Cách mạng đã khai sinh ra và vun đắp nên một nền văn học đa sắc mầu của các dân tộc thiểu số
VNTN - Có thể nói, Cách mạng Tháng Tám năm 1945 là một "bước ngoặt vĩ đại trong lịch sử đại gia đình các dân tộc Việt Nam", bởi vì nó không chỉ khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa mà nó còn khai sinh ra một nền văn học mới: nền văn học cách mạng, dân tộc, đại chúng - trong đó có một bộ phận văn học đa sắc mầu của các dân tộc thiểu số Việt Nam (DTTS VN) hiện đại. Và một điều đáng trân trọng, đáng biết ơn vô cùng là: trong suốt 75 năm qua - Đảng đã lãnh đạo, đã dìu dắt, đã vun đắp cho bộ phận văn học đó không ngừng lớn mạnh, phát triển, trưởng thành và đã đạt được những thành tựu đáng tự hào.
Là tiếng nói tâm hồn, tình cảm và trí tuệ của cộng đồng các DTTS VN - Văn học DTTS đã thể hiện lòng biết ơn sâu sắc cùng lòng tin yêu mãnh liệt vào sự lãnh đạo của Đảng; đã phản ánh một cách trung thực, sinh động hiện thực cuộc sống cùng những khát vọng, những ước mơ… của đồng bào các DTTS trong các giai đoạn phát triển của đất nước. Nói một cách khác: mỗi chặng đường vận động và phát triển của cách mạng Việt Nam đều đã được thể hiện, được in dấu, được phản ánh rõ nét trong sáng tác của các thế hệ nhà văn DTTS VN hiện đại.
Bìa sách bộ ba tiểu thuyết lịch sử viết về Bác Hồ và cách mạng Việt Nam (những năm 40 của thế kỷ XX) của nhà văn Hoàng Quảng Uyên .
1. Sự phát triển về đội ngũ các nhà văn DTTS
Sự phát triển và trưởng thành của đội ngũ các nhà văn DTTS luôn gắn bó chặt chẽ với sự vận động của cách mạng Việt Nam. Trong thời kỳ Kháng chiến chống Pháp (từ 1946 đến 1954) cùng một lúc xuất hiện một lớp các nhà văn, nhà thơ tiêu biểu - những người đặt nền móng cho bộ phận văn học DTTS phát triển mạnh mẽ ở giai đoạn sau. Đó là các tác giả người dân tộc Tày, Dao, Thái, Mường… như: Nông Quốc Chấn, Bàn Tài Đoàn, Nông Viết Toại, Nông Minh Châu, Cầm Biêu, Hoàng Nó… Đến giai đoạn Chống Mỹ cứu nước và xây dựng Chủ nghĩa xã hội (1954 đến 1975), thì ngoài những nhà văn lớp trước, đã xuất hiện thêm nhiều cây bút mới thuộc nhiều DTTS khác nhau như: Hoàng Triều Ân, Hoàng Hạc, Vi Hồng, Mã Thế Vinh, Vi Thị Kim Bình, Hùng Đình Quý, Vương Anh, Vương Trung, Y Điêng, Môlô Yclavi, Kpa Ylăng, Hơ Vê, Lò Cao Nhum, Lương Quy Nhân, Ma Trường Nguyên,…; Còn giai đoạn từ sau năm 1975 đến nay, bên cạnh những nhà văn lớp trước vẫn tiếp tục sáng tác là sự xuất hiện một loạt các cây bút mới, trẻ trung, tài hoa như: Mã A Lềnh, Lò Ngân Sủn, Pờ Sảo Mìn, Triệu Lam Châu, La Quán Miên, Y Phương, Cao Duy Sơn, Dương Thuấn, Hà Lâm Kỳ, Mai Liễu, Triệu Kim Văn, Nông Thị Ngọc Hòa, Kim Nhất, Hà Thị Cẩm Anh, Hoàng An, Lâm Tiến, Đoàn Hữu Nam, Đoàn Ngọc Minh, Hà Lý, Bùi Minh Chức, Bùi Tuyết Mai, Dương Khâu Luông, Lý Lan, Hồ Chư, Hờ A Di, Trà Vigia, Bùi Thị Như Lan, Chu Thùy Liên, Hoàng Thanh Hương, Kha Thị Thường, Vi Thị Thu Đạm, Mã Anh Lâm, Thạch Đờ Ni, Vi Thùy Linh, Hoàng Chiến Thắng, Nông Quang Khiêm, Nông Quốc Lập,…
Có thể thấy, đội ngũ các nhà văn DTTS ngày càng thêm đông đảo, ngày càng lớn mạnh. Họ luôn nhận được sự quan tâm, chú ý đặc biệt của Đảng và Nhà nước (được phát hiện, được trân trọng, bồi dưỡng, đào tạo một cách khá bài bản về công tác sáng tác, sáng tạo này). Họ có một “ngôi nhà chung” để cùng hoạt động sáng tạo nghệ thuật, để trao đổi, chia sẻ, học tập kinh nghiệm sáng tác với nhau - đó là Hội Văn học nghệ thuật các dân tộc thiểu số Việt Nam. Họ có một “cơ quan ngôn luận” riêng - để đăng tải các sáng tác, để công bố các tác phẩm và để trao đổi ý kiến cùng các bài nghiên cứu lý luận, phê bình về văn học DTTS (dân gian và hiện đại) - đó là Tạp chí “Văn học nghệ thuật các DTTS Việt Nam”. Chính từ sự quan tâm sâu sắc và sự tạo điều kiện đó của Đảng và Nhà nước mà đội ngũ các nhà văn DTTS ngày càng trưởng thành, số lượng tác phẩm ngày càng nhiều hơn, chất lượng sáng tác ngày càng cao hơn, phương pháp sáng tác ngày càng được đổi mới, giàu tính sáng tạo. Đặc biệt, vào những năm cuối thế kỷ XX, đầu thế kỷ XXI - văn học DTTS đã có những bứt phá đáng khẳng định, phát triển mau lẹ, đủ sức hòa vào dòng chảy văn chương chung của dân tộc Việt Nam - một nền văn học “tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc”.
Về phía bản thân các nhà văn DTTS, có thể nhận thấy rất rõ: Họ là những người yêu quê hương đất nước và có lòng tự hào dân tộc. Họ đã rất cố gắng và rất nhiệt huyết trong sự nghiệp văn chương đầy ý nghĩa, đầy vinh quang nhưng cũng đầy cực nhọc này. Họ rất có trách nhiệm với cộng đồng DTTS của mình nói riêng, với đất nước nói chung. Trong suốt 75 năm qua, với 3 cuộc chiến tranh chống xâm lược, bảo vệ Tổ quốc - đã có biết bao nhà văn DTTS khoác áo lính trực tiếp cầm súng chiến đấu và trong đó đã có nhiều nhà văn DTTS ngã xuống, không thể tiếp tục sự nghiệp sáng tác của mình. Hôm nay, trong đội ngũ các nhà văn DTTS vẫn còn nhiều nhà văn đã từng tham gia quân đội vẫn say sưa, tâm huyết với sự nghiệp văn chương DTTS - sau khi rời quân ngũ (ví dụ các nhà văn: Ma Trường Nguyên, Hà Lâm Kỳ, Y Phương, Cao Duy Sơn, Ma Phương Tân, Mông Đông Vũ, Nguyễn Minh Sơn, Bùi Thị Như Lan,…). Trong suốt các chặng đường cách mạng Việt Nam, đội ngũ các nhà văn DTTS đã luôn bám sát thực tiễn cuộc sống, phản ánh trung thực và sinh động hiện thực xã hội (đặc biệt là hiện thực cuộc sống của đồng bào các dân tộc thiểu số vùng cao); đã luôn thực hiện tốt các nhiệm vụ, các chỉ đạo, lãnh đạo của Đảng về công tác văn học nghệ thuật nói chung, văn học các DTTS nói riêng. Họ đã góp một tiếng nói quan trọng trong đời sống văn học của dân tộc và góp phần (cũng rất quan trọng) vào việc làm phong phú hơn, giàu có hơn bản sắc văn hóa dân tộc trong nền văn học Việt Nam thời kỳ hội nhập quốc tế - theo đúng tinh thần chỉ đạo, lãnh đạo của Đảng về công tác văn hóa, văn học của nước ta hiện nay.
2. Cách mạng và kháng chiến - nguồn cảm hứng mãnh liệt của văn học dân tộc thiểu số thời kỳ hiện đại
Ngay từ những năm 30 - 40 của thế kỷ XX, trong dòng văn thơ yêu nước và cách mạng Việt Nam đã xuất hiện một số bài thơ của các chiến sĩ cách mạng người DTTS. Đó là những bài thơ của các đồng chí: Hoàng Đình Giong, Dương Công Hoạt và Hoàng Văn Thụ. Đặc biệt, bài thơ "Nhắn bạn" của đồng chí Hoàng Văn Thụ đã để lại ấn tượng sâu sắc trong lòng người đọc. Đây là một bài thơ với những lời lẽ đanh thép, tràn đầy khí thế chiến đấu, chan chứa niềm tin vào thắng lợi của cách mạng Việt Nam. Bài thơ như một lời nhắn nhủ, động viên, như một lời thề thiêng liêng với cách mạng, với Đảng; Bài thơ có tác dụng giác ngộ cách mạng đối với đồng bào các DTTS vùng cao thời kỳ tiền khởi nghĩa. Có thể nói đây chính là những viên gạch đầu tiên đặt nền móng cho thơ ca viết về cách mạng và kháng chiến của văn học các DTTS Việt Nam hiện đại.
Tiếp theo đó là sự xuất hiện của một loạt các nhà thơ, nhà văn, nhà viết kịch bản sân khấu,... người DTTS đã hướng ngòi bút của mình vào đề tài lớn lao này một cách đầy tâm huyết, đầy chân thực và đầy tình cảm, cảm xúc. Cuộc kháng chiến chống Pháp gian khổ, trường kỳ, nhiều khó khăn, thử thách, nhưng cũng nhiều chiến công hiển hách và cuối cùng là chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ, tạc nên trang sử vàng chói lọi của dân tộc - đã trở thành một nguồn cảm hứng mãnh liệt nhất cho các văn nghệ sĩ DTTS sáng tạo nên những tác phẩm của mình. Có thể kể tên hàng trăm tác phẩm (thơ, truyện ngắn, tiểu thuyết, kịch bản sân khấu,...) của các nhà văn DTTS đã để lại ấn tượng sâu lắng trong lòng người đọc và đã góp phần quan trọng vào đời sống văn chương của cả nước thời kỳ Chống Pháp xâm lược; đặc biệt là đã góp phần giác ngộ cách mạng, kêu gọi đồng bào các DTTS vùng dậy, đứng lên theo cách mạng, theo Đảng, theo Bác đánh Pháp, giành lại quê hương yêu dấu của mình. Đó là các bài thơ, tập thơ: Mưa gió, Khóc đồng chí, Việt Bắc đánh giặc, Dọn về làng, Tiếng ca người Việt Bắc,... của nhà thơ Tày - Nông Quốc Chấn; Vợ người lính ngụy mong chồng, Lùa chó dậy, Gái thời loạn,... của nhà thơ Thái - Cầm Biêu; Dặn vợ dặn con, Muối Cụ Hồ,... của nhà thơ Dao - Bàn Tài Đoàn; Tội ác của Pháp ở đồn Pom Nghê của nhà thơ Thái - Hoàng Nó; Nhớ vợ của Cầm Vĩnh Ui; Người thanh niên giữ đèo Giàng của Nông Minh Châu; Đi bộ đội của Nông Viết Toại; Dấu chân người Tây Bắc, Mong anh về khi mùa lúa, mùa kê,... của Cầm Hùng; Tâm tình trước ngày tạm biệt của Lò Văn Cậy; Dựng cột Chu Đồng của Đinh Sơn;... Đó còn là những truyện ngắn, tập truyện dài, các kịch bản sân khấu như: Kỷ vật cuối cùng, Chim ri núi, Gió Mù Cang Chải,... của Hà Lâm Kỳ; Chờ gà gáy của Nông Ích Đạt; Người con gái miền núi của Bế Dôn; Đội nữ du kích Ba Bể của Bế Sỹ Uông; Kim Đồng của Dương Coóng; Trường ca sông Bưởi, Tiếng súng Ngọc Trạo của Bùi Kim Quy;...
