Hành trình thơ của nhà thơ đoạt giải Nobel Văn học 2020
(Bài viết của Hội thi ca Hoa Kỳ về nhà thơ Louise Glück Vương Trung Hiếu dịch)
Louise Glück sinh ra ở thành phố New York vào năm 1943 và lớn lên ở Long Island. Bà theo học trường Cao đẳng Sarah Lawrence và Đại học Columbia. Được nhiều người công nhận là một trong những nhà thơ đương đại tài năng nhất của nước Mỹ, Glück nổi tiếng với kỹ thuật thi ca chính xác, nhạy cảm và có cái nhìn sâu sắc về sự cô đơn, mối quan hệ gia đình, ly hôn và cái chết. Nhà thơ Robert Hass đã gọi bà là “một trong những nhà thơ trữ tình thuần khiết nhất và thành công nhất hiện nay”. Tháng 10 năm 2020, bà đoạt giải Nobel Văn học “cho giọng thơ không thể nhầm lẫn với vẻ đẹp đơn sơ khiến sự hiện hữu cá nhân trở nên phổ quát”.
Nữ nhà thơ người Mỹ Louise Glück (Ảnh: internet)
Glück là tác giả của 12 tập thơ, bao gồm những tuyển tập gần đây như: Đêm chung thủy và đức hạnh (Faithful and Virtuous Night, 2014), đoạt Giải thưởng Sách Quốc gia; Những bài thơ giai đoạn 1962 - 2012 (Poems 1962 - 2012, 2012) và tuyển tập tiểu luận Tính chất gốc Mỹ (American Originality, 2017) đoạt Giải thưởng Sách của Thời báo Los Angeles.
Những tập thơ đầu tiên của Glück kể về nhân vật đấu tranh với hậu quả của những cuộc tình thất bại, những cuộc chạm trán gia đình khốc liệt với sự tuyệt vọng hiện tồn; phần sau của chúng lại tiếp tục cho thấy sự khám phá nỗi thống khổ của bản thân.
Tập thơ đầu tay của bà, Con đầu lòng (Firstborn, 1968), được công nhận nhờ khả năng kiểm soát kỹ thuật cũng như những ám ảnh về sự cô lập, đầy bất mãn của bà. Trên tạp chí New Republic, Helen Vendler đã nhận xét về cách kể chuyện của Glück trong tập thơ Ngôi nhà trên đầm lầy (The House on Marshland, 1975) như sau: “Những câu chuyện bí ẩn của Glück mời gọi sự tham gia của chúng ta: tùy theo từng trường hợp, chúng ta phải điền vào câu chuyện, biến mình thành những nhân vật hư cấu, tạo ra một kịch bản mà từ đó ta có thể nói ra lời thoại của bà ấy, giải mã nội dung, “giải quyết” câu chuyện ngụ ngôn”.
Những bài thơ của Glück trong các tuyển tập như Con đầu lòng, Ngôi nhà trên đầm lầy, Khu vườn (The Garden, 1976), Hình ảnh mất dần (Descending Figure, 1980), Chiến thắng của Achilles (The Triumph of Achilles, 1985), Ararat (1990), và Hoa diên vỹ dại (The Wild Iris, 1992) đã giúp bà đoạt giải Pulitzer. Những tập thơ này đưa độc giả vào cuộc hành trình nội tâm bằng cách khám phá những cảm xúc sâu kín nhất, gần gũi nhất của họ. Khả năng sáng tạo thơ của Glück mà nhiều người có thể hiểu, đồng cảm và trải nghiệm một cách nồng nhiệt, hoàn toàn bắt nguồn từ ngôn ngữ và giọng điệu thơ thẳng thắn đến khó tin của bà. Trong một bài đánh giá về tập thơ Chiến thắng của Achilles của Glück, biên tập viên Wendy Lesser đã chú giải trên tờ Washington Post Book World rằng ““trực tiếp” là từ có hiệu lực ở đây: Ngôn ngữ của Glück rất thẳng thắn, gần giống với cách diễn đạt của lời nói thông thường. Tuy nhiên, sự lựa chọn cẩn thận của bà về nhịp điệu, sự mô phỏng, tính chất đặc thù và ngay cả những cụm từ thành ngữ mơ hồ của bà cũng mang lại cho thơ của bà một sức nặng khác xa so với lối nói thông tục”. Lesser tiếp tục nhận xét: “sức mạnh của giọng điệu đó phần lớn bắt nguồn từ việc tự cho mình là trung tâm - nói theo nghĩa đen, vì những từ ngữ trong thơ của Glück dường như trực tiếp đến từ trung tâm của bản thân bà”.
