Thứ năm, ngày 19 tháng 09 năm 2024
08:16 (GMT +7)

Lễ gọi vía cho trẻ thơ

VNTN- Đến các bản làng người Tày - Nùng ít nhiều bạn sẽ gặp những lễ thức sinh hoạt văn hóa gắn với tâm linh như: cầu yên, giải hạn gọi vía… Và với lễ gọi vía trẻ thơ là một trong những nét đẹp văn hóa độc đáo, đậm tính nhân văn của người Tày - Nùng

Cảnh cầu xin vía con trẻ về thân

Theo quan niệm của người Tày - Nùng thì con người ta tồn tại được khỏe mạnh là do phần vía người và phần xác luôn gắn chặt với nhau. Song vía người thỉnh thoảng rời thân xác đi du ngoạn không về nhập vào xác nên người sinh ra ốm đau, bệnh tật. Muốn người khỏe mạnh phải mời thầy Tào, bà Phựt đến nhà tổ chức lễ gọi vía về nhà nhập vào thân thể để người khỏe mạnh. Trong đó lễ gọi vía cho trẻ thơ được nhiều gia đình tổ chức. Đây là một trong những nét đẹp trong sinh hoạt văn hóa mang tính tâm linh của người Tày - Nùng thể hiện sự quan tâm của gia đình cộng đồng đối với trẻ thơ.

Ý nghĩa và các bước gọi vía trẻ

Con cái là những bông hoa vàng (con trai) hoa bạc (con gái) do mẹ Hoa trên cõi trời ban cho các cặp vợ chồng chốn dương gian. Khi trẻ được sinh ra, căn cứ vào ngày tháng năm sinh của trẻ mà các bậc cha mẹ xem mệnh trẻ có rơi vào “Hạn con quan” hay không. Trẻ sinh vào “Hạn con quan” thì gia đình cần tổ chức ba năm giải hạn một lần. Hạn con quan là vía trẻ bị quan trời năm giữ nên gia đình quan tâm gọi vía trẻ về tụ vào thân để trẻ khỏe mạnh.

Lễ gọi vía cho trẻ được tổ chức đơn giản gọn nhẹ trong gia đình nhưng nhất thiết phải có họ hàng bên ngoại. Khi đến ông bà ngoại có rượu, đĩa xôi cẩm và con gà giò để cúng mẹ Hoa, nhờ mẹ trông nom phần vía con trẻ.

Chuẩn bị cho cuộc lễ, gia chủ ủ một hũ rượu ngọt, miệng hũ bịt giấy hồng để dâng cho mẹ Hoa.

Các lễ vật gồm: mâm cỗ chay và mâm cỗ tạp, mâm hoa (cúng vía trẻ) gồm một khay gạo có cắm cây hoa bằng giấy màu ở giữa. Bốn góc mâm đặt xôi thịt bánh kẹo… Một túi nải đựng áo vía cả nhà, trong túi nải áo có đặt gói xôi nhỏ cùng gói kẹo hoa quả (đồ ăn cho vía áo).

Tiến trình của lễ gọi vía trẻ qua các bước: Báo tổ tiên, xin binh mã, tẩy uế, đang lễ vật cho các vị bề trên, giải hạn rồi đến mục gọi vía trẻ về nhập vào thân xác.

Lấy một chiếc mâm gỗ vuông, đặt cây hoa được cắt giấy màu ở giữa. Người tham gia vun hoa gồm bốn họ ngồi bốn góc mâm, trước mặt họ đặt túi gạo và tiền, số gạo và tiền này do bốn họ đem từ nhà đến để vun hoa cho trẻ. Trên mâm có bốn bát nhỏ đặt xôi và mấy miếng thịt.

Phựt hát khúc ca cầu vía. Phựt hát hết một khúc thì bốn người lại vốc gạo trong túi trước mặt vun vào gốc cây hoa trong mâm. Kế đó ăn hết xôi và thịt đặt ở trước mặt rồi rót rượu chuyền tay nhau uống (thể hiện trẻ ăn uống ngon miệng). Khi gốc cây hoa đã được gạo vun đầy, Phựt dùng hai sợi dây ba màu vắt chéo qua ngọn cây hoa và buộc xuống bốn góc mâm gạo vía (Dây trường sinh giữa vía trẻ).

