
Góc biếm họa số 7 (2025)

Trong suy nghĩ non trẻ của tôi hơn ba mươi năm trước, Thái Nguyên dẫu không lạ nhưng vẫn là một miền xa xôi nào đó, ngỡ chẳng khi nào được đặt chân đến. Tôi có một người họ hàng lên làm công nhân ở nhà máy Gang thép Thái Nguyên từ những năm 1970. Dù lúc đó còn nhỏ nhưng tôi vẫn nhớ, anh ấy có đôi lần về quê và thường biếu cha tôi dăm lạng chè búp – thức quà mà cha tôi rất ưa thích. Cũng vì anh chị ít về quê và cũng bởi thỉnh thoảng, Thái Nguyên chợt được nhắc đến loáng thoáng trong những câu chuyện của gia đình nên tôi mường tượng Thái Nguyên là một miền núi rừng xa xăm lắm...
Ấy vậy mà chuyến xa nhà đầu tiên trong đời tôi lại là lên Thái Nguyên và tôi đã gắn bó với mảnh đất này những tháng năm tuổi trẻ của đời mình. Đó là xuân 1996, chúng tôi nhập ngũ về Sư đoàn 312, đóng quân trên địa bàn huyện Phổ Yên. Thú thực, đến lúc đó tôi vẫn thấy Thái Nguyên xa thế, bởi phải mất trọn một ngày đường ô tô, chúng tôi mới được đặt chân lên miền quê trung du này.
Hôm ấy, khi xe sắp qua địa phận Sóc Sơn, anh sĩ quan trẻ nói như “khoe”: “Qua cầu này là đất Thái rồi nhé!”. Tôi nhìn ra ngoài, thấy tấm biển đề “Cầu Đa Phúc” và nói khẽ với người bên cạnh: “Đa Phúc, tên hay thế!...”. Nằm gần chiếc cầu đường bộ là cây cầu sắt vẻ cũ kỹ dành cho xe lửa, dáng trầm mặc soi bóng xuống dòng sông êm đềm, phẳng lặng đang mùa nước cạn. Phía bên kia, ngay dưới chân cầu là bến thuyền với những đống cát, đống than... đùn cao. Mấy chiếc thuyền chụm đầu thầm lặng dưới mưa xuân...
Qua cầu mấy trăm mét, đoàn xe rẽ vào con đường chạy dưới hai hàng keo cao vút, dẫn về cổng doanh trại trên địa phận xã Thuận Thành. Chúng tôi được thả xuống một bãi đất trống để tỏa về các đơn vị. Những lối mòn đất vàng pha lẫn sỏi đá chạy quanh co, ẩn hiện qua những sườn cỏ xanh mượt, gợi một cảm giác thanh bình và rất đỗi nên thơ...
Một chiều sau buổi tập đội ngũ, anh tiểu đội trưởng dẫn tốp lính trẻ chúng tôi ra ngoài doanh trại để đi “dân vận”. Thấy tôi ngạc nhiên, anh bảo: “Mỗi khi ra địa bàn của dân thì gọi là đi... “dân vận” nhé! Hôm nay, chúng ta đi “lấy” ít chổi để về quét sân!...”.
Ra đến đê sông, chúng tôi chặt những cây bụi nhiều cành như sim, sài hồ... rồi đập cho rụng bớt lá, buộc lại ướm vừa tay nắm. Cây dại mọc nhiều hai bên sườn đê nên chừng nửa tiếng, chúng tôi đã “kiếm” được mấy chục chiếc chổi đủ quét cho cả tháng.
Thấy tôi chăm chú ngắm dòng sông, anh tiểu đội trưởng giới thiệu: “Sông Công đấy! Một đoạn nữa là nối với sông Cầu!...”. Ngày còn đi học, tôi đã biết cái tên “Sông Công” gắn với câu chuyện tình đẹp mà buồn. Cứ nghĩ đó chỉ là huyền thoại xa xăm, mơ hồ chứ không ngờ rằng hình ảnh trong văn học ấy giờ lại hiệu hữu ngay trước mắt. Lòng tôi chợt khe khẽ ngân lên, bềnh bồng: “Ơi chàng trai ơi ngọn núi biếc/ Ơi cô gái ơi dòng sông sâu/ Mối tình thương đau hóa sông hóa núi...” trong ca khúc của nhạc sĩ Phó Đức Phương.
Sông Công không chảy đơn điệu mà luôn uốn khúc quanh co, thấp thoáng ẩn hiện sau những quả đồi thấp. Hình sông dựa theo thế núi nên lòng sông khi thu hẹp, lúc lại mở mênh mang khoáng đạt giúp con mắt người thưởng ngoạn luôn được thay đổi “khẩu vị”. Dòng sông hầu như không có bãi bồi bởi chân đê, chân đồi bám sát mép nước hoặc là những khối đá vách dựng ăn nhô ra. Đê sông cũng không liền mạch mà là từng đoạn nối với những quả đồi. Mùa xuân, muôn loài hoa dại trang điểm những sắc vàng, sắc trắng, hồng tím trên triền cỏ xanh. Bên này sông là những thôn xóm bình yên của các xã Thuận Thành, Trung Thành, Nam Tiến... Bên kia là vùng đồi Sóc Sơn. Nhìn ra nữa là dãy Tam Đảo xanh lam xa mờ, bốn mùa mây phủ...
Gần qua năm lính thứ nhất, tôi được chuyển lên trực điện ở Trạm thông tin Sư đoàn. Đợt mưa bão giữa năm 1997, đường dây hữu tuyến bị đứt khiến tôi phải chuyển điện trực tiếp qua sông trên chiếc xuồng sắt nhỏ bám lần theo sợi dây nối hai bờ. Hôm ấy, lũ đổ về làm nước dâng cao. Sông Công khúc này lại bị thu hẹp do những khối đá và chân đồi ăn ra xa khiến nước càng chảy xiết. Sau mỏm đá hay khúc cua dòng chảy, nước cuộn lại thành vực xoáy, đục ngầu phù sa. Đường dây kết bằng năm sợi cáp điện thoại bị kéo căng ra và nặng trĩu. Thú thật, tôi vừa ghì bám sợi dây mà vừa run. Bởi chỉ lỏng tay một chút là chiếc xuồng sẽ bị cuốn lật úp xuống dòng chảy đầy đá ngầm và vách đá nhô ra hai bên bờ…
Có lẽ, bữa ăn ngon nhất đời lính của tôi là ở trong một gia đình trẻ thuộc xóm Cẩm Trà bên sông Công. Sáng Chủ nhật ấy, chúng tôi tìm đến ngôi nhà đầu xóm, ngỏ ý muốn nhờ gia đình chuẩn bị giúp bữa “cải thiện”. Chưa nghe trình bày xong, anh chủ nhà đã mỉm cười thân thiện, bảo vợ nấu nước còn mình ra vườn bắt gà. Nói chuyện, tôi mới biết, anh quê ở Hưng Yên. Gần chục năm trước, anh cũng là lính của Sư đoàn, rồi bén duyên cùng cô gái xóm này. Ra quân, anh ở lại cùng chị, giờ đã hai mặt con. Cuộc sống của anh chị cũng như bao người trong xóm, tuy vất vả, lam lũ nhưng an lành và hạnh phúc bình dị, giản đơn...
Điều khiến tôi nhớ mãi về ngôi nhà ấy không chỉ vì bữa ăn rất ngon mà còn là tấm lòng mộc mạc, chân tình của anh chị. Một nồi cháo gà to dành cho sáu anh lính mà anh chị chỉ đồng ý nhận số tiền chưa hết một tháng phụ cấp (32.000 đ). Tôi không nhớ chính xác số tiền bởi có lẽ, lúc đó tôi bất ngờ và cảm động quá! Chắc vì hiểu lính và thương lính nên anh chị nhận lấy lệ cho tôi vui chứ thực ra, tình cảm mà con người nơi đây dành cho chúng tôi còn quý giá gấp trăm nghìn lần...
Thấm thoắt đã gần ba mươi năm trôi qua với những bộn bề mưu sinh. Tôi xuất ngũ về quê nhưng ân tình của đất và người Phổ Yên, hình ảnh dòng sông Công vẫn chảy mãi trong ký ức thanh xuân của tôi. Và buổi họp bạn đồng ngũ dịp xuân Ất Tỵ vừa qua, bọn tôi đã hẹn nhau, nhất định sẽ thu xếp công việc để cùng trở về nơi đóng quân nhân dịp kỷ niệm 30 năm ngày nhập ngũ, bởi ai cũng thấy rằng, tự bao giờ đã gần gũi, thân thuộc lắm, Thái Nguyên!...
Tháng 4/2025
Trần Văn Lợi
0 đã tặng
Hãy liên hệ với chúng tôi qua số điện thoại: 0988827920 (Ngô Ngọc Luận), nếu bạn có nhu cầu thưởng thức những ấn phẩm của Văn nghệ Thái Nguyên.
Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...