Thứ năm, ngày 28 tháng 11 năm 2024
02:41 (GMT +7)

Bàn về bạo hành gia đình

VNTN - Một điều dễ nhận thấy là qua rất nhiều năm tháng tuyên truyền và thực thi pháp luật, chuyện bạo hành gia đình ở nước ta nhiều khi vẫn như nước đổ đầu vịt. Báo, đài, mạng inrtenet vẫn phản ánh nhan nhản những vụ bạo hành gia đình kinh hoàng.Điều này chắc hẳn cũng có những nguyên nhân.Xin kể lại một câu chuyện cách đây bốn chục năm. Hồi ấy, ở cơ quan X trong tỉnh ta có một cuộc họp kiểm điểm một cán bộ hành hung vợ đến mức phải đi bệnh viện.Cuộc họp được tổ chức khá nghiêm túc, đầy đủ các thành phần, chủ trì là thủ trưởng cơ quan hẳn hoi. Mọi người, và đặc biệt là ông cán bộ phạm khuyết điểm đánh vợ tỏ ra rất lo lắng. Có người phỏng đoán có thể đương sự sẽ bị đuổi việc cũng nên. Sau một hồi cau mày phân tích cái hại của việc thượng cẳng chân hạ cẳng tay cùng những vấn đề đạo đức cũng như vi phạm pháp luật của đương sự, vị thủ trưởng hạ một câu làm cả cuộc họp sau vài giây sửng sốt, cười ồ cả lên: “Nhưng mà tôi cũng nói thật, nếu vợ tôi mà ăn nói láo lếu như thế thì tôi cũng quại!”. Tất nhiên là sau đó hòa cả làng, chỉ rút kinh nghiệm.Cho đến tận hôm nay, những người dự họp vẫn còn nhớ câu nói ấy của vị thủ trưởng. Và một câu hỏi cũng vương vấn mãi là tại sao lại có cái tâm lí đa chiều ấy xuất hiện? Hôm ấy, tất cả mọi người dự họp (kể cả vị thủ trưởng nọ) đều thấy hành động đánh vợ của ông cán bộ kia là sai trái, nhưng sao vẫn có sự đồng điệu như vậy? Câu trả lời phải chăng là: bởi truyền thống nước ta ngay từ thời phong kiến (có thể xa hơn nữa) đã thế rồi (trọng nam khinh nữ, quyền lực nam giới…) Đó là sự di truyền tâm lí, di truyền văn hóa, là nếp nghĩ khó bỏ. Nó nằm trong căn hầm tối của vô thức chăng?Hơn thế, còn có những điều cũng rất dễ nhận thấy là lâu nay chúng ta thường có một cách hành xử rất sai nhưng luôn được cho là hợp lẽ. Đó là việc khi  gặp một kẻ giữa đường đánh người đến thương tích thì chắc sẽ sẵn sàng điện thoại ngay cho công an, nhưng nếu người bị đánh là vợ của anh ta thì… “hãy đợi đấy!”, chẳng mấy ai hơi đâu mà báo chính quyền. Vậy là chuyện đánh vợ sẽ không nghiêm trọng và đáng căm ghét, đáng lên án như chuyện đánh người bình thường. Rất nhiều năm nay, ở ta cái nếp ấy đã trở thành thói quen rồi. Có anh chàng còn xưng xưng nói với hàng xóm rằng tôi đánh vợ tôi chứ có đánh vợ các ông đâu mà các ông can thiệp. Lâu nay, đánh vợ đã trở thành một cái quyền lực bất thành văn như thế.Nghe đâu, ở Mĩ, nếu tát vợ hoặc con một cái là tù ba tháng. Ở Đức, phụ nữ được đặc biệt tôn trọng, đánh vợ, chắc chắn sẽ bị ba tuần giam giữ. Luật của họ  không xét đến đạo lí, truyền thống, thói quen... Còn ở ta, nếu có xử tù được tay chồng nào thì cô vợ anh ta chắc đã đến mức thân tàn ma dại rồi. Mà sẽ không quá hiếm những vị thẩm phán khi xử xong một vụ đánh vợ nào đó  có thể cũng tự “nói thầm trong bụng” cái câu đại loại giống như vị thủ trưởng họp kiểm điểm ông nhân viên đánh vợ của mình năm nào: “Nếu vợ tôi mà ăn nói láo lếu như thế thì tôi cũng quại!”.Hình như luật pháp của chúng ta có một chỗ yếu là thường lấy cái lí do phạm pháp để làm cơ sở tăng hoặc giảm tội. Riêng về chuyện bạo hành gia đình hẳn sẽ có một nghìn lẻ một lí do. Chết nỗi, các lí do ấy lại được nhiều người cảm thông và bảo hộ, trong đó có không ít phụ nữ và những người thực thi pháp luật…Luật pháp cần phải lạnh lùng hơn: tát một cái là bị nhốt 3 tuần. Đánh vợ thương tật 5% là tù một năm… (ví dụ thế). Còn nếu không, xin các đức lang quân, hãy cứ… đánh vợ một cách vô tư đi. Sẽ có một nghìn lẻ một lí do để người đời bênh vực.Không rõ có còn nguyên nhân gì khác nữa không, chứ thiết nghĩ ngần ấy thứ cũng đã đủ để việc chống bạo hành gia đình lâu nay trì trệ rồi.

THÁI VĂN

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy