nặng trong mình là văn minh lúa nước. Cộng đồng làng xã vẫn cứ là phần hồn phần cốt trong mỗi con người. Dù sống ở đâu, ở những nơi có đời sống công nghiệp phát triển, ở đô thị choáng ngợp hiện đại thì trong tâm hồn mỗi người vẫn lấp lánh cái chất "nhà quê", vẫn tâm lý "Có con mà gả chồng gần/ Có bát canh cần nó cũng mang cho". Chia xa, ly tán là nỗi lo sợ của mỗi người: “Ra đi là sự đã liều/Ai hay mưa sớm nắng chiều ai hay”. Nhưng cuộc sống thay đổi và phát triển, đặt ra nhiều yêu cầu, đòi hỏi. Công nghiệp hóa và hiện đại hóa lôi kéo hàng vạn người di cư, rời bỏ quê hương đến tìm công ăn việc làm ở các khu công nghiệp, ở nhà máy công trường khắp cả nước. Hàng triệu người nông dân kéo nhau đến các thành phố lớn như Hà Nội, Sài Gòn, Đà Nẵng, Hải Phòng... Ngày nay, ly tán trong nước hay ra nước ngoài, thì điều kiện thông tin với hệ thống mạng toàn cầu, với internet, điện thoại di động…ngày càng phát triển, phần nào khắc phục được sự khủng hoảng của xa cách. Nhưng không phải ai cũng có tiền để đủ chi phí cho những dịch vụ thông tin, đủ để chi phí cho giao thông. Đặc biệt là vé máy bay đi về Việt Nam. Thường thì hết hạn lao động mới được về. Trong số những người ly tán, xa gia đình, xa Tổ quốc để kiếm sống có hàng chục nghìn cô gái đi làm dâu xứ người. Nhiều sinh viên, nghiên cứu sinh ra nước ngoài học tập thành tài nhưng đã không trở về Tổ quốc. Phần lớn người ra đi, người ở lại không còn bị ràng buộc bởi giáo lý và đạo đức khắt khe của Khổng giáo. Thế hệ này được giáo dục và chịu ảnh hưởng lớn của Toàn cầu hóa và Thông tin đại chúng (Mass Media). Họ đang là công dân toàn cầu với những nhu cầu cá nhân ngày càng lớn. Mối liên hệ ràng buộc của quốc gia dân tộc, gia đình với họ không còn sâu nặng như xưa. Tuy vậy, ly tán càng dễ xảy ra thì việc đổ vỡ quan hệ vợ chồng và gia đình càng dễ xảy ra. Bao giờ thì người Việt Nam mới thôi ly tán?.
Lê Thị Hạnh Liên0 đã tặng
Hãy liên hệ với chúng tôi qua số điện thoại: 0988827920 (Ngô Ngọc Luận), nếu bạn có nhu cầu thưởng thức những ấn phẩm của Văn nghệ Thái Nguyên.
Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...