Thứ năm, ngày 01 tháng 05 năm 2025
03:45 (GMT +7)

Trên mỗi cung đường hôm nay

Đầu năm 2025, có một điều may mắn là trong vòng hơn chục ngày, tôi có cơ hội đặt chân ở cả điểm đầu và cuối của con đường 1A, con đường chạy dọc Việt Nam hình chữ S thân yêu. Từ Hữu Nghị quan Lạng Sơn, chúng tôi đi dọc đến mũi Cà Mau. Hành trình ấy để lại trong tôi biết bao cảm xúc.

Tác giả trong chuyến thăm lại nơi từng đóng quân tại biên giới phía Bắc
Tác giả trong chuyến thăm lại nơi từng đóng quân tại biên giới phía Bắc

 Giữa những sắc màu hiện ra của mỗi vùng miền. Giữa sự nhộn nhịp ngược xuôi trên mỗi cung đường, nhà ga, bến tàu, sân bay. Giữa những hơi thở cuộc sống còn đầy sự nhọc nhằn, nhưng cũng đang phơi phới niềm vui no ấm. Tôi nghĩ về hành trình suốt năm mươi năm của dân tộc mình. Tôi nghĩ về những gương mặt của lớp đàn anh ngay tại làng nhỏ quê tôi. Tôi nghĩ về hình ảnh bà ngoại tôi những năm tháng ấy.

Với tôi, khi còn nhỏ, những địa danh của miền Nam chỉ được hình dung từ trang sách và những bài ca quen thuộc. Người làng tôi cũng thế, chưa ai có dịp đặt chân lên mảnh đất miền Nam bởi đất nước còn chia cắt. Bà ngoại tôi thì bảo miền Nam là hướng mà con đường cậu tôi lên đường đi bộ đội. Những năm tháng đó, chỉ có những thanh niên miền Bắc lặng lẽ hành quân vượt qua bao gian khổ vào chiến trường miền Nam.

Tôi lại nhớ về một bài hát mà trước giờ vào lớp của hơn năm mươi năm về trước, lớp học sinh chúng tôi không ai không thuộc: “Giải phóng miền Nam, chúng ta cùng quyết tiến bước, diệt Đế quốc Mỹ, phá tan bè lũ bán nước. Ôi xương tan máu rơi, lòng hận thù ngất trời. Sông núi bao nhiêu năm cách rời…”. Và câu kết:  “Vận nước đã đến rồi. Bình minh chiếu khắp nơi. Dựng xây non nước sáng tươi muôn đời”. Bây giờ ngẫm lại sự tiên đoán của người nhạc sỹ trong bài hát sao đúng thế. Khát vọng và niềm tin nhiều khi hàng hai chục năm sau mới trở thành sự thật. Đã qua một thời “xương tan, máu rơi” và giờ là lúc “dựng xây non nước sáng tươi muôn đời”.

Đi trên nhiều vùng đất nước, vùng miền nào đất nước mình cũng đẹp, cái đẹp của sự yên bình. Tôi miên man nghĩ về cuộc sống mỗi con người. Có người nơi phồn hoa đô thị. Người lại ở hẻo lánh rừng núi xa xôi. Mỗi nơi một nếp sống văn hóa khác nhau, nhưng nơi nào cũng đang mang dấu ấn cuộc sống đi lên. Con người vất vả khác nhau, nhưng cuộc sống ấm êm, không lo sợ, không bom đạn.  Xa nhau khoảng cách mà như gần nhau bởi thời đại công nghệ thông tin. Một cuộc gặp mặt của những người lính chúng tôi một thời bên nhau cách nay gần năm mươi năm. Vậy mà trong vòng một tuần thông báo, đã có hơn hai trăm con người ở hơn chục tỉnh thành tụ họp. Toàn những U60, 70 mà vẫn mò mẫm sử dụng điện thoại thông minh để kết nối với nhau. Những gương mặt mang nhiều dấu ấn của sự khắc khổ một thời, giờ mỗi người đều ánh lên sự yên lành trong cuộc sống hiện tại. Chúng tôi đến bên nhau bằng xe của các đoàn các tỉnh thành tiến về biên cương từ muôn phía. Đường êm ru, xe êm ru, những bản nhạc trên xe êm đềm, có lúc gà gật rồi giật mình đã qua mấy chục cây số trên đường.

