Thứ tư, ngày 27 tháng 11 năm 2024
23:41 (GMT +7)

Bàn thêm về vấn đề “Môn Văn dạy gì?”

VNTN - “Môn Văn dạy gì ?” là tiêu đề bài viết của GS, TS, NGND. Trần Đình Sử, đăng trên báo Văn nghệ Thái Nguyên, số 50, ngày 11/12/2018. Vì đề cập tới một vấn đề khá rộng, có chiều dài lịch sử, lại bị giới hạn trong một trang báo, nên “độ mở” của nó đối với bạn đọc, nhất là những người đọc cùng chuyên ngành với tác giả, vẫn còn “đất” để bàn thêm.

1. Sau khi trả lời câu hỏi trên đây một cách khái quát “dạy văn là dạy đọc văn và dạy làm văn”, tác giả giải trình cụ thể về dạy học đọc văn và dạy học viết văn (tạo lập văn bản) trong phần lớn bài báo. Dạy học đọc văn có nghĩa là giúp học sinh đọc hiểu các loại văn bản trong chương trình, sách giáo khoa môn Văn ở mỗi lớp, mỗi cấp, trong đó phần lớn là các văn bản tác phẩm văn chương, với những thể loại khác nhau, theo tiến trình lịch sử văn học Việt Nam và thế giới. Dạy học viết văn là giúp học sinh có kỹ năng viết các loại văn bản, như miêu tả, kể chuyện, thuyết minh, nghị luận... và loại văn bản hành chính công vụ thường làm theo mẫu, như: thư, đơn từ, báo cáo, biên bản, tường trình..., tức là đi từ đơn giản đến phức tạp, từ mô phỏng đến sáng tạo.

Là GS, TS. công tác lâu năm ở trường Đại học Sư phạm Hà Nội, đồng thời từng là Chủ biên bộ sách Ngữ văn Trung học trong những giai đoạn cải cách, đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông ở nước ta, nên tác giả bài báo không chỉ trình bày, phân tích nội dung kiến thức môn Văn để làm rõ khía cạnh dạy gì, mà còn nói đến quá trình đổi mới cách dạy (phương pháp dạy học) môn học này. Trước đây là cách dạy học theo kiểu thông tin - tiếp thụ một chiều, chủ yếu áp đặt cách hiểu của thầy cho trò, gọi là giảng văn. Đến khi đổi mới phương pháp dạy học văn mạnh mẽ hơn (khoảng đầu thập kỷ 90, thế kỷ XX) thì lý thuyết đọc hiểu văn bản được truyền bá ở Việt Nam. Dạy đọc hiểu tạo cho học sinh năng lực đọc, nắm vững văn bản một cách độc lập, sáng tạo để khi ra trường, mỗi em có thể trở thành người đọc tự giác, biết lựa chọn sách để đọc và học suốt đời. Môn Văn trong nhà trường dạy theo cách đọc hiểu sẽ bồi dưỡng cho học sinh không chỉ kỹ năng đọc mà cả năng lực đọc.

Ảnh minh họa Nguồn: Internet

Với lợi thế của một giảng viên Đại học Sư phạm, đồng thời là nhà nghiên cứu, lý luận phê bình văn học chuyên sâu, tác giả bài báo đã mở rộng nội dung “Môn Văn dạy gì?” đến cả dạy học văn ở đại học. Theo GS,TS.Trần Đình Sử, môn Văn ở đại học “là môn dạy nghiên cứu văn học...”, nhằm “chỉ ra những vấn đề chưa giải quyết, những chỗ khó chưa thể vượt qua, giống như dạy toán là dạy các bài toán chưa giải được”. Tuy nhiên, “học văn ở đại học cũng không thoát ly với việc đọc và làm văn”. Nhưng ở đại học, “sinh viên phải đọc nhiều hơn, trong đó có đọc tác phẩm và cả những công trình nghiên cứu, đọc để tìm cách hiểu các vấn đề chưa giải quyết xong xuôi...”.

Qua mấy nét chúng tôi tóm lược trên đây (có sự giải trình, phân tích trong các mục 2, 3, 4, 5 ở một trang báo đầy đặn) thì coi như tác giả đã trả lời cho một khía cạnh cụ thể “Môn Văn dạy gì?”, theo quan niệm riêng của mình. Người đọc bình thường có thể hiểu rõ công việc chính của dạy văn là dạy kiến thức văn qua đọc hiểu và dạy viết văn (tạo lập văn bản) qua các kiểu bài làm văn khác nhau. Song, từ một góc nhìn rộng hơn, câu hỏi được đặt ra từ bài báo này liên quan đến vấn đề lớn hơn, đó là nhiệm vụ, mục tiêu của môn Văn trong nhà trường. Ở đoạn mở đầu (1.), tác giả viết: “Có nhiều cách trả lời câu hỏi trên... nhưng nó chung chung, trừu tượng, không thể kiểm chứng..., và điều có thể kiểm tra được là dạy đọc văn và dạy làm văn”. Theo tôi, lý do này chưa thật sự thuyết phục. Đúng là, do đặc thù môn học mà “văn” có cái “chung chung, trừu tượng”, khó kiểm chứng ngay, như 1+1= 2 của toán, song tác động, hiệu quả của nó thì rộng lớn, lâu dài và vẫn nhận biết được. Vì vậy, dạy văn không chỉ là dạy đọc văn và dạy làm văn.

2. Từ nhiều năm qua, số tiết học dành cho môn Ngữ văn ở trường phổ thông, nhất là cấp 2 (Trung học cơ sở) và cấp 3 (Trung học phổ thông) thường chiếm một tỷ lệ lớn hơn các môn học khác. Yếu tố làm nên vị trí hàng đầu của môn học này không phải do tỷ lệ thời lượng lớn ấy, mà cái chính là vì, ngoài thế mạnh trong việc giáo dục tư tưởng, tình cảm đạo đức, lòng nhân ái, nhân văn và làm giầu vốn sống, vốn văn hóa cho người học, môn Văn còn là công cụ giao tiếp, công cụ nhận thức... nữa. Giáo sư Lê Trí Viễn cho rằng: “Sở dĩ ở nhà trường phổ thông, môn Văn được đặt lên vị trí hàng đầu, trước hết, đó là công cụ cho tất cả các môn học, công cụ tư duy, công cụ diễn đạt, công cụ học tập.” (Nghiên cứu giáo dục, 3/1977). Ông còn giải thích thêm: Công cụ đó chính là ngôn ngữ, là tiếng Việt; chức năng của môn Văn trong mối quan hệ với các môn học khác, là “văn - công cụ”. Vì vậy, nếu học sinh được trang bị vốn tiếng Việt tốt (ở phần dạy học tiếng Việt) thì sẽ có tư duy tốt hơn khi tiếp thu các tri thức khoa học, góp phần nâng cao chất lượng đào tạo. Vấn đề quan trọng hơn là người học phải có kỹ năng, đặc biệt là năng lực sử dụng công cụ ấy để trình bày một cách mạch lạc, chính xác, gãy gọn những tri thức của mình trong quá trình học tập cũng như vận dụng vào đời sống xã hội.

Học sinh phổ thông cũng được học văn thẩm mĩ qua đọc hiểu các tác phẩm văn chương. Loại văn này không kém phần quan trọng vì nó bồi dưỡng, giáo dục cái hay, cái đẹp... được thể hiện phong phú, đa dạng trong những tác phẩm tiêu biểu của Việt Nam và thế giới, tạo cho thế hệ trẻ có năng lực thẩm mĩ nhất định trước khi vào đời. Tất nhiên, văn thẩm mĩ cũng có phần phục vụ cho văn công cụ nói trên.

Nhà nghiên cứu Đỗ Quang Lưu cũng khẳng định nhiệm vụ, mục tiêu của môn Văn ở khía cạnh khác. Ông viết: “Môn Văn, bộ môn văn hóa cơ bản số một của trường phổ thông - là môn có ưu thế dạy trẻ “nên người” hơn bất cứ môn nào khác. Bởi lẽ, “văn là người”, học văn là để nên người, từ cách nói, cách viết, cách cảm xúc, cách suy nghĩ riêng của mỗi con người” (Học văn là hành văn, báo Nhân dân, 12283, 11/1986). Ông giải thích thêm: “Học văn là học nói, học viết, học suy nghĩ... nhưng phải biết vận dụng những điều đã học ấy vào công việc hoạt động của đời sống thực tế, tức là biết sử dụng văn như là công cụ trong sinh hoạt, trong công tác hành chính và trong nghiên cứu khoa học”.

Mục tiêu nói trên phải được người giáo viên thấm nhuần và thực hiện nhờ khả năng sử dụng tốt các phương pháp dạy học phù hợp đối với mỗi bài học và từng đối tượng học sinh. Khi dạy văn thẩm mĩ, người giáo viên muốn giáo dục tư tưởng, tình cảm đạo đức tốt đẹp, lòng nhân ái, nhân văn cao cả và lối sống lành mạnh; muốn giáo dục đạo đức công dân, tinh thần lao động sáng tạo, kể cả đạo đức kinh doanh đạt hiệu quả, được thị trường chấp nhận thì cũng phải từ trong văn, từ chính văn bản tác phẩm, với tất cả hình thức nghệ thuật và nội dung của nó, chứ không phải do người dạy đưa vào một cách tùy tiện từ bên ngoài, theo kiểu “xã hội học dung tục”. Sức mạnh giáo dục của bài học tác phẩm văn chương ở trường phổ thông được phát huy nhiều hay ít là do người dạy có biết khai thác đặc trưng thẩm mĩ và sắc thái xúc cảm của loại văn này hay không.

Nhiệm vụ quan trọng của môn Văn là bồi dưỡng và phát triển năng lực văn ở mỗi học sinh, bao gồm năng lực tư duy và năng lực cảm xúc, năng lực thể hiện khả năng nói, viết, diễn đạt cảm nghĩ riêng về một văn bản. Và phát triển năng lực văn tức là phát triển năng lực sống, năng lực làm người của thế hệ trẻ. Văn học nhà trường không phải để đào tạo ra những nhà văn, nhà nghiên cứu văn học, nhưng nó có thể gieo mầm cho những tài năng tương lai ấy.

3. Chương trình, Sách giáo khoa Ngữ văn phổ thông ở nước ta, từ đầu thế kỉ XXI trở đi được cấu tạo theo hướng tích hợp, khiến cho các phân môn Văn học, Tiếng Việt, Làm văn gắn kết với nhau, hỗ trợ cho nhau. Trong đó, phần Văn (các loại văn bản) là trục chính, là khâu đột phá để giáo viên có thể lựa chọn dữ liệu cho các bài học Tiếng Việt và Làm văn. Hướng tích hợp trong dạy học Ngữ văn sẽ “hình thành cho học sinh năng lực phân tích, bình giá và cảm thụ văn học với việc hình thành bốn kĩ năng nghe, nói, đọc, viết vốn là hai quá trình gắn bó hữu cơ và hỗ trợ cho nhau hết sức đắc lực” (Ngữ văn 6, Nhà xuất bản Giáo dục, 2001).

Việc sắp xếp các loại văn bản đọc hiểu theo thể loại, có thêm một số văn bản thiết dụng khác ở sách Ngữ văn phổ thông càng làm cho vị trí, nhiệm vụ của môn Văn thực sự là “văn - công cụ”. Và như vậy, ở phần Văn, có những bài không phải là văn nghệ thuật. Theo quan niệm của học sinh, loại văn này thực sự “khô”, các em không thích học, nhưng vẫn phải học, phải làm bài kiểm tra, bài thi theo quy chế của Bộ Giáo dục & Đào tạo. Vì rằng, văn trong nhà trường không chỉ là chuyện văn chương. Đó là điểm khác biệt giữa học văn ở trường phổ thông với đọc văn, thưởng thức văn ngoài xã hội. Giáo sư Phan Trọng Luận bày tỏ quan điểm về vấn đề này: “Một số vị đã đứng ở góc độ thẩm mĩ văn chương để nhận định góp ý cho nhà trường mà không hiểu rằng văn học với văn học nhà trường không đồng nhất, không phải là một... Ngoài quy luật, nguyên lí của văn học, ở đây còn hội tụ nhiều quy luật tâm lí sư phạm. Bạn đọc học sinh không phải là bạn đọc ngoài đời; Môi trường đọc văn chương không giống ngoài xã hội... Bàn chuyện dạy học văn... ta phải nhìn vấn đề trên nhiều bình diện, trong nhiều quan hệ chứ không thể nhìn nó từ góc độ văn chương” (Báo Văn nghệ, Hội Nhà văn Việt Nam, số 24, 10/6/2005).

Một vài khía cạnh “bàn thêm” nhằm nói rõ hơn nhiệm vụ, mục tiêu môn Văn trong nhà trường ở bài viết này, nếu được bạn đọc đồng cảm, tức là tác giả của nó đã góp phần “phụ họa” cho bài viết “Môn Văn dạy gì?” của GS, TS, NGND.Trần Đình Sử.

Thái Nguyên,19/12/2018

Nguyễn Huy Quát

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy