Thứ tư, ngày 09 tháng 07 năm 2025
14:24 (GMT +7)

Múa Việt: Kể chuyện dân tộc bằng ngôn ngữ toàn cầu

Quốc tế hóa bản sắc địa phương qua ngôn ngữ nghệ thuật, trong đó có Múa đã và đang trở thành xu hướng mới được đón nhận trong nhiều liên hoan nghệ thuật trong nước và quốc tế. Tuy nhiên, để Múa trở thành cầu nối giúp Việt Nam khẳng định vị thế văn hóa đặc sắc của mình, các nhà nghiên cứu, phê bình nghệ thuật cho rằng, cần một hệ sinh thái biểu diễn chuyên nghiệp để Múa có thể Kể chuyện dân tộc bằng ngôn ngữ toàn cầu.
Sự đa dạng trong ngôn ngữ múa
Múa là nghệ thuật không lời, ở múa chỉ tồn tại sự phô diễn kỹ thuật, ngôn ngữ hình thể, biểu cảm khuôn mặt cộng với âm nhạc (và có thể là ca từ), để nói lên tiếng nói cá nhân và cộng đồng. Từ đặc điểm riêng biệt này, ngôn ngữ của múa không dễ được cảm thụ với nhiều người, chưa nói đến cộng đồng quốc tế. Tuy nhiên, giống như nhiều lĩnh vực nghệ thuật khác, đứng trước xu hướng quốc tế hóa văn hóa, buộc các loại hình nghệ thuật phải có những bước đi riêng để hòa nhập và phát triển, trở thành một phần của chiến lược phát triển công nghiệp văn hóa quốc gia.
Cảnh trong vở múa “Họa tình nhân gian” của Trường đại học Văn hóa nghệthuật quân đội (Ảnh: NTQĐ)
Cảnh trong vở múa “Họa tình nhân gian” của Trường Đại học Văn hóa nghệ thuật Quân đội (Ảnh: NTQĐ)
Trên thực tế, Múa Việt đã nhập cuộc với xu hướng quốc tế hóa từ nhiều năm nay. Bằng chứng là đời sống nghệ thuật múa đã chứng kiến sự bứt tốc của nhiều biên đạo trẻ khi gần đây họ liên tục không chỉ cho ra mắt công chúng mà còn mang tác phẩm của mình tham dự các kỳ liên hoan trong nước, quốc tế với những tác phẩm nghệ thuật khai thác các chất liệu văn hóa, bản sắc dân tộc, hay các đề tài như biến đổi khí hậu, quyền phụ nữ, người nhập cư và cả những vấn đề thầm kín
như trầm cảm, bản năng giới... vào tác phẩm múa, tạo ra luồng gió mới và một diện mạo mới cho Múa.
Tiên phong trong xu hướng quốc tế hóa nghệ thuật múa, có thể điểm qua những cái tên quen thuộc như Nguyễn Ngọc Thụy, Trần Ly Ly, hay nhóm múa Kinergie Studio ở Hà Nội. Họ đã mang đến cho công chúng trong nước, quốc tế những tác phẩm nghệ thuật đỉnh cao được thể hiện bằng ngôn ngữ nghệ thuật dân tộc nhưng lại cực kỳ gần gũi với công chúng.
Ở những tác phẩm của họ, không có sự sao chép nguyên xi những điệu múa dân tộc mà có sự chuyển hóa những chất liệu ấy thành tác phẩm mới thông qua ngôn ngữ múa đương đại có tính tư duy, cấu trúc mạch lạc, âm nhạc hòa phối sáng tạo để công chúng có thể cảm nhận thông điệp từ tác phẩm - Múa kể câu chuyện về vẻ đẹp của cộng đồng người Việt trong sinh hoạt, về phong tục tập quán của 54 dân tộc anh em sao cho dễ hiểu, dễ cảm nhất. Và khi chỉ thực sự “thấu cảm” người xem, mới có thể hiểu được thông điệp và câu chuyện của tác phẩm Múa.
Đơn cử với tác phẩm “Nàng Mây” của biên đạo múa Nguyễn Hải Trường (Học viện Múa Việt Nam); “Nàng Mây” giành giải Vàng tại Liên hoan Múa quốc tế năm 2024 do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức. “Nàng Mây” ghi điểm trước công chúng khi khai thác yếu tố truyền thống là nghề mây tre đan. Với ngôn ngữ múa dân gian kết hợp với múa đương đại, cùng với đạo cụ từ chất liệu mây tre đan, tác phẩm đã thành công khi tạo hình đặc sắc, ấn tượng và gợi nhiều tò mò về nghề truyền thống mây tre đan của Việt Nam.
Vở thơ múa “Nàng Mây” của biên đạo múa Nguyễn Hải Trường
Vở thơ múa “Nàng Mây” của biên đạo múa Nguyễn Hải Trường
Cùng với “Nàng Mây” vở ballet “Dó” của Nghệ sĩ ưu tú Phan Lương và biên đạo múa Vũ Ngọc Khải lấy cảm hứng từ chất liệu giấy dó, kết hợp với âm nhạc cổ điển và ballet phương Tây cũng tạo nên tác phẩm độc đáo của nghệ thuật múa.
Ngoài ra với tác phẩm “Mây” của biên đạo Nguyễn Ngọc Anh, là sự kết hợp của chất liệu múa dân gian miền núi phía Bắc với kỹ thuật múa hiện đại. “Mây” gợi cảm giác phiêu lãng, nhẹ nhàng, tĩnh lặng như một khúc thiền giữa núi rừng. Hoặc để tái hiện thân phận người phụ nữ qua các thời kỳ, sử dụng nhiều hình ảnh từ ca trù, chầu văn, áo tứ thân…, biên đạo Trần Ly Ly qua “Chênh vênh” đã tạo nên một ngôn ngữ múa đa chiều, giàu liên tưởng.
Còn với biên đạo Ngô Thanh Phương “Tích tắc” là một sự thử nghiệm táo bạo - kết hợp giữa múa đương đại với nhịp điệu cồng chiêng Tây Nguyên, thể hiện vòng tuần hoàn của thời gian và con người.
Và còn rất nhiều tác phẩm tìm về khai thác yếu tố truyền thống, dân tộc đã đạt được thành công, như kịch múa “Nguồn sáng” (Phạm Anh Phương), tổ khúc múa “Đông Hồ” (Nguyễn Ngọc Anh), “Dệt lanh” (Kiều Lê), “Ngô trên đá” (Nguyễn Minh Thông), “Vòng quay thuyền thúng” (Nguyễn Hữu Từ), “Mẹ mặt trời” (Trần Xuân Thanh)... cũng đã để lại nhiều dấu ấn nghệ thuật trong lòng công chúng.
Để có được thành công trên trường quốc tế, đội ngũ biên đạo, vũ công trẻ không chỉ giỏi múa dân tộc mà còn hiểu văn hóa quốc tế, biết cách làm việc với các tổ chức nước ngoài, biết xây dựng tác phẩm có cấu trúc kịch bản - để đưa múa Việt thâm nhập sâu rộng vào đời sống nghệ thuật quốc tế.
Sự dấn thân trong đa dạng và sáng tạo
Theo thạc sĩ Hà Thái Sơn, giảng viên Khoa Biên đạo và Huấn luyện Múa, Học viện Múa Việt Nam, để giữ vững yếu tố dân tộc trong múa đương đại, bên cạnh nỗ lực sáng tạo của nghệ sĩ, các cơ quan quản lý văn hóa cần ban hành những chính sách cụ thể liên quan việc bảo tồn, phát triển và quảng bá nghệ thuật múa dân tộc; thúc đẩy các cuộc thi, liên hoan nghệ thuật và các dự án sáng tạo múa dân gian - dân tộc kết hợp công nghệ hiện đại; đẩy mạnh hợp tác với các tổ chức, trường nghệ thuật quốc tế, tạo điều kiện để các nghệ sĩ Việt Nam được học hỏi, giao lưu quốc tế, tiếp thu xu hướng toàn cầu.
Vở ballet “Dó” của Nghệ sĩ ưu tú Phan Lương và biên đạo múa Vũ NgọcKhải
Vở ballet “Dó” của Nghệ sĩ ưu tú Phan Lương và biên đạo múa Vũ Ngọc Khải

Về vai trò của kho tàng văn hóa dân gian trong múa đương đại, biên đạo Hà Thanh Hậu khẳng định: Kho tàng văn hóa các dân tộc là nguồn cảm hứng vô tận cho nghệ thuật múa, nhưng khi khai thác phải đặc biệt cẩn trọng. Việc kết hợp nghệ thuật múa dân gian, dân tộc với nghệ thuật múa đương đại cần hết sức khéo léo và nghiên cứu kỹ lưỡng, nếu không sẽ gây tác dụng ngược, đánh mất bản sắc của điệu múa gốc và tạo ra những hiểu lầm về văn hóa. Do đó, “dù có sáng tạo, phá cách đến đâu vẫn phải giữ được hồn cốt của văn hóa dân tộc mà mình thể hiện, từ động tác đến âm nhạc, trang phục...”.

Tiếp cận ở góc độ con người - nhân lực trẻ của múa, Thạc sĩ Nguyễn Phương Hoa, Viện Sân khấu Điện ảnh, Trường Đại học Sân khấu Điện ảnh Hà Nội, chia sẻ: Đề án “Đào tạo, bồi dưỡng và phát triển tài năng trẻ lĩnh vực văn hóa nghệ thuật” giai đoạn 2016 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030, do Bộ VHTT&DL xây dựng, đã khuyến khích, đẩy mạnh việc nhiều tổ chức, cơ quan gửi những diễn viên múa tiềm năng đi đào tạo nước ngoài. Và đây chính là nguồn động lực tạo sức hút cho nhiều nghệ sĩ múa trẻ phấn đấu và phát huy năng lực cống hiến dài lâu cho nghề.
Chú trọng đội ngũ kế cận, đẩy mạnh giao lưu nghệ thuật nhằm quốc tế hóa múa trong xu hướng hội nhập với yêu cầu phát huy bản sắc truyền thống đang được đặt ra cho múa đương đại. Tuy nhiên, để múa đi đúng quỹ đạo, kể câu chuyện dân tộc bằng ngôn ngữ toàn cầu rất cần đội ngũ lý luận phê bình giỏi. Tại nhiều hội thảo về múa gần đây, câu hỏi đặt ra luôn là “chúng ta có thể đưa múa dân tộc ra thế giới hay không?” và “chúng ta sẽ đưa múa dân tộc ra thế giới theo cách nào?”. Câu trả lời hoàn toàn không dễ, bởi nếu làm đúng, múa dân tộc không chỉ là tài sản văn hóa, mà còn là một công cụ quyền lực mềm, góp phần định vị Việt Nam trong bản đồ văn hóa thế giới. Còn nếu làm sai, tác hại sẽ không thể định lượng. Chính vì vậy, để múa đi đúng quỹ đạo, việc đẩy mạnh công tác đào tạo đội ngũ làm phê bình múa đã được các cơ sở giáo dục đào tạo rất chú trọng trong những năm gần đây. Tuy nhiên, để có được một lực lượng lý luận phê bình tinh, mạnh vẫn còn là ẩn số, với những khó khăn về thời gian, về chính sách và về con người sau đào tạo có theo và sống công tâm với nghề...
Đến thời điểm hiện tại, Múa Việt đang vươn mình để thích ứng với thời đại số, toàn cầu hóa và những vấn đề xã hội đương đại. Điều này đòi hỏi những người quản lý phải xây dựng một hệ sinh thái nghệ thuật lành mạnh, có chính sách hỗ trợ sáng tạo, bảo hiểm nghề nghiệp, các quỹ đầu tư nghệ thuật để người trẻ yêu tâm gắn bó với nghề. 
Theo Nghệ sĩ Nhân dân Ứng Duy Thịnh, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nghệ sĩ Múa Việt Nam thì: Nghệ thuật múa là một thành tố của văn hóa. Tính đại chúng từ góc độ tác phẩm cụ thể còn được hiểu là sự phấn đấu hướng tới cái hấp dẫn, với tiêu chí được nhiều người công nhận, nhiều thế hệ công nhận.
Công bằng mà nói, nghệ thuật múa hiện nay đang chuyển mình mạnh mẽ theo hướng đa dạng, sáng tạo. Nhiều đạo diễn, vũ công trẻ đang thực sự dấn thân để có được những tác phẩm mang đậm dấu ấn Việt trên trường quốc tế. Sự phát triển này vừa phản ánh tinh thần của thời đại, vừa đặt ra yêu cầu về một nền nghệ thuật Múa vừa có chiều sâu, vừa có bản sắc và được cộng đồng đồng hành đón nhận.
Nỗ lực và chấp nhận thử thách giữa thế giới chuyển động không ngừng, múa - với bản chất là sự chuyển động của cơ thể - vẫn giữ được vai trò là một ngôn ngữ không lời nhưng có sức chạm mạnh mẽ đến cảm xúc và tư duy con người. Câu chuyện của nghệ thuật múa hôm nay, vì thế, cũng chính là câu chuyện về bản sắc, sáng tạo và sự tiếp nối văn hóa trong tương lai khi múa đã và đang Kể chuyện dân tộc bằng ngôn ngữ toàn cầu.
Quỳnh Hoa

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy