Thứ tư, ngày 30 tháng 10 năm 2024
08:25 (GMT +7)

“Cảo thơm lần giở trước đèn”

VNTN -Truyện Kiều là tuyệt tác văn chương của Việt Nam và nhân loại, với sức sống mãnh liệt của nó. Văn học thế giới ít có tác phẩm nào được phổ cập rộng rãi trong công chúng như Truyện Kiều, có lẽ chỉ đứng sau Donkihote của Servantet (Tây Ban Nha). Ở Việt Nam còn hơn thế. Truyện Kiều được lưu truyền rộng rãi, liên tục từ thế hệ này sang thế hệ khác, trong mọi tầng lớp nhân dân, thành phần xã hội, mọi lứa tuổi, kể cả người mù chữ.

Nghiên cứu, phê bình Nguyễn Du và Truyện Kiều đã có hàng trăm người với khoảng 1500 công trình (Theo nhà sưu tập Lê Xuân Lít, chỉ tính đến năm 2005, đã có 1024 đơn vị công trình). Lại có thêm Hội Kiều học Việt Nam với Tạp chí Kiều học (Thế giới cũng chỉ có Hội Victor Hugo, Hội Shakespeare, Hội Goether…).

Ấy vậy nhưng mấy ai biết được Truyện Kiều còn nhiều những vấn đề cần sáng tỏ, cần “lần giở trưởc đèn”.

1. Tác giả của Truyện Kiều là ai?

Tác giả của Truyện Kiều (Đoạn trường tân thanh) là Nguyễn Du nhưng nguồn gốc khởi thủy là từ văn học dân gian Trung Quốc. Và là nhân vật dân gian nên có nhiều dị bản khác nhau.

Nhân vật Thúy Kiều cũng đã từng có trong tài liệu lịch sử, ký sự, liệt truyện Trung Quốc từ đời Minh nhưng hết sức sơ sài. Minh sử liệt truyện, Minh sử ký sự đều chép là Đời Gia Tĩnh triều Minh (Giữa thế kỷ XVI) có một bọn cướp biển do Uông Trực, Từ Hải, Trần Đông cầm đầu cướp phá miền Duyên hải, đông nam Trung Quốc. Triều đình đánh dẹp mãi không được. Tể tướng Nghiêm Tung sai Triệu Vân Hoa cầm quân đi đánh dẹp. Hồ Tôn Hiến cũng là một danh tướng trong đoàn quân này. Tổng đốc ở vùng này là Trương Kinh đã đánh nhiều trận với quân cướp, thu được nhiều thắng lợi. Triệu Vân Hoa và Hồ Tôn Hiến bày mẹo cướp công, vu tội cho Trương Kinh thông đồng với giặc nên bắt và đem chém. Hồ Tôn Hiến lên làm Tổng Đốc Triết Giang, thống lĩnh tất cả quân đội của Trương Kinh để đánh nhau với Từ Hải. Hồ Tôn Hiến biết Từ Hải có vợ là Vương Thúy Kiều xinh đẹp, được Từ Hải nể trọng nên tìm kế hối lộ, đút lót, lừa nàng, xui nàng thuyết phục Từ Hải ra hàng rồi giết chết Từ Hải. Thúy Kiều hối hận nhảy xuống sông tự vẫn.

Truyện Kiều trở thành tác phẩm văn học đúng nghĩa phải là từ Kim Vân Kiều truyện của Thanh Tâm Tài Nhân. Các nhân vật có trong lịch sử và trong dân gian chỉ là Thúy Kiều, Từ Hải và Hồ Tôn Hiến. Các nhân vật khác là do ông sáng tạo nên. Đến Đoạn trường tân thanh của Nguyễn Du thì mới có đến 33 nhân vật thực và nhiều nhân vật ảo, với tính cách, văn hóa, ngôn ngữ, trang phục, tôn giáo, đạo đức và xã hội hoàn toàn là Việt Nam, chỉ có tên riêng (Thúy Kiều, Thúy Vân, Từ Hải…), địa danh (Lâm Tri, Bắc Kinh, Lâm Thanh, Tiền Đường…) là từ Trung Quốc. Các nhân vật như Tú Bà, Thúc Ông, Thúc Sinh, Hoa Nô, Họ Chung, Họ Đô, Thằng bán tơ, Ưng, Khuyển, gia đồng, sai nha, Mã Kiều… thì chẳng có gì dính dáng đến Trung Quốc nữa.

Nhưng cuốn Kim Vân Kiều truyện hiện nay cũng không còn bản chính nữa mà chỉ lưu lại bản sao ở thư viện Đại học Bắc Kinh. Bản này cũng là sao chụp lại từ một bản của Thư viện Đại Liên (Nhật Bản) với tên tác giả là Thiên Hoa tàng chủ nhân. Thiên Hoa tàng chủ nhân, nhiều người cho là bút danh của Thanh Tâm Tài Nhân, tên thực là Từ Chấn sống vào thời gian cuối nhà Minh, đầu nhà Thanh(1).

2. Truyện Kiều có bao nhiêu nhân vật?

Ba nhân vật do văn học dân gian và lịch sử để lại là Lý Thúy Kiều, Từ Hải và Hồ Tôn Hiến. Nhân vật Thúy Kiều được dân gian hóa nhiều nhất.

Chuyện kể về tình yêu đầy sóng gió và trắc trở của một người kỹ nữ xinh đẹp, tài hoa tên là Lý Thúy Kiều với một tướng cướp là La Sinh được Đới Sỹ Lâm (đời Minh) ghi lại trong Lý Thúy Kiều truyện.

Thúy Kiều mang họ Lý, là người yêu của La Sinh nhưng duyên phận không thành. La Sinh phiêu bạt giang hồ rồi trở thành môn khách của Hồ Đại tư mã là viên quan trấn thủ đất Việt đang đánh nhau với giặc cướp Từ Hải. Lúc này Lý Thúy Kiều đã yêu Từ Hải. Hồ Đại tư mã sai La Sinh đi chiêu hàng Từ Hải. Từ Hải không chịu hàng, bắt La Sinh giữ lại làm con tin rồi tự mình đến doanh trại Hồ Đại tư mã thương lượng. Hồ Đại tư mã mở tiệc chiêu đãi, hứa hẹn phong quan tước cho Từ Hải. Từ Hải xiêu lòng ra về. Vì Từ Hải mải rượu chè ở tiệc của Hồ Đại tư mã nên về chậm hơn giao hẹn lúc ra đi. Quân lính lôi con tin La Sinh ra chém thì đột ngột Lý Thúy Kiều nhận ra hắn là người yêu cũ nên xin tha cho. Nhờ vậy mà La Sinh thoát chết. Tối hôm đó Thúy Kiều khuyên Từ Hải đầu hàng, Từ Hải đồng ý thì Hồ Đại tư mã tấn công Từ Hải. Do không phòng bị và bất ngờ nên thất thủ. Từ Hải và Thúy Kiều bị bắt. Từ Hải bị chém đầu, Thúy Kiều cầu khẩn La Sinh, van lạy nhờ anh ta xin cho nhưng La Sinh im lặng, quay mặt. Nàng kêu lên: “Ta đã lầm La Sinh, phụ Từ Hải. Nay mới chết là đã quá muộn”. Nàng bị chém ở chợ.

Thế kỷ XVI, đến đời Thanh (dưới thời Khang Hy), một nhà văn khác là Dư Hoài dựa trên cốt chuyện này, đã sáng tạo và hư cấu nên Vương Thúy Kiều truyện (được in trong sách Ngu sơ tân chí). Nội dung và cốt truyện gần giống trên nhưng có thêm nhiều chi tiết khác. Vương Thúy Kiều là Kỹ nữ xinh đẹp, có nhiều tài yêu một một khách làng chơi hào hiệp là La Long Vân. Khi đó Từ Hải, một tên cướp thất thế, không chốn nương thân, phải trốn ở nhà Thúy Kiều, nhờ vậy mà kết thân với La Long Vân. La Long Vân ra đi tìm sự nghiệp, trở thành tướng của Hồ Tôn Hiến, Từ Hải trở thành tướng cướp lẫy lừng và lấy Thúy Kiều làm vợ. Hồ Tôn Hiến được cử đi dẹp giặc cướp Từ Hải. Hắn sai La Long Vân gặp lại Thúy Kiều nhờ nàng khuyên Từ Hải quy hàng. Hồ Tôn Hiến không có dã tâm giết Từ Hải vì nể Thúy Kiều nhưng cấp trên là Triệu Vân Hoa thúc ép nên Hồ Tôn Hiến bắt cấp dưới là Du Đại Do bất ngờ tấn công doanh trại của Từ Hải. Từ Hải chống cự quyết liệt nhưng thất thế phải nhảy xuống sông và bị vớt lên chém đầu. Vương Thúy Kiều cũng tự vẫn(2).

Ngoài ra, các tác giả Thanh Tâm Tài Nhân và Nguyễn Du đã hư cấu nên nhiều nhân vật, có thể tạm chia như sau:

Các nhân vật có tên: Đạm Tiên, Kim Trọng, Vương Quan, Thúy Vân, Hoạn Thư, Sư Tam Hợp, Giác Duyên, Thúc Kỳ Tâm (Thúc Sinh), Bạc Hạnh, Sở Khanh.

Các nhân vật ảo: Người Khách viễn phương (câu 67-78, tìm đến Đạm Tiên nghe hát. Nàng đã chết, ông “Sắm sanh nếp tử xe châu,… Bụi hồng một nấm mặc dầu cỏ hoa” cho nàng); người Tướng sĩ (thầy tướng, câu 114, “Có người tướng sĩ đoán ngay một lời”); Đạo nhân (thầy bói, câu 1689-1698, “Đạo nhân phục trước tỉnh đàn… Muốn nhìn mà chẳng dám nhìn lạ thay”).

Các nhân vật được gọi bằng nghề nghiệp: Mã Giám Sinh (Giám Sinh họ Mã), Thúc Sinh (sinh viên họ Thúc); Họ Đô, Họ Chung, thằng Bán tơ, Ưng, Khuyển, Sai nha, Đạo nhân, Ả Hoàn, Quản gia, Hoa tỳ, Hoa Nô, Người Đàn việt, Xuân, Thu (câu 1924, “Xuân, Thu cắt sẵn hai tên hương trà”), Quan tòa (câu 1409, “Trông lên mặt sắt đen sì”), Thổ quan (ông quan người dân tộc thiểu số).

Các nhân vật được gọi bằng tuổi tác: Thúc Ông (ông già họ Thúc), Vương Ông (ông già họ Vương), Vương Bà (bà già họ Vương), Tú Bà (bà già họ Tú), Bạc Bà (bà già họ Bạc), Hoạn Bà (bà quan họ Hoạn).

Trong số các nhân vật này, với Truyện Kiều, Nguyễn Du đã khắc họa tài tình những phẩm chất đại diện cho một hạng người, trở thành danh từ chung của xã hội: Thúy Kiều chỉ người con gái đẹp, nết na, có tình, có nghĩa; Mã Giám Sinh buôn gái, lừa lọc, đểu giả; Tú Bà gian ác, xấu xí, nham hiểm; Sở Khanh lưu manh, lừa gạt phụ nữ; Thúc Sinh ham mê tình ái nhưng sợ vợ; Hoạn Thư ghen tuông, nham hiểm nhưng khôn ngoan hết mực… Họ ngang hàng với Tartuf, Donjoan, Romeo, Juliet, Donkihote, Hamlet, Otenlo, Werte, Ana Carenina… trong văn học thế giới.

Bìa sách Truyện Kiều bản dịch tiếng Đức

3. Truyện Kiều không chờ “Tam bách dư niên hậu”

Truyện Kiều được hoàn thành năm nào chúng ta chưa biết, lúc sinh thời Nguyễn Du đã lo lắng “Bất tri tam bách dư niên hậu/ Thiên hạ hà nhân khấp Tố Như” (Không biết ba trăm năn nữa có ai khóc Tố Như). Nhưng tác phẩm đã được xuất bản ngay khi Nguyễn Du còn sống. Người nhuận sắc đầu tiên là Phạm Quý Thích (1760 - 1825), bạn thân của Nguyễn Du đã tiên đoán: “Nhất phiến tài tình thiên cổ lụy” (Tài tình như thế thì liên lụy đến muôn đời). Quả đúng. Chẳng đợi đến 300 năm mới có người “khấp Tố Như”, mà liên tục suốt 200 năm nay Truyện Kiều đã và vẫn sôi động trong đời sống của nhân dân Việt Nam và thế giới. Truyện Kiều đã được dịch ra 31 thứ tiếng, xuất bản ở 28 quốc gia: Pháp, Anh, Đức, Mỹ, Canada, Liên Xô, Trung Quốc, Hàn Quốc, Thái Lan, Rumani, Hungary, Lào, Tây Ban Nha, Tiệp Khắc… Tác giả của nó, đại thi hào Nguyễn Du đã được Thế giới vinh danh là Danh nhân văn hóa thế giới từ năm 1965.

Văn học thế giới không có tác phẩm văn học nào được người đời nghiên cứu mổ xẻ, phân tích sâu sắc, nhiều và kỹ như Truyện kiều. Hầu như tất cả các nhà nghiên cứu, phê bình văn học, các trí thức có tiếng trong nước đều tham gia, từ Nguyễn Công Trứ, Chu Mạnh Trinh, Dương Khuê, Nguyễn Khuyến, Tản Đà, Phạm Duy Tốn, Vũ Đình Long, Nguyễn Bá Học, Phạm Quỳnh, Nguyễn Tường Tam, Huỳnh Thúc Kháng, Ngô Đức Kế…, đến Dương Quảng Hàm, Trần Thanh Mại, Vũ Ngọc Phan, Trương Tửu, Nguyễn Khắc Viện, Hoài Thanh, Phan Ngọc, Đặng Thai Mai, Nguyễn Lộc, Lê Đình Kỵ, Vũ Hạnh, Vũ Đình Trác, Thích Nhất Hạnh, Nguyễn Văn Hoàn, Vũ Đình Trá, Nguyễn Tài Cẩn… và đến thế hệ trẻ hơn hiện nay như Ngô Quốc Quýnh, Nguyễn Quảng Tuân, Trần Đình Sử, Đào Thái Tôn, Trần Nho Thìn, Lê Nguyên Cẩn…

Yêu quý Truyện Kiều đến kiện cáo, đưa nhau ra tòa như Đào Thái Tôn và Nguyễn Quảng Tuân thì xưa nay ít có.

Các nhà nghiên cứu nước ngoài nghiên cứu Truyện Kiều như Hoàng Dật Cầu (Trung Quốc) Niculin, Riptin (Nga), Valentin Lý, Yang Soo Bae, Yonosuke Takeuchi (Triều Tiên)…cũng không hiếm.

Và đặc biệt là các nhà thơ Việt Nam như Hồ Chí Minh, Tố Hữu, Chế Lan Viên, Lưu Trọng Lư, Huy Cận, Hoàng Trung Thông, Vương Trọng, Lý Phương Liên…đều có thơ về Kiều. Nguyên Tổng thống Mỹ B. Obama và nguyên Phó Tổng thống Mỹ J. Biden cũng sử dụng Truyện Kiều trong công tác đối ngoại với Việt Nam, điều này thì chắc chắn Nguyễn Du chưa bao giờ nghĩ đến!

..........................................

(1) Nguyễn Du, Truyện Kiều, GS Vũ Ngọc Khánh biên soạn, NXB. Văn hóa Thông tin. H. 2000, tr.284.

(2) Nguyễn Du, Truyện Kiều, GS Vũ Ngọc Khánh biên soạn. Sđd.

LÊ ĐÌNH CÚC

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy