“Đánh thức” hoạt hình Việt
Năm 2024, lần đầu tiên Việt Nam tổ chức Liên hoan phim hoạt hình Dòng khát vọng. Với 20 sự kiện được tổ chức trong tháng 11, đây không chỉ là cơ hội đánh thức hoạt hình Việt mà còn là dịp để người dân được tham quan về dòng chảy lịch sử của hoạt hình Việt, tìm hiểu về các công nghệ và xu hướng phát triển của hoạt hình trên thế giới
Liên hoan phim diễn ra tại Hà Nội và TP Hồ Chí Minh với nhiều sự kiện như: chợ dự án; tour tham quan tìm hiểu dòng chảy hoạt hình Việt Nam; tuần lễ chiếu phim hoạt hình Việt - Pháp miễn phí; chuỗi toạ đàm - hội thảo song hành; lễ ra mắt doanh nghiệp và lễ công bố 4 dự án sản xuất phim hoạt hình chiếu rạp “Make in Vietnam”...
Một hoạt động đáng chú ý là Giải thưởng Khát vọng hoạt hình nhằm tôn vinh những tài năng xuất sắc và tìm kiếm, khai phá tiềm năng mới trong lĩnh vực này. Từ hơn 100 dự án, Ban tổ chức đã chọn ra 30 tác phẩm đề cử vào vòng chung khảo, trong đó 9 dự án có cơ hội thuyết trình trước Ban giám khảo tại vòng chung kết diễn ra cuối tháng 11. Những sự kiện nói trên đã góp phần khẳng định hoạt hình Việt đang trên đường khẳng định mình.
Những khó khăn và thách thức
Kể từ bộ phim nhưa Đáng đời thằng Cáo là bộ phim hoạt hình đầu tiên của Việt Nam sản xuất và chính thức ra mắt khán giả vào năm 1960, kể từ đó đến nay, hoạt hình Việt Nam đã có thêm nhiều phim mới và trở thành một phần quan trọng của nền văn hóa giải trí và giáo dục, không chỉ dành cho trẻ em mà còn cho mọi đối tượng khán giả. Đặc biệt, trong vài năm trở lại đây, ngành phim hoạt hình Việt Nam đang từng bước phát triển, nhưng để thực sự vươn xa và đạt được thành công lớn, các nhà làm phim vẫn phải đối mặt với nhiều khó khăn và thách thức. Theo ông Tạ Mạnh Hoàng, Tổng giám đốc Tập đoàn Sconnect: “Quá trình sản xuất phim hoạt hình đòi hỏi thời gian dài và chi phí lớn, đặc biệt là đối với các dự án có tầm cỡ và chất lượng cao. Tạo ra một bộ phim hoạt hình là một chuỗi các công đoạn công phu từ xây dựng kịch bản, thiết kế nhân vật, diễn xuất lồng tiếng cho đến hậu kỳ, tất cả đều yêu cầu sự đầu tư kỹ lưỡng về tài lực và nhân lực”.
Còn đạo diễn, NSƯT Trịnh Lâm Tùng, nhà sáng lập, CEO của Alpha Animation Studio lại phân tích: “Rất khó kêu gọi vốn đầu tư cho một phim hoạt hình chiếu rạp kể cả vốn nhà nước hay tư nhân. Quy trình sản xuất phim chiếu rạp cũng có nhiều vấn đề không thể hoàn thiện một sớm một chiều. Bên cạnh đó nguồn nhân lực cho ngành dù những năm gần đây khá dồi dào nhưng nhân sự chất lượng cao thì vẫn chưa đủ và chưa đáp ứng được nhu cầu cần có của một dự án lớn. Cuối cùng, là niềm tin của khán giả vào hoạt hình Việt ít nhiều vẫn chưa thỏa mãn. Vậy nên vòng luẩn quẩn này luôn là bài toán khó giải qua nhiều thế hệ… Nếu nhìn một cách tích cực thì bài toán này đã và đang được giải một cách mạnh mẽ, sẽ quyết liệt trong thời gian tới”.
Một trong những khó khăn lớn nhất mà phim hoạt hình Việt Nam phải đối mặt là thiếu kinh phí đầu tư. Việc sản xuất một bộ phim hoạt hình chất lượng cao đòi hỏi chi phí lớn, từ xây dựng kịch bản, tạo hình nhân vật, kỹ xảo đến hậu kỳ. Tuy nhiên, ngành công nghiệp hoạt hình trong nước vẫn chưa được đầu tư tương xứng, dẫn đến chất lượng hình ảnh và nội dung chưa thể so sánh với các nước phát triển.
Thêm vào đó, nguồn nhân lực chuyên môn trong ngành hoạt hình còn hạn chế. Việt Nam chưa có nhiều trường đào tạo chuyên sâu về kỹ thuật hoạt hình, dẫn đến tình trạng thiếu hụt nhân tài, nhất là trong lĩnh vực hoạt hình 3D hiện đại.
Rút ngắn khoảng cách giữa Việt Nam và thế giới
Ra mắt năm 1960, đoạt Bông sen vàng tại Liên hoan Phim Việt Nam lần hai vào năm 1970 Đáng đời thằng Cáo phim hoạt hình Việt Nam đã định vị thương hiệu trong đời sống nghệ thuật trong nước, từ đó đến nay hoạt hình Việt đã có những bước tiến đáng kể. Tuy nhiên để có thể bước ra biển lớn, hoạt hình Việt cần nỗ lực vượt qua chính mình.
Theo TS Ngô Phương Lan, Chủ tịch Hiệp hội Xúc tiến phát triển điện ảnh Việt Nam (VFDA), để lôi kéo các công ty phim hoạt hình cùng vào guồng quay, cùng tham gia vào công nghiệp hoạt hình, công nghiệp điện ảnh, công nghiệp văn hóa là rất cần thiết. Còn theo PGS, TS Bùi Hoài Sơn, Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội cho rằng, để phát triển phim hoạt hình điều quan trọng là xây dựng những con người sáng tạo. Từ đó xây dựng hệ sinh thái sáng tạo trong cả nước.
Thực tế cho thấy, đến thời điểm hiện tại hoạt hình Việt Nam vẫn chỉ dừng lại ở những bộ phim ngắn, 10-15 phút, rất ít những bộ phim 30 phút. Tuy nhiên, chỉ dừng lại ở phim ngắn thì khả năng ra rạp, chinh phục khán giả là rất khó, bởi không ai chỉ bỏ tiền vào rạp chỉ để xem những bộ phim ngắn. Chưa kể, nội dung của phim hoạt hình Việt Nam hiện tại thường tập trung vào các câu chuyện cổ tích, truyền thống văn hóa hoặc các bài học giáo dục. Mặc dù đây là những giá trị tốt đẹp, nhưng thiếu sự đổi mới và sáng tạo có thể làm giảm sức hấp dẫn đối với khán giả trẻ, những người đã quen thuộc với các câu chuyện đa dạng, giàu trí tưởng tượng từ phim hoạt hình quốc tế.
Việc thiếu những câu chuyện độc đáo, gắn kết với bối cảnh hiện đại và tâm lý của khán giả cũng là một hạn chế cần khắc phục. Theo bà Lý Phương Dung, Phó cục trưởng Cục Điện ảnh (Bộ Văn hóa-Thể thao và Du lịch), “Điện ảnh Việt Nam chưa có nhiều phim hoạt hình dài, nhất là phim 90 phút đủ để chiếu rạp. Để làm được phim dài cần nhiều yếu tố như: Kịch bản, trang thiết bị, nhân lực... đó là một sự kết hợp nhiều nguồn lực”.
Phim hoạt hình đòi hỏi các công nghệ tiên tiến để tạo ra những sản phẩm sống động và đẹp mắt. Tuy nhiên, công nghệ làm phim hoạt hình tại Việt Nam vẫn chưa đạt đến mức tiên tiến, đặc biệt là trong lĩnh vực CGI (hiệu ứng hình ảnh máy tính) và hoạt hình 3D. Điều này khiến các sản phẩm hoạt hình trong nước thường bị đánh giá là “thô sơ” hoặc chưa đủ tinh xảo.
Một bộ phim hay, không chỉ dựa vào chất lượng sản xuất mà còn cần có chiến lược quảng bá và phân phối tốt. Nhiều bộ phim hoạt hình Việt Nam không được biết đến rộng rãi vì thiếu các chiến dịch marketing bài bản, hoặc chỉ giới hạn ở các kênh truyền hình trong nước mà chưa khai thác được thị trường quốc tế.
Để vượt qua những thách thức này, ngành hoạt hình Việt Nam đã có những nỗ lực lớn. Đáng chú ý, phim hoạt hình Giấc mơ gỏi cuốn của đạo diễn trẻ Mai Vũ (Việt Nam) đã vượt qua 1.512 ứng viên để đoạt giải ở hạng mục La Cinéf (Tìm kiếm tài năng mới) tại Liên hoan phim (LHP) Cannes 2022, đã khẳng định tiềm năng phát triển của phim hoạt hình Việt Nam.
Giấc mơ gỏi cuốn (Spring Roll Dream), bộ phim hoạt hình dài 9 phút, xoay quanh một gia đình người Việt tại Mỹ. Đạo diễn đặt tác phẩm trong bối cảnh khác biệt văn hóa phương Tây và phương Đông. Ở đó người trẻ muốn xây dựng tính cách riêng biệt, còn người già khó khăn trong việc hòa nhập với thế giới mới. Bộ phim sử dụng kỹ thuật stop-emotion (hoạt hình tĩnh vật). Đây là kỹ thuật phim dựa trên các nhân vật được xây dựng bằng việc ghép chuỗi động tác với nhau, liên tục, giúp người xem cảm giác các nhân vật như đang chuyển động. Khi được hỏi về việc tại sao lại chọn đề tài này, đạo diễn Mai Vũ cho hay: “Thông qua bộ phim để kể câu chuyện văn hóa, ẩm thực Việt Nam tới bạn bè quốc tế”. Từ nội dung đến đề tài khai thác đều cho thấy yếu tố văn hóa, sự kết hợp các giá trị truyền thống đã làm nên sự độc đáo của phim hoạt hình Việt Nam.
Sau “Giấc mơ gỏi cuốn”, hoạt hình Việt Nam cũng có nhiều phim chinh chiến đấu trường quốc tế, nhưng những nỗ lực trong hợp tác, tìm kiếm cơ hội của các nhà làm phim hoạt hình Việt vẫn không dừng lại. Để sánh ngang với những nước có nền tảng làm phim hoạt hình vững chắc, theo ông Đặng Hải Quang, khâu cốt lõi là nguồn nhân lực; thứ hai là tư duy về đường hướng phát triển của phim hoạt hình Việt; thứ ba là chính các xưởng phim tư nhân phải nỗ lực hòa nhập với quốc tế.
Chính vì vậy, để phim Việt có thể bước ra thế giới, cần sự hỗ trợ mạnh mẽ từ nhà nước và các doanh nghiệp tư nhân để phát triển ngành công nghiệp hoạt hình. Thành lập các cơ sở đào tạo chuyên sâu về hoạt hình, hợp tác với các tổ chức quốc tế để trao đổi kinh nghiệm. Khuyến khích các nhà làm phim sáng tạo hơn, kể những câu chuyện mới lạ, phản ánh đời sống hiện đại và các vấn đề xã hội. Đầu tư vào công nghệ tiên tiến, học hỏi các quy trình sản xuất hiện đại từ các nước phát triển. Mở rộng quảng bá phim hoạt hình Việt Nam không chỉ trong nước mà còn ra thị trường quốc tế, tận dụng các nền tảng trực tuyến như YouTube, Netflix, hoặc Disney+.
Phim hoạt hình Việt Nam tuy còn non trẻ, nhưng với tiềm năng và sự nỗ lực từ cộng đồng làm phim, tương lai vẫn rất sáng sủa. Những câu chuyện mang đậm dấu ấn Việt có thể vươn ra thế giới, góp phần quảng bá văn hóa và tài năng Việt Nam trên bản đồ quốc tế.
Theo Hiệp hội Xúc tiến phát triển điện ảnh Việt Nam trong 10 năm trở lại đây, phim hoạt hình Việt đã có những bước khởi sắc với gần 800 tác phẩm ra đời, quy mô sản xuất 25 – 30 phim/năm, mỗi phim dao động dưới 30 phút chiếu. Phim hoạt hình Việt đã đóng góp 10 – 15% doanh thu cho toàn ngành điện ảnh. Năm 2023, Wolfoo và hòn đảo kỳ bí chiếu rạp đạt 5 tỉ đồng, lọt vào top 3 doanh thu phòng vé tại thời điểm đó, đánh dấu phim hoạt hình Việt đầu tiên chiếu rạp. Dự án Wolfoo còn phát hành hơn 4.000 tập trên các nền tảng mạng xã hội, trung bình mỗi tháng đem về hơn 4 tỉ lượt xem.
Hà An
0 đã tặng
Hãy liên hệ với chúng tôi qua số điện thoại: 0988827920 (Ngô Ngọc Luận), nếu bạn có nhu cầu thưởng thức những ấn phẩm của Văn nghệ Thái Nguyên.
Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...