Thứ bảy, ngày 21 tháng 09 năm 2024
01:40 (GMT +7)

Cần “thổi” hứng thú về cách dùng tiền cho trẻ em Việt

VNTN - Xuất phát từ nền văn hóa gốc nông nghiệp tự cấp tự túc, từ lâu, trong xã hội ta tồn tại định kiến: Tiền là nguồn gốc của tội ác, trẻ em sớm tiếp xúc với tiền sẽ “sinh hư” và thái độ xem thường đồng tiền được coi như mẫu hình của đạo đức thanh khiết… Chính vì điều này mà người Việt không có ý niệm rõ ràng về “quản lý tài chính cá nhân” và càng ít quan tâm đến vấn đề giáo dục kỹ năng tiền bạc cho con ngay từ thời thơ bé.

“Con tôi không biết tiêu tiền”

Chị N có con gái học lớp 7. Cô bé học rất giỏi và ngoan ngoãn. Mỗi lần kể chuyện về con, chị lại nhận xét âu yếm: “Cháu, chỉ biết học thôi, chẳng bao giờ biết đến tiền nong mua bán. Học phí mẹ đóng, thích ăn gì, dùng gì mẹ mua, tiền mừng tuổi đưa hết cho mẹ cất. Đi dã ngoại là phải nhờ cô giáo giữ tiền giùm”. Trong lời tâm sự của chị N, có chút tự hào về cô bé 13 tuổi chưa biết đến tiền nong bởi tất cả đã có cha mẹ chăm sóc. Còn anh X khoe về cậu con trai lớp 3 ngây thơ chưa phân biệt được mệnh giá tiền, đi mua hàng mà không biết nhận tiền trả lại.

Trường hợp của hai gia đình trên đây không phải là cá biệt ở nước ta, khi mà quan niệm “tiền làm hư trẻ” vẫn rất phổ biến. Phụ huynh bảo vệ con bằng cách cách ly chúng với đồng tiền, chăm sóc con bằng cách luôn sát bên ứng cứu “thiếu gì cứ bảo mẹ mua”. Chứng kiến một đứa trẻ cấp 1 vào cửa hàng tạp hóa mua đồ, nhiều người nghi hoặc: “Bé thế kia đã mua bán, hay lại trộm tiền của bố mẹ”. Có người bán thể hiện “đạo đức nghề nghiệp” bằng cách từ chối bán hàng, giữ lại “tang vật” chờ gia đình đến bảo lãnh, dẫu số tiền trẻ nhỏ mang theo người chỉ là vài nghìn lẻ.

So với các bạn nhỏ trên thế giới, trẻ em Việt Nam không được học kinh tế trong nhà trường với những kiến thức đơn giản về quản lý ngân sách, phương thức chi tiêu, nguyên tắc đầu tư và tiết kiệm... Rất ít trẻ được cha mẹ giao tiền và hướng dẫn cách quản lý theo các mô hình được xem là lý thuyết “kinh điển” thế giới như SOS (Tiết kiệm - ủng hộ - tiêu dùng) hay 6 cái lọ (thiết yếu - giáo dục - hưởng thụ - tự do tài chính - quyên góp). Con lợn đất là cách thức phổ biến nhất để các gia đình Việt Nam giúp con em mình “làm chủ tài chính”, song việc “nuôi lợn” này lại hướng đến mục đích tiết kiệm cho cha mẹ nhiều hơn là giáo dục con cái. Nghĩa là, bố mẹ chỉ “mượn tay” con để đút tiền vào lợn.

Quan niệm và thói quen quản lý tiền bạc của người Việt bắt nguồn từ môi trường văn hóa nông nghiệp sâu xa, khi mà yếu tố tài chính, thương mại không được khuyến khích phát triển. Người nông dân xưa sinh sống theo lối “tự cấp tự túc”, không dùng nhiều đến đồng tiền và cũng rất ít cơ hội kiếm tiền. Ý thức tiết kiệm được đề cao hơn năng lực làm giàu: “Buôn tàu bán bè không bằng ăn dè hà tiện”. Việc dùng tiền để đầu tư sinh lời chỉ dành cho những người liều lĩnh: “Có chí làm quan có gan làm giàu”. Người ta đề cao thái độ coi khinh đồng tiền, đồng nghĩa cái nghèo với sự trong sạch. Thế nên mới có cụm từ ghép: thanh bần (nghèo thanh sạch).

Không có kỹ năng quản lý tài chính lúc nhỏ, sẽ khó để trở thành người giỏi làm chủ kinh tế trong tương lai. Thực tế cho thấy, nhiều đôi vợ chồng trẻ dù thu nhập cao song những năm đầu hôn nhân vẫn gặp khủng khoảng về tài chính. Chuyện con cái đi làm lương tính bằng ngoại tệ song cuối tháng vẫn phải vay tiền ông bà chỉ có lương hưu không phải là hiếm. Ở Mỹ, và phương Tây dù trẻ được dạy về tài chính cá nhân từ những năm 1980, nhưng giới trẻ vẫn còn thiếu hụt nhiều về kỹ năng này. Và vì thế, càng ngày, họ càng đề cao việc giáo dục kinh tế cho trẻ em, càng sớm càng tốt.

Xưa kia, trong môi trường làng xã bình yên, nhiệm vụ “tay hòm chìa khóa” chỉ đòi hỏi sự tiết kiệm, vun vén “ăn bữa nay, tính bữa mai”, “chồng như cái giỏ, vợ như cái hom”... Nhưng giữa thời đại kinh tế, thương mại phát triển như hiện nay với đầy cơ hội và rủi ro thì người nội tướng trong gia đình không chỉ đơn giản làm “cái hom” giữ của nữa. Kỹ năng tài chính là điều mà mỗi người đều phải học, từ lúc bé thơ.

Muôn cách dạy về đồng tiền

Trước khi Nhà nước đưa kỹ năng quản lý tài chính vào chương trình giáo dục chính thức cho trẻ em như các quốc gia tiên tiến, bằng những cách khác nhau, mỗi gia đình cần sớm có kế hoạch “dạy con dùng tiền” một cách tự nhiên trong đời sống hàng ngày.

Hẳn ai trong cuộc đời cũng ít nhất một lần được nghe lời dạy bảo: Đồng tiền làm ra khó khăn, đừng vung tay quá trán… Chỉ một câu nói như vậy hầu như không có tác động gì đến đứa trẻ, và chúng vẫn sẽ vô tư tiêu pha như thể tiền “mọc trên cây” hay vô tận trong ATM tự động. Cha mẹ có thể để con trải nghiệm kiếm tiền trong môi trường xã hội thực sự (chứ không phải trả công 10 nghìn đồng cho con khi nhổ một cái tóc bạc!). Ngược lại, có thể cho con “nếm trải cảm giác” không có tiền trong tình huống cấp bách để rút ra bài học về quỹ dự phòng. Theo từng độ tuổi, trẻ cần học những kiến thức cơ bản đến nâng cao về cách nhìn nhận về đồng tiền như: nhận diện mệnh giá tiền, cách đếm tiền và sắp xếp tiền trong ví khoa học, các khái niệm tài chính như tín dụng, tài khoản, lãi suất, thấu chi, thuế, thậm chí cả những kiến thức cơ sở về thị trường chứng khoán…

Giới trẻ luôn cho rằng, chỉ “các cụ” mới thích tiết kiệm, và “tiết kiệm” đồng nghĩa với bủn xỉn, kém đẳng cấp. Thực tế tiết kiệm là phương thức tài chính cũ kỹ nhất nhưng luôn luôn giữ vị trí quan trọng. Cần giúp con con tiết kiệm, phân biệt được “thứ mình cần” và “thứ mình muốn” trước mỗi quyết định chi tiêu, tạo hứng thú cho trẻ trong việc tiết kiệm bằng cách tạo ra một thành quả nhãn tiền sau một khoảng thời gian “thít chặt chi tiêu”. Mỗi gia đình có thể “giải trí hóa” một việc tưởng như không dễ chịu là cắt giảm chi tiêu bằng một số trải nghiệm mang dáng vẻ trò chơi thử thách như: một ngày không tiêu tiền, một tháng giảm tiền điện xuống một nửa, thi nấu bữa cơm dưới 50 ngàn, giữ lại tất cả số tiền lẻ vào mỗi tối hay sưu tầm những tờ tiền có mệnh giá cố định.

Phần trước, đã nhắc đến phương pháp SOS hay 6 cái lọ, đó chính là phương thức lên kế hoạch tài chính hiệu quả áp dụng cho mọi độ tuổi. Tiết kiệm đã khó, song chi tiêu hợp lý trong kiểm soát còn khó hơn. Trẻ em cần sớm có kỹ năng làm chủ tài chính bằng cách lên kế hoạch cho những nguồn tiền vào, ra; kiên trì ghi chép chi tiêu vào bảng excel hay một cuốn số nhỏ. Học sinh tiểu học nên bắt đầu được thực hiện những giao dịch đầu tiên trong các môi trường khác nhau từ siêu thị, máy bán hàng tự động, mua vé đi xe, xem phim đến đi chợ truyền thống.

Không gì làm trẻ hứng thú hơn việc tự tay chúng làm ra những đồng tiền đầu tiên. Vì thế, những bài học về sự đầu tư thu lợi nhuận có thể bắt đầu ở tuổi thiếu niên. Cha mẹ cũng nên gợi ý cho con những cách kiếm tiền “ngoài kế hoạch” để hình thành ở chúng tư duy mau lẹ về kinh tế. Nắm bắt cơ hội chính là nguyên nhân làm giàu của hầu hết tỷ phú trên thế giới. Đấy chính là cách dạy con kỹ năng tạo ra tiền bạc.

Ai cũng có cảm xúc hạnh phúc khi được cầm tiền, cũng có niềm đam mê tiêu tiền, thậm chí coi việc đi siêu thị như một thú giải trí. Nhưng sẽ khôn ngoan hơn, nếu bạn để con mình nhận thấy rằng, cảm xúc chiến thắng bản thân, giữ lại tiền trong tay trước cám dỗ tiêu xài bản năng cũng hạnh phúc không kém. Và khát vọng làm giàu chưa bao giờ là tội lỗi.

Mùa hè trải nghiệm đang đến rất gần. Bạn có thể bỏ qua lớp kỹ năng nhảy, kỹ năng làm MC, viết chữ đẹp nhưng đừng bỏ qua cơ hội dạy con dùng tiền, bởi ai ai cũng sẽ cần đến nó, cũng hạnh phúc hay khốn khổ vì nó, mỗi ngày, mỗi giờ… Và hơn tất cả, trẻ cần được thổi hứng thú đối với nhiệm vụ quản lý chi tiêu.

Suối Linh

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy

Cùng chuyên mục

Buồn trên mắt mẹ

Câu chuyện văn hóa 1 tháng trước

Chuyện nghệ danh

Câu chuyện văn hóa 1 tháng trước

Tiếng còi xe

Câu chuyện văn hóa 1 tháng trước

Điều đàn ông sợ

Câu chuyện văn hóa 2 tháng trước

Hãy cứ “nghĩ hộ” con

Câu chuyện văn hóa 3 tháng trước

"Của cho không bằng cách cho"

Câu chuyện văn hóa 4 tháng trước

Chồng hoang vợ vụng

Câu chuyện văn hóa 4 tháng trước