Trò chơi đánh khăng, đánh cờ khi gọi vía

Đánh khăng là trò chơi truyền thống của trẻ em miền núi. Trong cuộc lễ để gọi vía trẻ về Phựt cùng bốn người chơi trò đánh khăng. Trò chơi mang tính vui vẻ để khuyến khích vía trẻ thấy vui vẻ hấp dẫn mà trở về nhập vào thân xác. Mỗi người tay cầm một chiếc quạt giấy khép lại, Phựt cầm bộ xóc (ngựa đi đường) mọi người chấm gốc đầu quạt xuống chiếu theo nhịp của chùm xóc. Tiết tấu xóc càng nhanh thì người chấm quạt càng nhanh. Vừa chấm quạt, mọi người vừa dùng quạt hẩy quạt nhau, tiến tới người nọ tranh người kia chùm nhạc xóc trong tay Phựt để tăng tiết tấu xóc, khiến những người đánh khăng cười ngả nghiêng, người thì rơi khăn vấn đầu, kẻ rơi mũ…

Gọi vía ở vùng miền Tây Cao Bằng

Nếu lễ gọi vía diễn ra mùa xuân, từ tháng Giêng đến tháng Ba thì có mục gọi vía trẻ, còn gọi là đánh cờ - “Tức cớ”. Nội dung của mục lễ này là câu lấy vía trẻ siêu tán ở các nơi về tụ vào thân xác trẻ. Dùng giấy màu gấp bốn con chin én, cắt mười hai bông hoa giấy đủ các màu, mười hai đồng tiền cổ tròn giữa có lỗ vuông bằng giấy màu và lá bưởi. Nếu gọi vía trẻ dưới nước thì gấp thêm hai con cá. Dùng chỉ xâu làm hai chùm gồm các con vật: con cá, đồng tiền, bông hoa, con chim én thành xâu rồi buộc sợi chỉ xâu đó vào ngọn cây hương có gắn lưỡi câu bằng thép nhỏ.

Gọi vía tiến hành như sau. Đầu tiên trải tờ giấy màu to trên tờ giấy đặt các bông hoa giấy, chim én được cắt, gấp bằng giấy màu, thêm mấy tờ tiền (thật). Đặt hai bát gạo vía có cắm hình nhân và bông hoa Phựt đặt chiếc kéo và vật lấy âm dương.

Bà nội ngồi cạnh túi áo vía, ông ngoại ngồi bên chiếc chậu, trên chậu đặt con thuyền vía trẻ. Hai người trên tay cầm cây hương có sợi chỉ xâu chim én và hoa, dùng lưỡi câu móc lấy những bông hoa, đồng tiền và chim én ở dưới tờ giấy lên, bỏ vào cho vào túi áo vía và chiếc thuyền vía đặt trong chậu nước (vía trẻ về nhập vào áo vía).

Khi câu hương nhúng dầu đốt cho cháy (tượng trưng là ngọn đuốc soi bên âm để vía trẻ thấy đường về)... Sau khi câu hết các thứ trên tờ giấy, số hoa và tiền, chim câu cho vào túi áo vía được đặt lại cạnh mâm hương để Phựt tiếp tục mục gọi vía cả nhà về nhập vào áo vía. Kết thúc lễ, túi áo vía được cất vào buồng trẻ để, còn con thuyền vía thì được đưa lên gác buộc.

Cộng đồng người Tày - Nùng luôn nâng niu và dành cho những tình cảm đặc biệt cho trẻ em. Ảnh: Quang Khải

Mở hũ rượu dâng mẹ Hoa

Khi đến mục tạ mẹ Biooc ban hoa cho tín chủ, hũ rượu được đưa xuống mâm. Gia chủ đem đến một cây mía để cả ngọn cây mía tượng trưng là cây trường sinh bảo mệnh tín chủ, cũng là cây gây để tổ tiên chống đi lại.

Thầy cúng lúc này đóng vai là thánh thần giáng thế, thầy nâng hũ rượu trên tay ngó trước sau, xoay trái xoay phải hỏi: “Ô! Cái này cái gì nhỉ! Nó tròn tròn như tổ ong vò vẽ?”

