Thứ tư, ngày 27 tháng 11 năm 2024
23:32 (GMT +7)

Hố thẳm giữa nhà thơ và nhà phê bình

VNTN - Ai cũng nhìn ra khoảng cách thăm thẳm giữa nhà thơ và nhà phê bình. Từ góc độ bản thể luận, giữa mỗi cá nhân luôn luôn là hố thẳm. Tuy nhiên, một khi cá nhân vừa mang trong mình di chỉ của giống loài (loài người) - là một cái tôi sinh học - văn hóa, vừa có khả năng khai mở vừa luôn tự đóng kín, nhà thơ và nhà phê bình còn đeo mang thêm sứ mệnh của “loài nghệ sĩ” với “cái tôi lừng lững”, nên vực thẳm dường như cứ hun hút và dài rộng thêm ra.

Nhà thơ trong tư cách chủ thể là một cái tôi cực đoan. Nói đúng hơn thì cái tôi cực đoan chính là hình dung căn bản về thi sĩ. Ai đó có thể biện minh về những sứ mệnh bên ngoài của nhà thơ và thơ, nhưng trong thực tế, thi sĩ chỉ phô bày thế giới của cái tôi, từ cái tôi quy chiếu lên tồn tại. Hiện hữu thi ca đồng nghĩa với hiện hữu cá nhân trong chiều kích đầy đủ nhất, xác đáng nhất. Thực tại “khách quan” chỉ là điểm gợi dẫn, là khởi đầu cho quá trình kiến tạo một thực tại khác: thực tại thi ca. Toàn bộ thế giới mà ta gọi là khách quan được thi sĩ cảm nhận, tích lũy, uẩn nhưỡng trong tâm tư, dồn nén trong xúc cảm và ý nghĩ, chờ một khoảnh khắc nào nó lóe lên thành tứ thơ. Khi đó, thực tại thi ca mới bắt đầu được nhen nhóm. Tuy nhiên, không phải cứ mô tả lại thực tại khách quan hay biểu đạt một cách hồn nhiên thực tại bên trong của chủ thể là chúng ta có thơ. Điều quan trọng làm nên hình thức thể loại, chính là phương thức thể hiện, là sự “lựa chọn” (R. Jakobson) để biểu đạt trạng thái cực đỉnh ấy trong cơ cấu tâm lý - tình cảm của chủ thể sáng tạo. Ý muốn biểu tỏ trạng thái bên trong của cái tôi bằng cách nào cho chúng ta thể loại đó. Với thơ, nhịp điệu, nhạc tính, thi ảnh và lớp ngôn từ giàu sức biểu cảm chính là những yếu tố mang tính căn cước của thể loại. Vần, khổ trong thơ có thể không thực sự quan trọng, nhưng nếu không có nhịp điệu, nhạc tính, thi ảnh và ngôn từ gợi cảm sẽ không có thơ, không phải là thơ. Do vậy, xét về mặt nguyên lý, “lựa chọn” hình thức phô bày là căn tính của nghệ thuật, quy định đến tồn tại của thể loại và qua đó làm hiện sinh một chủ thể sáng tạo. Ví như, cũng là cảm thức cô đơn của cái tôi Thơ mới, Xuân Diệu bày tỏ: Ta là một, là riêng, là thứ nhất/ Không có chi bè bạn nổi cùng ta (Hy Mã Lạp Sơn), Huy Cận thì: Một chiếc linh hồn nhỏ/ Mang mang thiên cổ sầu (Ê chề), Hàn Mặc Tử lại đớn đau ghê rợn: Chao ôi! Ghê quá trong tư tưởng/ Một vũng cô liêu cũ vạn đời (Cô liêu),… Kẻ là ngọn cô sơn, người là một vũng cô liêu, một linh hồn đơn chiếc, nhưng tất thảy đều cô độc, lẻ loi. Sự lựa chọn nhịp điệu, hình ảnh và lớp ngôn từ biểu cảm ấy đã thể hiện một cách đắc địa trạng thái tinh thần của chủ thể - cái tôi cô đơn, u buồn, lạc lõng trong Thơ mới. Tuy vậy, giữa những cái tôi ấy vẫn giăng ra muôn vàn khoảng cách. Xuân Diệu không chấp nhận nổi Hàn Mặc Tử, Hoài Thanh - đem hồn ta để hiểu hồn người mà cũng đành “thúc thủ” trước Hàn Mặc Tử, Chế Lan Viên, Đinh Hùng... Sáng tạo của thi sĩ là quá trình đi tìm những nguồn mỹ cảm, khoái lạc từ sâu trong bản thể. Bởi vậy, càng đi họ càng rời xa những quang cảnh của cộng đồng thực tại. Hố thẳm giữa những cái tôi vì thế cứ sâu rộng mãi. Mọi cách nói tỏ ra tri âm dường như đều hàm chứa những thỏa hiệp về/ trên một bình diện, một khía cạnh nào đó của hiện hữu. Thi sĩ đi tìm mình trong thăm thẳm riêng tư, biệt lập, cất lời từ những hình dung của cái tôi bản thể không chấp nhận sự cũ kỹ, vay mượn hay sao chép. Có lẽ, trong một mô tả của mình, Phan Ngọc đã cảm nhận được hố thẳm ấy khi ông cho rằng: thơ là hệ thống ngôn từ được sắp xếp một cách quái đản. Cái quái đản ấy thực ra là cảm nhận của kẻ khác, còn với thi sĩ, cái gì nó nói cũng đều có cả (ý Chế Lan Viên).

Nhà phê bình trước hết là một cá thể, một người đọc thông thường sau nữa mới là một người đọc trên cấp độ tinh anh. Nghĩa là, ở giữa nhà phê bình với các thực thể khác cũng đầy hố thẳm. Trong quan hệ với nhà thơ, nhà phê bình giống như một thám tử. Từ tham vọng khai mở thế giới đóng kín của thi sĩ đến hy vọng gặp gỡ và giao tiếp - trong tư cách kẻ khác, nhà phê bình bắt đầu hành trình của mình. Trong cách hình dung thông thường về phê bình, người ta hiểu công việc này như là quá trình đọc và đưa ra những thẩm bình, phân tích, đánh giá về các giá trị của tác phẩm nghệ thuật. Tuy nhiên, đó dường như mới chỉ là công việc ở giai đoạn đầu hoặc chỉ là một khía cạnh của hiện hữu phê bình. Trong nghĩa này, nhà phê bình là một người đọc bậc cao, với nhiệm vụ đánh giá, thẩm định chất lượng thẩm mỹ, nghệ thuật, tư tưởng trong các tác phẩm, từ đó sắp xếp, hình thành trật tự giá trị của các diễn ngôn nghệ thuật. Nếu chỉ như thế thì đương nhiên, sẽ hình thành các diễn ngôn phê bình có tính chất tri âm, nghĩa là thấu hiểu được thế giới trữ tình của thi sĩ đến ngọn ngành. Tuy nhiên, như chúng tôi đã nêu lên, hành trình của nhà phê bình về thực chất là hành trình đưa hai bản thể (nhà phê bình và thi sĩ) ngày càng xa nhau. Tại sao vậy? Phê bình trong ý nghĩa sâu xa nhất của hành vi này cũng là quá trình tìm kiếm chính mình. Thi sĩ và thi phẩm chỉ là đối tượng của phê bình ở tầng thứ nhất. Kể từ lần gặp gỡ đó, thi sĩ, thi phẩm như một cảm hứng, một nguyên cớ, gợi dẫn, thách thức, thôi thúc chủ thể phê bình dấn bước đi tìm bản lai diện mục của mình. Nói rõ hơn, từ việc phê bình, chủ thể đọc kiến tạo sự hiện hữu của mình. Trương Chính hiện hữu từ Dưới mắt tôi đầy táo bạo đến mức ngông nghênh, Hoài Thanh qua Thi nhân Việt Nam trở thành một tượng đài của phê bình ấn tượng Việt Nam, Lê Tuyên là điển hình của phê bình hiện tượng luận, Đỗ Long Vân là minh chứng sự hiện hữu của phê bình cấu trúc luận,… Gần hơn, Trần Đình Sử trong khía cạnh một nhà phê bình (dù ông thực ra là một Giáo sư đại học, thiên về nghiên cứu lý luận, lý thuyết) hiện hữu như một tượng đài của phê bình thi pháp học, Nguyễn Đăng Mạnh hiện lên “sắc” và “sáng” (Chu Văn Sơn) bằng những suy ngẫm bền bỉ về tư tưởng nghệ thuật và phong cách học,… Đến đây, chúng ta thấy rằng, ý định gặp gỡ và giao tiếp với thi sĩ dẫn nhà phê bình đi xa hơn (từ tham vọng của chính anh ta) trên hành trình tìm kiếm dung mạo của mình. Điều này càng được cổ vũ mạnh mẽ bởi mỹ học tiếp nhận trong tinh thần xem xét đời sống - ý nghĩa tồn tại của tác phẩm nghệ thuật được quyết định bởi người đọc. Như thế, phê bình làm hiện lên chân dung nhà phê bình bên cạnh (hoặc) đằng sau chân dung nghệ thuật của thi sĩ. Trên thực tế, dù có nhiều nhà thơ và nhiều nhà phê bình, nhưng hiện diện như là một tiếng nói, một giá trị, một chân dung trong đời sống văn chương nghệ thuật lại không nhiều (bản thân điều này đã là một hố sâu thăm thẳm).

Như đã nói ở trên, thi sĩ và thi phẩm chỉ là điểm gợi dẫn, “chập nổ” để lóe lên những dự phóng cho hành trình tiếp theo. Do đó, trong hình dung sâu xa nhất, hố thẳm ngày một sâu hơn, rộng hơn trên mỗi bước chân của thi sĩ và nhà phê bình. Có thể, một lần nào đó họ gặp nhau, nhưng ý thức về sự tồn tại, hiện hữu lập tức gióng lên hồi chuông cảnh tỉnh, khiến cho hai chủ thể lập tức phải vội vã lên đường. Từ kinh nghiệm cá nhân, lần thứ nhất, tôi gặp Mai Văn Phấn trong hình hài một nhà thơ trẻ, với những run rẩy, mơ màng khá thuần hậu (quãng giữa những năm 90), rồi sau đó Mai Văn Phấn vụt đi, tìm mình trong không gian của những hoang tưởng, những mộng mê đầy nghi hoặc và đau đớn (quãng những năm 2005 - 2010), rồi lại cũng rất nhanh, anh tiến đến một vùng tĩnh lặng của sự cảm thấu và minh triết (quãng 2011 - 2015),… Hành trình đó làm nên những gương mặt của Mai Văn Phấn trong dòng chảy của thời gian. Và đương nhiên, hành trình đọc cũng giúp tôi nhận ra mình giữa đám đông những khuôn mặt khác trong đời sống phê bình đương đại. Sự gặp gỡ và hân hoan với điều cảm biết mang tính ổn định là cái chết của hiện hữu. Do vậy, cần phải lên đường để kiếm tìm hay đúng hơn là nuôi dưỡng sự hiện hữu. Nhà phê bình sau khi gặp gỡ với thi sĩ, cần phải mở rộng những hành trình khác để nối kết vào văn hóa, thẩm mỹ, lịch sử, khoa học, mỹ học của cá nhân, cộng đồng, thời đại, quốc gia, nhân loại,… Hành trình đó rất xa, xa hơn những chạm gặp ban đầu, khiến cho cái duyên sơ khởi chỉ còn như là một tiếng vọng qua hố thẳm.

Văn là người hiện hữu người từ trong văn, mà văn chương là nghệ thuật của ngôn từ. M. Heidegger gọi ngôn ngữ là ngôi nhà của tồn tại trên tinh thần như thế. Diễn ngôn thơ và diễn ngôn phê bình kiến tạo nên hình hài của hai chủ thể khác nhau: thi sĩ và nhà phê bình. Tuy nhiên, trong tận cùng của ý niệm dự phóng, hai chủ thể này không bao giờ muốn gặp nhau, muốn bị xác lập hay định nghĩa, định danh. Luôn dấn bước để tìm kiếm mình đưa nhà phê bình và thi sĩ rời xa nhau, thậm chí xa lạ với nhau ngay khi vừa gặp gỡ. Cơ cấu ấy, thật kỳ lạ, lại chính là động lực, là nguyên lý của sáng tạo, nguyên lý của hiện hữu văn chương và bản sắc cá thể.

Nguyễn Thanh Tâm

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy