
Góc biếm họa số 7 (2025)

Thái Nguyên là một trong những trung tâm kinh tế, văn hóa, xã hội của vùng trung du miền núi phía Bắc, là vùng đất giàu truyền thống yêu nước và cách mạng, nơi hội tụ những giá trị sâu sắc về văn hóa, con người và lịch sử.
Từ khi hòa bình lập lại, đặc biệt là sau ngày đất nước thống nhất, với vị trí là trung tâm kinh tế, giáo dục, văn học, nghệ thuật của khu vực Việt Bắc, Thái Nguyên là nơi sống và làm việc của một đội ngũ văn nghệ sĩ đông đảo với rất nhiều tên tuổi lớn. Các thế hệ văn nghệ sĩ đã nối tiếp nhau kiến tạo một nền văn học, nghệ thuật (VHNT) mới, phát triển cả về đội ngũ lẫn chất lượng và số lượng tác phẩm, đa dạng về phong cách và mang những giá trị đặc sắc của vùng văn hóa Việt Bắc.
Công cuộc đổi mới toàn diện đất nước mở ra một thời kỳ phát triển mới. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, kế thừa và phát triển nền văn hóa đặc sắc của cộng đồng các dân tộc Việt Bắc; đồng hành với công cuộc đổi mới phát triển kinh tế - xã hội, đội ngũ văn nghệ sĩ Thái Nguyên đã có nhiều sáng tạo cống hiến, góp phần quan trọng tạo nên một đời sống văn học nghệ thuật phong phú, hiện đại và giàu bản sắc các dân tộc.
Một chặng đường sáng tạo và cống hiến
Đội ngũ văn nghệ sĩ Thái Nguyên gồm 4 thế hệ đồng hành: thế hệ tham gia chống Mỹ cứu nước và xây dựng nền văn nghệ Việt Bắc; thế hệ trưởng thành sau chiến tranh; thế hệ trưởng thành trong công cuộc Đổi mới; thế hệ trẻ đương đại. Đây thực sự là lực lượng xung kích đưa đường lối văn hóa, văn nghệ của Đảng đến với nhân dân bằng những tác phẩm có giá trị nghệ thuật và tư tưởng sâu sắc, với cảm hứng và đề tài chủ đạo là quê hương, con người Thái Nguyên, lịch sử cách mạng và kháng chiến, sự nghiệp đổi mới và hội nhập của đất nước và địa phương, truyền thống văn hóa các dân tộc; hướng công chúng tới các giá trị Chân - Thiện - Mỹ.
Trong lĩnh vực văn học, từ sau năm 1975 nhiều nhà văn đã hướng ngòi bút vào khai thác các mảng đề tài truyền thống, đề tài chiến tranh cách mạng cùng với những hiện thực mới của xã hội. Những cảm hứng sử thi về cuộc sống hòa bình, thống nhất, cảm hứng thế sự về những biến cố của thời cuộc cùng những cảm hứng trữ tình đời tư đã dần dần đi vào văn học. Một số tác giả Thái Nguyên đã trưởng thành và được khẳng định qua các tập sách riêng gây được sự chú ý của dư luận. Tiêu biểu nhất là nhà văn Vi Hồng (Giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật năm 2012) với các tác phẩm Đất bằng, Đường về với mẹ chữ, Người trong ống…
Trong công cuộc đổi mới, nền dân chủ xã hội được rộng mở, đã xuất hiện một đội ngũ cầm bút thích ứng với sự chuyển động của thực tiễn, từng bước đa dạng về khuynh hướng và bút pháp, phong phú về phong cách và giọng điệu nghệ thuật. Nhiều tác giả đoạt giải cao trong các cuộc thi văn chương ở phạm vi quốc gia.
Lĩnh vực nghệ thuật biểu diễn ở Thái Nguyên từ năm 1975 đến nay chịu ảnh hưởng và tác động của nhiều yếu tố cả về chủ quan và khách quan. Đáng kể là từ sau quá trình Đổi mới, sự chuyển đổi từ nền kinh tế tập trung sang nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa đã ảnh hưởng mạnh mẽ đến các nghệ sĩ, tác phẩm và công chúng về cơ hội cũng như thách thức đối với sự tồn tại và phát triển.
Trước năm 2000, Thái Nguyên (trước đó là Bắc Thái), có các đơn vị nghệ thuật chuyên nghiệp lớn như: Đoàn Cải lương, Đoàn Chèo, Đoàn Kịch nói. Nhiều vở diễn lớn của các đoàn đã làm nên đời sống sân khấu Thái Nguyên nhiều thập kỷ. Nhiều thế hệ nghệ sĩ tên tuổi của các Đoàn đã chiếm được tình cảm yêu mến của công chúng khán giả trong và ngoài tỉnh, giành được nhiều giải thưởng lớn. Trên địa bàn Thái Nguyên còn có Nhà hát Ca Múa Nhạc dân gian Việt Bắc và Đoàn Nghệ thuật Quân khu I là những đơn vị lớn, có bề dày truyền thống và chất lượng chuyên môn cao, đã đóng góp tích cực cho đời sống nghệ thuật của nhân dân Thái Nguyên.
Do những thay đổi về cơ chế và phương thức quản lý, các đơn vị nghệ thuật của địa phương hoặc giải thể hoặc sáp nhập thành đơn vị mới, một số loại hình nghệ thuật truyền thống như cải lương, kịch nói đã không còn hoạt động; hoặc hoạt động mang tính chất duy trì, ít được đầu tư phát triển (như chèo). Hoạt động nghệ thuật biểu diễn ở Thái Nguyên hiện nay tập trung chủ yếu ở loại hình ca múa nhạc, thông qua các chương trình nghệ thuật phục vụ các sự kiện chính trị; dàn dựng các chương trình, vở diễn tham gia các Hội thi, liên hoan nghệ thuật và biểu diễn lưu động phục vụ nhân dân.
Ở lĩnh vực nghệ thuật múa, Thái Nguyên hội tụ một đội ngũ nghệ sĩ, diễn viên múa khá đông đảo, với nhiều nghệ sỹ có tên tuổi trong hoạt động nghệ thuật chuyên nghiệp. Đặc biệt, có Nghệ sỹ Nhân dân Lê Khình - Giải thưởng Hồ Chí Minh năm 2022; Nghệ sỹ ưu tú Vương Thào - Giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật năm 2001. Nhiều giảng viên, biên đạo, nghệ sĩ biểu diễn đã được Đảng và Nhà nước phong tặng danh hiệu Nghệ sĩ ưu tú, Nhà giáo ưu tú.
Ở lĩnh vực âm nhạc, các nhạc sĩ Thái Nguyên dành sự quan tâm sâu sắc đến việc sáng tác các ca khúc phục vụ công tác chính trị, nhu cầu giải trí, nâng cao thẩm mĩ âm nhạc của nhân dân. Nhiều người đã giành giải cao tại các cuộc vận động sáng tác, giải thưởng, các kỳ liên hoan âm nhạc toàn quốc. Nhạc sĩ Lê Tú Anh có ca khúc “Hãy hát lên bài ca Công đoàn” được bình chọn làm bài hát chính thức của tổ chức Công đoàn Việt Nam.
Lĩnh vực mỹ thuật, nhiếp ảnh, điện ảnh: giới mỹ thuật Thái Nguyên đã góp phần khắc hoạ vẻ đẹp của của thiên nhiên, con người, các giá trị văn hoá truyền thống khu vực miền núi phía Bắc; hình ảnh lãnh tụ và mảng đề tài về lịch sử, người lính và những cuộc chiến hào hùng của dân tộc. Nhiều họa sĩ, nhà điêu khắc có đóng góp lớn cho khu vực Việt Bắc và nền mỹ thuật nước nhà. Tiêu biểu là nhà điêu khắc Hứa Tử Hoài, Giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật (năm 2001).