Người dự lễ trả lời: “Phải tổ ong đấy, trong đó có mật ngọt lắm! Thầy ghé tai vào hũ rượu, lắc lư: “Không có nghe tiếng ong kêu đâu? Hay nó đang ngủ? Ừ nó đang ngủ say, ta thức lũ ong dậy kêu cho vui. Nào ong ơi! Dậy nào ong ơi!”

Thầy nói rồi tung bũ rượu lên cao quá đầu, càng lúc thầy càng tung cao, vừa tung thầy vừa xoay người theo vòng tròn đón hũ rượu. Khi tung hứng hũ rượu ba vòng, thầy dừng lại.

“Sao không thấy con ong nào bay ra nhỉ ?”

Mọi người cười đáp: “Hũ rượu ngọt thôi! Thầy ơi!”

Thầy cười vui: “Thế mà ta cứ tưởng tổ ong vò vẽ thúc nó bay ra mà chẳng thấy con nào? Vậy ra là hũ rượu ngọt à? Rượu này có ngọt không nhỉ ?”

Mọi người đồng thanh: “Mở hũ ra nếm mới biết dè!”

Thầy cúng gật gật xoay trong hũ rượu rồi đặt xuống cạnh mâm cúng. Một người cầm cây mía đưa cho thầy: “Thầy ơi! Gậy Dả Vài đây!” “Ồ! Lấy gậy Dả Vài đây để ta dâng rượu mẹ Thích ca, cô Thích đế!”

Đoạn thầy cầm lấy cây mía, dùng dao chặt lấy phần ngọn mía vát chéo như chiếc thìa rồi giơ lên miệng hũ rượu, hô lớn theo tiếng Hán cổ: “Hảo! Pu hảo (Ngọt hay không)?”

Mọi người đồng thanh đáp: “Hảo! (ngọt)”

Thầy chọc ngọn mía xuyên lớp giấy bịt hũ rượu, rồi hướng ngọn mía chấm rượu ngọt trong hũ lên mâm mẹ Hoa, kế đó rượu được múc ra bát nhỏ cúng các mâm, tổ tiên. Thầy ca bài dâng rượu tạ ơn mẹ Hoa: Tôi có việc tìm đến nhà Mẹ Hoa/ Tôi có việc tìm đến nhà bà Mụ…/ Lên hoàn ơn mẹ Biooc…/ Bù trì ba năm bú/ Nuôi dưỡng bao công lao/ Giấy tờ đã dâng lên/ Bạc tiền đưa đến phụng/ Gọi vía về nhập vào thân xác.

Phựt lấy quả trứng trong bát gạo vía trong mâm hương huơ qua trên khói hương rồi đặt dựng đứng lên mép mâm. Đoạn lấy túi áo vía đặt bên ngoài mâm đối diện với quả trứng. Phựt dùng lệnh bài gõ nhẹ xuống thành mâm.

Nếu quả trứng lăn ra ngoài rơi vào túi áo vía nghĩa là vía đã ưng thuận về. Nếu lăn vào trong thì ngược lại. Trường hợp này Phựt phải làm lại hai ba lần đến khi thành mới thôi. Gia chủ phải khẩn thiết cùng Phựt gọi vía về.

Sau lễ cây hoa trong mâm gạo vía được đưa lên ống hương mẹ Hoa cắm để mẹ Hoa chăm sóc phần hồn vía cho trẻ. Người ta tin rằng: vía trẻ được chăm sóc chu đáo có đi lang thang siêu tán nơi đâu cũng biết đường trở về nhập vào thân xác. Số gạo mọi người đem đến được dâng lên bàn thờ sau đó đem nấu cho trẻ ăn .                

Những bông hoa của Mẹ Hoa cõi Trời ban xuống cho người cõi đất cần được chăm sóc chu đáo để trẻ: Ăn như con Dúi/ ngủ như con Thon/ Lớn như ngọn Đa/ Cao như ngọn trám… con gái vốc nước thành hoa, để con trai thông hiểu chữ nghĩa…

Triệu Thị Mai

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy