TƯỞNG NHỚ NGÀY HY SINH CỦA 60 TNXP ĐẠI ĐỘI 915, ĐỘI 91 BẮC THÁI (24/12/1972)
Về một cuốn sách 915 và những chuyện “giờ mới kể” (Kỳ II)
Kỳ 2: Những câu chuyện ít người biết
“Khi về hai chữ thành công mới về”
Theo kế hoạch, buổi sáng ngày 20/4/2018, Nhóm 2 chúng tôi sẽ khai thác tư liệu tại 4 gia đình liệt sĩ trên địa bàn huyện Chợ Đồn (Bắc Kạn): Tô Thị Phùng, Ma Thị Chảy (thuộc xã Phong Huân) và Ma Thị Tây, Lộc Văn Tiến (thuộc xã Lương Bằng).
Clip: Nhóm 3 tại gia đình liệt sĩ Lưu Thị Tươi
Tiếp chúng tôi, bà Nguyễn Thị Đường, mẹ của liệt sĩ cho biết: nhà có 6 anh em, liệt sĩ Tiến là cả. Theo tiếng Tày, “Lộc” hay còn gọi là “Lục”, do vậy trong một số giấy tờ của liệt sĩ ghi là “Lục Văn Tiến”, nhưng trong danh sách TNXP thì ghi là “Lộc Văn Tiến”. Người em thứ ba Lục Văn Tuyền và người em thứ tư Lục Văn Đoản của anh Tiến cũng đều vào bộ đội.
Chúng tôi chưa kết thúc buổi làm việc thì bất ngờ được đón Đoàn công tác của tỉnh Thái Nguyên do đồng chí Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh uỷ đến kiểm tra nắm bắt tình hình và thăm hỏi gia đình. Cùng đi có đồng chí Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh uỷ Bắc Kạn và lãnh đạo huyện Chợ Đồn. Sau đó, gia đình đã trao cho đồng chí Lê Văn Tuấn di vật của liệt sĩ là bức thư của Đội 91 TNXP Bắc Thái thăm hỏi và chia sẻ với gia đình sau khi liệt sĩ Lộc Văn Tiến hy sinh để tặng lại cho tỉnh Thái Nguyên.
Một trong những câu chuyện thú vị mà chúng tôi thu thập được trong đợt làm tư liệu lần này là về tuổi và những câu chuyện “trốn nhà” đi TNXP của các anh, các chị. Phải nói thật rằng, trong điều kiện hầu hết các gia đình đều đông con (như nhà liệt sĩ Ma Thị Tây ở xã Lương Bằng, huyện Chợ Đồn có 11 người con...), kinh tế thời đó rất khó khăn, thì việc có đợt về tuyển TNXP ở địa phương khi ấy có thể xem như là cơ hội để được “đi thoát li”, nên nhiều người đã khai tăng hoặc giảm tuổi để được đi.
Như các chị: Hoàng Thị Hạo (xã Thượng Giáo, huyện Chợ Rã), Tô Thị Phùng (xã Phong Huân, huyện Chợ Đồn), Ngôn Thị Túc (thị trấn Chợ Rã, huyện Chợ Rã) tham gia TNXP lúc 16 tuổi. Hoặc chị Triệu Thị Nhình ở xã Nông Thượng, thị xã (nay là thành phố) Bắc Kạn và anh Tằng Văn Eng ở xã Nam Cường, huyện Chợ Đồn đều sinh năm 1957, lúc gia nhập TNXP mới hơn 15 tuổi. Vậy nên, việc ghi năm sinh trong cuốn sách lịch sử phải ghi đúng theo năm sinh thực tế, và tài liệu ghi chép, xác minh của các nhóm là căn cứ có ý nghĩa pháp lý.
Buổi khai thác tư liệu tại nhà chị Hoàng Kim Dung (ở xã Thượng Giáo, huyện Ba Bể) để lại nhiều kỷ niệm đáng nhớ. Khi ô tô vào cách nhà chị Dung chừng 500m thì gặp một đống cát lớn chắn đường. Xuống xe hỏi, chúng tôi được biết: xã đang cho tu sửa mương nước ở phía bên kia đường, nhưng vật liệu phải đổ ở bên này rồi chở xe rùa sang. Thế là mấy anh em trong đoàn, cả Trưởng nhóm lẫn lái xe hò nhau ra xúc cát mở đường.
Chị Dung không được khoẻ vì bị tai biến từ năm 2015, bị liệt tay phải và chân phải. Nhưng hỏi về Đại đội 915, chị vẫn chậm rãi kể lại nhiều chi tiết. Chị Dung cho biết, chị không ở trong nhóm 16 - 17 tuổi, vì chị sinh năm 1947, nghĩa là thời điểm B52 thả bom trúng hầm của Đại đội 915, chị đã ở tuổi 25. Gia đình chị có 11 anh chị em, chị là thứ 4. Hoàn cảnh kinh tế lúc đó cũng rất khó khăn. Hôm đó chị bị ốm nên ở tại đơn vị (xóm Bến Đò, xã Linh Sơn, huyện Đồng Hỷ), mãi đến hôm sau (25/12) mới biết tin đơn vị bị sập hầm hy sinh gần hết.
Chỉ vào tấm ảnh tư liệu chụp trước Lăng Bác, chị giới thiệu: Năm 1973, tôi vinh dự được chọn vào đội TNXP đi xây dựng Lăng Bác, tôi là người Ba Bể duy nhất được chọn. Sau thời kỳ đi xây dựng Lăng trở về thì đơn vị cũng chuẩn bị giải thể vì miền Nam đã giải phóng, chiến tranh chống Mỹ đã kết thúc, các đơn vị TNXP đã hoàn thành nhiệm vụ. Vì vậy, năm 1975 tôi chuyển công tác sang Ty Thương nghiệp rồi về Công ty Thực phẩm.
Hỏi về tình hình của đơn vị sau trận bom, chị nói: Sự hy sinh, mất mát lớn quá, trong khi các đội viên nhiều người còn rất trẻ, nên ít nhiều có sự hoảng loạn, thậm chí dao động. Một số người bỏ đơn vị về nhà, sau mới quay lại đơn vị. Chị cũng được một người bạn đến rủ về, nhưng chị nói: sống chết có số rồi, không về. Chị còn viết thư cho người bạn trai trong quân đội (anh ở cùng bản với chị, sau anh hy sinh trong chiến trường), hai người động viên nhau “Khi đi hai chữ xung phong. Khi về hai chữ thành công mới về”.
Khi tôi hỏi chị còn kỷ vật nào thời TNXP không, cho Bảo tàng sưu tầm để lưu trữ, trưng bày, chị nói: lần trước đã cung cấp cho bảo tàng một số thứ rồi. Để chị tìm, nếu có thì sẽ báo lại.
Sau khi chia tay chị, quay ra đến chỗ “tắc đường” buổi sáng, không hiểu “trời đất xui khiến” thế nào mà chiếc xe 16 chỗ của chúng tôi bị sa một bên bánh trước xuống rãnh nước (có lẽ lái xe cố tránh đống cát lúc này đã vun gọn về một nửa phần đường). Thế là lại hì hụi cứu hộ. Và cái “rủi” ấy lại báo hiệu cho một cơ may khác: anh cán bộ xã đi xe máy dẫn đường lúc ấy mới ở trong nhà chị ra và báo với tôi “Chị Dung vừa tìm thấy mấy thứ của TNXP đấy, anh vào mà lấy”. Mừng như vớ được vàng, tôi vội lên xe máy quay trở lại, và đã sưu tầm được chiếc chăn đơn, 1 chiếc vỏ ô bằng vải gia đình cho chị hồi đi TNXP (kỉ vật này đang trưng bày tại tầng 1 Nhà lưu niệm trong Khu di tích 915). Tôi quay ra thì thấy chiếc xe 7 chỗ của đoàn Bắc Kạn đã buộc cáp vào và kéo được xe của chúng tôi lên khỏi rãnh nước. Chúng tôi lên đường với niềm vui khó tả!
