Gia tài cho con
VNTN - Đầu tháng 5 vừa qua, tỷ phú Trung Quốc Yu Pang-lin qua đời, thọ 93 tuổi; kinh doanh khách sạn và bất động sản, ông được mệnh danh là tỷ phú làm từ thiện số 1 Trung Quốc với các quỹ từ thiện chăm sóc sức khỏe, giáo dục và cứu trợ thiên tai, đã hiến tổng cộng 25 triệu NDT nhằm cải thiện sức khỏe của người dân. Từ năm 2003, Quỹ từ thiện Yu Pang-lin đã hỗ trợ phục hồi thị lực cho hơn 300 nghìn người đến từ hơn 20 tỉnh và khu tự trị khắp Trung Quốc… Năm 2010, tại một bữa tiệc, ông đã tuyên bố rằng sẽ chuyển số tài sản trị giá 9,3 tỷ NDT (khoảng 2 tỷ USD) vào ngân hàng. Số tiền này sẽ được mang đi làm từ thiện sau khi ông qua đời. Việc ông Yu qua đời và không để lại cho con cháu 1 xu khiến dư luận quan tâm, tranh cãi với nhiều luồng ý kiến khác nhau.
Theo dòng sự kiện, trên website tuoitre.vn, một bài viết mang tính “khảo sát” về suy nghĩ của người trẻ và chuyện “gia tài” khá thu hút bởi có nhiều sự quan tâm, tranh luận của độc giả. Đa số họ đều tán dương cách làm của ông Yu, cũng như của 2 trong số những người giàu nhất thế giới hiện tại là nhà đầu tư Warrant Buffet và người sáng lập Microsoft Bill Gates (khi họ đều tuyên bố dành phần lớn khối gia tài tổng cộng hơn 150 tỷ đôla cho hoạt động nhân đạo). Có ý kiến cho rằng: “cuộc sống sẽ thanh sạch, công bằng khi được xây dựng trên nền tảng năng lực lao động thay vì may mắn. Việc không để lại tiền cho con cũng chính là gìn giữ sự tự trọng, tin tưởng vào năng lực của con, là cách thương con đúng đắn. Sự bảo bọc quá mức của cha mẹ có thể khiến con cái quên mất họ có đôi bàn tay và trí óc để làm ra tiền…”. Tuy nhiên, nhiều người cũng chỉ ra thực tế, với người Việt Nam, Trung Quốc và các nước châu Á khác, cha mẹ không để lại tài sản cho con là điều khá lạ lẫm. Với phần đông người lao động, mọi nỗ lực làm việc chăm chỉ là lo cho tương lai của gia đình và con cái, họ nghĩ cách giúp ích cho xã hội tốt nhất là nuôi dạy con thành người tốt. Tỷ phú Yu Pang-lin không để lại gia tài cho con bởi bản thân con ông không cần số tiền đó, còn nếu họ khốn khó, rõ ràng ông không thể làm vậy (!?)
Từ chuyện của ông Yu, người ta liên tưởng đến chuyện “bà bán bún nghìn tỷ” Thạch Kim Phát đột tử vào năm 2011, vì không chuẩn bị di chúc nên tranh chấp thừa kế đã diễn ra từ đó đến tận bây giờ vẫn chưa ngã ngũ. Hay như vụ tranh chấp đất đai nhiều năm của anh em ruột ở Thanh Oai, Hà Nội, phải đưa nhau ra tòa hồi cuối tháng 4/2015… Người Việt với tâm lý “của để dành”, phần đông coi con cái là cả thế giới của cha mẹ, họ quan tâm đến thế giới ấy nhiều hơn là nạn đói ở châu Phi hay động đất ở Nepal. Vì thế, mỗi người đều muốn để lại cho con mình những gì tốt đẹp nhất, lo cho chúng những tấm “thảm hồng” trên con đường chúng sẽ đi qua. Trong khi đó, nếu nhìn vào cách dạy con của người phương Tây, gia đình dù khá giả nhưng con cái vẫn phải làm thêm để có tiền trang trải cuộc sống mà không nhận được trợ giúp nào từ bố mẹ. Họ coi đó là việc đương nhiên để giúp bản thân có được một cuộc sống độc lập. Có thể mọi so sánh sẽ là khập khiễng, song khách quan mà nói, chúng ta lại hoàn toàn tán thành và ủng hộ với sự tự lập, trưởng thành, tư duy chững chạc của các cô, cậu bé mới lớn ở trời Tây ấy. Và nếu người Việt bất ngờ khi biết cậu con trai Brooklyn của vợ chồng triệu phú David Beckham đi làm bồi bàn ở quán cà phê để có tiền tiêu vặt, thì người phương Tây sẽ thấy đó là việc chẳng có gì đặc biệt!
Có lẽ cách thể hiện tình yêu của mỗi nền văn hóa khác nhau, một bên coi trọng sự chở che, một bên là sự tự chủ và trải nghiệm. Việc đánh giá cách làm nào tốt và phù hợp hơn cho con cái tùy thuộc vào mỗi người. Chúng ta có thể chọn cách của bà bán bún hoặc của ông tỷ phú, hoặc cách của riêng mình. Và việc con cái sẽ trở thành người thế nào, tùy thuộc phần lớn cách làm của cha mẹ.
Thái Văn
0 đã tặng
Hãy liên hệ với chúng tôi qua số điện thoại: 0988827920 (Ngô Ngọc Luận), nếu bạn có nhu cầu thưởng thức những ấn phẩm của Văn nghệ Thái Nguyên.
Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...