
Góc biếm họa số 5 (2025)

Khoảng năm, mười năm gần đây, việc các đạo diễn khai thác đề tài Gia đình đã chiếm sóng hầu hết các khung giờ vàng, trở thành món ăn tinh thần không thể thiếu của khán giả. Phim về đề tài này không chỉ phản ánh chân thực đời sống, mà còn khơi gợi nhiều giá trị nhân văn sâu sắc.
Khắc họa bức tranh muôn màu của đời sống gia đình
Nếu như trước đây, phim truyền hình Việt Nam về đề tài gia đình thường tập trung khai thác cuộc sống giàu có thậm chí là ăn chơi sa đọa của những cậu ấm cô chiêu, những quan tham sa vào vòng lao lý sau những phi vụ làm ăn nghìn tỷ. Thì nay, phim về đề tài gia đình không ngần ngại đi vào những góc khuất, những mâu thuẫn trong gia đình hiện đại như xung đột thế hệ, ngoại tình, bạo lực gia đình hay áp lực từ kỳ vọng của cha mẹ vào con cái...
Có thể kể tên một số bộ phim như Về nhà đi con, Hương vị tình thân, Thương ngày nắng về đã chứng minh sức hút mạnh mẽ của đề tài này khi khắc họa sinh động những câu chuyện gần gũi với thực tế. Gia đình - giờ đã không còn là những gia đình hoàn hảo, các nhân vật trong phim đối mặt với vô vàn thử thách và sai lầm và họ đối mặt với nó theo cách riêng của mình.
Đầu tiên là xung đột giữa mẹ chồng - nàng dâu, trong “Về nhà đi con”, bộ phim do Trung tâm Sản xuất phim truyền hình (VFC) sản xuất. Phim dài 85 tập từng được phát sóng khung giờ vàng phim Việt trên VTV1 từ đầu tháng 4/2019 và kết thúc vào giữa tháng 8/2019. Ngay khi xuất hiện, bộ phim đã tạo ấn tượng mạnh cho công chúng không chỉ bởi cốt truyện, cách diễn xuất của diễn viên mà còn bởi những thông điệp mà bộ phim mang lại, đó là cuộc sống dù có khó khăn thì gia đình và những giá trị yêu thương thuần khiết mà cha mẹ dành cho con cái trong ngôi nhà của bố mẹ luôn là mái ấm, là chốn đi về cho những đứa con của mình. Và trong ngôi nhà đó, mỗi thành viên đều có thể cảm nhận được sự yêu thương và thấu hiểu.
Đề cập đến một khía cạnh khác về gia đình Hoa sữa về trong gió xoay quanh gia đình bà Trúc (NSƯT Thanh Quý), một cán bộ đã về hưu. Bà có hai người con là Hiếu (NSƯT Bá Anh) và Thuận (Huyền Sâm). Chồng mất sớm, bà Trúc một mình nuôi dạy con cái. Hai người con của bà giờ đây đều đã khôn lớn và có cuộc sống riêng êm ấm. Tuy nhiên, mỗi gia đình nhỏ đều có những mâu thuẫn, khúc mắc khiến các thành viên dần trở nên xa cách. Vậy nên bà Trúc vẫn chưa thể yên lòng an hưởng tuổi già mà luôn suy nghĩ, lo lắng cho con cháu. Hoa sữa về trong gió tưởng như dịu nhẹ nhưng lại trở nên nồng nàn quá mức và gia đình ấm áp cũng không tránh khỏi những khi mâu thuẫn đến ngột ngạt. Tình yêu thương trong gia đình có thể tạo ra căng thẳng và áp lực vô hình. Với Hoa sữa về trong gió, đó là những khác biệt thế hệ khó khỏa lấp, là sự quan tâm thái quá hay cách thể hiện tình cảm sai hướng… Ở các gia đình có nhiều thế hệ chung sống, mâu thuẫn về quan niệm sống, cách nuôi dạy con cái hay phân chia trách nhiệm luôn là chủ đề được khai thác. Những tình tiết này giúp người xem tìm thấy sự đồng cảm và suy ngẫm về chính cuộc sống của mình.
Không chỉ phản ánh hiện thực cuộc sống, phim gia đình giờ vàng trên truyền hình còn gửi gắm những thông điệp nhân văn sâu sắc. Đó là bài học về sự bao dung, lòng vị tha và tình cảm gia đình thiêng liêng. Những bộ phim như Về nhà đi con không chỉ khiến khán giả rơi nước mắt vì những cảnh quay xúc động mà còn giúp nhiều người nhận ra giá trị của mái ấm.
Bên cạnh đó, phim giờ vàng cũng có tác động không nhỏ đến tư duy của xã hội. Những vấn đề được đặt ra trong phim đôi khi trở thành chủ đề bàn luận sôi nổi trên các diễn đàn, giúp khán giả có thêm góc nhìn mới về các mối quan hệ trong những gia đình hiện tại. Hơn nữa, nhiều bộ phim còn góp phần thay đổi định kiến cũ, cổ vũ sự bình đẳng và hiện đại hóa trong lối sống gia đình Việt Nam.
Đề tài gia đình trong phim Việt giờ vàng luôn có một sức hút đặc biệt nhờ sự chân thực, gần gũi và những giá trị nhân văn mà nó mang lại. Dù xã hội có đổi thay, tình cảm gia đình vẫn là điều thiêng liêng và đáng trân trọng nhất.
Trong những năm gần đây, điện ảnh Việt Nam chứng kiến sự phát triển mạnh mẽ của dòng phim gia đình với cách tiếp cận hiện đại hơn. Các bộ phim như Về nhà đi con (2019), Bố già (2021), Thưa mẹ con đi (2019) hay Cô gái đến từ hôm qua (2017) đều mang đến những góc nhìn mới lạ về gia đình, đề cập đến nhiều vấn đề nhức nhối như ly hôn, cha mẹ đơn thân, hôn nhân đồng giới và áp lực xã hội đối với gia đình.
Cách tiếp cận hiện đại
Một điểm đáng chú ý là sự thay đổi trong cách xây dựng nhân vật. Nếu như trước đây, nhân vật cha mẹ thường mang tính khuôn mẫu, thì nay họ được khắc họa với nhiều sắc thái hơn. Bố già là một ví dụ điển hình khi xây dựng nhân vật người cha có những điểm yếu, lỗi lầm nhưng vẫn đầy tình yêu thương dành cho con cái. Phim không chỉ khai thác tình cảm gia đình mà còn đề cập đến khoảng cách thế hệ, những áp lực của cuộc sống đô thị đối với mỗi thành viên trong gia đình.
Bên cạnh đó, những bộ phim như Thưa mẹ con đi cũng đặt ra câu hỏi về định nghĩa gia đình trong bối cảnh hiện đại. Không còn chỉ xoay quanh gia đình truyền thống, phim đã mở rộng định nghĩa gia đình bao gồm cả những cặp đôi đồng giới, những gia đình đơn thân hay những người không có quan hệ huyết thống nhưng vẫn xem nhau như gia đình. Đó là “Cha tôi, người ở lại” của đạo diễn Vũ Trường Khoa xoay quanh cuộc sống của gia đình đặc biệt. Hai ông bố nuôi dưỡng hai con trai, một con gái không cùng huyết thống. Dù là bộ phim được mua bản quyền từ Hàn Quốc, làm lại từ tác phẩm nổi tiếng "Lấy danh nghĩa người nhà", Cha tôi, người ở lại vẫn đậm hồn Việt, dung dị, nhẹ nhàng. Đây là yếu tố giúp bộ phim thành công, chiếm được trọn vẹn tình cảm của khán giả.
Với sự thay đổi của xã hội, phim về đề tài gia đình ngày càng trở nên đa dạng hơn về nội dung và hình thức thể hiện. Ở Lật mặt 8: Vòng tay nắng, của đạo diễn Lý Hải vừa được ra mắt cũng là một thông điệp về gia đình. Khác với "Lật mặt 7", Lật mặt 8: Vòng tay nắng xoáy sâu vào mối quan hệ cha con. Phim cho thấy sự bất lực của người cha khi không thể lo cho gia đình tốt hơn, sự hạn hẹp hiểu biết cùng nhiều lo toan khiến ông không biết làm gì ngoài cấm đoán những lựa chọn mới lạ của con cái.
Mối quan hệ gia đình, những xung đột thế hệ được khai thác một cách triệt để trên màn ảnh đã đem đến cho công chúng yêu điện ảnh những bữa tiệc nghệ thuật đậm chất đời, chất nghệ thuật, không chỉ mang thông điệp giáo dục mà còn trở thành sản phẩm giải trí hấp dẫn. Theo nhà sản xuất phim Nguyễn Cao Tùng, người Việt Nam sống và lớn lên trong sự suy nghĩ cảm nhận về ảnh hưởng, tác động của gia đình xã hội nhiều hơn là đặt cái tôi cá nhân làm chủ thể. Do đó chủ đề này sẽ còn sức hút khá lâu dài với khán giả xem phim, ít nhất là 10 - 20 năm nữa. Còn đạo diễn, NSND Khải Hưng từng chia sẻ, phim về đề tài gia đình nó lôi cuốn bởi vì từ trí thức văn phòng, doanh nhân tự do, anh công nhân, bác nông dân đều cảm thấy thích thú với những bộ phim phản ánh các vấn đề trong cuộc sống gia đình và xã hội. Bởi thế, bên cạnh nhiều đề tài giải trí thì đề tài gia đình vẫn có sự hấp dẫn lôi cuốn đặc biệt. Theo thống kê của Kantar Media Vietnam năm 2024, phim về đề tài gia đình đều là những bộ phim có tỉ suất người xem (rating) đạt trên 3%, chưa kể lượng truy cập thông tin trên các nền tảng mạng xã hội cũng lên đến con số khủng.
Như vậy có thể thấy, phim Việt về đề tài gia đình đã thực sự kéo khán giả trở lại với phim Việt. Điều này cho thấy, chủ đề gia đình chưa bao giờ cũ và cũng không cần phải chiêu trò để hút khán giả. Bởi đề tài gia đình đã thực sự chạm đến trái tim của mỗi cá nhân. Gia đình, ở đó có sự gắn kết, chia sẻ của mỗi thành viên.
Tuy nhiên để có những bộ phim hấp dẫn hơn về đề tài gia đình, các nhà làm phim cho rằng, cần có góc nhìn mới và cách tiếp cận mới, hay nói đúng hơn là thoát khỏi những lối mòn trong khai thác chủ đề xung đột như: tình tay ba, sự ăn chơi sa đọa của con nhà giàu, đồng tính... để cho ra đời những bộ phim gia đình mang thông điệp nhân văn đằng sau, chứ không thể chỉ là tác phẩm “đậm chất drama” nhưng lại yếu khâu truyền tải bài học nhân văn tới cho khán giả.
Đây cũng là mong mỏi của công chúng yêu điện ảnh và họ có quyền đòi hỏi về những bộ phim có thể khiến họ thổn thức theo cảm xúc của từng nhân vật. Và hơn cả, khi bộ phim kết thúc, người xem vẫn còn cảm thấy luyến tiếc, để rồi tự nhủ với lòng mình phải yêu thương, trân trọng hơn gia đình của mình, có lẽ với họ thế là đủ.
Quỳnh Hoa
0 đã tặng
Hãy liên hệ với chúng tôi qua số điện thoại: 0988827920 (Ngô Ngọc Luận), nếu bạn có nhu cầu thưởng thức những ấn phẩm của Văn nghệ Thái Nguyên.
Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...