Thái Nguyên - vùng đất giao thoa văn hóa
VNTN- Là người sinh ra và lớn lên ở vùng đất Thái Nguyên, hình ảnh những ngôi nhà sàn thấp thoáng trong màu xanh của đồi chè, tiếng Then vang vọng trong lễ hội mùa xuân, hay dáng áo chàm nhịp nhàng trên những con đường làng với tôi vốn đã rất đỗi quen thuộc. Dẫu vậy, nhưng mỗi lần trở lại những xóm nhỏ, xã xa, tôi đều cảm nhận được sâu sắc hơn sức sống mãnh liệt của văn hóa đồng bào các dân tộc thiểu số (DTTS) nơi đây.
Từ khu bảo tồn làng nhà sàn Thái Hải ở xóm Mỹ Hào, xã Thịnh Đức, đến những nghi lễ cấp sắc của người Dao, hát Soọng Cô của người Sán Dìu, cho thấy những nỗ lực bảo tồn văn hóa đã và đang trở thành động lực gắn kết cộng đồng ở Thái Nguyên. Đó không chỉ là ký ức, văn hóa truyền thống đang hiện diện và hòa nhịp trong cuộc sống hiện đại, tạo nên bản sắc riêng của Thái Nguyên.
Thái Nguyên được xem là một trong những điểm giao thoa văn hóa lớn nhất khu vực trung du và miền núi phía Bắc. Với 51/54 dân tộc sinh sống, trong đó tám dân tộc chiếm số đông là: Kinh, Tày, Nùng, Sán Dìu, Sán Chay, Dao, Mông, Hoa.
Bảo tồn văn hóa phi vật thể - niềm tự hào của Thái Nguyên
Theo thông tin từ Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh, Thái Nguyên hiện có 23 đi sản được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đưa vào Danh mục Di sản Văn hóa phi vật thể cấp Quốc gia.
Đặc biệt, Thực hành Then của người Tày, Nùng, Thái ở Việt Nam, trong đó có Thái Nguyên được Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên hợp quốc (UNESCO) ghi danh là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.
Đây là tài sản quý giá của cộng đồng các dân tộc Việt Nam, là biểu tượng của sự trường tồn, đồng thời là cầu nối giữa quá khứ, hiện tại và tương lai của dân tộc và đóng góp không nhỏ vào việc giáo dục lịch sử, vun đắp truyền thống tốt đẹp của dân tộc và là sản phẩm phát triển ngành du lịch, tạo ra sự chuyển đổi cơ cấu kinh tế của địa phương.
Minh chứng sinh động cho công tác bảo tồn di sản văn hóa phi vật thể của tỉnh có thể thấy qua việc, múa Tắc Xình, hát Sấng Cọ, nghi lễ Cầu Mùa (người Sán Chay); nghi lễ Cấp Sắc, nghi lễ Tết nhảy (dân tộc Sán Chay); Múa Rối cạn, nghi lễ Then, lễ hội Lồng Tồng (dân tộc Tày); hát Soọng Cô (dân tộc Sán Dìu); lễ Hét Khoăn, nghi lễ Cấp sắc (dân tộc Nùng); nghệ thuật Khèn của dân tộc Mông; lễ hội Đền Đuổm, huyện Phú Lương; lễ hội Đình Phương Độ, xóm Xuân Phương, huyện Phú Bình…. tất cả đã được phục dựng và gìn giữ một cách nguyên vẹn. Bên trong những nghi lễ, phong tục, tập quán của đồng bào là những câu chuyện đặc sắc được hun đúc qua bao thế hệ.
Hát Soọng Cô, từ một hoạt động tự phát trong cộng đồng, nay đã trở thành di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Các câu lạc bộ Soọng Cô trên địa bàn tỉnh thường xuyên tổ chức các buổi giao lưu văn hóa, tạo cơ hội kết nối giữa các vùng miền và giới thiệu giá trị văn hóa độc đáo của người Sán Dìu đến du khách. Những lời ca mộc mạc không chỉ là tiếng nói của cộng đồng mà còn góp phần gắn kết xã hội và nâng cao giá trị văn hóa bản địa.
Thực hành Then của người Tày, Nùng, Thái được UNESCO ghi danh là di sản văn hóa phi vật thể đại diện nhân loại vào năm 2019. Từ sau khi được UNESCO công nhận, các hoạt động biểu diễn và truyền dạy Then tại Thái Nguyên đã gia tăng đáng kể. Nhiều nghệ nhân tại tỉnh đã tích cực tham gia truyền dạy Then cho thế hệ trẻ, góp phần lan tỏa giá trị văn hóa này. Ngoài ra, các lễ hội Then thường niên cũng trở thành điểm nhấn văn hóa, thu hút đông đảo du khách trong và ngoài nước.
Cùng với các di sản được công nhận, Thái Nguyên còn bảo tồn thành công nhiều giá trị văn hóa truyền thống khác. Nghi lễ cấp sắc của người Dao và lễ hội Oóc Pò của người Nùng đã được khôi phục, trở thành điểm nhấn trong các sự kiện văn hóa địa phương. Những hoạt động này không chỉ giúp giữ gìn bản sắc mà còn nâng cao niềm tự hào cộng đồng, góp phần thúc đẩy du lịch bền vững.
Văn hóa kết nối du lịch, chiến lược phát triển bền vững
Các nỗ lực bảo tồn không dừng lại ở việc phục dựng mà còn hướng đến việc tích hợp văn hóa vào các sản phẩm du lịch. Chương trình "Trải nghiệm văn hóa Tày - Nùng" tại khu bảo tồn làng nhà sàn dân tộc sinh thái Thái Hải đã thu hút hơn 50.000 lượt khách mỗi năm, mang lại nguồn thu đáng kể cho người dân ở bản làng. Đây là mô hình tiêu biểu trên địa bàn tỉnh khi kết hợp hài hòa giữa bảo tồn văn hóa với phát triển du lịch sinh thái.
Bên cạnh đó, tỉnh Thái Nguyên còn tổ chức nhiều hoạt động văn hóa đặc sắc như triển lãm văn hóa dân tộc, hội thi văn nghệ và ẩm thực truyền thống, thu hút đông đảo du khách tham gia. Các lễ hội truyền thống, như lễ hội Lồng Tồng và lễ hội Cầu Mùa, luôn là những sự kiện được đông đảo du khách quan tâm, góp phần không nhỏ vào việc quảng bá hình ảnh và giá trị văn hóa đặc sắc của tỉnh.
Một yếu tố quan trọng khác là sự kết hợp hài hòa giữa bảo tồn văn hóa và giáo dục cộng đồng. Tại các địa phương trên địa bàn tỉnh, đã có hàng trăm buổi truyền dạy các điệu múa, hát truyền thống tại các trường học, xóm, bản, qua đó nâng cao ý thức của thế hệ trẻ trong việc gìn giữ và phát huy di sản văn hóa của ông cha để lại. Những lớp học như thế không chỉ góp phần bảo tồn những giá trị văn hóa quý báu mà còn là nền tảng vững chắc cho sự phát triển bền vững của nền văn hóa địa phương.
Có lẽ, thách thức lớn nhất trong công cuộc bảo tồn văn hóa là sự mai một các giá trị truyền thống trước làn sóng hiện đại hóa. Tuy nhiên, Thái Nguyên đã và đang nỗ lực để chứng minh rằng, bằng cách gắn kết bảo tồn văn hóa với các hoạt động kinh tế, xã hội, có thể vừa giữ gìn bản sắc, vừa tạo động lực phát triển bền vững.
Nhìn lại hành trình, những thành quả đạt được là di sản văn hóa được bảo tồn, cùng với sự gắn kết cộng đồng và nâng cao vị thế của Thái Nguyên trên bản đồ văn hóa Việt Nam. Các chương trình như phát triển du lịch cộng đồng, tích hợp văn hóa vào giáo dục hay hỗ trợ nghệ nhân dân gian đã tạo nền móng vững chắc cho một tương lai, nơi văn hóa được gìn giữ và tiếp tục phát triển mạnh mẽ trong đời sống hiện đại.
Bảo tồn văn hóa không chỉ là trách nhiệm mà còn là niềm tự hào của người dân Thái Nguyên, nơi những giá trị truyền thống được tôn vinh và lan tỏa, góp phần làm giàu thêm di sản văn hóa dân tộc Việt Nam.
Kim Ngân
0 đã tặng
Hãy liên hệ với chúng tôi qua số điện thoại: 0988827920 (Ngô Ngọc Luận), nếu bạn có nhu cầu thưởng thức những ấn phẩm của Văn nghệ Thái Nguyên.
Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...