VNTN - Có hai câu thành ngữ nói về sự nguy hại của “Bà Hỏa” mà có lẽ người Việt nào cũng biết, đó là “nhất thủy nhì hỏa”, và “thủy, hỏa, đạo, tặc”. Nhưng biết là một chuyện, phòng chống “Bà Hỏa” thế nào lại là những chuyện khác, liên quan đến rất nhiều người, nhiều cơ quan chức năng.
Vụ cháy xảy ra tại nhà CT4 ở khu đô thị Xa La Hà Nội ngày 11/10 vừa qua đã rung lên những hồi chuông khẩn thiết về việc phòng cháy chữa cháy (PCCC) trong các khu chung cư cao tầng, nơi che chở sinh mạng của hàng trăm, thậm chí hàng nghìn con người. Không chỉ tước đi sự an lành trong những ngày qua và cả sau này nữa của những cư dân ở đây, vụ cháy CT 4 đã tạo nên một hiệu ứng xã hội sâu rộng về một nỗi ám ảnh mang tên “hỏa hoạn chung cư” trong các cộng đồng dân cư đô thị.
Điều khiến cho dư luận bức xúc nhất là chủ đầu tư đã không coi trọng và thực hiện nghiêm túc các quy định về an toàn cháy nổ của cơ quan chức năng, trực tiếp là cơ quan cảnh sát phòng cháy chữa cháy. Tòa nhà dù đã được đưa vào sử dụng nhiều năm, nhưng mới chỉ có quyết định thẩm duyệt về phòng cháy chữa cháy chứ chưa được nghiệm thu, và đã từng bị cơ quan cảnh sát PCCC Hà Nội lập biên bản vi phạm hành chính vì những thiếu sót rất căn bản như: thiếu hệ thống hút khói của toàn bộ tòa nhà, thiếu hệ thống tăng áp cầu thang thoát nạn, hệ thống báo cháy đối với các tầng. Và không chỉ chung cư CT4, trước đó, một loạt tòa nhà hoặc các dự án khác của chủ đầu tư này cũng xảy ra sự cố tương tự. Vì thế, dư luận đặt câu hỏi: phải chăng chủ đầu tư chỉ lo bán nhà kiếm lợi nhuận, không lo cho sự an nguy của con người?
Vụ cháy chung cư CT4 cũng đặt ra những câu hỏi lớn về trách nhiệm của các cơ quan hữu quan. Đó là: cơ quan cấp phép xây dựng - trong việc thẩm định hồ sơ dự án xin cấp phép, trong đó bao gồm cả hồ sơ thiết kế PCCC; cơ quan cảnh sát PCCC- trong việc theo dõi kiểm tra an toàn cháy nổ trong suốt quá trình thi công công trình, kiên quyết ngăn chặn những sai phạm của chủ đầu tư; ban quản lý các dự án - trong việc quản lý và sử dụng công trình theo đúng các quy định của pháp luật.
Với những người mua nhà chung cư ở các đô thị, vụ cháy đặt ra vấn đề mới trong việc lựa chọn nhà để mua, nhất là mua chung cư giá rẻ. Đó là: nhất thiết phải tìm hiểu hồ sơ bàn giao nhà, với đầy đủ những nội dung liên quan đến toàn bộ công trình, trong đó có văn bản nghiệm thu về PCCC. Sẽ không thể có một cuộc sống an lành khi lúc nào cũng nơm nớp lo hỏa hoạn.
Còn với cộng đồng nói chung, vụ cháy cũng khiến tất cả chúng ta phải suy nghĩ về kỹ năng PCCC của mỗi người. Dường như ai cũng sợ Bà Hỏa, nhưng không mấy ai thực sự quan tâm đến việc học tập các kỹ năng thiết yếu về PCCC. Để đến khi xảy ra hỏa hoạn, phần lớn chỉ biết hô hét và gọi cứu hỏa, trong khi chỉ cần biết những kỹ năng cơ bản là có thể dập tắt đám cháy ở những phút đầu, bởi khi đã để đám cháy bùng phát và cần đến lực lượng chuyên nghiệp thì hậu quả đã vô cùng nghiêm trọng.
Tỉnh Thái Nguyên của chúng ta đang diễn ra công cuộc đô thị hóa mạnh mẽ. Nhiều nhà cao tầng đang mọc lên và sẽ còn mọc lên trong tương lai, nhiều dự án xây nhà ở xã hội cho công nhân lao động và người có thu nhập thấp đã và đang được khởi động. Những vụ hỏa hoạn mang tên CT4, Zone 9, ITC… từ các đô thị lớn là những bài học quý giá cho chúng ta trong việc tổ chức và bảo vệ không gian sống của mình. Trước hết là từ phía doanh nghiệp, sau đó là các cơ quan quản lý nhà nước trong việc xem xét, phê duyệt và thực thi các công trình công cộng, các khu chung cư. Đừng chỉ coi trọng lợi ích của doanh nghiệp mà xem nhẹ lợi ích của người dân, nhất là dân nghèo. Chỉ cần doanh nghiệp và các cơ quan hữu quan làm đúng các quy định của pháp luật thì mọi sự sẽ bớt rủi ro hơn, bởi luật pháp sinh ra là để tính mạng, tài sản của người dân được đảm bảo, luật pháp luôn đặt lợi ích của người dân lên cao nhất.
Thái Văn
Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...