Cầu Hiền Lương. Ảnh: Đ.T
Cầu Hiền Lương. Ảnh: Đ.T

Lại nghĩ về khoảng cách. Ngày xưa, có vài ba trăm km mà khi về phép lên đơn vị có lần phải đi mất hai ba ngày. Nhỡ xe nhỡ tàu một ngày đêm là bình thường. Nằm, ngồi vạ vật rồi lại nhỡ tiếp chuyến sau cũng là chuyện thường ngày ở huyện. Có anh bạn đơn vị ở biên giới Lai Châu về phép cưới vợ, khi trả phép người nhà gói cho chục cái bánh chưng nhét vào ba lô, đi đường khoảng gần 500 km mất năm ngày, giải quyết vừa đủ số bánh chưng mang theo. Thời kỳ đầu của những thập kỷ tám mươi thế kỷ trước, có những cung đường có tiền cũng không có xe mà đi. Có tiền cũng nhịn đói chẳng có gì ăn. Vẫy được cái xe tải, tiền đắt gấp hai ba lần, xóc như đánh vật trên xe là điều quá may mắn. Nói về điều này, nhiều bạn trẻ bây giờ cho là ôn nghèo kể khổ, là “ngày xưa, biển chưa có cát như bây giờ” kể lại làm gì, nhưng thế hệ chúng tôi thì không thể nào quên. Không quên, để nhận ra một sự đổi thay trước mắt.

Con đường 1A đi suốt chiều dài đất nước mang vết tích chiến tranh trên khắp thân thể nó. Bị chia cắt, bị đánh phá đằng đẵng hơn hai mươi năm. Rồi chiến tranh biên giới phía Bắc năm bảy chín. Giờ nối liền một mạch bên các con đường mới mở ra chằng chịt. Ngày nào những cái tên Huế, Đà Nẵng, Nha Trang, Thành phố Hồ Chí Minh, Tây Nguyên, miền Đông Nam bộ, miền Tây Nam bộ còn trong tưởng tượng, còn trong mơ ước với tôi, với người làng tôi. Thì bây giờ như con chim, vừa ở điểm đầu con đường xuyên đất nước để ôn lại kỷ niệm chiến trường xưa. Hơn chục ngày sau đã đặt chân nơi điểm cuối con đường hơn hai nghìn km. Có người bảo thế là quá sướng. Được biết đây, biết đó. Được chiêm ngưỡng cảnh đẹp đất nước mình.

Vậy mà, trong cái vui, cái hạnh phúc hôm nay vẫn có điều canh cánh bên lòng. Những giây phút vào nghĩa trang thắp cho đồng đội nén hương, lại nghĩ, giá mà bạn còn, hôm nay đã tay bắt mặt mừng; bạn đã lên ông nơi quê nhà yêu dấu. Giờ bạn nằm đây, giữa bốn bề gió núi biên cương, dù đâu cũng là quê hương, nhưng sao lòng vẫn trĩu buồn. Tôi chắc, bạn cũng sẽ rất vui khi miền biên giới này đã thay đổi rất nhiều. Sự hoang tàn sau đạn bom đã được thay thế bằng một bức tranh mới mẻ. Thị trấn Đồng Đăng, giáp cửa khẩu Hữu Nghị, nơi bắt đầu con đường 1A xuôi về phía Nam, sau gần năm mươi năm càng đẹp đẽ, sầm uất đổi mới quá nhiều. Tôi đứng ở điểm đầu con đường dài 2.482 km chạy theo hình chữ S mà hình dung ra cả một quá trình lịch sử con đường gắn liền lịch sử đất nước. Nó đã một thời bị chia cắt bởi đàng trong đàng ngoài của thời Trịnh - Nguyễn. Đến khi nhà Nguyễn thống nhất được, đất nước mới hình thành con đường Thiên Lý. Thời thuộc Pháp được mở rộng hơn, nhưng chỉ sau thống nhất đất nước 1975 con đường mới được nối liền và mở rộng như ngày hôm nay.

Biểu tượng mũi Sa Vĩ, nơi địa đầu Tổ quốc. Ảnh: Phan Thái
Biểu tượng mũi Sa Vĩ, nơi địa đầu Tổ quốc. Ảnh: Phan Thái

Có một nơi mà con đường bị chia cắt hơn hai mươi năm, giữa miền Bắc và miền Nam. Đó là cây cầu Hiền Lương bắc qua sông Bến Hải, Quảng Trị. Nơi vĩ tuyến 17, thuộc km735 của con đường 1A. Một cây cầu qua một dòng sông không rộng mà chúng ta phải đi hơn hai mươi năm mới tới được nhau. Biết bao cuộc chia tay không có ngày về. Biết bao mái nhà, công trình bị tàn phá. Biết bao những bà mẹ mòn héo vì không biết con mình giờ nằm ở nơi đâu. Một sự hy sinh quá lớn của dân tộc mình để non sông thống nhất. Chúng ta không sống vì quá khứ, nhưng quá khứ ấy cũng không thể quên. Sự yên bình hôm nay được trả bằng máu xương của cha anh mình.

Khi đặt chân về miền Đông, miền Tây Nam bộ, có những điểm giờ trở thành du lịch. Tôi tin là không ít người khi chui xuống lòng địa đạo tối tăm và chật hẹp kia phải tự hỏi sao con người vẫn tồn tại được ở nơi này suốt bao tháng ngày. Về miền đất Cần Giờ hay rừng U Minh, ai hình dung được những chiến sỹ ngày ấy thiếu ăn, thiếu nước. Có lúc phải ngâm mình trong bùn đất. Muỗi vây quanh người như trấu. Bom đạn lại luôn rình rập. Đã có bao người nằm xuống ở những nơi này. Cậu tôi cũng hy sinh tại miền Đông Nam bộ. Nhìn những cánh rừng xanh thẳm phía xa, tôi luôn ước ao nếu biết được giờ cậu đang nằm ở chỗ nào - một nỗi niềm mà bà ngoại tôi khi ra đi vẫn trong khắc khoải. Đi du lịch tham quan mà tôi lại luôn bị ám ảnh bởi những điều như thế. Nó lớn quá. Có những điều con người phải chịu đựng quá sức tưởng tượng của thế hệ hôm nay. Vậy mà nó đã tồn tại một thời để có bây giờ.

Tác giả tham gia đoàn du lịch về Đất Mũi
Tác giả tham gia đoàn du lịch về Đất Mũi

Về Cà Mau, thấy con đường mới phẳng phiu chạy ra Đất Mũi. Lại nghe vùng đất lấn biển cứ nối dài thêm mà mừng. Một nhà hàng mang tên Thanh Niên giữa ngút ngàn rừng đước. Chủ nhà hàng là một bác tuổi đã sắp U70. Thì ra bác là người phụ trách đội thanh niên xung kích ra bảo tồn Đất Mũi, giờ nghỉ hưu ở lại phụ trách luôn nhà hàng đón khách du lịch bốn phương. Vẫn là một câu chuyện của sự cống hiến gắn liền mảnh đất này. Không có sự cống hiến thầm lặng của những con người như thế, làm sao màu xanh ngút mắt cứ lan mãi nơi cuối cùng của mảnh đất chữ S thân yêu.

 Một hành trình của những ngày sắp đến tháng Tư với tôi biết bao cảm xúc.  Hôm nay và mãi về sau, mong đất nước mình luôn yên bình trong phát triển dựng xây. Mong niềm vui và hạnh phúc luôn cùng mỗi người trên mảnh đất hình chữ S thân yêu này.

Tùy bút. Phạm Quý 

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy