
Góc biếm họa số 6 (2025)

50 năm trước, 11 giờ 30, khi lá cờ Quân Giải phóng phấp phới bay trên nóc Dinh Độc Lập báo hiệu chiến dịch Hồ Chí Minh toàn thắng, chấm dứt chiến tranh, là những giây phút đầu tiên của hòa bình thống nhất đất nước. Song song với chiến thắng, nền văn học nghệ thuật cách mạng đã như một làn gió mới lan tỏa niềm tự hào, niềm tin và gắn kết đồng bào ba miền Bắc Trung Nam trong niềm vui chung.
Cũng 50 năm qua, văn học nghệ thuật (VHNT), đặc biệt về đề tài chiến tranh và hòa bình thống nhất đất nước vẫn luôn tạo cảm hứng, mang đến nhiều cảm xúc với công chúng- như một chất xúc tác về tình yêu Tổ quốc, về tinh thần biết ơn, tri ân sự hy sinh của các thế hệ trước, đề cao trách nhiệm công dân của mỗi người…
Theo bước chân chiến thắng
Ngay sau khi ta mở chiến dịch Tây Nguyên, các nhà Điện ảnh Quân đội đã có mặt trên chiến trường, cùng hành quân với các đơn vị, đã có những thước phim tài liệu về chiến trường Khu 5, những thước phim “nóng” về các trận đánh chiếm và giải phóng Tây Nguyên: Buôn Mê Thuột, Pleyku… Và trưa 30/4/1975, đã có mặt ở Dinh Độc Lập quay những hình ảnh chiến dịch Hồ Chí Minh toàn thắng, kết thúc cuộc chiến tranh 30 năm đầy gian khổ hy sinh. Những phim tài liệu còn thấm mùi thuốc súng, khói lửa như: “Chiến thắng lịch sử 1975”, “Cuộc đụng đầu lịch sử”, “Mùa xuân toàn thắng”. Hãng phim Tài liệu Khoa học Trung ương cũng nhanh chóng hành quân “đuổi” theo để có những phim kịp thời: “Buôn Mê Thuột ngày đầu giải phóng”, “Trên đường qua Huế giải phóng”, “Quy Nhơn giải phóng”, “Nha Trang tháng tư”, “Ký sự Bến Tre”...
Hãng Phim truyện Việt Nam với 4 đội phim “thiện chiến”, đa tài nhất, cùng 4 đạo diễn: Hải Ninh, Đặng Nhật Minh, Trần Vũ, Bùi Đình Hạc, theo 4 cánh quân tiến vào Sài Gòn. Với sự “thần tốc” họ đã nhanh chóng cho ra những cuốn phim ấn tượng: “Tháng 5 - những gương mặt” - Đặng Nhật Minh, “Qua cầu Công Lý” - Trần Vũ, “Sài Gòn tháng 5/1975” - Bùi Đình Hạc, “Thành phố lúc rạng đông” - Hải Ninh.
Đài Truyền hình Việt Nam đã kịp dựng bộ phim truyện “Người thật, việc thật”- “Cô Nhíp”- 2 tập- Đạo diễn Khương Mễ, biên kịch Nguyễn Trí Việt về người nữ giao liên Biệt động Nguyễn Trung Kiên, thuộc Tiểu đoàn FK6, Phân khu Sài Gòn - Gia Định, dẫn đường cho đoàn xe tăng thuộc Binh đoàn Tây Nguyên đánh chiếm sân bay Tân Sơn Nhất. Phim có các diễn viên của điện ảnh Sài Gòn như: Mộng Tuyền, Lý Huỳnh, Bắc Sơn, Thuỳ Liên tham gia diễn xuất, như một sự kết hợp tuyệt đẹp của thống nhất đối với điện ảnh Việt Nam.
Với tinh thần “Kịp thời nhất, nhanh chóng nhất, táo bạo nhất…”, các nhạc sĩ trong và ngoài quân đội lúc bấy giờ đã dõi theo từng bước tiến quân, từng trận đánh để có những ca khúc hừng hực khí thế chuyển ra mặt trận, phát trên làn sóng Đài Tiếng nói Việt Nam (VOV), cổ vũ, động viên kịp thời quân và dân trên từng chặng đường chiến dịch. Ngày 24/3/1975, toàn bộ vùng Tây Nguyên rộng lớn với hơn 60 vạn dân được giải phóng. Hàng loạt ca khúc đã ra đời: “Những tiếng ca vang trên đất này”- Nguyễn Đức Toàn, “Tây Nguyên giải phóng”- Kpa Púi và Tôn Thy, “Hát mừng Tây Nguyên giải phóng”- Cầm Phong, “Sông Đăkrông mùa xuân về”- Tố Hải… Ngày 26/3/1975 thành phố Huế và toàn bộ tỉnh Thừa Thiên được giải phóng, vang lên những ca khúc: “Gửi Huế giải phóng”- Nguyễn Văn Thương, “Huế của ta ơi” - Thanh Phúc, “Mùa xuân trên thành phố Huế” - Nguyễn Viêm, “Các anh về giữa Huế thân yêu” - Vũ Thanh, “Gió sông Hồng gọi nắng sông Hương” - Văn An…
Ngày 29/3/1975, thành phố Đà Nẵng hoàn toàn giải phóng, hàng loạt ca khúc đã ra đời: “Chào Đà Nẵng giải phóng” - Phạm Tuyên, “Đà Nẵng ơi! Chúng con lại về” - Phan Huỳnh Điểu, “Hát về Đà Nẵng kiên cường” - Cao Việt Bách, “Đà Nẵng quê ta giải phóng rồi” - Nguyễn Đức Toàn, “Chào Đà Nẵng, dũng sĩ bên bờ biển Đông” - Nguyễn An, “Sông Hàn vang tiếng hát” - Huy Du… Liên tiếp các tỉnh Bình Định với thành phố Quy Nhơn, Phú Yên với thị xã Tuy Hòa, Khánh Hòa với thành phố Nha Trang và quân cảng Cam Ranh được giải phóng, là hàng loại các ca khúc mừng chiến thắng hào hùng, ý nghĩa đã được ra đời.
Và đặc biệt, chỉ hai giờ sau chiến thắng, cả nước như một dàn đồng ca vĩ đại với ca khúc “Như có Bác trong ngày vui đại thắng” - Phạm Tuyên, sau đó lần lượt các ca khúc khác vang lên ngay tại Sài Gòn, thành phố mang tên Bác Hồ: “Tiếng hát từ thành phố mang tên Người” - Cao Việt Bách - Đăng Trung, “Ta đã về Sài Gòn ơi” - Văn Dung, “Hát về Thành phố tên vàng” - Cát Vận, “Mùa xuân Việt Nam, mùa xuân toàn thắng” - Lưu Cầu, “Việt Nam ngày đại thắng” - Vũ Thanh, “Giữa Sài Gòn giải phóng” - Hồ Bắc, “Đất nước trọn niềm vui” - Hoàng Hà. Nối dài niềm hạnh phúc, năm 1976 là “Mùa xuân đầu tiên” - Văn Cao, “Đêm Sài Gòn nghe vọng cổ” - Dân Huyền, và năm 1978 là “Mùa xuân trên thành phố Hồ Chí Minh” - Xuân Hồng…
Ngay tại Sài Gòn, các sân khấu cũng lên kịch mục cùng những vở mang hơi thở cách mạng: “Lỡ bước sang ngang”, “Tấm lòng của biển”, “Mái tóc người vợ trẻ”, “Lá sầu riêng”, “Dưới hai màu áo”, “Bạo chúa”, “Người ven đô”, “Ánh lửa rừng khuya”, “Tìm lại cuộc đời”, “Một cuộc giải phẫu”, “Lửa phi trường”, “Dưới cờ Tây Sơn”, “Đường về núi Lam”, “Tiếng trống Mê Linh”,… của hơn chục đoàn, nhà hát nổi tiếng.
Ngày đó, Ông Dương Đình Thảo, nguyên Giám đốc Sở Ngoại vụ, Giám đốc Sở Văn hóa - Thông tin đầu tiên của thành phố Sài Gòn đã khẳng định: Chúng ta là người cách mạng. Chúng ta chiến đấu vì nền hòa bình. Bây giờ đã hòa bình, thống nhất, thì không có lý do gì lại phải chia rẽ “bên này”, “bên kia”. Anh em văn nghệ sĩ, là vốn quý của nền văn hóa nước nhà. Chúng ta nên tập hợp họ lại, cùng chung tay để xây dựng một nền văn học và nghệ thuật cách mạng mang đúng tinh thần của dân tộc Việt, văn hóa Việt truyền thống…
Và 50 năm vang mãi “bài ca” hòa bình thống nhất đất nước
Liên quan đến đề tài chiến tranh cách mạng, kỷ niệm 50 năm hòa bình thống nhất đất nước 4/1975 - 4/2025, đã có liên tiếp các cuộc Hội thảo đánh giá về các tác phẩm trong những năm qua.
Gần nhất là Lễ trao giải của Giải thưởng VHNT và báo chí về đề tài lực lượng vũ trang và chiến tranh cách mạng giai đoạn 2020 - 2025 diễn ra tại Hà Nội, tối ngày 15/4/2025. Ý nghĩa của Giải thưởng là lời tri ân, là khúc quân hành âm vang ngược dòng lịch sử, là nơi nghệ thuật hội tụ với lòng yêu nước. Gần 3.500 tác phẩm từ khắp mọi miền đất nước đã được gửi về, từ âm nhạc với hàng loạt ca khúc, hợp xướng, thanh xướng kịch, lĩnh vực nhiếp ảnh với hàng nghìn tác phẩm phản ánh chân thực đời sống quân ngũ từ huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu đến công tác dân vận, phòng chống thiên tai đã được sáng tác và quảng bá mạnh mẽ…
Nằm trong chuỗi các hoạt động chào mừng kỉ niệm 50 năm giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước, Nhà xuất bản Quân đội nhân dân phối hợp với Cục Tuyên huấn cũng đã tổ chức Hội thảo khoa học “50 năm văn học, nghệ thuật về đề tài lực lượng vũ trang, chiến tranh cách mạng sau ngày đất nước thống nhất (30/4/1975 - 304/2/025); thành tựu, những vấn đề đặt ra và định hướng phát triển”, diễn ra ngày 20/3/2025, với 60 tham luận của lãnh đạo Tổng cục Chính trị, lãnh đạo các cơ quan chức năng, các nhà khoa học, nhà văn, nhà lí luận phê bình VHNT trong và ngoài Quân đội. Ngày 9/4/2025 tại Hà Nội, Tạp chí Văn nghệ Quân đội cũng đã tổ chức hội thảo khoa học với chủ đề “Nhìn lại văn học viết về cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước sau 50 năm giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước”.
Các tham luận đã góp phần khẳng định 50 năm qua, VHNT về đề tài lực lượng vũ trang, chiến tranh cách mạng nói riêng đã có những thành tựu to lớn, góp phần xây dựng và phát triển nền VHNT Việt Nam trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; đồng thời chỉ rõ những hạn chế, nguyên nhân, rút ra bài học kinh nghiệm, gợi mở những chủ trương, giải pháp, hướng đi mới cho VHNT về đề tài lực lượng vũ trang, chiến tranh cách mạng đến năm 2030 và những năm tiếp theo. Tới đây, Hội thảo khoa học “50 năm văn học nghệ thuật Việt Nam đồng hành cùng dân tộc” của Liên hiệp các Hội VHNT Việt Nam sẽ được tổ chức ngày 23/4/2025 tại Hà Nội.
Hướng đến lễ kỷ niệm 50 năm thống nhất đất nước, TP. HCM đang thúc đẩy việc thực hiện hàng loạt công trình văn học, nghệ thuật như album nhạc “TP.HCM- Thành phố tôi yêu”; tuyển chọn 10 tác phẩm VHNT để đầu tư nâng cao chuyên môn. Ngoài ra phát hành các bộ sách: “50 năm thống nhất và xây dựng, phát triển TP.HCM”; sách tranh, tượng mỹ thuật chủ đề ”50 năm thống nhất - xây dựng và phát triển TP.HCM”; “50 năm - Thơ nhạc cất cánh cùng thành phố”; sách ảnh “TP.HCM - 50 năm tự hào bản anh hùng ca”; “Sân khấu cải lương TP.HCM 1975 - 2025”; “50 năm - Văn học nghệ thuật các dân tộc thiểu số tại TP.HCM đơm hoa kết trái”…
Đặc biệt, phim điện ảnh “Địa đạo - Mặt trời trong bóng tối” là một tác phẩm nghệ thuật kỷ niệm 50 năm hiện đang trở thành phim “ăn khách” nhất trong dòng phim chiến tranh cách mạng Việt Nam cùng với sự lan tỏa đến công chúng cả nước.
Ngày 15/4/2025, phát biểu tại hội nghị lần thứ 39 BCH Đảng bộ TP.HCM khóa XI, Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên đã nêu bật hoạt động VHNT của thành phố thời gian qua có nhiều khởi sắc, nhất là hướng đến lễ kỷ niệm 50 năm Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Trong đó, ông nhắc đến phim “Địa đạo - Mặt trời trong bóng tối”. Theo ông Nên, điều đáng suy ngẫm là phim này không do Nhà nước đầu tư, mà do một nhóm nhà làm phim cùng các nhà tài trợ thực hiện. Ông đề nghị các ngành có liên quan có suy nghĩ, nghiên cứu, có các chính sách thu hút mọi nguồn lực xã hội để phát triển nền VHNT của thành phố, để sắp tới, cùng với việc kiện toàn hành chính sáp nhập các tỉnh thành, cơ quan, thì VHNT cũng cần có hướng đi mới, để khi kỷ niệm 55 năm, 60 năm… sẽ có nhiều hơn các tác phẩm VHNT đặc sắc về thành phố nói riêng, về Việt Nam nói chung…
Và để kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng Miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2025) theo Kế hoạch số 17-KH/BTGDVTW ngày 14/3/2025 của Ban Tuyên giáo và Dân vận Trung ương cùng Kế hoạch số 690/KH-BVHTTDL ngày 23/2/2024 của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, các đơn vị nghệ thuật trực thuộc Bộ VHTTDL sẽ tổ chức chuỗi chương trình nghệ thuật đặc biệt. Các chương trình nghệ thuật sẽ được tổ chức trên cả nước, không chỉ ca ngợi chiến thắng lịch sử năm 1975 mà còn khắc họa sinh động cho sự phát triển đa dạng của nghệ thuật biểu diễn ở Việt Nam.
Hoài Hương
0 đã tặng
Hãy liên hệ với chúng tôi qua số điện thoại: 0988827920 (Ngô Ngọc Luận), nếu bạn có nhu cầu thưởng thức những ấn phẩm của Văn nghệ Thái Nguyên.
Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...