Đề tài cách mạng và kháng chiến chống Pháp đến tận hôm nay vẫn được các nhà văn DTTS tiếp tục khai thác, tiếp tục trở thành nguồn cảm hứng lớn cho nhiều tác giả sáng tạo nên những tác phẩm có giá trị lịch sử và giá trị văn chương của mình. Có thể nhắc tới các tác phẩm, tác giả như: Thổ phỉ, Bão trở của Đoàn Hữu Nam; Ngọc Trạo mùa thu năm 1941 của Hà Thị Cẩm Anh; đặc biệt là bộ ba tiểu thuyết lịch sử viết về Bác Hồ và cách mạng Việt Nam (những năm 40 của thế kỷ XX): Mặt trời Pắc Bó, Giải phóng và Trông vời cố quốc của Hoàng Quảng Uyên - nhà văn Tày xứ Cao Bằng - vùng biên viễn của Tổ quốc; và cũng không thể không nhắc tới tên tuổi một nhà văn cả đời gắn bó với tiểu thuyết lịch sử DTTS. Đó là nhà văn Trường Thanh (Lạng Sơn) với một loạt các tác phẩm (tiểu thuyết, truyện dài, kịch bản điện ảnh) viết về phong trào cách mạng và các chiến sĩ cách mạng vùng DTTS thời kỳ chống Pháp. Cụ thể như: Tiểu thuyết Hoa trong bão (viết về cuộc khởi nghĩa Bắc Sơn), Tướng không phong hàm (viết về người chiến sĩ cách mạng Lương Văn Tri, chỉ huy Đội du kích Bắc Sơn); Nữ điệp báo Lạng thành (viết về nữ chiến sĩ tình báo dân tộc Tày - Ngô Thị Mão); Một thời biên ải (viết về phong trào cách mạng ở Lạng Sơn trước và sau Cách mạng Tháng Tám); Hương ngàn (viết về cuộc đời hoạt động cách mạng của đồng chí Hoàng Đình Giong); Hoa bất tử (viết về đồng chí Hoàng Văn Thụ);... Và còn hàng trăm bài thơ, truyện ngắn, truyện dài, các kịch bản sân khấu, truyền hình… của các tác giả khác.
Sau khi chống Pháp thắng lợi, dân tộc ta vừa xây dựng Chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc, vừa đấu tranh thống nhất nước nhà ở miền Nam; rồi giặc Mỹ leo thang đánh phá miền Bắc - cả nước lại kề vai sát cánh, gồng mình lên đánh Mỹ. Cách mạng Việt Nam bước sang một giai đoạn lịch sử mới: Vừa đánh Mỹ ở cả hai miền, vừa xây dựng Chủ nghĩa xã hội, vừa đấu tranh giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.
Văn học các DTTS Việt Nam lại tiếp tục cất tiếng nói thể hiện lòng yêu nước, tinh thần quyết tâm theo Đảng, theo Bác chiến đấu đến cùng, giành lại và bảo vệ nền độc lập tự do của Tổ quốc.Các văn nghệ sĩ DTTS trong cả nước đồng loạt "ra quân" viết về cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Ngoài đội ngũ các nhà văn DTTS miền Bắc, xuất hiện khá nhiều các nhà văn DTTS vùng Tây Nguyên, vùng Nam Trung bộ và các vùng miền khác trong cả nước đã tích cực sáng tác, sáng tạo nên những tác phẩm văn chương vừa có giá trị lịch sử vừa có giá trị nghệ thuật và đậm đà bản sắc các tộc người thiểu số trên mảnh đất hình chữ S thân thương. Có thể nhắc tới các sáng tác của các nhà thơ, nhà văn DTTS tiêu biểu thời kỳ này như: Việt Bắc - Tây Nguyên của Nông Quốc Chấn; Hơrông, Rơ lung của Y Nguyên; Con cú đi sau lưng chúng bay của Nay Phin; Bài ca hành quân của A Lê Y Đúp; Đi làm du kích của Ra Đan Đak Bút; Cheo reo quê ta của KSon Blêu; Thanh đoản kiếm lưu truyền, Ngày hội mừng chiến thắng của Prê Kimala-Mak; Cô gái vót chông của Mô lô Y Cla Vi; Nếu ai chưa hiểu, Thương người cộng sản, Bóng cây Kơnia,... của Ngọc Anh (Sưu tầm và phỏng dịch); Anh đi của Hoàng Trung Thu; Con đường mùa xuân của Triệu Đức Thành; Sao chóp núi, Trăng mắc võng của Vương Anh; Cây Bren Trường Sơn của Vương Hùng; Hơ Giang, Chuyện bên bờ sông Hinh của Y Điêng; Hai người trở về bản, Trời đỏ của La Quán Miên; Những bông huệ trắng của Vi Thị Kim Bình; Núi đợi, Mùa Mắc Mật, Gió hoang... của Bùi Thị Như Lan; Người chiến sĩ áo chàm của Y Phương; Kể chuyện anh hùng A Gió, Gương liệt sĩ A Đâm, A Brây của Rơ Manh Ai Van...
Có thể thấy rất rõ: Văn học DTTS đã luôn luôn theo sát, phản ánh kịp thời, trung thực và sinh động những chặng đường của cách mạng Việt Nam; đã thể hiện được lòng yêu nước sâu sắc, tinh thần đoàn kết chiến đấu chống giặc ngoại xâm và niềm tin tưởng tuyệt đối vào sự lãnh đạo của Đảng, của Bác Hồ kính yêu - của đồng bào các DTTS trong cả nước. Những tác phẩm văn chương DTTS lấy nguồn cảm hứng từ hai cuộc kháng chiến (chống Pháp và chống Mỹ) lâu dài, đầy gian khổ, hy sinh nhưng anh dũng, ngoan cường, lập nên bao chiến công hiển hách của dân tộc ta - sẽ mãi được ghi nhớ, được trân trọng như một "di sản" trong đời sống văn hóa, tinh thần của đồng bào các DTTS nói riêng, của đồng bào cả nước nói chung.
Có một nguồn cảm hứng lớn lao trong các sáng tác của các nhà văn DTTS trong suốt bao năm qua - như một dòng suối mát lành, trong trẻo, ngọt ngào, vừa gần gũi, thân thương, vừa thiêng liêng cao cả - đó chính là nguồn cảm hứng viết về Bác kính yêu: người "Cha già dân tộc", "ông Ké", "ông Cụ" của Bản làng miền núi phía Bắc, Bok Hồ, AMa Hồ của các dân tộc Tây Nguyên,...
Hình ảnh Bác luôn rực sáng trong tâm hồn và trái tim của đồng bào các DTTS Việt Nam. Bác là “mặt trời”, là “niềm tin, hy vọng”, là “ông sao miền Bắc”, là “đất nước dạt dào bất diệt”; là “con sông lớn” là “ngọn hải đăng của con tầu mặt biển”; là “sông dài, biển rộng”; là người “mang áo về cho dân mặc”, “đem muối về cho dân ăn”; là “Pỏ Cốc” đưa “bộ đội Ông cụ về giải phóng quê hương”; là người “gọi toàn dân ta ngẩng đầu” đoàn kết đấu tranh, “dội đòn sấm sét lên đầu giặc Pháp”, làm nên “Điện Biên lịch sử oai hùng”, là người “tỏa sáng cả miền Nam, mở ba mươi triệu con mắt thấy đường”, lập nên “những trận lừng danh dội xuống đầu giặc Mỹ/ Làm nên những Biên Hòa, Bình Giã, Plâycu”. Vì thế mà: “tin ở Bok Hồ: Mỹ phải chết, giặc đói phải tiêu tan”; Vì thế mà: “tin tưởng ghi nhớ tên Bác Hồ mãi mãi/ Ghi sâu tên Bác Hồ như vàng bạc tinh không lẫn đồng chì”, mà: “chúng ta theo Cụ Hồ... Theo ông sao miền Bắc”, “Uống nước nguồn miền Bắc”... Bởi: Bác Hồ dạy: đồng bào phải đoàn kết, “dạy ta đứng lên đánh giặc” “dạy ta giữ vững hòa bình”... Đó là những câu thơ, những tình cảm gần gũi, chân thành, ấm áp, nhưng rất đỗi thiêng liêng của đồng bào các DTTS dành cho Bác Hồ kính yêu trong suốt hơn 75 năm qua. Bên cạnh những bài thơ, câu thơ thấm đẫm tình cảm yêu thương, kính trọng và lòng biết ơn sâu sắc đó, còn có biết bao những áng văn xuôi của các nhà văn DTTS viết về Bác, xây dựng hình ảnh Bác Hồ - vị lãnh tụ kính yêu, "ông Ké" gần gũi, thân thương - người lãnh đạo cách mạng Việt Nam đi hết thắng lợi này đến thắng lợi khác; Người đã đem lại “cơm no, áo ấm”, đem lại hòa bình, đem lại độc lập dân tộc, đem lại cuộc sống mới, đem lại tương lai tươi sáng cho cộng đồng các DTTS Việt Nam. Có nhiều truyện ngắn, truyện dài, nhiều kịch bản (sân khấu, truyền hình) của các nhà văn DTTS đã lấy cảm hứng từ cuộc đời hoạt động cách mạng của Bác, từ những năm tháng Bác Hồ ở chiến khu Việt Bắc lãnh đạo cuộc Khởi nghĩa Tháng Tám lịch sử đến cuộc Kháng chiến chống Pháp 9 năm thắng lợi; từ những tình cảm sâu nặng mà Bác đã dành cho đồng bào các DTTS Việt Nam trong 2 cuộc kháng chiến (chống Pháp và chống Mỹ). Gần đây nhất, có 2 nhà văn DTTS đã viết 5 cuốn tiểu thuyết lịch sử về Bác Hồ ở vùng chiến khu Việt Bắc đã để bao tình cảm sâu nặng trong lòng người đọc (trong khu vực miền núi cũng như ở trong cả nước). Đó là: 3 cuốn tiểu thuyết: Mặt trời Pắc Bó, Giải phóng, Trông vời cố quốc (với hàng ngàn trang viết) của nhà văn Hoàng Quảng Uyên; và 2 cuốn tiểu thuyết: Ông Ké thượng cấp và Ông Ké trở lại chiến khu của nhà văn Ma Trường Nguyên. Đây là những cuốn tiểu thuyết lịch sử quý, công phu, dày dặn, chân thực và giàu cảm xúc, thể hiện lòng kính yêu vô hạn, lòng biết ơn sâu sắc của đồng bào các DTTS nói chung, của các văn nghệ sĩ DTTS nói riêng đối với Bác Hồ.
Ảnh minh họa (Nguồn: internet)
Sang chặng đường mới của cách mạng Việt Nam sau khi giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, dân tộc ta lại tiếp tục bước sang một giai đoạn lịch sử mới đầy khó khăn, thử thách - bên cạnh niềm vui thống nhất nước nhà. Ngoài việc xây dựng, phục hồi nền kinh tế của đất nước sau 30 năm chiến tranh chống giặc ngoại xâm, dân tộc ta lại phải tiếp tục cầm súng chiến đấu bảo vệ vùng biên giới thiêng liêng của Tổ quốc, bảo vệ biển đảo quê hương, giữ trọn nền độc lập dân tộc, gìn giữ lãnh thổ trên đất liền cũng như ngoài biển xa. Một lần nữa, các văn nghệ sĩ DTTS lại theo sát và phản ánh kịp thời cuộc chiến tranh bảo vệ biên giới và cũng là nơi quê hương của đồng bào DTTS vùng cao. Trong cuộc chiến tranh này, rất nhiều nhà văn DTTS trực tiếp tham gia cầm súng, chiến đấu; rất nhiều nhà văn xông pha ra chiến trường, khói lửa để ghi chép, lấy tư liệu sống để sáng tác. Nhiều tác phẩm của họ đã được đông đảo người đọc biết đến; nhiều bài thơ đã được phổ nhạc, trở thành các bài hát, khích lệ tinh thần chiến đấu bảo vệ Tổ quốc của cộng đồng các DTTS nói riêng, của nhân dân cả nước nói chung. Có thể nhắc tới các bài thơ đã trở thành các ca khúc quen thuộc trong suốt những năm tháng chiến tranh bảo vệ biên giới (thậm chí cho tới tận ngày nay) như: Khi chúng mình xa nhau của Ma Phương Tân, Chiều biên giới của Lò Ngân Sủn, Gửi em ở cuối sông Hồng của Dương Soái,... cùng bao bài thơ, bao tác phẩm văn xuôi khác như: Phòng tuyến Khau Liêu của Y Phương, Đêm trắng vùng biên, Tấm thiếp cháy, Cột mốc giữa dòng sông, Bé Vui,... của Mã A Lềnh; Xuân biên cương của Lò Văn Chiến; Ký ức Đồng Đăng, Tình yêu nơi biên giới của Hoàng Trung Thu; Kỷ vật đồng đội của Đoàn Hữu Nam; Vợ liệt sĩ của Hà Thị Cẩm Anh; Trên chốt nghe gảy đàn tính của Triệu Kim Văn; Trời xuân biên cương của Mã Văn Tính; Mùa hoa gắm, Bạn Toồng, Gió hoang, Tiếng chim kỷ giàng của nữ nhà văn quân đội DTTS Bùi Thị Như Lan,...
Qua những khảo sát trên, chúng ta có thể khẳng định rằng: một trong những nguồn cảm hứng lớn nhất, mãnh liệt nhất của các nhà văn DTTS trong suốt 75 năm qua - chính là nguồn cảm hứng viết về cách mạng, về Đảng, về Bác Hồ kính yêu! Điều đó chứng tỏ: Tình yêu, niềm tin và lòng biết ơn sâu sắc của đồng bào các DTTS đối với Đảng, với cách mạng, với Bác Hồ là chân thực, trung thành và bền vững. Người DTTS vốn rất thật thà, chân chất, thẳng thắn - nên đã yêu, đã tin là yêu tin suốt đời; là một lòng một dạ đi theo “con đường sáng” mà Đảng, Bác đã chỉ ra, đã dẫn dắt cộng đồng các DTTS đi trong suốt hơn nửa thế kỷ qua. Văn học các DTTS là tiếng nói tâm hồn, trí tuệ, tình cảm của cộng đồng các DTTS Việt Nam, vì thế nó đã phản ánh hết sức chân thành và sinh động những suy nghĩ, những tư tưởng, những tình cảm, những ý chí, khát vọng, niềm tin... của đồng bào các DTTS đối với Đảng, với cách mạng, với Bác Hồ kính yêu.
Cách mạng đã “khai sinh” ra và đã vun đắp nên một nền văn học đa sắc mầu của các DTTS Việt Nam; và như một mối quan hệ “biện chứng”: Văn học các DTTS Việt Nam đã phát triển, đã lớn mạnh không ngừng trong suốt 75 năm qua; đã gắn bó, theo sát và phản ánh kịp thời, trung thực, sinh động quá trình vận động của cách mạng Việt Nam với các cuộc đấu tranh chống kẻ thù xâm lược (qua các cuộc kháng chiến trường kỳ, gian khổ, hy sinh, nhưng anh dũng kiên cường, chiến thắng oanh liệt), giành lại và bảo vệ đến cùng nền độc lập dân tộc. Trong giai đoạn lịch sử mới của đất nước, văn học DTTS sẽ vẫn tiếp tục theo sát từng bước đi của cách mạng Việt Nam, vẫn một lòng một dạ hướng về Đảng, về con đường mà Đảng, Bác đã lựa chọn và dẫn dắt toàn dân tộc đi theo.
(Tháng 7 năm 2020)
PGS.TS Trần Thị Việt Trung
0 đã tặng
Hãy liên hệ với chúng tôi qua số điện thoại: 0988827920 (Ngô Ngọc Luận), nếu bạn có nhu cầu thưởng thức những ấn phẩm của Văn nghệ Thái Nguyên.
Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...