Do Glück viết rất hiệu quả về sự thất vọng, ruồng bỏ, mất mát và sự cô lập, nên những nhà phê bình thường ám chỉ rằng thơ của bà “ảm đạm” hoặc “tối tăm”. Don Bogen - nhà phê bình của tờ The Nation - cảm nhận “mối quan tâm cơ bản” của Glück chính là “sự phản bội, tỷ lệ tử vong, tình yêu và cảm giác mất mát đi kèm theo nó… Sâu kín trong tâm hồn, bà là nhà thơ của một thế giới sa ngã”. Độc giả và nhà phê bình kinh ngạc trước món quà mà Glück đã tạo ra bằng thơ với chất lượng như mơ, đồng thời đề cập đến thực tế của những chủ thể đầy cảm xúc đam mê. Trên tờ Los Angeles Times Book Review, Holly Prado đã tuyên bố về tập thơ Chiến thắng của Achilles (1985) rằng “bà có một giọng điệu không thể nhầm lẫn, vang vọng, mang đến cho thế giới đương đại của chúng ta một quan niệm mà trong đó thi ca và tầm nhìn hòa quyện vào nhau”. Hoa diên vỹ dại (1992), tập thơ đoạt giải thưởng Pulitzer của Glück, thể hiện rõ nét thi pháp có tầm nhìn xa của bà. Tập này gồm ba phân đoạn, lấy bối cảnh trong một khu vườn có ba giọng nói tưởng tượng: những bông hoa nói với người làm vườn - nhà thơ, người làm vườn - nhà thơ, và một nhân vật thông tuệ, tri kiến. Trong New Republic, Helen Vendler đã mô tả cách “ngôn ngữ của Glück làm sống lại khả năng khẳng định cao, sự khẳng định vững vàng. Tuy nhiên, những lời khẳng định đó thường khiêm tốn, giản dị, bình thường. Nó không phải là tiếng nói tiên tri xã hội mà là lời tiên tri về tâm linh - một giọng điệu mà không nhiều phụ nữ có đủ dũng cảm để tuyên bố”.
Tập thơ Meadowlands (1996) của Glück lấy chất liệu từ thần thoại Hy Lạp và La Mã. Tập này sử dụng giọng điệu của vua Odysseus và hoàng hậu Penelope để tạo ra “một loại thử nghiệm hùng biện cao - thấp trong nghiên cứu hôn nhân”- Deborah Garrison đã viết như thế trên tờ New York Times Book Review. Garrison nói thêm rằng, thông qua “trò đùa ở ngoại ô” giữa người lang thang cổ đại và vợ của anh ta, Meadowlands đã “nắm bắt cách mà một cuộc hôn nhân tự nảy sinh giọng điệu, một tập hợp các rãnh tiếng nói chung không thể tách rời với những tính cách cụ thể liên quan và những gì mà họ thực hiện theo cách đó”.
Vita Nova (1999) đã mang về cho Glück giải thưởng Bollingen danh giá của Đại học Yale. Trong một cuộc phỏng vấn của nhà phê bình Brian Phillips trên tạp chí Harvard Advocate, Glück nói: “Tập thơ này được viết rất, rất nhanh… Khi nó bắt đầu, tôi nghĩ, đây là một con lăn, nghĩa là bạn sẽ không ngủ, được thôi, bạn sẽ không ngủ”. Mặc dù chủ đề bên ngoài của tập thơ có vẻ là việc kiểm tra hậu quả của một cuộc hôn nhân tan vỡ, Vita Nova vẫn chứa đầy những biểu tượng được vẽ từ những giấc mơ cá nhân và những nguyên mẫu thần thoại cổ điển. The Seven Ages (2001), tập thơ tiếp theo của Glück, tương tự như vậy, có cả huyền thoại và tính cá nhân trong bốn mươi bốn bài thơ có chủ đề trải dài trong suốt cuộc đời của tác giả, từ những ký ức đầu tiên của bà cho đến sự chiêm nghiệm về cái chết. Tập thơ tiếp theo của Glück, Averno (2006) lấy huyền thoại về nữ thần Hy Lạp Persephone làm nền tảng. Những bài thơ trong tập này xoay quanh mối quan hệ giữa những người mẹ và con gái, nỗi sợ hãi của chính nhà thơ về sự già đi và câu chuyện kể về một Persephone thời hiện đại. Trên tờ New York Times, nhà thơ - tiểu thuyết gia Nicholas Christopher ghi nhận sự quan tâm đặc biệt của Glück trong việc “khai thác nguồn từ thần thoại, cái chung và cái riêng, nhằm thúc đẩy trí tưởng tượng của bà, và, với sự minh triết khó kiếm được, cùng với chất nhạc tinh tế, bà chiến đấu với những điều xưa cũ nhất của chúng ta, những nỗi sợ hãi khó tránh được - sự cô lập và lãng quên, sự tan vỡ của tình yêu, sự thất bại của trí nhớ, sự tàn phá của thể xác và sự hủy diệt của tinh thần”.
William Logan gọi tập thơ A Village Life (2009) của Glück là “sự khởi hành có tính lật đổ đối với một thi nhân sử dụng ý nghĩa nhiều hơn những gì mà bà có thể nói”. Tập thơ là sự khởi đầu chính thức đánh dấu sử chuyển mình của Glück, dựa trên những câu chữ dài để đạt được hiệu ứng của tiểu thuyết hay truyện ngắn. Tuyển tập Poems 1962 - 2012 của Glück (2012) được xuất bản để rồi đón nhận sự hoan nghênh nồng nhiệt của độc giả. Theo nhà phê bình Dwight Garner của tờ New York Times, tập thơ này cho phép người đọc cảm nhận được sự khốc liệt có “cường độ đạo đức cao trong công việc” của bà, nó cũng cho phép người đọc thấy được quá trình phát triển chủ đề và hình thức của Glück. Trên tạp chí New Republic, Adam Plunkett đã đánh giá tập thơ này: “Rất ít nhà văn chia sẻ tài năng của bà trong việc biến nước thành máu. Song những gì nổi lên từ tập thơ mới và toàn diện này - mở rộng toàn bộ sự nghiệp của bà - là chân dung của một thi nhân đã phát lộ nhiều lời cay đắng tốt đẹp, song hiện đang viết, một cách xuất sắc, với mạch văn nhẹ nhàng hơn.’
Năm 2003, Glück được vinh danh là Nhà thơ Hoa Kỳ thứ 12. Cùng năm đó, bà được bổ nhiệm làm giám khảo cho cuộc thi Những nhà thơ trẻ của trường Đại học Yale (the Yale Series of Younger Poets), một vị trí mà bà giữ cho đến năm 2010. Tập tiểu luận Chứng minh và Lý thuyết (Proofs and Theories, 1994) của bà đã được trao Giải thưởng PEN/ Martha Albrand cho Sách phi hư cấu. Ngoài Giải Pulitzer và Bollingen, bà còn nhận được nhiều giải thưởng và danh hiệu cao quý khác cho tác phẩm của mình, bao gồm Giải thưởng Văn học Lannan về Thơ, Giải Tưởng niệm nhà thơ Mỹ Sara Teasdale, Huy chương Kỷ niệm MIT, Giải thưởng Wallace Stevens, Huy chương Nhân văn Quốc gia và một Huy chương Vàng về Thơ của Học viện Văn học và Nghệ thuật Hoa Kỳ. Bà còn nhận được học bổng từ Guggenheim and Rockefeller Foundations, và từ National Endowment for the Arts. Năm 2020, bà đoạt giải Nobel Văn chương.
Hiện nay, Louise Glück làm việc tại Đại học Yale, sống ở Cambridge, Massachusetts.
(Theo Poetry Foundation)
Vương Trung Hiếu (dịch)
0 đã tặng
Hãy liên hệ với chúng tôi qua số điện thoại: 0988827920 (Ngô Ngọc Luận), nếu bạn có nhu cầu thưởng thức những ấn phẩm của Văn nghệ Thái Nguyên.
Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...