Chủ đề biển trong thơ của vua Minh Mệnh
VNTN - Sinh thời, vua Minh Mệnh rất quan tâm các công việc về biển đảo như cắm mốc chủ quyền, dựng đền thờ ngoài đảo, đóng thuyền chiến, xây dựng các đài Trấn Hải, thao luyện thủy quân… Hình ảnh biển Đông và các loại thuyền chiến được khắc trên Cửu Đỉnh, tượng trưng cho sự vững bền của đất nước. Việc khẳng định chủ quyền, sai phái người đo đạc đường biển hay khai thác sản vật… cũng được nói nhiều trong chính sử. Và đặc biệt, biển là một đề tài không nhỏ trong thơ Ngự chế của vua Minh Mệnh. Trong 6 tập Ngự chế đó, có rất nhiều bài thơ viết về các đề tài liên quan đến biển.
1. Hoạt động thao diễn thủy quân, sắm sửa đóng tàu thuyền
Một đất nước có bờ biển dài như Việt Nam, vấn đề khai thác tài nguyên biển đảo, giữ vững chủ quyền, thông thương hàng hóa luôn được quan tâm. Thời vua Minh Mệnh, việc củng cố quân đội, thao diễn luyện tập thủy quân, đóng mới tàu thuyền được thực hiện thường xuyên. Việc áp dụng tiến bộ khoa học của phương Tây vào đóng tàu chiến của thủy quân triều Nguyễn là bước tiến vượt bậc so với việc đóng tàu truyền thống. Những chiếc tàu mới này là tàu máy hơi nước chạy nhanh hơn, không có mái chèo, sức mạnh của tàu có thể chở được cả ngàn cân:
Vịnh thuyền khí cơ
(Ngự chế thi lục tập, quyển 3, tờ 22-23)
Lên lầu Quan Hải lại xem thủy quân diễn tập trên thuyền đồng Đa Sách
Làm nghiêm minh kỷ luật biết mà nghiêm túc tuân theo.
(Ngự chế thi ngũ tập, quyển 3, tờ 9)
Nhân xem thủy quân luyện tập ngoài biển, nhà vua đã làm một bài thơ, trong đó đánh giá cao vai trò của thủy quân trong việc bảo vệ đất nước: “Tin rằng đây là thứ bảo vệ đất nước/ Thật là khí tài trên dòng sông lớn”. Đồng thời, lo lắng trước việc thiếu người có khả năng đảm nhiệm những công việc này, vua cho rằng cần phải đào tạo những người lính có kỹ năng giỏi, thông thạo kỹ thuật, chiến thuật để vận hành tàu.
Thuyền đồng Đa Sách được khắc trên Cửu Đỉnh nhà Nguyễn
(Nguồn: kienthuc.net.vn)
2. Vận chuyển hàng hóa bằng đường biển
Vận chuyển bằng đường thủy (đường sông và đường biển) vừa tiết kiệm thời gian vừa tăng năng suất, hiệu quả. Thời bấy giờ, tuyến vận chuyển hàng hóa chủ yếu là từ miền Bắc vào Huế và ngược lại, rồi từ Huế vào Gia Định... Nhận thấy tầm quan trọng của việc vận chuyển đường biển, nên năm Minh Mệnh thứ 17 (1836), vua đã ra chỉ dụ rằng: Đất nước ta có nhiều nơi ven biển, các thuyền thủy sư có quan hệ rất lớn tới những việc trọng yếu. Mọi cơ nghi tiến hay dừng, đều trách cứ ở thợ lái, quen thuộc đường biển nơi khó nơi dễ, gió nước thuận tiện hay không, thì thợ lái coi như là thầy của một thuyền. Lúc bình thường không việc, nếu không lựa chọn được người giỏi mà huấn luyện sẵn sàng, để đủ sai phái khi có việc, thì ví như đến lúc khát mới đào giếng, muốn đòi hỏi họ hoàn thành công việc quả thực là khó vậy. Từ trước đến nay, thuyền bè phái đi việc công, thợ lái phần nhiều lấy binh lính làm. Trong số đó hạng hơi được thông thuộc chỉ có một hai người, mà hạng không am thuộc gì thì nhiều (Quốc sử quán triều Nguyễn, Khâm định Đại Nam hội điển sự lệ, tập 7, bản dịch của Viện Sử học, Nxb Thuận Hóa, 2004, tr267). Thế nên, khi nghe tin vận chuyển đường biển năm nay thuận lợi yên ổn không xảy ra sự cố đáng tiếc, vua đã vui mừng làm một bài thơ để ghi lại việc này:
Năm này việc vận chuyển đường biển yên ổn, làm thơ để ghi lại
Quy định tốt đời đời sẽ được tuân thủ thi hành.
(Ngự chế thi sơ tập, quyển 4, tờ 16-17)
3. Đánh dẹp cướp biển, thổ phỉ trên biển
Bảo vệ biển, đánh thổ phỉ hoặc giặc cướp nước ngoài là công việc thường xuyên của thủy quân. Đó cũng là nỗi lo của vua Minh Mệnh. Chính vì vậy, khi nghe tin thắng trận ở các tỉnh ven biển báo về, từ đó khiến cho thuyền bè ngược xuôi đi lại mà không lo về nạn cướp biển, vua vui mừng như trút đi được một mối lo về sau:
Nay theo lời tâu của Quảng Yên Thự tuần phủ Lê Đạo Hoằng đánh dẹp giặc cướp biển thắng lợi, làm thơ để ghi lại việc vui
Chính là lúc quan tâm lo lắng về phía Bắc,
Bỗng nghe tin các tỉnh ven biển
nhiều lần truyền tin về.
Diệt và bắt được nhiều giặc cướp nhiều tên
đã trốn đi hết,
Giết hết nhiều tên bỏ trốn không còn
một tên nào còn sót lại.
Viết thiếp chúc mừng sóng lớn
yên ổn dẹp được mối lo về sau,
Nơi biên ải phía Bắc được xây dựng bình yên.
Đi thuyền vượt biển nhiều tàu thuyền qua lại,
Gõ mái chèo vào mạn thuyền ca tụng
nền thái bình.
(Ngự chế thi nhị tập, quyển 9, tờ 3- 4)
4. Xây dựng, sửa sang các công trình phòng thủ biển
Phòng thủ bờ biển là công việc cần thiết để bảo vệ đất nước từ phía Đông, vì vậy ở Thuận An được vua Gia Long cho xây dựng Trấn Hải đài năm 1813, bên trong thành có lầu Quan Hải. Đến năm Minh Mệnh 14 (1833), vua cho đổi từ Đài sang Thành, cốt là để khẳng định vai trò của công trình này. “Trấn Hải đài ở Kinh và Điện Hải đài, An Hải đài ở Quảng Nam đều cho đổi làm thành. Vua cho rằng các đài này đều có thành trì, trấn ngữ hùng mạnh ở bờ biển khác hẳn với các pháo đài khác, nên đặc cách cho gọi là thành. Sau đó sai đổi phát ấn đồ ký bằng đồng cho 3 thành nói trên. Ba tấn sở phòng thủ ở cửa biển là Đà Nẵng, Đại Chiêm và Đại Áp đều được đổi phát kiềm đồng, và thêm 2 chữ “Hải Khẩu” (Quốc sử quán triều Nguyễn, Đại Nam thực lục, tập 4, bản dịch của Viện Sử học, Nxb Giáo dục, 2007, tr137).
Bài thơ dưới đây đã một lần nữa khẳng định vai trò to lớn của công trình này trong việc bảo vệ đất nước.
Đài Trấn Hải
Trên đồi cát trắng xây tường tròn,
Cao sừng sững nguy nga dùng để trấn biển.
Bên trong bảo vệ sông Hương
làm vững chắc Kinh Kì,
Bên ngoài củng cố chu toàn
đến biển bột hải tỉnh Quảng Tây.
Phía Nam đến phía Bắc đi thuyền
nhiều như nêm,
Vật quý khắp nơi theo mái chèo
cùng lên thuyền.
Lo trước tính sau để lại lâu dài cho đời sau,
Nơi xứ nóng mãi mãi muôn đời
được bình yên.
(Ngự chế thi sơ tập, quyển 2, tờ 22)
Triều Nguyễn luôn luôn xem xét công trình trọng yếu để có biện pháp trùng tu, bỏ tiền để xây dựng, củng cố công trình, tránh bị bất ngờ trước sự xâm lược của kẻ thù. Khi đất nước yên bình, một số công trình phục vụ quân sự như Hỏa Phong đài trên núi Linh Thái được vua cho bãi bỏ với lý do để khoan thư sức dân. Hơn nữa việc phòng thủ bờ biển đã hiện đại hơn khi có quân đội tuần tra ngoài biển.
Năm 1840, theo lệnh vua Minh Mạng, lầu Quan Hải có thêm một chức năng là ngọn hải đăng cho tàu thuyền qua lại vùng biển nơi này, với một chiếc đèn lồng “chu vi trên dưới 7 - 8 thước, trong bồi giấy trắng, ngoài bồi bằng lụa mỏng”, treo trên chòi cao cột cờ và được thắp sáng hàng đêm. Lầu Quan Hải như một vọng gác cao trong Trấn Hải đài trông ra biển.
Lầu Quan Hải
Lên trên rừng mà như không phải lên núi,
Đi đường thủy không vượt qua biển.
Khe suối nhỏ hẹp bắn ra những tia nước nhỏ,
Không lớn bằng sông kém cả vạn lần.
Trông lên trời và trông sang bên cạnh,
Đất mới chính là có thể che chở.
Há được đi ra ngoài cõi trời đất,
Nghĩ như vẫn còn ở nơi này.
(Ngự chế thi lục tập, quyển 7 tờ 17)
Bài thơ là tấm lòng của một người đứng đầu đất nước đối với thần dân và quân lính của mình. Sự ghi nhận đó cho thấy, dù có tổn thất và đầy gian lao khi đi biển nhưng con người không bao giờ từ bỏ biển. Biển vì thế đã là nơi hóa thân của biết bao người nhằm mang lại cuộc sống bình yên và phồn vinh.
Qua một số bài thơ giới thiệu ở trên, có thể thấy vua Minh Mệnh đã có những quan tâm sâu sắc đến biển đảo đất nước. Những cảm nhận trên phương diện thi ca của vị vua này một lần nữa cho thấy, với Minh Mệnh, biển không thể tách rời khỏi lãnh thổ Việt Nam, triều đình nhà nước phải ý thức được tầm quan trọng của biển. Cương vực của đất nước kéo dài và trải rộng trên biển, vì vậy, việc khai thác, bảo vệ biển phải chu toàn, đồng thời cần có những lo xa phòng bị để tính kế lâu dài cho con cháu đời sau.
Nguyễn Huy Khuyến
0 đã tặng
Hãy liên hệ với chúng tôi qua số điện thoại: 0988827920 (Ngô Ngọc Luận), nếu bạn có nhu cầu thưởng thức những ấn phẩm của Văn nghệ Thái Nguyên.
Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...