Nhiều tác giả nhiếp ảnh Thái Nguyên đã có nhiều thành tựu trong việc ghi lại những tư liệu lịch sử quí giá, những vẻ đẹp bản sắc văn hóa các tộc người Việt Bắc nói chung, Thái Nguyên nói riêng, những hoạt động tích cực, sáng tạo của con người trong các lĩnh vực của đời sống. Nhiều tác phẩm nhiếp ảnh của nghệ sĩ Thái Nguyên đạt giải cao như: Huy chương Vàng ASEAN, Giải A Giải thưởng Nhiếp ảnh xuất sắc toàn quốc, Huy chương Vàng Triển lãm Ảnh nghệ thuật toàn quốc, Cúp Ảnh ASEAN …
Ở lĩnh vực kiến trúc, đội ngũ kiến trúc sư Thái Nguyên đã thực hiện tốt công tác phản biện xã hội, tham gia giúp các cấp chính quyền trong chủ trương đầu tư các dự án; tham gia vào các hoạt động của ngành xây dựng Thái Nguyên trên các lĩnh vực tư vấn, quản lý dự án, hội thảo, triển lãm... Hội Kiến trúc sư tỉnh đã có nhiều đóng góp thiết thực trong xây dựng và thực hiện quy hoạch tỉnh Thái Nguyên giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050; quy hoạch vùng các huyện, thành phố; quy hoạch chung các đô thị mới; các đồ án quy hoạch chung xã nông thôn mới, thị trấn trên toàn tỉnh….
Ở lĩnh vực văn nghệ dân gian, các nhà nghiên cứu, các nghệ nhân văn nghệ dân gian đã tích cực, cần mẫn và trách nhiệm trong các hoạt động sưu tầm, nghiên cứu, phổ biến, truyền dạy văn hóa văn nghệ dân gian; góp phần gìn giữ và phát huy các giá trị đặc sắc của nền văn hóa đa sắc màu khu vực Việt Bắc ở trong nước và quốc tế. Nhiều công trình nghiên cứu văn nghệ dân gian Thái Nguyên đã giành giải thưởng của Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam.
Trong nghiên cứu, phát triển lý luận, phê bình văn học nghệ thuật : Đội ngũ những người làm công tác nghiên cứu, lý luận phê bình và một số nhà văn, nghệ sỹ của tỉnh đã có nhiều hoạt động tích cực và hiệu quả, cụ thể như: tổ chức nghiên cứu, phê bình tác phẩm, các xu hướng, trào lưu văn học mới; tổ chức các cuộc hội thảo về văn học, nghệ thuật tỉnh Thái Nguyên; tham gia các hội thảo khoa học các cấp; nghiên cứu, công bố những tác phẩm lý luận, phê bình có tính mới, tính thực tiễn cao, góp phần đổi mới tư duy lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật thời kì hội nhập quốc tế.
Công tác củng cố, đổi mới hoạt động của hội văn học, nghệ thuật: Hội Văn học nghệ thuật tỉnh Thái Nguyên được thành lập năm 1987 đã phát triển ngày càng lớn mạnh về số lượng và chất lượng; đến nay có gần 300 hội viên (trong đó có gần 100 hội viên các Hội chuyên ngành trung ương) sinh hoạt tại 11 Chi hội chuyên ngành, 10 Hội thành viên. Hội thực sự trở thành mái nhà chung tập hợp, động viên văn nghệ sĩ trong lao động sáng tạo văn học, nghệ thuật. Hội và các chi hội thành viên đã thực hiện tốt các nhiệm vụ được giao cũng như xâm nhập thực tiễn sinh động của đời sống xã hội để sáng tác; nỗ lực phản ánh chân thật cuộc sống và lao động, sáng tạo của nhân dân; góp phần xây dựng nền tảng tinh thần xã hội, bồi dưỡng giáo dục con người, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội…
Trong những năm qua, Hội Văn học nghệ thuật tỉnh đã tổ chức được nhiều sự kiện văn học, nghệ thuật lớn, có tiếng vang trong khu vực và cả nước. Tham mưu cho UBND tỉnh tổ chức Giải thưởng Văn học nghệ thuật tỉnh Thái Nguyên từ năm 1991 đến nay; tổ chức hàng chục cuộc thi sáng tác văn học, nghệ thuật. Tổ chức xuất bản và hỗ trợ hội viên xuất bản gần 500 tập sách văn học nghệ thuật. Từ năm 2010 đến nay đã tổ chức gần 50 triển lãm nghệ thuật (gồm Nhiếp ảnh, Mỹ thuật, Kiến trúc) hơn 3.000 tác phẩm nghệ thuật được giới thiệu với đông đảo người yêu nghệ thuật trong tỉnh và ngoài tỉnh.
Báo (nay là Tạp chí) Văn nghệ Thái Nguyên được thường xuyên quan tâm chỉ đạo, tạo điều kiện phát triển; trở thành một trong những cơ quan báo chí văn nghệ địa phương có uy tín cao trong hệ thống báo chí văn nghệ.
Có thể khẳng định, từ sau giải phóng đất nước năm 1975 đến nay, dưới sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước, trực tiếp là Đảng bộ và chính quyền tỉnh Thái Nguyên, đội ngũ văn nghệ sĩ Thái Nguyên đã có những đóng góp quan trọng cho đời sống văn hóa, nghệ thuật. Các thế hệ văn nghệ sĩ Thái Nguyên đã tích cực và đam mê sáng tác, sáng tạo, cống hiến hết mình để góp phần xây dựng một đời sống văn hóa nghệ thuật phong phú, đa dạng, tiên tiến và đậm đà bản sắc dân tộc.
Thời kỳ mới và những nhiệm vụ mới
Trong kỷ nguyên phát triển mới của đất nước, trong xu thế phát triển của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, nền kinh tế tri thức, kinh tế số, kinh tế xanh, xã hội số, văn hóa số…, thì sáng tạo nói chung, sáng tạo văn học nghệ thuật nói riêng trở thành nguồn lực quan trọng cho sự phát triển bứt phá của đất nước và địa phương. Văn nghệ sĩ dù ở phạm vi nào, quốc gia hay địa phương cũng không thể đứng ngoài xu thế ấy, không những thế còn phải xác định rõ tâm thế chủ động nhập cuộc trong hoạt động sáng tạo, sản xuất và tiếp nhận sản phẩm văn hóa.
Cùng với đó, công cuộc công nghiệp văn hóa đã và đang tạo ra những chuyển biến lớn trong xã hội từ nhận thức đến hành động. Nhiều sản phẩm và dịch vụ văn hóa đang chinh phục công chúng một cách ngoạn mục, là sự kết hợp của tài năng sáng tạo, vốn văn hoá, công nghệ và kỹ năng kinh doanh. Trong đó, yếu tố tài năng sáng tạo của văn nghệ sĩ là quan trọng nhất. Khi tài năng đủ lớn, vốn văn hóa sâu rộng cộng với sự hỗ trợ của công nghệ và kỹ năng kinh doanh thì một sản phẩm đậm chất “địa phương” sẽ đủ sức tham gia và thành công trong thị trường công nghiệp văn hóa (trường hợp MV Bắc Bling là một ví dụ).
Ở góc độ tổ chức, Hội Văn học nghệ thuật với tư cách là hạt nhân tập hợp, đoàn kết đội ngũ văn nghệ sĩ, cuộc cách mạng sắp xếp, kiện toàn, tinh gọn tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế gắn với vị trí việc làm đang được Đảng, Nhà nước thực hiện là cơ hội quý để Hội phát huy các giá trị đặc thù của mình trong hệ thống chính trị, đồng thời cũng tạo ra những thách thức mới trong đổi mới tư duy và phương thức hoạt động, trong lựa chọn và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ làm công tác Hội, trong tập hợp và phát triển đội ngũ văn nghệ sĩ.
Tạo ra các tác phẩm VHNT mang tính chuyên nghiệp cao, thể hiện được những thành tựu của đất nước và quê hương Thái Nguyên trong kỷ nguyên mới, bảo tồn và phát huy được các giá trị văn hoá truyền thống các dân tộc trong xã hội hiện đại, trở thành một nguồn lực trong phát triển các ngành công nghiệp văn hoá ở một địa phương có vị trí trung tâm vùng miền núi phía Bắc, góp phần xây dựng và quảng bá những giá trị đặc sắc của vùng đất và con người Thái Nguyên trong cộng đồng người Việt và thế giới, đó là sứ mệnh lớn nhất và khó khăn nhất của văn nghệ sĩ Thái Nguyên trong thời gian tới.
Để thực hiện được sứ mệnh lớn lao đó, nhiệm vụ đặt ra đối với đội ngũ văn nghệ sĩ Thái Nguyên là:
Thứ nhất, luôn bám sát thực tiễn của quê hương, đất nước, bám sát đường lối chính sách của Đảng, Nhà nước về VHNT, đồng hành với mọi tầng lớp nhân dân để có những tác phẩm văn học nghệ thuật thực sự mang đậm hơi thở của thời cuộc, thời đại trên mảnh đất mà mình gắn bó.
Thứ hai, không ngừng sáng tạo, không ngừng làm giàu vốn tri thức, văn hoá, nâng cao trình độ về mọi mặt để đi được xa hơn trên hành trình sáng tạo. Nâng cao tính chuyên nghiệp trong sáng tạo văn học nghệ thuật, sản phẩm sáng tạo phải gắn với phát triển con người, gắn với thị trường văn hóa, nhu cầu lành mạnh và chính đáng của công chúng và đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững của tỉnh Thái Nguyên.
Thứ ba, tiếp tục xây dựng và phát triển tổ chức Hội Văn học nghệ thuật tỉnh để từ đó gắn kết, bồi dưỡng, truyền cảm hứng và động lực cho văn nghệ sĩ sáng tạo và cống hiến.
Ở góc độ tổ chức, tiếp nối truyền thống và thành quả đã đạt được, trong thời gian tới Hội Văn học nghệ thuật tỉnh Thái Nguyên cần tiếp tục đổi mới tư duy và sáng tạo trong phương thức tổ chức, hoạt động Hội, chú trọng xây dựng đội ngũ văn nghệ sĩ đủ năng lực để đáp ứng nhiệm vụ và yêu cầu đặt hàng của Nhà nước, có đủ năng lực, trình độ, phẩm chất, uy tín trong cộng đồng, bồi dưỡng phát triển đội ngũ sáng tác trẻ. Tăng cường khai thác các nguồn lực để nâng cao chất lượng hoạt động văn học nghệ thuật. Tích cực ứng dụng chuyển đổi số và trí tuệ nhân tạo (AI) trong sáng tạo, lưu giữ và quảng bá tác phẩm.
Trước mắt, khắc phục những khó khăn về nhân lực nhất là lực lượng chuyên trách, về tổ chức bên trong (khi không còn tổ chức thành viên cấp huyện), hội viên ở phân tán trên một địa bàn rộng lớn… sau khi thực hiện tinh gọn tổ chức bộ máy, sáp nhập địa phương và thành lập tỉnh mới. Tiếp tục ứng dụng chuyển đổi số vào hoạt động VHNT.
Các hoạt động văn học, nghệ thuật của tỉnh Thái Nguyên trong những năm tới cần chuyên nghiệp hơn; song song với việc hướng hoạt động văn hóa, văn nghệ về cơ sở, phục vụ có hiệu quả nhiệm vụ chính trị của địa phương và gắn kết tích cực với các cộng đồng văn học nghệ thuật trong cả nước.
Hy vọng trong thời kỳ phát triển mới của đất nước, từ Thái Nguyên sẽ có nhiều tác phẩm đặc sắc về tư tưởng và nghệ thuật, vượt ra ngoài đường biên địa phương hạn hẹp, đạt tới những chiều kích trí tuệ, nhân văn cao lớn. Đội ngũ văn nghệ sĩ sẽ gánh vác tốt vai trò, sứ mệnh dẫn dắt, định hướng thẩm mỹ của cộng đồng, góp phần kiến tạo và lan tỏa “sức mạnh mềm” để văn hóa ngày càng trở thành mục tiêu và động lực phát triển xã hội.
Nguyễn Thúy Quỳnh
0 đã tặng
Hãy liên hệ với chúng tôi qua số điện thoại: 0988827920 (Ngô Ngọc Luận), nếu bạn có nhu cầu thưởng thức những ấn phẩm của Văn nghệ Thái Nguyên.
Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...