Thứ bảy, ngày 27 tháng 07 năm 2024
12:55 (GMT +7)
TƯỞNG NHỚ NGÀY HY SINH CỦA 60 TNXP ĐẠI ĐỘI 915, ĐỘI 91 BẮC THÁI (24/12/1972)

Về một cuốn sách 915 và những chuyện “giờ mới kể” (Kỳ I)

Kỳ I: Ấn tượng không phai

5 năm đã trôi qua, nhưng mở cuốn sổ ghi chép những ngày làm tư liệu viết cuốn sách “Đại đội 915 – Khúc tráng ca bất tử” ở Bắc Kạn, tôi vẫn bồi hồi, nhớ lại từng chi tiết, từng câu chuyện trong chuyến đi ấy.

 

Cuốn sách 915 và những chuyện “giờ mới kể”
Nhóm 2 của Đoàn công tác sưu tầm tư liệu Đại đội 915 tại xã Phong Huân, huyện Chợ Đồn tỉnh Bắc Kạn. Từ trái qua: tác giả; chị Liêu Thị Ly (1 trong 7 người còn sống trong trận bom đêm Noel 1972 tại Lưu Xá); anh Ma Đình Đào (chồng chị Ly, cũng là cựu TNXP Đại đội 915) và các thành viên trong Đoàn

Clip: Một số hình ảnh tư liệu của Nhóm 1 và Nhóm 2 trong chuyến công tác

Quy mô chưa từng thấy

42 thành viên trực tiếp tham gia sưu tầm tư liệu về Đại đội 915 tại hai tỉnh: Thái Nguyên và Bắc Kạn vào nửa cuối tháng 4 năm 2018, được chia thành 2 tổ với 5 nhóm, do đồng chí Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Lê Văn Tuấn làm Trưởng đoàn. Tại địa bàn tỉnh Bắc Kạn, 3 nhóm do 3 đồng chí trưởng phòng của Ban phụ trách, đồng chí Hoàng Anh Trung, Tỉnh ủy viên, Phó Trưởng ban Thường trực làm Tổ trưởng. Địa bàn tỉnh Thái Nguyên gồm 2 nhóm, cũng do 2 đồng chí trưởng phòng khác của Ban làm trưởng nhóm, đồng chí Nguyễn Thị Thủy, Phó Trưởng Ban làm tổ trưởng.

Biên chế của mỗi nhóm gồm: 1 Trưởng phòng làm Trưởng nhóm, 2 phóng viên Đài tỉnh (trong đó 1 người quay phim), 1 Phóng viên Báo Thái Nguyên, 1 Chuyên viên Sở Lao động – TB và XH, 1 nhà văn/ nhà báo thuộc Hội VHNT tỉnh, 1 cán bộ của Bảo tàng tỉnh và 1 lái xe.

Hai tổ ra quân gần như đồng thời, dự kiến đi liên tục trong 1 tuần, nhóm nào xong trước thì về trước. Mỗi nhóm đi riêng trên một xe 16 chỗ vì xuống các địa phương còn có thêm cán bộ sở tại đi cùng. Riêng ở Bắc Kạn, lãnh đạo tỉnh bạn cũng thành lập Đoàn công tác do đồng chí Ma Từ Đông Điền, Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy làm Trưởng đoàn, với 3 nhóm có thành phần giống như của Thái Nguyên để phối hợp, giúp đỡ 3 nhóm của Thái Nguyên trong quá trình khai thác tư liệu được thuận lợi.

Ngày đó, với vai trò là Trưởng phòng Lý luận chính trị và Lịch sử Đảng của Ban, tôi được phân công làm Trưởng nhóm 2. Tôi cũng là người biên tập, đồng thời viết một chương của cuốn sách. Chính vì vậy, toàn bộ thông tin, tư liệu của các nhóm nhóm sưu tầm tư liệu được gửi về cho tôi để tổng hợp, báo cáo lãnh đạo Ban và Hội đồng Chỉ đạo. Trên cơ sở các dữ liệu đó, các thành viên của Ban biên tập sẽ chỉnh sửa nội dung phần viết của mình và chuyển lại cho tôi để ráp lại thành bản thảo.

Gần 14 năm công tác ở Ban Tuyên giáo Tỉnh uỷ (từ tháng 6/2007 đến hết tháng 2/2020), tôi đã tham gia nhiều đề án, dự án biên soạn, xuất bản các cuốn sách lịch sử, nhưng có thể khẳng định, chưa có cuốn sách nào mà việc sưu tầm tư liệu lại đồ sộ, kĩ lưỡng như cuốn “Đại đội TNXP 915 – Khúc tráng ca bất tử”, mặc dù nó là cuốn sách rất mỏng, chỉ 128 trang, khổ 14,5x 20,5 cm.

Cuốn sách 915 và những chuyện “giờ mới kể”
Các cựu TNXP Đại đội 915 trở lại thăm nơi hoạt động khi xưa

Dự án này được sự quan tâm đặc biệt của Tỉnh uỷ, đặc biệt là đồng chí Chủ tịch Hội đồng chỉ đạo Trần Quốc Tỏ, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh. Tôi còn nhớ trong một hội nghị, Bí thư yêu cầu triệu tập bổ sung ngay hơn 20 lãnh đạo (kèm cán bộ chuyên môn có liên quan) của các sở, ban, ngành, cơ quan báo chí để đến nhận nhiệm vụ phối hợp với bộ phận làm tư liệu giới thiệu về Đại đội 915, về đất và người Thái Nguyên trên website Daidoi915.vn mới được thiết lập. Sau khi được triệu tập, Bí thư đã trực tiếp chỉ đạo, giao nhiệm vụ cho các đơn vị cùng phối hợp cung cấp tư liệu cho nhóm công tác. Không chỉ nhận được rất nhiều tài liệu, báo cáo (bất kỳ loại tài liệu, báo cáo nào mà chúng tôi yêu cầu đều được cung cấp ngay), tôi còn nhớ: riêng về tư liệu hình ảnh, tôi đã nhận được hơn 100GB ảnh và video do Báo Thái Nguyên, Đài PT-TH Thái Nguyên gửi sang.

Về việc làm tư liệu cuốn sách, cũng chính Bí thư Tỉnh uỷ Trần Quốc Tỏ với vai trò Chủ tịch Hội đồng chỉ đạo biên soạn đã gợi ý lãnh đạo Ban Tuyên giáo Tỉnh uỷ tổ chức khai thác tư liệu thật kĩ lưỡng. Không chỉ khai thác thông tin về Đại đội 915, Đội 91 TNXP Bắc Thái, các nhóm công tác còn nắm bắt việc giải quyết chế độ, tìm hiểu đời sống của các cựu TNXP và các gia đình liệt sĩ Đại đội 915; sưu tầm các kỉ vật để phục vụ cho Phòng Trưng bày (đặt tại tầng 1 Nhà tưởng niệm hiện nay) và Bảo tàng tỉnh. Các phóng viên, nhà văn, nhà báo sẽ thâm nhập thực tế để viết bài và quay phim, chụp ảnh để lưu trữ. Sau này, Hội Văn học nghệ thuật tỉnh Thái Nguyên đã xuất bản 2 tập cuốn sách "Đại đội 915 - Còn mãi với nước non".

Cuốn sách 915 và những chuyện “giờ mới kể”
Đồng chí Nguyễn Lương Bằng (người đứng phát biểu) Phó Chủ tịch nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa làm việc với lãnh đạo Tỉnh ủy Bắc Thái sau đợt ném bom của Mỹ tại thành phố Thái Nguyên, tháng 12/1972. Ảnh tư liệu

Không những chỉ đạo ở tầm vĩ mô để phối kết hợp giữa hai tỉnh, giữa các địa phương, ban, ngành trong tỉnh phục vụ cho các tổ, nhóm và Đoàn công tác, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy còn sát sao chỉ đạo đến từng việc cụ thể, từ tên sách, bố cục, nội dung bên trong, đến cả mẫu phiếu xin ý kiến cũng được góp ý rất tỉ mỉ. Nhờ cách làm này mà chúng tôi đã đạt được nhiều mục đích khi đi thu thập tư liệu. Có thể nói, mọi thông tin liên quan đến Đại đội 915, bao gồm các liệt sĩ hy sinh trong trận bom đêm Noel 24/12/1972 và gia đình họ, 7 đội viên còn sống trong trận bom đó, các cựu TNXP Đại đội 915 qua các thời kỳ… đều được ghi chép, tập hợp rất đầy đủ, có căn cứ pháp lý.

Hồi đó, tôi và đồng chí Trưởng ban Tuyên giáo cứ vài ba ngày lại được gặp Bí thư để tranh thủ ý kiến. Ban đầu, Ban dự kiến viết một cuốn sách lịch sử về Đại đội 915 dày vài trăm trang. Nhưng đồng chí Bí thư gợi ý: Tỉnh cần có một cuốn sách mỏng như dạng “cẩm nang” về Đại đội 915 để người đọc dễ xem, dễ tuyên truyền. Nhưng sách đó phải đầy đủ và chính xác, được coi là tài liệu gốc, chính thống làm cơ sở cho các bài báo, tài liệu tuyên truyền sau này, thậm chí để các văn nghệ sĩ tham khảo trong sáng tác văn học, điện ảnh. Vì thế, chúng tôi đã tiếp thu và chỉnh sửa bố cục, nội dung như hiện nay.

Cuốn sách 915 và những chuyện “giờ mới kể”
Bí thư Tỉnh uỷ Trần Quốc Tỏ (thứ 3 từ phải sang) và các đồng chí lãnh đạo hai tỉnh (Thái Nguyên, Bắc Kạn) kiểm tra tiến độ xây dựng Khu di tích, ngày 14/5/2018

Tình nghĩa vẹn nguyên

Trở lại với chuyến công tác trên địa bàn Bắc Kạn. Tôi làm Nhóm trưởng Nhóm 2; đồng chí Nguyễn Quốc Thái, Chánh Văn phòng Ban làm Nhóm trưởng Nhóm 1; đồng chí Nguyễn Huy Hoàng, Trưởng phòng Tuyên truyền - Báo chí - Xuất bản làm Nhóm trưởng Nhóm 3.

Nhóm tôi gồm: Việt Hương (Biên tập viên Đài tỉnh); Hoàng Hà (Quay phim Đài tỉnh); Phạm Ngọc Chuẩn (Phóng viên Báo Thái Nguyên); Phan Đức Phương (Sở LĐ, TB và XH); Nhà văn Hồ Thủy Giang (Hội VHNT tỉnh Thái Nguyên) và Nguyễn Thị Hiền (Bảo tàng tỉnh). Xe của Nhóm 1 và Nhóm 3 xuất phát trước. Riêng xe của Nhóm 2 gần trưa mới lên đường, bởi sáng hôm đó tôi phải dự thi Báo cáo viên giỏi do Đảng ủy Khối các cơ quan tỉnh tổ chức.

Có lẽ do ý thức được vinh dự và trách nhiệm trong chuyến công tác đặc biệt này, nên dù đi công tác ở một tỉnh miền núi trong suốt một tuần, nhưng mọi người từ những thành viên trẻ tuổi đến “U 70”, tất cả chúng tôi đều mang trong mình bầu nhiệt huyết với tinh thần hào hứng, phấn khởi.

Gần trưa ngày 19/4/2018, xe của nhóm tôi chạy thẳng đến Huyện ủy Chợ Đồn (Bắc Kạn) để họp các Nhóm công tác, mà chủ yếu là để tỉnh Bắc Kạn “bàn giao” các nhóm của bạn phối hợp với các nhóm của Thái Nguyên. Nhóm tôi được nhóm Bắc Kạn do bạn Hoàng Thị Ngọc Lan, phóng viên Đài Truyền thanh – Truyền hình huyện Chợ Đồn ráp mối, dẫn đường. Ngay trong ngày, chúng tôi tranh thủ đến khai thác tư liệu tại nhà cựu TNXP Bùi Thị Loan và Hoàng Văn Thắng (xã Bằng Lãng), sau đó tới gia đình liệt sĩ Ma Thị Lâm (xã Nghĩa Tá).

Cuốn sách 915 và những chuyện “giờ mới kể”
Đồng chí Nguyễn Quốc Thái, Chánh Văn phòng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Thái Nguyên, Nhóm trưởng Nhóm 1 (thứ 2 bên phải) trao đổi với bà Trương Thị Lợi, thôn Bản Lác, xã Quảng Bạch, huyện Chợ Đồn (thứ 2 bên trái), vợ của liệt sĩ Ma Văn Nguyên (Đại đội 915), ngày 20/4/2018

Chị Loan và anh Thắng là 2 trong số 7 TNXP còn sống sau trận bom định mệnh đêm 24/12 và đã được báo chí viết khá kĩ. Chiếc áo ấm kỉ vật mà anh Hoàng Mạnh Thạch (sau này là chồng chị) tặng chị khi lái xe qua Trại Cau (Đồng Hỷ), nơi Đại đội 915 của chị làm đường, với 2 lỗ thủng trên vai đã được cán bộ của Bảo tàng tỉnh Thái Nguyên đến sưu tầm từ đợt trước, lần này các phóng viên phải mượn lại mang lên để ghi hình. Những câu chuyện như “đôi đũa kỉ vật” mà chị Nga, người yêu của anh Thắng vót tặng anh (sau chị cũng bị hy sinh trong căn hầm trúng bom, bị lấp chỉ cách anh 1 mét, anh vẫn động viên chị trước lúc chị hy sinh), hay chuyện chị Loan bị tâm thần, trốn viện đi lang thang về tận Chợ Đồn, công an tưởng chị là gián điệp vì chị cứ ú ớ không nói được nên nhốt ở bốt ngã tư, được “chị tồng” (bạn thân của chị gái) vào xem và nhận ra, bảo lãnh cho về… đều đã được khai thác, đăng tải. Tuy nhiên, chúng tôi vẫn hỏi thêm những khía cạnh khác để qua đó biết rõ hơn về cuộc sống, hoạt động của TNXP Đại đội 915 cũng như Đội 91 Bắc Thái khi đó, từ đó có sự điều chỉnh nội dung trong cuốn sách cho phù hợp, tránh những sai sót.

Nỗi băn khoăn vì sao 7 TNXP còn sống sau trận bom không được hưởng chế độ thương binh cũng đã được giải đáp. Từ xác nhận của chị Bùi Thị Loan, chị Liêu Thị Ly của nhóm chúng tôi và các chị ở nhóm khác đã cho thấy: khi đó có hai lựa chọn, hoặc là hưởng trợ cấp một lần, hoặc là đi khám để làm chế độ thương binh, thì hầu hết các anh chị đã nhận hưởng trợ cấp một lần. Do vậy, không thể giải quyết chế độ thương binh được nữa. Một số trường hợp đã nhận trợ cấp một lần, sau này vẫn khai báo, được đi khám, được cấp thẻ thương binh (như chị Loan, chị Ly) rồi sau đó lại phải thu hồi là đúng quy định.

Dù địa hình miền núi, đường sá khó đi, nhiều gia đình phải đi bộ khá xa mới tới được, nhưng những câu chuyện của các anh, các chị đã làm chúng tôi quên hết mệt nhọc.

Em trai của liệt sĩ Long Thị My (xã Vi Hương, huyện Bạch Thông) là anh Long Văn Thất, nay là người thờ cúng liệt sĩ kể lại: bố của anh có 3 người con với người vợ trước, sau này bà mất thì ông lấy mẹ của anh và sinh thêm 7 người con nữa. Thời đó kinh tế rất khó khăn. Mẹ anh vất vả, nuôi cả 10 người con khôn lớn. Chị My là thứ 6 trong 10 người con ấy, trước chị đã có hai người anh vào bộ đội. Lúc nhập ngũ chị chưa có người yêu. Lên đơn vị một thời gian thì Rằm tháng Bảy chị được nghỉ phép 3 ngày để về nhà. Thời ấy chưa có xe khách, nên chị phải đi bộ về từ Thái Nguyên. Mất 1 ngày chị mới về tới quê. Ở nhà được 1 ngày, chị lại trở về đơn vị…     

Tình cảm của các anh chị TNXP dành cho đoàn công tác thật là nhiệt tình, nồng ấm. Dù trong câu chuyện có gợi nhắc về sự kiện bi tráng, về cái chết của 60 con người trong một trận B52 rải thảm, nhưng hễ cứ nhắc đến TNXP, đến Đại đội 915, Đội 91 Bắc Thái… thì ánh mắt, nụ cười của các anh chị lại sáng lên như được trở về ngày xưa ấy. Và ở mọi nơi chúng tôi đến, không ai phân biệt rằng câu chuyện về Đại đội 915 đó là của Thái Nguyên, bởi chính họ, những đội viên TNXP 915, đã cống hiến, đã trưởng thành dưới phiên hiệu “TNXP Đội 91 Bắc Thái”.

 (Còn tiếp)

Trần Thép

Kỳ II: Những câu chuyện ít người biết

4 đã tặng

0

1

1

2

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy
  • Ha hoan****@gmail.com

    Nhanh ghê đã 5 năm rồi ạ

Cùng chuyên mục

Đón bạn về quê

Thơ 1 giờ trước

Tháng Bảy về…

Văn xuôi 6 giờ trước

Gieo mầm cho sự sống

Xem tin nổi bật 16 giờ trước

Ba Đình nắng lên

Thơ 17 giờ trước

Mưa từ Ba Đình

Thơ 1 ngày trước

Người thành vô biên

Thơ 1 ngày trước