Những chuyện ít biết chung quanh căn hầm định mệnh
Những câu chuyện về TNXP Đại đội 915 mà chúng tôi thu thập được qua chuyến công tác còn nhiều, nhưng tôi sẽ “bật mí” trong dịp khác.
Cuối bài viết này, xin được thông tin tới độc giả những câu chuyện mà có thể chỉ những người nghiên cứu lịch sử mới nắm bắt được một cách đầy đủ nhất.
Hôm 24/12/1972, Đại đội 915 nhận nhiệm vụ mới, xuống tăng cường cùng các lực lượng bốc dỡ hàng hoá (chủ yếu là lương thực) ở ga Lưu Xá để chuyển vào chiến trường miền Nam. Theo yêu cầu của cấp trên, Đội 91 phải huy động 100 đội viên (phân 40 người cho Đại đội 912, 60 người cho Đại đội 915). Do tinh thần hăng hái, muốn được tham gia làm nhiệm vụ quan trọng, nên khi lên xe, Đại đội 915 có tổng cộng 66 người. Vào khoảng 19h50, sau một ngày làm việc mệt nhọc, cả Đại đội còn chưa kịp ăn cơm tối, đã bị trúng bom. Đồng chí Nguyễn Thế Cường, Đội phó Đội 91, TNXP Bắc Thái và 59 TNXP của Đại đội 915 hy sinh, chỉ có 7 người may mắn sống sót.
Ông Trần Văn Phình – Thủ kho lương thực ga Lưu Xá với giọng sang sảng kể lại cho tôi nghe: Khi ấy có 2 nhân viên của ông được phân công làm việc (giao nhận lương thực) cùng Đại đội 915 và họ ở cùng căn hầm đó. Sau khi bom nổ, ông cùng anh em từ phía Ga Lưu Xá chạy sang để tìm đồng đội. Tuy nhiên, hai thủ kho lương thực đã anh dũng hy sinh cùng với 60 cán bộ, đội viên TNXP. (Sau này hai thủ kho Lê Quang Hòa (người xã Tân Phú, Phổ Yên) và Đỗ Xuân Sinh (người xã Vạn Thọ, Đại Từ) được công nhận là liệt sĩ).
Ngay lúc đó, ông Phình cùng các lực lượng tại chỗ của Công ty Lương thực, Công ty Gang thép, lực lượng địa phương… đã tập trung đào bới, tìm kiếm. Nhưng chủ yếu dùng cuốc, xẻng, xè beng và các dụng cụ thô sơ, làm bằng tay chứ không có máy móc. Bởi vậy, không kịp cứu những người đang bị ngạt trong hầm. Ông Phình cũng cho biết thêm: Khi đó B52 chuyển sang đánh đêm, nên sau 6 giờ tối thì mọi lực lượng phải phân tán ra khỏi khu vực Ga để đảm bảo an toàn, những người tham gia cứu nạn được điều đến từ các khu vực chung quanh.
Địa điểm hy sinh của các cán bộ, đội viên là tại căn hầm khu tập thể Bệnh viện Gang thép (nơi xây dựng Khu di tích hiện nay). Nhằm giúp việc mô phỏng căn hầm (nay là lối vào Phòng trưng bày ở tầng 1 Nhà lưu niệm) được sát với thực tiễn, tôi đã tiếp xúc với một số nhân chứng là nhân viên Bệnh viện Gang thép thời kỳ đó.
Các nhân chứng cho biết: Khu vực đó vốn là một quả đồi thấp, được san hạ, tạo ra một khoảnh sân hình chữ nhật ở giữa, thường để đánh bóng chuyền, còn 4 xung quanh xây các dãy nhà cấp 4. Ở cạnh dài thứ nhất có 2 dãy nhà, một dãy 4 gian, cách một khoảng ngắn làm đường đi có một dãy kế tiếp cũng 4 gian, trong đó có 3 gian làm nhà trẻ, mở cửa sau là đi thẳng vào cửa hầm chữ U. Đối diện sang bên kia sân là một dãy nhà 9 gian. Hai cạnh bên sân, mỗi bên có một dãy nhà 6 gian.
Ở đó có 2 căn hầm liền nhau, căn lớn là hầm bê tông hình chữ U lộn ngược, căn nhỏ là hầm chữ A. Nóc hầm được lấp đất lên và cao bằng mặt sân. Thời điểm đó, toàn bộ Bệnh viện đã di chuyển đến nơi sơ tán, một số gia đình vẫn để lại một ít đồ đạc, giường chiếu. Trong số các gia đình cán bộ nhân viên Bệnh viện, nhiều người có chồng làm ở nhà máy Gang thép, hoặc là bộ đội...
Cùng buổi tối 24/12, có 4 người là công nhân Gang thép trở về nhà nghỉ để tiện việc làm đêm. Khi còi báo động họ cũng xuống hầm cùng với TNXP Đại đội 915. Sau đó, 3 người tử nạn, còn một trường hợp sống sót hy hữu. Đó là ông Trịnh Kim Trọng.
Khi tôi đến gặp, được ông viết giấy xác nhận: Cùng xuống hầm với ông có ông Dục, Đội trưởng Đội xây dựng; ông Pháp là tiếp phẩm của Xí nghiệp Vật tư, Công ty Xây lắp II; ông Xuyên là kĩ sư Hoá của Công ty Gang thép. Xuống hầm được một lát, ông Trọng chạy về nhà cất chiếc đồng hồ vạn năng do ông Xuyên đem trả. Đúng lúc đó thì giặc Mỹ ném bom. Ông không kịp chạy ra hầm nữa mà chui xuống gầm giường để tránh. Tường nhà đổ sập, nhưng ông hoàn toàn lành lặn.
Như vậy, xét theo tâm linh, tại Nhà tưởng niệm có 3 ban thờ: bên trái cửa vào là thờ thổ công; chính giữa thờ các liệt sĩ; còn bên phải là thờ nhân dân tử nạn, trong đó có 3 người làm ở Gang thép. Cũng vì các vị được thờ khác nhau, nên các cặp câu đối ở mỗi ban cũng khác nhau và sát nghĩa với những vị được thờ đó. Những chuyện trên có rất ít người biết đến.
Vĩ thanh
Để ghi công các anh hùng liệt sĩ TNXP, năm 1994, Thành đoàn Thái Nguyên đã phát động thực hiện công trình xây dựng Bia tưởng niệm liệt sĩ TNXP Đại đội 915. Năm 2009, Đại đội 915 đã được Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu Anh hùng LLVT nhân dân và địa điểm hy sinh tại xã (nay là phường) Gia Sàng, TP Thái Nguyên được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xếp hạng Di tích Quốc gia. Năm 2018, Tỉnh ủy Thái Nguyên chủ trương tôn tạo Khu di tích với quy mô 4,75 ha, chia làm 3 giai đoạn. Trong đó, giai đoạn 1 hoàn thành và đi vào hoạt động trước ngày 24/12/2018.
Nhân dịp tưởng nhớ 46 năm ngày hy sinh của các liệt sĩ TNXP và khánh thành công trình tôn tạo Khu Di tích lịch sử Thanh niên xung phong Đại đội 915 (24/12/2018), chúng tôi đã kịp hoàn thành cuốn sách “Đại đội TNXP 915 – Khúc tráng ca bất tử” theo đúng yêu cầu của Hội đồng chỉ đạo.
Ngày nay, nhắc đến Đại đội TNXP 915, mọi người đã quen với những tên gọi mang tính gợi nhắc: “Khúc tráng ca bất tử”, “Còn mãi với nước non”,... thậm chí chỉ cần gõ “Đại đội 915” lên Google, đã thấy hiển thị hơn 1.200 kết quả. Và chúng tôi tự hào vì đã được đóng góp một chút công sức nhỏ bé của mình để tri ân các liệt sĩ.
Tháng 12/2023
Trần Thép
1 đã tặng
1
Hãy liên hệ với chúng tôi qua số điện thoại: 0988827920 (Ngô Ngọc Luận), nếu bạn có nhu cầu thưởng thức những ấn phẩm của Văn nghệ Thái Nguyên.
Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...