Thứ ba, ngày 15 tháng 04 năm 2025
04:11 (GMT +7)

Cổ phục trong phim: Hành trình tìm về bản sắc

Gần đây mạng xã hội và cả báo chính thống đều đồng loạt đăng tải thông tin: Để thực hiện bộ phim điện ảnh “Thám tử Kiên: Kỳ án không đầu”, đạo diễn Victor Vũ và nhà sản xuất Đinh Ngọc Diệp đã đặt may mới hoàn toàn gần 1.000 cổ phục Việt phục vụ cho việc làm phim. Nhà sản xuất còn tiết lộ, những cổ phục Việt được đặt may nói trên phải trải qua công đoạn nhuộm vải khá phức tạp để có thể tạo nên những bộ trang phục chân thực nhất có thể so với nguyên mẫu.

Rất nhanh, sự chú ý thậm chí tò mò của công chúng đã được nhà sản xuất giải đáp trong First look trailer, nhưng chỉ thế thôi chưa đủ. Nhiều câu hỏi đặt ra, về vai trò của cổ phục trong phim và vì sao phải tốn nhiều công sức, tiền của cho những trang phục - vốn được cho chỉ là phụ kiện.

Tìm về bản sắc Việt

Đầu tiên, theo lý giải của nhà sản xuất “Thám tử Kiên - Kỳ án không đầu” không phải là phim lịch sử mà là phim cổ trang, dựa trên bối cảnh lịch sử nhà Nguyễn, nên đã là phim cổ trang thì trang phục không thể mua hay mượn đồ giống phim thời hiện đại. Do đó, việc may mới trang phục và tuân thủ các công đoạn cắt nhuộm, tạo màu, làm cũ được nhà thiết kế đặc biệt coi trọng sao cho bám sát lịch sử nhất có thể. Đây là điểm cộng đầu tiên của phim, khiến người yêu điện ảnh cảm thấy háo hức, chờ đợi thời điểm phim ra mắt.

Phục trang của các nhân vật trong phim “Thám tử Kiên -  Kỳ án không đầu”
Phục trang của các nhân vật trong phim “Thám tử Kiên - Kỳ án không đầu”

Trên thực tế, trong khoảng 10 năm trở lại đây, phong trào tìm về bản sắc văn hóa truyền thống, sử dụng chất liệu lịch sử để thực hiện các dự án nghệ thuật không phải hiếm. Nhưng để tạo ra đột phá thì vẫn còn là bài toán chưa có lời giải.

Tính từ năm 2013 - 2014 đến nay, phong trào Việt hóa cổ phục đã xây dựng được 21 dự án nổi bật. Phong trào mặc Áo ngũ thân (tiền thân của Áo dài hiện đại ngày nay) với sự tiên phong của nhóm Câu lạc bộ Đình làng Việt. Để lan tỏa phong trào, nhóm tổ chức tư vấn may, mặc áo dài ngũ thân, tổ chức mặc áo dài tham dự các hoạt động văn hóa nghệ thuật góp phần lan tỏa giá trị của áo dài. Với người trẻ, áo dài ngũ thân có lẽ không chỉ là chuyện tấm áo mà là một câu chuyện văn hóa có tính kế thừa qua các giai đoạn lịch sử thăng trầm của dân tộc. Ngoài Đình làng Việt tìm về cổ phục còn có nhóm Đại Việt Cổ Phong và Comicola với phong trào“Hoa Văn Đại Việt”; dự án “Dệt nên triều đại” của tổ chức Vietnam Centre, phỏng dựng lễ phục/lễ nghi, sản xuất hình ảnh và tư liệu về thời Hậu Lê (2017); Thương hiệu V’style - Việt với Cổ phục cách tân được thành lập, đánh dấu sự khởi đầu về thương mại hóa cổ phục và cổ phục cách tân. Tuy nhiên, phải đến dự án phim Phượng Khấu, chúng ta mới có cái nhìn gần gũi hơn về áo tứ thân - tà áo dài ngày nay.

Trong tọa đàm Cổ phục Việt - từ đời sống đến điện ảnh và các vấn đề về cứ liệu lịch sử của dự án phim "Phượng Khấu" diễn ra tại Hà Nội, GS Lê Văn Lan, cố vấn lịch sử của bộ phim, người đảm nhận vai trò “giám sát” trang phục của Nghi Thiên Chương hoàng hậu trong phim, từ khi bà mới nhập cung (13 tuổi), cho đến khi lọt vào mắt xanh của hoàng tử Miên Tông và trở thành hoàng hậu, cho rằng: Nhà làm phim đã khôn khéo khi lựa chọn khoảng thời gian 7 năm trị vì của vua Thiệu Trị. Một trường độ thời gian vừa phải nhưng lại tinh kết những vấn đề lịch sử từ vua Minh Mạng là cha của ông đến vua Gia Long là ông nội của vua Thiệu Trị và các vị vua đời sau. Thời gian được lựa chọn cũng ứng với kết quả của việc nghiên cứu cổ phục Việt.

Phục trang của nhân vật trong phim “Phượng Khẩu”
Phục trang của nhân vật trong phim “Phượng Khấu”

Cùng với dự án phim Phượng Khấu, trường hợp phim “Đất rừng phương Nam”, “Người vợ cuối cùng”, “Tết ở làng Địa ngục”; chương trình âm nhạc “Mưa hồng”, “Anh trai vượt ngàn chông gai” và một số MV ca nhạc: “Không thể cùng nhau suốt kiếp”, “Chim quý trong lồng” và gần đây là MV “Bắc Bling” của ca sỹ Hòa Minzy… cho thấy sự đầu tư vào cổ phục của nhà sản xuất và những thay đổi tích cực trong cách nhìn nhận, sử dụng trang phục truyền thống của giới trẻ. Điều này cũng giúp chúng ta định lượng được giá trị cũng như tác động của cổ phục tới cộng đồng trẻ và cả những người lớn tuổi trong việc cảm nhận vẻ đẹp của thẩm mỹ truyền thống Việt.

Bước vào nghệ thuật, trang phục truyền thống đòi hỏi phải có sự chính xác gần như tuyệt đối để có thể tạo hiệu ứng và chuyển tải thông điệp lớn nhất về bối cảnh, thời đại mà phim đề cập của đạo diễn, nhà sản xuất tới công chúng. Tuy nhiên, không phải tác phẩm nghệ thuật nào cũng đạt được yêu cầu khắt khe này. Dự án điện ảnh gần đây bị “ném đá” ở khâu phục trang là bộ phim điện ảnh dã sử “Quỳnh hoa nhất dạ”, bị chê là thảm họa của phục trang khi mới chỉ đưa ra những hình ảnh đầu tiên về bộ triều phục của thái hậu Dương Vân Nga. Bộ triều phục bị cho là giống với trang phục triều Mãn Thanh, Trung Quốc. Sau “Quỳnh hoa nhất dạ” đến phim “Kiều” cũng bị chê về y phục. Phần đông các nhà nghiên cứu, phê bình và khán giả khi xem những poster đầu tiên về nhân vật Kiều, đều cho rằng để Kiều mặc hoàng y - màu chỉ dành cho vua trong thời phong kiến là không phù hợp. Số khác lại chê phục trang của Kiều quá hở hang, gợi cảm không phù hợp với thời đại Kiều sinh sống.

Sự khen chê về phục trang có nhiều nguyên nhân, trong đó phải kể đến việc ekip làm phim không hiểu tường tận về lịch sử. Dẫn đến trang phục chưa sát với thời đại, văn hóa mà bộ phim đề cập.

Cần có sự chính xác

Sát với lịch sử nhất có thể, không chỉ là quyết tâm của giới trẻ theo đuổi những dự án khôi phục cổ phục hay những nhà sản xuất phim cổ trang, lịch sử, dã sử trong phát huy những giá trị truyền thống. Tuy nhiên, nếu chỉ dừng lại ở những hội nhóm, dự án nhỏ lẻ, cổ trang Việt rất khó trở thành một ngành nghề kinh doanh có lãi, đủ sức cạnh tranh trên thị trường trang phục cổ trang trong nước và quốc tế. Việc cần làm lúc này để thúc đẩy ngành thiết kế cổ trang nói riêng, các loại hình nghệ thuật khai thác yếu tố lịch sử, dã sử, cổ trang trong đó có điện ảnh nói chung chính là thúc đẩy công bố/công khai hiện vật trong các đơn vị bảo tồn, bảo tàng, lưu trữ liên quan đến trang phục truyền thống.

Phục trang của nhân vật Kiều trong phim “Kiều”
Phục trang của nhân vật Kiều trong phim “Kiều” bị chê về y phục

 Điều này không chỉ tạo cơ hội cho người trẻ khi làm phim có cơ hội tìm hiểu sâu hơn về cổ phục mà còn giúp cho giới nghiên cứu, phê bình có cơ sở để xác định tiêu chí, tiêu chuẩn, quy chuẩn của trang phục truyền thống - là bước quan trọng hàng đầu để chính thức hóa các ứng xử tiếp theo với cổ phục.

Theo nhà nghiên cứu Vũ Đức, tổ chức Great Vietnam việc công khai hiện vật sẽ mở ra nhiều chiều khác nhau. Qua đó, tính thật giả có thể kiểm chứng cụ thể qua góc nhìn chuyên môn/học thuật chứ không phải bằng hoạt động quảng cáo/kinh doanh sản phẩm. Điều này còn khơi dậy quá trình tự tìm tòi, tự nhận thức của người dân đối với hiện vật được công khai, đặc biệt là người trẻ kế cận.

Trang phục của nữ chính phim“Quỳnh hoa nhất dạ” được cho là giống cổ phục triều Mãn Thanh từ màu sắc đến kiểu dáng, họa tiết. Ảnh Thế giới điện ảnh
Trang phục của nữ chính phim“Quỳnh hoa nhất dạ” được cho là giống cổ phục triều Mãn Thanh từ màu sắc đến kiểu dáng, họa tiết. Ảnh: Thế giới điện ảnh

Ở góc độ quản lý, Ths. Nguyễn Đức Bình, Trưởng Ban Văn hóa nghệ thuật Tạp chí Văn hóa Nghệ thuật cho rằng, cần có sự vào cuộc của các cơ quan quản lý trong việc công bố các tư liệu, các công trình nghiên cứu và hiện vật gốc cũng như có những hoạt động nhằm định hướng giới trẻ trong việc sử dụng các sản phẩm văn hóa.

Công bố, công khai hiện vật không chỉ để người trẻ và bạn bè thế giới hiểu rõ cổ phục Việt mà còn giải phóng cho tình trạng thiếu rõ ràng, minh bạch về quy trình tiếp cận hiện vật gốc. Sự thay đổi trong tư duy quản lý này sẽ giúp cho những người nghiên cứu độc lập, các tổ chức... có thêm những cứ liệu chân xác góp phần hoàn thiện công trình nghiên cứu của mình về y phục xưa. Đây cũng là việc làm cần thiết, để mở ra tính bản lề (trước khi bàn đến các giải pháp mang tính cành, nhánh về quảng bá) phát triển ngành phục trang trở thành một kênh phát triển kinh tế, văn hóa - sức mạnh mềm của đất nước.

Trong tiến trình khôi phục, phát huy giá trị di sản văn hóa, mới đây, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ VHTT&DL Nguyễn Văn Hùng đã trình Quốc hội về chủ trương đầu tư Chương trình Mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa giai đoạn 2025 - 2035. Đây được coi là cơ hội để văn hóa, nghệ thuật Việt Nam phát triển, thích ứng với giai đoạn phát triển mới của đất nước. Trong giai đoạn 5 năm tới, Chương trình mục tiêu đã xác định tập trung cho nguồn lực con người, đặt con người là trung tâm của sự phát triển. Với phong trào ngưỡng vọng giá trị truyền thống của giới trẻ trong phục dựng cổ phục và điện ảnh hóa lịch sử... thời gian qua là điều kiện vô cùng thuận lợi để chúng ta có thể thực hiện tốt Nghị quyết 33-NQ/TW về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước.

Do đó, việc cần làm ngay lúc này chính là tổng kết, đánh giá những phong trào, dự án phục hưng cổ phục Việt của giới trẻ trong thời gian qua trên tất cả các bình diện thời trang, nghệ thuật biểu diễn, đặc biệt là điện ảnh để đánh giá điểm mạnh, điểm yếu, vinh danh những cá nhân, tổ chức có đóng góp xứng đáng... từ đó hoạch định một chiến lược dài hơi cho nghệ thuật và quảng bá văn hóa nghệ thuật truyền thống, thông qua phục hưng cổ phục.

Thảo Vy

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy