Cái lớn trong những “Chuyện nhỏ sớm mùa thu”của Lưu Quang Vũ
VNTN - Bên cạnh những trang thơ được “hồi sinh” sau những bầm dập, thăng trầm; cùng với những vở kịch làm nổi gió, truyện ngắn của Lưu Quang Vũ khiêm tốn, lặng lẽ đi cùng năm tháng. Với gần 30 truyện ngắn (có lúc ngỡ như bị chìm khuất giữa thơ và kịch), tâm hồn và tài năng của Lưu Quang Vũ được lấp đầy. Ngoài một số truyện viết vào những năm 70 của thế kỉ XX, phần lớn truyện ngắn Lưu Quang Vũ ra đời trong giai đoạn chiến tranh còn lưu dấu vết và những nét phác họa về cuộc sống yên bình vẫn chưa đậm màu. Hiện thực cũ mới dang dở đó sớm hắt bóng vào những trang văn gắn liền với những tên tuổi đương thời như Nguyễn Khải, Ma Văn Kháng, Nguyễn Minh Châu, Nguyễn Huy Thiệp v.v.. Khiêm tốn hơn, ở thời điểm này, truyện ngắn Lưu Quang Vũ không thành hiện tượng (kể cả thơ của ông cũng chỉ được in khi tác giả đã qua đời - trừ tập Hương cây). Truyện ngắn Lưu Quang Vũ chưa tạo được một “ngôn ngữ mới” mang chỉ dấu của một hệ hình văn học mới, nhưng những mẩu “chuyện nhỏ” đã thể hiện rõ ý hướng làm khác của nhà văn. Dẫu chưa phải là “người mở đường tài năng và tinh anh” nhưng dấu hiệu của tư duy mới đã đậm nhạt trong nhiều trang văn của Lưu Quang Vũ. Thời gian đã có độ lùi nhưng truyện ngắn Lưu Quang Vũ vẫn giữ được độ bền, vì niềm khát khao sống đẹp, vấn đề xuyên suốt toàn bộ truyện của ông, cũng là vấn đề của mọi thời.
Lưu Quang Vũ có thói quen ghi nhật kí. Những trang nhật kí tuổi mười sáu, đôi mươi đã sớm bộc lộ một tư chất nghệ sĩ với tâm hồn trong trẻo, đầy hoài bão về văn chương nghệ thuật. Cậu học sinh vừa tuổi lớn đã “muốn đem hết sức mình mà làm thơ mà viết văn để ca ngợi cuộc sống, để phục vụ cho đời yêu mến” [Di cảo Lưu Quang Vũ, NXB Trẻ, 2018, tr.18]. Tuy vậy, giữa văn và đời không phải lúc nào cũng bằng phẳng và thẳng tắp. Đầu những năm 70, khi Lưu Quang Vũ rời quân ngũ, khó khăn, va vấp dồn dập, có lúc ngỡ như tuyệt vọng, nhưng nhiều truyện ngắn ra đời trong thời đoạn này vẫn lưu giữ được vẻ đẹp nhẹ nhàng và niềm tin yêu vào cuộc sống (Trang viết đầu tay, Một chuyện ở biên giới, Người đưa thư...). Với Lưu Quang Vũ, khát vọng nghệ thuật chính là vươn tới Cái Đẹp. Khát vọng vô cùng đó được nhà văn thổi vào những trang văn có thể chưa thật sự gây ấn tượng về nghệ thuật thể loại, nhưng có khả năng vun vén và khơi dậy niềm tin giữa mất mát chiến tranh hoặc những quăng quật mưu sinh. Xuyên suốt truyện ngắn Lưu Quang Vũ là quan niệm về ý nghĩa của văn chương - “Một người viết văn có thể chết cho những gì mình yêu thương” (Người kép đóng hổ); “…quan trọng hơn là những trang viết của mình có giúp được cho con người sống tốt hơn không, có góp phần cải biến đời sống để nó ngày càng một trở nên đáng sống hơn không” (Trang viết cuối cùng). Từ những quan niệm đó, trong chiến tranh hoặc hậu chiến đầy thử thách, kiểu con người “lí tưởng” vẫn được nhà văn nâng niu khắc họa. Nhân vật đại diện cho Cái Đẹp là những chàng trai cô gái có tên hoặc không tên, những bác sĩ, kiến trúc sư, nghệ sĩ quên mình để tận hiến cho đời. Đây cũng là lối viết quen thuộc trong văn học những năm tháng chiến tranh - motif “nén tình riêng vì nghĩa lớn”, nhưng bằng diễn ngôn tự vấn, Lưu Quang Vũ khắc họa nỗi đau lớn lao của từng con người trong cuộc lựa chọn riêng chung. Qua nhiều giằng xé, người nữ bác sĩ giữ lại cho mình nỗi bất hạnh trong hôn nhân để mang lại nụ cười, tiếng hát cho người khác (Tiếng hát). Cô gái mãi-mãi-tuổi-hai-mươi vĩnh viễn giữ lại cho riêng mình cảm xúc tình yêu đầu đời tươi mới giữa những ngày “cái sống và cái chết xen kẽ” (Mười hai ngày của đời tôi). Người họa sĩ giàu đam mê, miệt mài với những nét vẽ có hồn trong lúc “tiếng còi báo động ran lên trên bầu trời đêm”. Ông già họa sĩ vô danh đã thổi lòng yêu Hà Nội thiết tha vào những bức tranh tràn trề sự sống ngay trong đổ nát đau thương; là “những mái nhà lô nhô tít tắp, những ụ súng phòng không trên các sân thượng, bầu trời xanh uy nghiêm và phía xa, con sông Hồng cuộn đỏ…”. Những tác phẩm của ông thật bình dị, mang chứa mọi âm thanh, hình ảnh của cuộc sống đang song hành giữa hủy diệt và ươm mầm (Mười hai ngày của đời tôi). Đó là những người lính bước ra từ chiến tranh, có hụt hẫng, có chênh vênh, có chấn thương thân xác nhưng vẫn lành lặn tâm hồn. Họ vừa hòa nhập vào cơ chế mới, vừa giữ “chất lính” và giữ lửa của một thời gian khổ (Mùa hè đang đến).
Khát vọng hoàn thiện con người luôn là đích đến của văn chương. Đây cũng là một chỉ dấu của Cái Đẹp trong truyện ngắn Lưu Quang Vũ. Trong quan niệm của nhà văn, con người đẹp là những con người luôn trăn trở để tự hoàn thiện. Với cái nhìn bên trong, tác giả chăm chú vào những con người tự ý thức - kiểu nhân vật phản tỉnh, mang dấu ấn của một thời đoạn văn học đã bắt đầu chuyển đổi. Nếu trong thơ, Lưu Quang Vũ ráo riết truy-tìm-tôi, trút hết mình cái khát vọng được-là-tôi, thì trong truyện ngắn cái tôi ẩn dạng ở các nhân vật trí thức giàu nhiệt huyết, luôn tự soi ngắm mình. Một điểm nổi bật ở truyện ngắn Lưu Quang Vũ là luôn có một cái tôi tự bôi xấu mình để tôn vinh vẻ đẹp tiềm ẩn của người khác (Thị trấn ven sông); hoặc kể xấu về mình để nhận ra chính mình (Chuyện về anh). Không đối nghịch mà bổ sung, tương hỗ, bên cạnh cái tôi quyết liệt đấu tranh với cái xấu, cái ác, là một cái tôi tin tưởng vẻ đẹp hướng thiện của những con người đang chênh vênh trên đường biên tốt-xấu. Nhà văn thường tạo những tình huống đầy kịch tính (thường là những va chạm bên ngoài dẫn đến nhận thức bên trong) như một phép thử để con người đối mặt với mọi sự thật mà thấu suốt chính mình và thấu cảm người khác. Trong truyện ngắn Tiếng hát, hôn nhân đổ vỡ nhưng điều làm nữ bác sĩ Oanh đau đớn không phải là chuyện phản bội của chồng mà là cái nhìn lại chính mình - để cố hiểu vì sao anh, một kĩ sư đầy hoài bão, tuổi hai mươi đã được xem là “nhà phát minh đầy triển vọng trong tương lai”, lại hớn hở bằng lòng khi được đề bạt một vị trí nhàn nhạt, phụ trách phòng quản lí tư liệu của một Viện nghiên cứu khoa học, bỏ hết mọi dự định lớn dở dang. Những câu hỏi day dứt, dồn dập cứ vang lên - “nhưng nguyên nhân do đâu? Tại sao lại ra nông nỗi này? Liệu mình đã có đủ sức lực chưa - để làm anh đổi khác, để làm cuộc đời hai người đổi khác?” (Tiếng hát). Hướng về kiểu nhân vật tự phản tỉnh, truyện ngắn Lưu Quang Vũ ghi dấu một thời điểm văn học đã bắt đầu chuyển đổi trong cách nhìn về con người. Mô hình con-người-trong-suốt dần bị thay thế bởi con-người-mờ-đục, con người “không trùng khít với chính nó”. Trong thời điểm này, truyện ngắn Nguyễn Minh Châu, Nguyễn Huy Thiệp… cũng từng gây ấn tượng với kiểu nhân vật tự ý thức với các biểu tượng “mặt nạ, soi gương, sắm vai,…” và những đối ảnh/đối mặt đầy giằng xé. Lưu Quang Vũ không đẩy mâu thuẫn thành bi kịch. Nếu trong kịch, những mặt tối của xã hội được phản ánh đậm nét, thì ở truyện ngắn, cái nhìn của nhà văn nhẹ nhàng hơn. Trong kịch người đọc bắt gặp những con người tha hóa trầm trọng, còn trong truyện ngắn, nhân vật của Lưu Quang Vũ luôn mấp mé ở lằn ranh vấp ngã và vươn lên. Sự điều chỉnh khoảng cách, kéo xích gần nhau và hóa giải để con người nhận ra lẽ sống đẹp chính là thông điệp trong truyện của nhà văn này.
Một khúc sông quê. Ảnh: Duy Anh
Truyện ngắn Lưu Quang Vũ luôn khơi gợi một điều gì đó về lẽ sống. Nếu thơ Lưu Quang Vũ vô thức biểu hiện một bản lai diện mục cô đơn tìm kiếm chính mình thì truyện ngắn là hữu thức đi tìm Cái Đẹp, hữu thức hóa niềm tin vào Cái Đẹp dẫu trong chiến tranh đổ nát hoặc giữa bộn bề mưu sinh. Truyện ngắn là nơi chưng cất những khát khao sống đẹp của nhà văn. Vì vậy, dù viết về vấn đề gì, lãng mạn trữ tình hay hiện thực ngổn ngang, truyện ngắn Lưu Quang Vũ luôn thấp thoáng bóng dáng một cái-tôi-nhà-văn mang tâm hồn tuổi hai mươi - “mười chín, hai mươi, tôi có bao ước vọng sặc sỡ ồn ào, những dự định nghiêm túc chen lẫn với những ham thích kì quặc viển vông” (Người Chiếu đèn). Con người của tuổi hai mươi vừa hăm hở vừa vấp ngã, nhưng lúc nào cũng hướng về Cái Đẹp lấp lóe thật gần mà cũng có lúc thật xa. Tôi mang tâm hồn của tuổi trẻ trong ngần, đầy mơ ước và luôn giữ niềm tin về tình yêu, tình đời. Tình yêu trong truyện ngắn của Lưu Quang Vũ thật trong trẻo, là một cái cầm tay “trong im lặng giữa một buổi chiều trên vùng trung du êm đềm”; là “cái hôn đầu tiên trong đời. Mùi nhựa trám, mùi tươi hăng của lá chè non phảng phất trên mái tóc dày của Lán”(Hoa xuyến chi); là cái ôm hôn “nhòe nước mắt” vội vã trước lúc chia xa (Mười hai ngày của đời tôi). Tình yêu dẫu có dở dang thì vẫn còn lại những cảm xúc, những kỉ niệm khó phai, những hoài bão đẹp - “Chỉ yêu nhau thôi không đủ… Người ta phải cùng đi tới một cái gì khác, một cái gì đẹp, một cái gì lạ, một cái gì hữu ích” (Tiếng hát). Tôi trăn trở về ý nghĩa cuộc sống, hóa thân đồng cảm với những kiếp đời nghệ sĩ vô danh. Gắn bó với nghệ thuật từ rất sớm, Lưu Quang Vũ thấu hiểu những được mất của người nghệ sĩ. Đằng sau ánh đèn sân khấu, sau những hào quang là bao khổ lụy đời thường, kể cả bi kịch đến từ đam mê nghệ thuật. Tôi phân thân trải lòng, thấu cảm cuộc sống của con người nhỏ bé, chẳng ai biết mặt đặt tên, nhưng xuất thần trong vai diễn và chết cũng chính bởi vai diễn của mình (Người kép đóng hổ). Trên hết là một cái tôi mang tình yêu quê hương đất nước, gắn bó và đầy cảm xúc trước hương vị, sắc màu của đất đai đồng nội (Hoa xuyến chi, Thị trấn ven sông). Những “đắm đuối” tâm hồn đó được nhà văn thổi vào thiên nhiên phập phồng sức sống. Những thị trấn đầy hoa dại, dòng sông và những cánh buồm trắng, cánh buồm nâu vá víu; mùi hương và sắc xanh thắm của ruộng dưa. Hà Nội đổ nát và hoa, kể cả những dòng chữ viết bằng phấn, bằng gạch non, bằng than đen ngay ngắn, nắn nót: “Mẹ, con về không gặp mẹ. Con vẫn khỏe mạnh, thương mẹ nhiều”; “Thọ, địa chỉ của tôi là: Hòm thư- số 1236HV - Viết thư nhé”; “Bố ơi, con và bà đi trước”... “Hùng sang nhà anh Tám ở xóm núi”... “Ngọc, về mà không gặp em, em đã sơ tán ở đâu cho anh biết tin”; “Hòa Bình đã đi với mẹ rồi, thầy nó nhớ mang theo cái xe nôi cho Bình tập đi”. Chiến tranh làm li tán nhưng không xóa nhòa niềm hi vọng được trở về. Chiến tranh không chỉ có đổ nát hoang tàn mà đan xen vào những nét đẹp của một cuộc sống thanh bình. Những bức tường đổ nát “nhưng không sao, không sao, dòng sông vẫn còn đây, mùa dưa hấu vẫn còn đây”; “Ngoài đồng kia, dưa hấu chắc đã chín, những trái dưa tròn, vỏ xanh thẫm có sọc vàng, lòng đỏ tươi mang vị ngọt mát thơm”. Chiến tranh và những khoảnh khắc bình yên. Mùi hoa lan trong khói đạn; đan xen tiếng ầm ào bom đạn là âm nhạc Chopin… Ánh trăng, mùi cỏ cháy, mùi tro than đan quện vào nhau; “dòng sông vẫn trăn trở dưới kia, tiếng chiếc tàu vét cát vẫn bồi hồi vang vọng trên mặt sông” (Thị trấn ven sông, …). Thiên nhiên mở ra một mảnh tâm hồn luôn hướng về Cái Đẹp tinh khôi. Chất trữ tình, chất thơ trong truyện lấp lánh từ cái đẹp ngoại giới hòa quyện với vẻ đẹp bên trong tâm hồn ấy.
Truyện ngắn Lưu Quang Vũ thường có kết thúc đẹp (dẫu điểm dừng phần lớn là chia xa, có khi là cái chết). Nhiều truyện kết thúc bằng những biểu tượng thiên nhiên đầy sức sống. Ngay cả ở những chuyện buồn thì cái kết vẫn tạo dư vang. Người đưa thư mẫn cán bị tra tấn, hơi thở chỉ còn thoi thóp nhưng những lá thư bị xé rách vẫn còn đầy đủ và được chắp dán cẩn thận. Những tâm tình yêu thương sẽ đến tận tay người nhận. Có điều, “trạm bưu điện sẽ phải viết ít dòng lên mỗi phong bì, giải thích vì sao lá thư lại có vết dán như vậy” (Người đưa thư). Người kép đóng vai hổ với cái chết thảm thương, “lốt hổ của vai diễn trở thành vải liệm anh” nhưng câu chuyện về anh vẫn còn đâu đó, qua người đóng vai Võ Tòng sát hổ (Người kép đóng hổ). Trong Làm điều tốt, vợ chồng Thao cưu mang, giúp đỡ cô gái lỡ lầm và đứa bé sơ sinh không nơi nương tựa. Nhưng làm điều tốt giữa cuộc đời này xem ra phức tạp. Vì vậy, ngay trong đêm tối, vợ Thao đành đưa cô gái ra sân ga, những mong tìm được người nhà cho đứa bé. Sau một đêm trằn trọc không ngủ được, Thao “bỗng thấy giận và khinh mình”. Bứt rứt, ám ảnh về một đêm mưa gió, về người mẹ trẻ và đứa bé vừa lọt lòng, Thao ghé đến sân ga. Không còn thấy bóng dáng cô gái, giữa đông đúc ồn ào Thao nhận ra “tấm áo xanh bạc màu quen thuộc của vợ anh, thì ra chị cũng ra đây… Hai vợ chồng im lặng cùng ra về” (Làm điều tốt). Đây là truyện ngắn ở đoạn kết nhà văn không bàn luận, triết lí, hoặc trữ tình ngoại đề. Chỉ có cái “im lặng” đầy âm vang.
Truyện ngắn của Lưu Quang Vũ phản ánh những điều bình thường, nhỏ nhặt trong cuộc sống hằng ngày, như “cuộc sống quanh ta” vốn thế, đan xen niềm vui nỗi buồn, hạnh phúc bất hạnh, có mất mát nhưng cũng có hồi sinh. Những “chuyện nhỏ” ấy lại ẩn chứa điều lớn lao là Cái Đẹp. Truyện ngắn Lưu Quang Vũ giàu chất thơ với lối viết giản dị, tự nhiên, giọng điệu nhẹ nhàng, thoáng chút giễu cợt, nhiều nét ngợi ca. Tuy vậy, cái chất thơ mượt mà, lãng mạn đó, đôi lúc làm nhòe những gai góc, phức tạp vốn có trong đời sống cũng như trong cõi lòng. Nhà văn ít đi vào những phức cảm bên trong, những góc khuất tâm hồn, nhất là trong thời điểm chiến tranh và hậu chiến cứ chà đi xát lại trong sự lựa chọn một cách sống của con người. Truyện nào cũng có những triết lí về cuộc sống. Sống có ích, sống đẹp. Chính vì vậy, lời thoại đôi chỗ dài dòng; một vài truyện lộ lời giáo huấn, do nhà văn chuyển tải suy nghĩ, cảm xúc, niềm say mê vào nhân vật một cách nhiệt tình. Nhưng “không sao, không sao đâu,…” (cách nói lặp lại nhiều lần trong truyện của Lưu Quang Vũ), điều cần khẳng định là, ra đời trước cái mốc chuyển đổi văn học 1986, truyện ngắn của Lưu Quang Vũ đã báo hiệu sự đổi khác trong cái nhìn, trong lối viết thuộc về một hệ hình văn học mới.
Hương Lê
0 đã tặng
Hãy liên hệ với chúng tôi qua số điện thoại: 0988827920 (Ngô Ngọc Luận), nếu bạn có nhu cầu thưởng thức những ấn phẩm của Văn nghệ Thái Nguyên.
Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...